4 môn học nền tảng cho người theo đuổi Công nghệ thông tin
Làm chủ máy tính, trở thành công dân số, xây dựng website, xây dựng phần mềm là 4 môn nền tảng để bạn theo đuổi ngành Công nghệ thông tin.
“Học công nghệ thông tin bắt đầu từ đâu?” là câu hỏi rất nhiều bạn học sinh và những người muốn theo đuổi lĩnh vực này băn khoăn. Để bắt đầu học chuyên sâu về Công nghệ thông tin cũng như có kỹ năng trong lĩnh vực chuyên ngành mình muốn theo đuổi, việc xây dựng kiến thức nền tảng là rất quan trọng. Mentor Hà Cương – Đại học trực tuyến FUNiX gợi ý 4 môn học đầu tiên bạn có thể bắt đầu khi muốn theo đuổi ngành Công nghệ thông tin.
Làm chủ máy tính (Mastering your computer)
Các chuyên gia công nghệ nhận định, muốn hiểu về khoa học máy tính, bạn cần có kiến thức cơ bản về phần cứng và kỹ năng tự lắp đặt máy tính. Môn học Làm chủ máy tính cung cấp các kỹ năng cơ bản nhất mà một kỹ thuật viên máy tính cần có, bao gồm lắp đặt máy tính từ các thành phần phần cứng, bảo trì và vận hành các hệ thống máy tính cá nhân, cài đặt và tùy chỉnh các phần mềm.
Ngoài ra, các kỹ năng sử dụng phần mềm Microsoft Excel, Adobe Photoshop, cũng là yếu tố quan trọng, giúp tăng năng suất công việc thường ngày của bạn tại văn phòng.
Sau khi hoàn thành môn học này, bạn sẽ biết cách tháo lắp phần cứng, cài đặt phần mềm, sử dụng máy tính trong công việc văn phòng; thành thạo cách sử dụng phần mềm để điều khiển máy tính; công cụ Exce và biết xử lý ảnh cơ bản trên Photoshop.
Sinh viên FUNiX theo dõi thực hành tháo lắp máy tính.
Trở thành Công dân số (Becoming an Digital citizen)
Đây là kiến thức quan trọng trong thời đại Internet và cách mạng 4.0. Khóa học “Trở thành công dân số” trang bị cho người học kiến thức để trở thành một công dân điện tử.
Mentor Lê Hoàng Việt – người thiết kế môn học Trở thành Công dân số tại Đại học trực tuyến FUNiX cho biết, một công dân số cần hiểu và khai thác hiệu quả các chức năng cơ bản của những dịch vụ trực tuyến như hệ thống dữ liệu đám mây phổ biến Google Cloud, mạng xã hội Facebook, Twitter, LinkedIn, Youtube…
Những kiến thức để trở thành công dân số giúp người mới học về công nghệ có thể kiểm soát hành vi online, sử dụng các công cụ, mạng xã hội hợp lý, an toàn, phát hiện các hành vi lừa đảo trên Internet, sử dụng Google và các dịch vụ Google cũng như các dịch vụ trực tuyến khác hiệu quả để phục vụ công việc.
Video đang HOT
Xây dựng website đầu tiên (Building your first website)
Môn học này dẫn bạn những bước chân đầu tiên vào thế giới lập trình. Tuy đây mới là hình thức lập trình đơn giản, nhưng bạn sẽ học hỏi được nhiều điều, làm nền tảng cho việc học lập trình ở những môn sau.
Mặc dù với sự phát triển của công nghệ web, bạn có thể thiết kế một website mà không hề phải biết lập trình, tuy nhiên, theo cách đó, bạn chỉ có thể tạo ra được những website theo những mẫu cố định mà không thể làm theo ý mình.
Với môn học Xây dựng website đầu tiên, bạn có thể tự thiết kế một website, bước đầu làm quen với việc lập trình ở mức đơn giản, tự quản trị được website, tối ưu cơ bản hoạt động của nó và thu lợi nhuận.
Xây dựng phần mềm đầu tiên (Creating your first program – with Javascript)
Xây dựng phần mềm đầu tiên giúp bạn tham gia vào thế giới lập trình bằng việc tạo ra ứng dụng chạy trên website của mình hoặc lập trình ra trò chơi đơn giản.
