4 ‘độc chiêu’ giúp TVB mê hoặc khán giả Việt
Các bộ phim của TVB được đầu tư kỹ về nội dung, đi tường tận vào từng ngành nghề, con phố. Đội ngũ lồng tiếng xuất sắc của Sài Gòn film cũng góp phần khiến phim TVB khó phai trong lòng khán giả.
Tính đến nay, phim TVB đã đồng hành cùng khán giả Việt Nam được hơn 2 thập kỷ. Với một hãng phim truyền hình, đây là một quãng đường dài. Vì sao hãng phim này lại được khán giả Việt Nam yêu mến và dành nhiều tình cảm đến thế?
Thời điểm thích hợp
46 năm trưởng thành, TVB đã đem đến cho khán giả hàng nghìn bộ phim và trở thành một món ăn tinh thần quen thuộc của người Việt Nam
Phim TVB vào thị trường Việt Nam qua kênh chính thống (FFVN) vào khoảng đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Đây là thời điểm vô cùng lý tưởng, khi mà làng truyền hình các quốc gia khác chưa có cơ hội tiếp xúc với khán giả trong nước, và các hoạt động văn hóa – giải trí của Việt Nam chưa phát triển.
TVB đến với khán giả qua hệ thống phân phối băng phim của FFVN, sau đó được phát hành qua VCD, DVD và phát sóng rộng rãi trên các đài truyền hình trung ương và địa phương.
Phim truyền hình TVB với nội dung hấp dẫn trở thành sự lựa chọn hàng đầu. Hàng chục đầu phim được phát hành mỗi năm thông qua các kênh phân phối, chủ yếu là các cửa hàng cho thuê băng đĩa, đã trở thành món ăn tinh thần quan trọng trong mỗi gia đình Việt Nam, đặc biệt là khán giả phía Nam.
Có thể nói, phim TVB đã đồng hành với nhiều thế hệ khán giả, từ các bà, các mẹ 5X, đến lớp thanh niên 7X, 8X. Có những thời điểm nhà nhà xem phim TVB, người người mong chờ từng ngày đợi FFVN phát hành phim.
Thời gian hoàng kim của TVB tại Việt Nam có thể tính từ năm 1995 đến năm 2005. Đây cũng là quãng thời gian phát triển mạnh của phim truyền hình TVB, với những tác phẩm lớn và xuất sắc. Sau khoảng thời gian này, TVB dần mất đi vị thế của mình tại nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam. Một phần do nội dung đi xuống, mất đi dàn diễn viên chủ lực và gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ, áp đảo từ phía phim truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc đại lục.
Lồng tiếng xuất sắc
Kỹ thuật lồng tiếng thô sơ nhưng vẫn rất chuyên nghiệp.
Các tác phẩm của TVB khó mà đạt được nhiều thành công tại Việt Nam nếu thiếu đi một đội ngũ dịch thuật và lồng tiếng tài năng và chuyên nghiệp. Vào những năm 90, Việt Nam có một số nhóm lồng tiếng các bộ phim nước ngoài, nhưng nổi bật có nhóm Sài Gòn Film, chuyên lồng tiếng cho phim TVB.
Câu nói mở đầu trong các cuốn băng phim TVB “Sài Gòn phim dịch và lồng tiếng, FaFilm Việt Nam phát hành, bộ phim… Người dịch Trung Hào Hoa, Đỗ Thanh Thiện. Diễn viên lồng tiếng Thế Thanh, Bích Ngọc, Thanh Phúc, Huỳnh Hoa, Thế Phương, Nguyễn Vinh, Bá Nghị, Thu Hương. Kĩ thuật lồng tiếng Thanh Vân, Phương Quỳnh”… đã trở nên vô cùng quen thuộc với khán giả.
Sài Gòn film – nhóm lồng tiếng huyền thoại trong lòng khán giả.
Đội dịch thuật nhanh chóng, chuyên nghiệp, chuẩn xác, diễn viên lồng tiếng phối hợp đồng bộ, tự nhiên… đã góp phần tăng thêm độ hấp dẫn của phim TVB khi đến với khán giả Việt Nam. Điều đặc biệt, các diễn viên lồng tiếng được phân công lồng cố định cho một diễn viên từ phim này sang phim khác, góp phần định hình “giọng Việt Nam” cho diễn viên Hong Kong, khiến khán giả cảm thấy giọng của những Bích Ngọc, Thế Thanh… chính là giọng của các diễn viên như Tuyên Huyên, Đặng Tụy Văn, Lâm Phong, La Gia Lương, Trịnh Gia Dĩnh… Đây là một trong những yếu tố khiến phim TVB trở nên gần gũi, quen thuộc với khán giả Việt Nam hơn.
