“4 Yên” vẫn… náo loạn
Vùng đất “ 4 Yên” (4 xã Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa và Yên Thắng) của huyện vùng cao Tương Dương, tỉnh Nghệ An đang ngày đêm náo loạn bởi các đội quân đào đãi vàng. Họ lật tung các khe suối, những sườn đồi, san phẳng nhiều ngọn núi…
Khi đặt tên cho 4 xã bắt đầu bằng chữ “Yên”, hẳn người xưa đã gửi gắm hy vọng về sự bình yên cho người dân ở vùng đất này. Vậy mà 5-7 năm trở lại đây, cuộc sống vùng “4 Yên” không một ngày bình yên.
Người dân sẽ làm gì khi ruộng đất, khe suối bị đào bới tan hoang?
Khoét núi, moi suối tìm vàng
Ông Mộng Văn Hoàn – bản Xiềng Líp, xã Yên Hòa, bức xúc phản ánh với chúng tôi: “Bình yên sao được khi có tới hàng trăm chiếc máy khai thác vàng ngày đêm nổ đinh tai, nhức óc. Bình yên sao được khi khe suối bị băm nát và nhuộm một màu đỏ quạch. Và không thể bình yên khi bao hiểm họa đang rập rình…”.
Đúng như lời ông Hoàn, chúng tôi nhận thấy những sông suối lớn nhỏ nơi đây như sông Huổi Nguyên, khe Chà Hạ, khe Líp, khe Chon… giờ đây đều chung một màu ngầu đục bởi tình trạng khai thác vàng sa khoáng ở tầm “đại quy mô”.
Thêm vào đó là các loại máy móc thường xuyên thải dầu xuống dòng nước, thủy ngân dùng để xử lý quặng vàng cũng được thải ra các khe suối làm cho ô nhiễm nguồn nước càng trở nên nghiêm trọng.
Ông Vi Văn Tùng (bản Pa Ty, xã Yên Tĩnh) cho biết: “Thời gian đầu, trâu bò trong bản có hiện tượng trướng bụng rồi chết mà không ai biết rõ nguyên nhân. Tìm hiểu mới hay là do chúng uống nước khe Chà Hạ, nơi có dòng nước đục quánh và nổi đầy váng dầu”.
Khe suối bị đào xới tan hoang gây ô nhiễm nặng. Nhiều nơi hệ thống đường ống dẫn nước tự chảy bị “ vàng tặc” phá hoại khiến các bản làng vùng “4 Yên” thiếu nước sinh hoạt. Tuy nằm giữa hệ thống sông suối chằng chịt nhưng người dân nơi đây phải chắt chiu từng can nước sạch.
“Cơn lốc” tìm kiếm, đào đãi vàng ở vùng “4 Yên” đã kéo hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tứ xứ về đây. Nhiều người dân bản địa thấy vậy cũng chung tiền mua máy nổ và “vòi rồng” để tranh giành với cánh “vàng tặc”.
Rập rình hiểm họa
Video đang HOT
Cách đây 5 năm, có dịp đi qua các xã Yên Na và Yên Hòa, dễ dàng bắt gặp những thửa ruộng xanh mướt nằm dọc đôi bờ khe Chà Hạ. Những thửa ruộng đã giúp người dân nơi đây ổn định cuộc sống. Vậy mà giờ đây nó đã trở thành những bãi sỏi khổng lồ, ngổn ngang bề bộn.
Cụ Lương Văn Tuyền (bản Bón, xã Yên Na) lo âu: “Không biết ai được hưởng lợi trong việc khai thác vàng, còn dân bản phải nhận về sự mất mát. Mất mát lớn nhất là ruộng đất màu mỡ đã bị xới tung. Không biết rồi đây chúng tôi sẽ cày cuốc ở đâu?”.
Việc khai thác vàng sa khoáng bất chấp những quy định của pháp luật chắc chắn sẽ để lại nhiều hệ lụy lâu dài. Và những tai họa lớn đang treo lơ lửng ở vùng “4 Yên” chính là nguy cơ sạt lở và lũ quét. Nhiều gia đình cư trú dọc các khe suối đã bị các loại máy xúc, máy ủi khai thác vàng tiến sát đến tận móng nhà. Việc bạt núi, xới tung các sông suối làm biến đổi dòng chảy và sạt lở đất chính là “điều kiện lý tưởng” để hình thành các trận lũ quét.