Nhờ ngôn ngữ lập trình JavaScript và jQuery, bạn có thể tạo ra các ứng dụng chạy trên máy tính, thậm chí là game chạy trên điện thoại thông minh. Ngoài ra, khi các bạn làm việc với website và theo đuổi công nghệ thiết kế web, ngôn ngữ lập trình JavaScript cho phép tạo ra các hiệu ứng xử lý trên website hiệu quả. Đây là môn học tiếp theo sau Xây dựng website đầu tiên.
Sau khi hoàn thành những môn học cơ bản này, những vị trí nghề nghiệp bạn có thể theo đuổi gồm Thiết kế website (Web Developer/Web Designer); Hỗ trợ Công nghệ thông tin (IT Helpdesk Support); Quản lý hệ thống (Network/Systems Administrator); Nhân viên văn phòng – hành chính – thư ký tại các công ty công nghệ thông tin.
Các nội dung học trên có thể được đào tạo tại các trường đại học Công nghệ thông tin. Tại trường trực tuyến, 4 môn học cơ bản này thuộc Chứng chỉ Công dân số, yêu cầu sinh viên dành thời lượng 180 giờ học online để hoàn thành.
Để tìm hiểu các khoá học chuyên môn khác về lĩnh vực công nghệ thông tin, xem thêm tại đây.
Hiền Mai
Theo vnexpress.net
5 nghề phù hợp với ngành triển sản phẩm công nghệ thông tin
Chuyên gia phân tích hệ thống, lập trình viên phần mềm, kỹ sư phần mềm... là những nghề mà người yêu công nghệ thông tin có thể theo đuổi.
Nhận định về cơ hội nghề nghiệp trong ngành công nghệ thông tin, ông Quách Ngọc Xuân - phụ trách thiết kế nội dung học phần tại Đại học trực tuyến Funix chia sẻ: "Công nghệ thông tin đang thâm nhập sâu rộng vào đời sống. Hiểu đơn giản, công nghệ thông tin sẽ là hạ tầng của các hoạt động kinh doanh, giống như điện. Các phần mềm đó không tự sinh ra mà đều cần nhân lực công nghệ thông tin để xây dựng và vận hành chúng. Đó là lý do khiến nhu cầu của doanh nghiệp với nhân lực ngành này đang trở nên quá tải".
Theo ông Xuân, có thể chia công việc trong ngành công nghệ thông tin thành 2 mảng chính: Phát triển sản phẩm và Vận hành sản phẩm. Sản phẩm được hiểu là phần cứng, phần mềm hay dịch vụ. Dưới đây là 5 định hướng nghề nghiệp liên quan đến hoạt động phát triển sản phẩm công nghệ thông tin và các yêu cầu để có thể làm việc trong từng vị trí.
Chuyên gia phân tích hệ thống (System Analyst)
Chuyên gia phân tích hệ thống có nhiệm vụ phân tích các yêu cầu nghiệp vụ, từ đó mô tả thành các yêu cầu đối với hệ thống phần mềm cần xây dựng. Họ tham gia vào những khâu đầu tiên trong hoạt động phát triển hệ thống phần mềm là phân tích và thiết kế trước khi chuyển cho lập trình viên viết mã thành phần mềm. Do đó, vị trí này đòi hỏi khả năng phân tích nghiệp vụ thực tế đồng thời hiểu về kỹ thuật cần phải áp dụng vào để xây dựng thành phần mềm.
Thông thường, vị trí phân tích hệ thống yêu cầu chứng chỉ chuyên ngành hệ thống thông tin và kinh nghiệm chuyên môn. Ngoài ra, do đặc thù công việc đòi hỏi phải có nghiệp vụ chuyên môn nên nhiều người làm trong ngành này thực tế tốt nghiệp một chuyên ngành khác trước khi học về công nghệ thông tin.
Lập trình viên phần mềm (Software Developer)
Lập trình viên là người xây dựng các phần mềm máy tính, đồng thời cũng là người nâng cấp và sửa chữa chương trình đó. Đây là vị trí công việc phổ biến nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Hầu hết lập trình viên làm việc trong công ty gia công phần mềm hoặc công ty viết phần mềm thương mại, tuy nhiên cũng có nhiều lập trình viên làm tại các công ty trong lĩnh vực khác nhưng có nhu cầu phát triển phần mềm phục vụ riêng cho hoạt động của mình.
Xu hướng chuyển dịch những công việc thủ công sang thực hiện bằng máy tính giúp tối ưu hoạt động kinh doanh khiến bất cứ doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu đối với lập trình viên.
