42/43 học sinh đạt loại giỏi: Bệnh thành tích ngày càng trầm trọng!
Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long): Việc dạy và học ở một số bộ phận nhà trường, một số thầy cô vẫn có biểu hiện chạy theo thành tích
Vừa qua, một phụ huynh ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã đăng tải lên mạng xã hội thành tích học tập của một lớp tại trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP Vũng Tàu), với thành tích 42/43 học sinh đạt loại giỏi trong đó có cháu ruột mình đang học lớp 6. Vị phụ huynh này hoài nghi thành tích của chính cháu ruột mình, bởi với khả năng và sức học của cháu không thể đạt thành tích cao được.
Bệnh thành tích ăn sâu vào trong nhận thức
Trước sự việc này, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, nếu căn cứ vào một vụ việc cụ thể đó, thì đây là một việc không bình thường. Bởi, nếu là một lớp bình thường, không phải là lớp chọn thì rõ ràng là học lực của học sinh trong lớp là khác nhau và kết quả nó sẽ phải phân bố ở các phổ khác nhau, xếp loại khác nhau ứng với học lực của học sinh. Do vậy, phần lớn học sinh trong một lớp đều được công nhận là học sinh giỏi thì rõ ràng là bất bình thường.
Đại biểu Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long).
“Từ vụ việc cụ thể đó, có thể nói, việc dạy và học trong ngành giáo dục ở một số bộ phận nhà trường, một số thầy cô vẫn có biểu hiện chạy theo thành tích, nặng về việc dạy theo kiểu đánh giá cho điểm chứ chưa chú trọng đến kết quả thực chất của quá trình dạy và học”- đại biểu Phạm Tất Thắng cho biết.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, căn bệnh thành tích từ lâu đã ăn sâu vào trong nhận thức, suy nghĩ của những nhà quản lý, của thầy cô giáo. Đồng thời đây cũng là áp lực đối với mỗi giáo viên khi họ đến lớp, làm chủ nhiệm. Trước thực trạng này, đòi hỏi ngành giáo dục phải hết sức quan tâm, tránh để các em tự hão huyền về thành tích của mình.
Video đang HOT
Bởi nếu các em tự tin một cách thái quá, thành tích học tập của các em được công nhận một cách quá dễ dàng sẽ khiến các em có tâm lý quá tự hào về bản thân. Như vậy, nguy cơ sau này các em sẽ có những lệch chuẩn trong tương lại. “Phát triển con người là cả một quá trình rất dài, không chỉ của ngành giáo dục. Tôi cho rằng, đây cũng là một phần lỗi của phụ huynh học sinh. Cả cộng đồng xã hội phải có trách nhiệm từ gia đình, nhà trường, cộng đồng cùng với các nhà lập pháp, hoạt động chính sách cần ngồi lại với nhau, bàn sâu về công tác giáo dục thì mới đạt hiệu quả”- đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho biết.
Vừa qua, thảo luận về một một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, ông rất tiếc là cuộc vận động “hai không” của ngành giáo dục (Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục) một thời đã làm giờ lại không thực hiện được.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình).
“Nếu cứ tiếp tục tình trạng kéo dài thế này thì không biết tương lai con em chúng ta sẽ như thế nào. Nếu con em chúng ta nhận thức, ảo tưởng về bản thân mình với chính sách giáo dục của nước ta hiện nay, đánh giá, xếp loại, chuyển lớp, chuyển cấp như vậy thì sẽ như thế nào”- đại biểu Bùi Văn Phương băn khoăn.
Được biết, trước thông tin được đăng tải trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận, sáng 23/5, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có buổi làm việc với phòng GD-ĐT Vũng Tàu về việc 42/43 học sinh trong 1 lớp đạt loại giỏi. Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở sẽ chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vũng Tàu, làm việc với hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình về nội dung thông tin 42/43 học sinh đạt loại giỏi được đăng tải trên mạng xã hội để giải thích cho dư luận hiểu rõ về thành tích học tập tại lớp học này.