Mải mê cuốn theo “cơn lốc vàng”, không ít người đã bỏ quên nương rẫy. Không ít người dân ở 4 xã đã sa vào các loại tệ nạn ma túy, rượu chè, cờ bạc, mại dâm…
Điển hình là trận lũ quét cuối tháng 5.2009 khiến 5 người dân xã Yên Tĩnh bị thiệt mạng, hàng trăm ngôi nhà bị sập hoặc bị cuốn trôi, hàng trăm ha lúa và hoa màu bị nước nhấn chìm, gia súc gia cầm bị trôi theo nước lũ… Mới đây nhất, trận lũ quét cuối tháng 6.2011 đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người dân vùng đất “4 Yên”.
Chúng tôi nhớ tới lời của cụ Tuyền ở bản Bón: “Sự “nổi giận” của núi rừng và sông suối là hết sức ghê gớm, sẽ không lường trước được điều gì”. Mặc dù chính quyền tỉnh, huyện, xã đã nhiều lần vào cuộc ngăn chặn, xua đuổi “vàng tặc”, nhưng lực lượng chức năng rút đi thì “vàng tặc” lại đến. Vậy là “cơn lốc vàng” vẫn nổi, và “4 Yên” vẫn chưa thể bình yên…
Theo Dân Việt
Tất cả vì... vàng
Từ những năm 1980 đến nay, tình trạng khai thác vàng trái phép gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, môi trường, thiên nhiên vẫn diễn ra thường xuyên ở tỉnh Bắc Cạn.
Cũng vì thế, thủ đoạn của "vàng tặc" ngày một tinh vi, mức độ vi phạm ngày càng trở nên phổ biến. Cơ quan quản lý bất lực và không hiểu vì sao lại như vậy?
Tình trạng khai thác vàng trái phép xảy ra phổ biến ở 2 huyện Ngân Sơn và Na Rì (Bắc Cạn).
Ngủ ngày cày đêm
Trong những ngày đầu tháng 11, chúng tôi có mặt tại xã Thuần Mang (Ngân Sơn), Lương Thượng, Lương Thành, Lạng San, Kim Hỷ (Na Rì) đâu cũng thấy cảnh máy nổ, máy xúc, giàn tuyển với sự hỗ trợ của người dân ra sức khai thác vàng trái phép tàn phá môi trường và thiên nhiên. Hành động này của họ đã góp phần vào việc gây thất thoát một nguồn tài nguyên lớn của quốc gia.
Cách trung tâm xã Thuần Mang khoảng 2km có rất nhiều điểm khai thác vàng trái phép, nhiều diện tích đất nông nghiệp đã biến thành những bãi vàng ngổn ngang đất đá. Nhiều máy nổ, hệ thống sàng tuyển vàng được cất giấu ven suối và triền đồi, từ tỉnh lộ 279 có những con đường nhánh với dấu vết của những chiếc máy xúc vừa đi qua. Chỉ có điều là không có sự xuất hiện của con người. Qua tìm hiểu thì được biết, việc khai thác vàng ở đây chủ yếu là diễn ra vào ban đêm hoặc những ngày nghỉ (thứ bảy, chủ nhật).
Lý giải về hiện tượng này, ông Đào Việt Hưng - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Thuần Mang - cho biết: "Thực trạng khai thác vàng trái phép tại địa phương diễn ra rầm rộ từ năm 2008 đến nay. Hiện toàn xã có gần 20 máy xúc đã ký cam kết không khai thác vàng tại địa phương, nên chủ yếu họ đưa máy đi khai thác ở nơi khác, còn những máy đang khai thác ở địa bàn xã là từ nơi khác đến. Chúng tôi đã thành lập tổ công tác, khi phát hiện báo ngay thông tin cho huyện xuống củng cố hồ sơ bắt giữ, hiện nay trong xã đang cử người trông coi 3 máy xúc (1 máy do huyện Ngân Sơn lập biên bản thu giữ từ tháng 7 đến nay, 2 máy do tỉnh Bắc Cạn thu giữ)".
Cũng theo ông Hưng, tình trạng khai thác vàng trái phép lấn vào đất nông nghiệp tại địa phương ngày càng tinh vi và được sự hậu thuẫn của người dân địa phương bằng những hình thức như người dân có đất câu kết với các chủ máy để khai thác vàng, sản phẩm làm ra chia đôi, hoặc dân bán đất cho các bưởng vàng nhưng không hề báo cáo chính quyền địa phương. Điển hình là hộ ông Đinh Thiện Nghị và Đinh Thiện Quang ở Bản Giang.