Lập trình viên là công việc phổ biến nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Công việc lập trình về cơ bản yêu cầu bằng đại học về khoa học máy tính hoặc công nghệ thông tin. Tuy nhiên, do nhu cầu lớn và lập trình trở thành kỹ năng khá phổ biến, nên nhiều doanh nghiệp chỉ cần ứng viên chứng minh được khả năng và kinh nghiệm mà không cần bằng cấp.
Nhà tuyển dụng thường chú ý đến kinh nghiệm lập trình thực tế thông qua những dự án mà ứng viên đã tham gia. Những lập trình viên kiên nhẫn, suy nghĩ logic và cẩn thận, tỉ mỉ luôn đắt giá. Thêm vào đó, nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên những người có khả năng giao tiếp và truyền đạt các thông tin kỹ thuật cho những người chưa biết.
Để làm công việc này, bạn có thể học các chứng chỉ về lập trình và thực hiện một số dự án trước khi ứng tuyển vào các công ty và tập đoàn công nghệ.
Kỹ thuật viên kiểm thử phần mềm (Tester)
Nhiệm vụ chính của người kiểm thử phần mềm, game là lên kế hoạch kiểm thử, mô tả chi tiết về các tình huống kiểm thử và thực hiện những hoạt động kiểm thử này. Hoạt động kiểm thử nhằm đảm bảo phần mềm đã xây dựng đáp ứng các yêu cầu ban đầu và không xảy ra lỗi.
Công việc này cơ bản không yêu cầu hiểu quá sâu về kỹ thuật lập trình, mà đòi hỏi người làm có khả năng đọc hiểu tốt tài liệu, cẩn thận, tỉ mỉ thiết kế các tình huống có thể xảy ra. Đó là lý do nhiều tester tốt nghiệp những ngành nghề khác công nghệ thông tin. Công việc này cũng phù hợp với các bạn nữ do đòi hỏi tính cẩn thận và tỉ mỉ cao.
Chuyên viên viết tài liệu kỹ thuật (Technical Writer)
Hầu hết các chuyên viên viết tài liệu kỹ thuật làm việc cho các công ty máy tính, cơ quan Chính phủ hoặc viện nghiên cứu. Họ chuyển thông tin kỹ thuật thành những hướng dẫn hoặc bản tóm tắt dễ hiểu. Khi công nghệ mới liên tục phát triển và mở rộng, nhu cầu về chuyên viên viết tài liệu kỹ thuật, những người có khả năng truyền đạt kiến thức chuyên môn tới người khác, được kỳ vọng sẽ tăng lên.
Chuyên viên viết tài liệu kỹ thuật thường phải có bằng cao đẳng về truyền thông báo chí hay tiếng Anh và có chuyên môn hoặc quen thuộc với một lĩnh vực kỹ thuật. Tuy nhiên, cá nhân với kỹ năng viết tốt đôi khi được thuyên chuyển từ những công việc liên quan đến khoa học sang vị trí viết kỹ thuật.
Kỹ sư phần mềm (Software Engineer)
Kỹ sư phần mềm nhờ được đào tạo bài bản và sâu về khoa học máy tính nên thường có thể làm nhiều công việc trong ngành công nghệ thông tin. Họ có thể nghiên cứu giải pháp kỹ thuật, phân tích yêu cầu, đưa ra thiết kế kỹ thuật, quản trị dự án phần mềm hay thậm chí có thể trực tiếp lập trình khi cần.
Để trở thành kỹ sư phần mềm, bạn cần học bằng kỹ sư phần mềm. Các trường đại học đào tạo trình độ này trong thời gian 4 đến 5 năm. Với những người đã đi làm hay muốn học bằng kỹ sư phần mềm từ sớm, có thể theo học các chương trình đại học trực tuyến như bằng Kỹ sư phần mềm của Đại học FUNiX. Đây là chương trình đại học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam đào tạo Kỹ sư phần mềm, bằng cấp được công nhận bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hiền Mai
Theo vnexpress.net
Thành thạo kỹ năng lập trình với 6 cuốn sách chuyên ngành Ngoài kiến thức học trên lớp, bạn có thể tích lũy từ 6 cuốn sách chuyên ngành Công nghệ thông tin để theo đuổi đam mê lập trình. Code Complete Đây là một trong những cuốn sách hướng dẫn tổng quan và thiết thực nhất về lập trình của Steve McConnell. Code Complete được các nhà phát triển viết phần mềm đọc nhiều...