Theo VOV
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lại khẳng định 'sẽ sửa sai'
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng Giáo dục khi thường xuyên nêu quan điểm "kiên quyết sửa sai", nhưng "tiếp tục sai".
Chiều 30/10, chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Phú Yên) đánh giá dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh sinh viên có nội dung gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục.
"Nhiều cử tri nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy giáo dục hiện nay. Xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình khi thường xuyên nêu quan điểm sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm, song rồi tiếp tục sai. Giải pháp nào để duy trì sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay", bà Hiền chất vấn.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền. Ảnh: QH
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) cho rằng, quy định như dự thảo về việc xử phạt sinh viên "bán hoa" 4 lần là không phù hợp vì giáo dục là môi trường rất đặc biệt. Hơn nữa, trong môi trường sư phạm thì người có hành vi "bán hoa" không đủ tư cách làm giáo viên trong tương lai.
Ông Thắng cho rằng, đây không phải lần đầu tiên một dự thảo nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, không nên yêu cầu Bộ trưởng phải biết tất cả công việc của Bộ. "Đây là văn bản dự thảo, bộ trưởng có thể ủy quyền cấp nào đó xem xét trước khi công bố. Tất nhiên, trong ngành có vấn đề gì thì trách nhiệm cuối cùng là người đứng đầu, nhưng trách nhiệm đó tùy theo tính chất công việc, theo phân công ủy quyền của Bộ", ông Thắng thông tin.
"Không nên vì một sự kiện mà đánh giá kết quả của một bộ ngành, tuy nhiên việc ban hành một văn bản quản lý mà có những sai sót là không nên", ông Thắng nói.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho hay mại dâm là vấn đề nhạy cảm, từng có quan điểm có nên công nhận mại dâm không, nhưng đến nay vẫn còn nhiều ý kiến. "Tôi cho rằng với vấn đề sinh viên hoạt động mại dâm thì không nên đến 4 lần mới xử lý buộc thôi học mà cần xử lý nghiêm ngay", ông Quốc nói và cho rằng nếu không thì thậm chí có tác dụng ngược lại là "khuyến khích".
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều 26/10. Ảnh: Gia Hân
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho biết đã nắm được ý kiến nêu sự bất cập của dự thảo thông tư trên. "Quan điểm của Bộ là sai phải sửa và kiên quyết sửa", ông Nhạ nói và khẳng định sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm của ban soạn thảo và cá nhân có liên quan.
Trước đó chiều 26/10, giải trình trước Quốc hội về kỳ thi THPT quốc gia 2018 với hàng loạt gian lận tại các địa phương Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân sai phạm. "Tinh thần sai là sửa và sửa nghiêm theo quy chế. Cá nhân tôi phản đối và kiên quyết chống tiêu cực", ông Nhạ nói.
Trong 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn được lấy phiếu tín nhiệm ngày 24/10, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận được phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất - 137; 140 phiếu tín nhiệm cao, 194 phiếu tín nhiệm.
Ngày 29/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy, để lấy ý kiến đến ngày 26/11. Dự thảo quy định nhiều nội dung, trong đó có đề xuất kỷ luật khiển trách nếu sinh viên vi phạm lần một, cảnh cáo nếu vi phạm lần hai, đình chỉ có thời hạn trong lần ba và buộc thôi học nếu tái diễn lần bốn...
Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Nghĩa sau đó cho biết, quy định về xử lý kỷ luật sinh viên liên quan đến hoạt động mại dâm trong dự thảo là bị lỗi soạn thảo, chưa cập nhật bản phù hợp nhất.
Trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngay sau đó gỡ dự thảo.
Võ Hải - Hoàng Thùy
Theo VNE
"Tôi kinh ngạc khi thấy con thi được 10 điểm" Đây là tâm sự của một phụ huynh có con đang học tại một trường tiểu học quốc tế ở TP.HCM. Ảnh minh họa Nguyên năm lớp 1, mình chưa bao giờ dạy cho con học chữ nào. Con đi học về tôi chỉ hỏi hôm nay cô có cho bài về viết không? Nếu có thì ăn xong viết, không viết thì...