4 ngày coi thi, 4 ngày tim… gõ trống
Giám thị gọi thí sinh vào phòng thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2015.
GD&TĐ – Dậy từ 2 giờ sáng, có khi làm việc quên ăn trưa, giật mình thon thót mỗi khi nghe tiếng chuông điện thoại bàn reo giữa giờ thi… – Đó là một trong số rất nhiều câu chuyện thú vị được chia sẻ từ GS.TS Trịnh Minh Thụ, Trưởng Ban coi thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Thủy lợi kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Chuông báo thức đổ vào… 2 giờ sáng
Thâm niên trong “nghề” coi thi đã nhiều năm, nhưng lần đầu tiên ở vị trí Trưởng Ban coi thi tại một cụm thi THPT quốc gia, tâm trạng của GS.TS Trịnh Minh Thụ vẫn đầy hồi hộp, lo lắng…
Hồi hộp vì lần này không phải chỉ là công việc của riêng nhà trường mà là việc quốc gia. “Trong quá trình sao in đề thi, mặc dù tin tưởng hội đồng sao in, nhưng biết đâu lại xảy ra trường hợp số thí sinh và số túi bài không bằng nhau; nếu đề dự trữ hết sẽ phải xử lý thế nào…
Video đang HOT
Rất nhiều tình huống và câu hỏi khiến nhiều đêm khó ngủ, có khi đột nhiên nhớ ra công việc gì phải ngay lập tức bật dậy viết lại, sợ qua đêm quên mất. Rồi cuối giờ làm việc, tôi lại trực tiếp cùng Ban thư ký rà soát xem việc gì sót, việc gì thiếu. Mục tiêu phải là một kỳ thi hoàn hảo, không thiếu sót” – GS Trịnh Minh Thụ kể.
Có lẽ, chỉ những ngày thi, Trường ĐH Thủy lợi mới “dậy” sớm đến như vậy. Dù có mệt đến mấy thì 4 giờ mọi người đã bật dậy như thành phản xạ để có mặt tại điểm thi trước 4 giờ 30; riêng những người trong ban đề, chuông báo thức luôn đổ vào 2 giờ sáng.
Còn với GS Thụ, với trọng trách Trưởng Ban coi thi, đêm còn ngắn hơn bởi phải chuẩn bị sẵn một tin nhắn dài, sẵn sàng gửi đến các cán bộ coi thi đầu giờ sáng, nhắc lại những điểm quan trọng trong coi thi, xốc lại tinh thần từng cán bộ, bởi tâm lý không chỉ trò mà cả thầy cũng rất áp lực, nhiều khi những điều cần nói, cần tập huấn lại quên, hoặc cứ nghĩ là nói rồi. Đó cũng là lý do, trước mỗi môn thi đều dành ra một giờ đồng hồ để Ban chỉ đạo điểm thi tập huấn, nhắc nhở lại.
GS.TS Trịnh Minh Thụ trong giờ giải lao ít ỏi giữa 2 buổi thi THPT quốc gia 2015
Giám thị lăm lăm… tài liệu
Nhắc đến hình ảnh các thầy cô trong 4 ngày thi, GS Trịnh Minh Thụ nói vui: Học sinh bị cấm nhưng các thầy cô, tay ai cũng lăm lăm “tài liệu” – Đó là cẩm nang dành cho cán bộ coi thi và quy chế thi; mặc dù đã học đêm, học ngày từ rất lâu trước đó.
“Ngay cả cán bộ giám sát cũng cầm trên tay quy chế. Bởi với kỳ thi kép, cán bộ giám sát không chỉ đi dọc hành lang, kiểm tra các phòng mà còn là cán bộ coi thi thứ ba, có trách nhiệm như cán bộ coi thi trong phòng thi, nhưng mức độ cao hơn.
Đó là kiểm tra thực hiện quy chế của cán bộ coi thi, của thí sinh và của cả bảo vệ, công an, phục vụ trong khu vực đó. Các cán bộ giám sát có quyền đề xuất với Trưởng điểm thi và Ban chỉ đạo coi thi của trường điều chuyển, đình chỉ các cán bộ coi thi, thí sinh vi phạm quy chế thi” – GS Trịnh Minh Thụ cho biết.
Nhịn đói trông thi
Nhớ nhất buổi thi đầu tiên – môn Toán cũng là môn có số thí sinh trên phòng thi rất đông và thời gian thi kéo dài 3 tiếng đồng hồ. Nếu trước đây, tỷ lệ thí sinh dự thi trên phòng thi chỉ khoảng 60 – 65%, thì nay tỷ lệ này là 98 – 99%. Phòng thi đông, đề thi có số tờ nhiều nên các thầy cô phải đếm số tờ, số bài nhiều hơn.
“Hôm đó, thời gian điểm trưởng mang bài về nộp cho Ban chỉ đạo thi lâu hơn, nên các thầy cô ở điểm thi xa trường chỉ còn thời gian nghỉ trưa rất ngắn. Chúng tôi phải phân công, người đi nhận đề, người đi nộp bài, người đi nhận cơm hộp để kịp quay về cho môn thi tiếp theo buổi chiều.
Ấy vậy mà sáng hôm đó, một số giám thị đã không kịp ăn cơm. May là sự việc chỉ xảy ra trong buổi thi đầu, những buổi sau, chúng tôi đã rút kinh nghiệm và mọi việc trở nên tốt đẹp” – GS Thụ kể.
Thót tim chuông điện thoại bàn reo giữa giờ thi
Không chỉ vất vả, GS Thụ cho rằng, công việc của cán bộ coi thi khá áp lực. Áp lực bởi các thí sinh năm nay chỉ tham dự một kỳ thi duy nhất, không được tập dượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT nên nhiều kỹ năng còn lúng túng. Cán bộ coi thi, do đó trước giờ thi phải vào vai cả người hướng dẫn, giúp thí sinh từ cách ghi số báo danh, đến việc điền vào bài thi trắc nghiệm sao cho đúng…
Việc phổ biến các vật dụng không được mang vào phòng thi theo quy chế không chỉ nói một lần. Ấy vậy mà vẫn lo ngay ngáy vì sợ thí sinh do tâm lý căng thẳng, không nghe, không chú ý lời thầy dặn. Cũng có trường hợp, học sinh không dám gửi điện thoại vì sợ mất đồ vật quý mình phải mất nhiều công sức mới được bố mẹ đồng ý cho mua…
“Có lẽ, ít khi nào mình lại sợ khi chuông điện thoại reo đến thế” – GS Thụ bắt đầu câu chuyện về tâm trạng cán bộ chờ đợi trong thời gian thí sinh đang làm bài. Thấp thỏm, lo lắng, vì điện thoại bàn reo vào lúc đó thường không phải “điềm lành”. Đó sẽ là tin báo, hoặc thí sinh bị ngất, bị sự cố hay vi phạm kỷ luật… Và, lo nhất là giám thị xử lý không đúng với quy chế, dù được tập huấn rất kỹ…
“4 ngày làm nhiệm vụ coi thi là trọn 4 ngày … tim gõ trống. Nhưng bù lại, sang ngày thứ 5 được thở phào vì mọi việc diễn ra suôn sẻ, đúng như dự kiến” – GS Trịnh Minh Thụ chia sẻ.
Theo GD&TĐ