Chiều về, chúng tôi rời xã Thuần Mang theo tỉnh lộ 279 về phía trung tâm huyện Na Rì, trên đường đi qua các xã Lạng San, Lương Thượng chứng kiến rất nhiều điểm khai thác vàng trái phép ven đường. Có mặt tại địa bàn giáp ranh giữa hai xã Lạng San và Lương Thành lúc nửa đêm, không gian yên tĩnh của màn đêm bỗng nhiên bị xé toạc bởi tiếng nổ ầm ào của máy nổ, máy xúc cùng những luồng sáng chói của ánh điện dọc theo con sông Bắc Giang. Nhìn từ trên cao xuống, dưới ánh đèn lấp lánh là dòng sông đỏ quạch, 6 máy xúc cùng hệ thống sàng tuyển vàng đang hoạt động hết công suất trên đoạn sông dài khoảng 100m.
Được biết, đây là mỏ Nà Diệc, đơn vị đang khai thác là Cty TNHH Hải Điệp, được cấp phép khai thác cát và tận thu vàng sa khoáng. Nhưng tại hiện trường khai thác cát chẳng thấy tí cát nào, đất đá dưới lòng sông đều được máy xúc lên giàn tuyển. Theo người dân sống xung quanh thì đây là điểm khai thác vàng chứ không phải khai thác cát và chủ yếu hoạt động vào ban đêm.
Được cấp phép khai thác cát và tận thu vàng sa khoáng, nhưng Cty TNHH Hải Điệp lại khai thác vàng là chủ yếu.
"Dân không ủng hộ chính quyền"
Sau khi kịp ghi được những hình ảnh thản nhiên khai thác vàng trái phép tại Nà Diệc, chúng tôi về nghỉ. Sáng hôm sau quay lại mọi việc vẫn diễn ra bình thường, phát hiện có người lạ, những công nhân khai thác vàng đồng loạt tắt máy rồi chạy về lán trại ngủ im thin thít, chúng tôi hỏi bất cứ ai cũng không có câu
trả lời.
Chúng tôi lập tức quay về trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Lạng San - cách điểm khai thác vàng Nà Diệc khoảng 1km - có mặt tại phòng riêng của Chủ tịch xã Hoàng Đức Tâm, thấy mở cửa nhưng không có ai, dù là ngày làm việc, nhưng uỷ ban xã vắng hoe. Liên lạc qua điện thoại để tìm hiểu về tình trạng khai thác vàng trái phép tại địa phương thì ông Tâm cho biết hiện không có mặt tại uỷ ban và nói sẽ cử người tiếp chúng tôi rồi tắt máy. Khoảng 5 phút sau không thấy ông Tâm liên lạc lại, chúng tôi gọi vào số máy của vị chủ tịch xã này, thấy không liên lạc được. Vậy là mong đợi của chúng tôi không được chính quyền địa phương giúp đỡ.
Quá bất bình trước sự việc trên, chúng tôi tìm đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Na Rì và được ông Nguyễn Đình Lai - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Na Rì - cho biết: "Huyện Na Rì có rất nhiều loại khoáng sản, vàng sa khoáng, đồng, chì, kẽm... Từ năm 2003 đến nay đã cấp phép khai thác vàng sa khoáng tại 6 điểm thuộc huyện, tuy nhiên đến thời điểm này 3 điểm mỏ đã hết hạn giấy phép, điểm mỏ Tốc Lù do Cty cổ phần Tấn Thành được cấp phép hiện không khai thác nữa. Hiện trên địa bàn huyện còn 2 điểm mỏ hoạt động ở xã Lương Thượng".
Mỏ vàng Tốc Lù ngổn ngang đất đá, hố sâu sau khai thác vàng. Ảnh: H.B.Y
Khi được hỏi về tình trạng khai thác vàng chứ không phải khai thác cát và tận thu vàng sa khoáng như giấy phép cho Cty TNHH Hải Điệp tại điểm Nà Diệc thì ông Lai cho hay: "Đơn vị được cấp phép khai thác cát và tận thu vàng sa khoáng trong vòng 7 năm, nhưng hồi tháng 3.2010 bị đình chỉ vì vi phạm công nghệ khai thác và mới được cấp lại hơn 1 tháng nay. Còn sự việc mà nhà báo nêu chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý nếu đơn vị vi phạm".
