40 năm truyền lửa văn chương
Ngày 12/4, những gương mặt già trẻ của các thế hệ cựu sinh viên tay bắt mặt mừng trong ngày hội Khoa Văn học và Ngôn ngữ tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. 40 năm ngày đất nước trọn niềm vui cũng là 40 năm Khoa Văn học và Ngôn ngữ ra đời và phát triển. Thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước gieo tình yêu văn chương…
Năm 1975, Tổ bộ môn Ngữ văn Việt Nam được xây dựng từ nền tảng Ban Văn chương Việt Nam và Ban Hán văn của Đại học Văn khoa (thuộc Viện Đại học Sài Gòn).
Với sự tăng cường giảng viên từ Hà Nội, Tổ bộ môn này đã khai giảng lớp Ngữ văn bổ túc cho các sinh viên ngành văn học, ngôn ngữ, báo chí đang học dở dang. Từ đó, Tổ bộ môn Ngữ Văn Việt Nam được nâng thành Khoa Ngữ văn Việt Nam rồi lần lượt đổi tên thành Khoa Ngữ văn, Khoa Ngữ văn và Báo chí, Khoa Văn học và Ngôn ngữ.
Từ năm 1975 đến nay, đã có hơn 100 giảng viên công tác tại Khoa, trong đó có nhiều giáo sư, phó giáo sư tên tuổi, là người thầy khả kính của nhiều thế hệ sinh viên như: Mai Cao Chương, Chu Xuân Diên, Hoàng Như Mai, Trần Chút, Trần Trọng San, Bửu Cầm, Huỳnh Như Phương…
Video đang HOT
PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đánh giá: “Khoa Văn học và Ngôn ngữ là một trong những khoa được hình thành sớm nhất của trường, có số lượng giảng viên hùng hậu, quy mô đào tạo lớn và có nhiều truyền thống vẻ vang. Hiện nay, Khoa Văn học và Ngôn ngữ tiếp tục là một trong những khoa vững mạnh, góp phần tạo nên uy tín của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh trong lĩnh vực đào tạo ngành xã hội – nhân văn khu vực phía Nam. Hằng năm, có khoảng 300 cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp có trình độ chuyên môn cao”.
Qua bốn thập kỷ, Khoa không ngừng thay đổi và nâng cấp chương trình giảng dạy, nâng cao nghiên cứu khoa học cho sinh viên, hợp tác mở rộng với các trường quốc tế…
Không chỉ phát triển chuyên môn riêng biệt với các bộ môn như Văn học Việt Nam, Lý luận và phê bình văn học, văn hóa dân gian, Văn học nước ngoài và văn học so sánh, Ngôn ngữ học, Hán Nôm, Nghệ thuật học, Khoa còn đóng vai trò nền tảng cho những chuyên ngành đào tạo mới như: Khoa Báo chí – Truyền thông, Khoa Ngữ văn Trung Quốc…
PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ cho biết: “Trong suốt 40 năm qua, Khoa đã đào tạo hơn 11.000 sinh viên các hệ. Nhiều gương mặt cựu sinh viên nổi bật, đóng góp tâm sức và trí tuệ trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, kinh doanh, truyền thông, điện ảnh…
Đặc biệt, ngoài các cựu sinh viên trở thành những nhà giáo, nhà nghiên cứu uy tín ở các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trên cả nước thì niềm tự hào lớn nhất của Khoa là có không ít các sinh viên đóng góp tích cực vào đời sống sáng tác văn học nước nhà.
PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ tặng hoa và kỷ niệm chương cho các cựu giảng viên của Khoa.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 100 nhà thơ và 50 nhà văn trên cả nước xuất thân từ Khoa. Tiêu biểu có các nhà thơ như: Nam Bình, Ngô Trọng Bình, Lê Minh Quốc, Trương Nam Hương, Phan Hoàng, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ngô Thị Hạnh…
Về các nhà văn, có: Huỳnh Dũng Nhân, Bích Ngân, Nguyễn Xuân Châu, Nguyễn Hồng Lam, Trần Nhã Thụy… Họ đã để lại cho đời những tác phẩm văn học giá trị.
Về họp mặt trong ngày hội khoa là những trí thức mái đầu đã bạc trắng thời gian. Đó là các cựu sinh viên thuộc những khóa đầu tiên của Khoa. Họ cùng trò chuyện, trao đổi những tác phẩm văn chương với các sinh viên trẻ thân mật, vui vẻ như không còn khoảng cách thế hệ. Nhiều gian hàng trưng bày các tác phẩm thơ văn của các nhà thơ, nhà văn từng là cựu sinh viên Khoa.
Cũng tại ngày hội khoa, năm ấn phẩm lần đầu ra mắt công chúng gồm: “Kỷ yếu 40 năm – dấu ấn những thế hệ”, “Tuyển tập những vấn đề Ngữ văn”, “Mấy vấn đề văn học cổ điển Việt Nam”, Chuyên san tạp chí “Nghiên cứu văn học” và “Ngôn ngữ và đời sống”.
Trong đó, gây chú ý hơn cả là “Kỷ yếu 40 năm – dấu ấn những thế hệ”. Kỷ yếu không chỉ có danh sách và hình ảnh thầy cô, sinh viên các khóa, mà còn có những bài thơ, khúc nhạc, cảm tưởng đầy xúc động về những năm tháng dưới giảng đường của cựu sinh viên già trẻ.
Phát biểu tại ngày hội khoa, GS.TS Huỳnh Như Phương, nguyên Trưởng khoa, nhấn mạnh: “Văn học là nhân học. Học ngữ văn cũng là học cách làm người, xây dựng lý tưởng, thẩm mỹ tình cảm cho con người. Đó là điều mà khoa chúng tôi tự hào. Các thế hệ sinh viên của khoa dù ẩn mình giữa cuộc sống đời thường hay trở thành những tên tuổi nổi tiếng thì họ luôn là những con người đẹp về nhân cách, tâm hồn và mang hàng trang đó vào sự nghiệp của mình”.
Theo cnnd.com.vn