Ông Lai cho biết thêm: "Hiện nay việc xử lý các đơn vị vi phạm rất khó khăn dù uỷ ban tỉnh đã ra rất nhiều công văn, chỉ thị. Ở Na Rì chủ yếu là máy xúc khai thác trái phép chứ người dân không làm được. Điều đặc biệt là hiện nay người dân không ủng hộ chính quyền".
Vàng đi, hệ lụy ở lại
Chính sự thiếu trách nhiệm trong quản lý của cơ quan chức năng địa phương đã khiến rất nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất rừng trở nên hoang tàn không canh tác được, điển hình là tại mỏ Tốc Lù, thôn Kim Vân, xã Kim Hỷ (Na Rì), trước đây do Cty cổ phần Tấn Thành khai thác, nhưng sau đó Cty giải thế rồi chính quyền các cấp của tỉnh Bắc Cạn cũng không biết họ đi đâu. Thế là công tác hoàn thổ tại mỏ Tốc Lù vẫn chưa được hoàn thiện.
Ngay phía sau bảng cấm này là một đại công trường khai thác vàng trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.
Được biết, những năm gần đây công tác hoàn thổ được đơn vị khai thác ký quỹ, nhưng trước đó, thời điểm Cty cổ phần Tân Thành khai thác chưa có quỹ này. Vậy nên, không ít vàng tại Tốc Lù đã được lấy đi, hệ lụy vẫn còn đang hiện hữu, người dân thiếu đất sản xuất nhưng chẳng biết kêu ai. Không ít người trong số đó đã vào các điểm khai thác vàng trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ để khai thác vàng, cũng từ đó nhiều diện tích rừng Kim Hỷ trở nên nham nhở, dòng suối Tốc Lù ô nhiễm nặng...
Không riêng gì trong rừng Kim Hỷ xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép mới gây ảnh hưởng đến rừng, mà ở rất nhiều nơi có rừng khác trên địa bàn huyện Na Rì đều xảy ra tình trạng chung như vậy, bằng chứng là dọc theo các khe suối, ven sông, ao tù là có máy bơm với sự hỗ trợ của đầu máy nổ công suất lớn bơm nước lên đồi cách vài cây số, ở đó có đội ngũ "vàng tặc" đang chăm chỉ lao động, mặc sức tàn phá thiên nhiên.
Rời cánh rừng Kim Hỷ, chúng tôi có mặt tại mỏ Nà Làng, quan sát kỹ mỏ này được khai thác theo quy trình khép kín đã phần nào hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên mức độ ô nhiễm tiếng ồn thì không tài nào chịu nổi. Chúng tôi vào 3 hộ dân sinh sống gần mỏ thì ai cũng kêu rằng tiếng ồn của máy móc khai thác vàng khiến họ và con em họ không ngủ nổi, bởi máy móc hoạt động suốt cả ngày lẫn đêm. Thêm nữa, không hiểu vì lý do gì mà vụ lúa năm nay của khu vực này gần như mất trắng?
Cách đó không xa, tại thôn Chợ Cũ, xã Lạng San, huyện Na Rì, một "công trình hồ sinh thái" đã được hình thành tại nơi thừa nước thiếu đất này bởi Cty An Thịnh sau khi khai thác vàng để lại, nhưng nó chẳng những không giúp ích gì cho dân mà còn gây nên bao hệ lụy. Rõ ràng trong Luật Khoáng sản năm 1996 và Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2010 đều quy định: Đơn vị khai thác phải có trách nhiệm phục hồi môi trường và đất đai sau khi khai thác. Thế nhưng không ít vàng đã được lấy đi, phần người dân được hưởng là những hệ lụy trông thấy, có lẽ bài học này nó thật đắng, cũng vô cùng cay và tất nhiên sẽ không có hồi kết. Tất cả vì... vàng.
Theo Lao Động
Thái Nguyên: Chưa có "thuốc" trị dứt điểm vàng tặc Những đợt truy quét "vàng tặc" ở một số điểm nóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dường như mới đem lại kết quả mang tính thời vụ. Lán trại, tàu cuốc của các đối tượng khai thác vàng trái phép lại xuất hiện sau khi đoàn kiểm tra liên ngành rút quân. "Bắt cóc bỏ đĩa" Trung tuần tháng 10, trở lại...