Video đang HOT
Yếu tố lồng tiếng của hãng Sài Gòn Film đã giúp TVB thành công và mở rộng thị trường tại Việt Nam, càng trở nên rõ ràng hơn khi sau này, nhiều hãng khác đảm nhận lồng tiếng TVB, như Đạt Phi, Sang Yang… nhưng không đạt được độ thuần thục và hấp dẫn như thời của Sài Gòn phim.
Sau này, một thời gian dài, một số kênh của VTV có phát sóng những bộ phim TVB được thuyết minh giọng Nam hoặc giọng Bắc. Nhưng với nhiều khán giả, điều này khiến bộ phim không còn được hấp dẫn như Sài Gòn phim lồng tiếng, không còn đậm chất TVB, mà bị nhạt nhòa giữa rất nhiều các bộ phim truyền hình của nhiều hãng, nhiều quốc gia khác.
Yếu tố thực tế của các bộ phim “trí – nghiệp”
Nam nữ chọn nhà – bộ phim nói về con đường mà người Hong Kong phấn đấu để sở hữu một ngôn nhà tại mảnh đất nhỏ này.
Với kinh nghiệm 40 năm làm phim, TVB đã đem đến cho khán giả những bộ phim hấp dẫn, đáp ứng đủ 2 yếu tố nghệ thuật và giải trí.
Phim TVB hút khán giả bởi yếu tố thực tế của phim khá cao. Đại đa số các vấn đề được đề cập đến trong phim phản ánh đến 90% hiện thực cuộc sống của người dân nơi đây. Qua đó, khán giả khắp nơi có thể hiểu được văn hóa, truyền thống, phong tục và những điều rất riêng về Hong Kong, mà không cần phải đến tận nơi hay phải ở lại đây một thời gian dài để quan sát và trải nghiệm.
Phim TVB có thể có những đề tài hào nhoáng, với biệt thự, xe hơi và hàng hiệu ( Lấy chồng giàu sang), nhưng cũng có những tác phẩm miêu tả chân thực về hành trình từ mơ ước đến việc được thực sự sở hữu một ngôi nhà nhỏ của người dân nơi đây (Quyết trạch nam nữ).
Đề tài bác sĩ, y tá được phản ánh trung thực qua phim TVB như Bàn tay nhân ái, Ngọn lửa trắng, On call 36 hours.
Đề tài pháp y không chỉ được khai thác trong các bộ phim thời hiện đại, mà còn được thể hiện qua các bộ phim cổ trang.
Tình yêu, các mối quan hệ trong TVB được miêu tả một cách chân thực. Không mấy khi gặp được những cô gái Lọ lem, ngốc nghếch yêu một chàng bạch mã hoàng tử vô cùng đẹp trai, suốt ngày bận rộn chuyện tình cảm mà không cần làm việc. Trong phim TVB, các nhân vật luôn được gắn với một công việc cụ thể, và các mối quan hệ, từ gia đình, đến ngoài xã hội, đều ít nhiều liên quan đến công việc này, chứ không đơn giản chỉ là một nghề “làm cho có” như vẫn thường thấy trong các bộ phim Hàn Quốc, Trung Quốc.
Các bộ phim TVB vẫn được gọi là phim “trí – nghiệp”, bởi các ngành nghề trong phim được miêu tả rất chân thực và qua đó, khán giả có thể hiểu biết thêm nhiều kiến thức xã hội. Dường như mọi nghề nghiệp đều được xuất hiện trên phim TVB và được tái hiện với những điều thực tế.
Các ngành nghề được TVB miêu tả một cách phong phú và cụ thể.
Điểm qua những đề tài “trí – nghiệp” thường thấy ở phim TVB, như các đề tài bác sĩ (Bàn tay nhân ái), cảnh sát (Phi hổ, Truy tìm bắng chứng) lính cứu hỏa ( Cuộc chiến với lửa…), phi công ( Bao la vùng trời); từ những lĩnh vực lớn như địa ốc, tài chính, chứng khoán (Thử thách nghiệt ngã, Phú quý môn), đến những ngành nghề như tiểu thương ở các khu chợ nhỏ (Hy vọng, Đồng thoại phố chợ), các làng chài nuôi hải sản (Khung trời xa lạ); từ lĩnh vực thiết kế thời trang (Sắc màu) đến những người may áo cưới truyền thống ( Tình yêu muôn màu). Trí tuệ và miêu tả tốt các nghiệp vụ, chuyên môn, nhiều yếu tố kịch tính… khiến phim của TVB luôn thu hút khán giả.
Xem phim TVB – một cách du lịch văn hóa
Không chỉ tăng thêm hiểu biết xã hội qua các bộ phim có đề tài y học, có tính chuyên môn cao… khán giả còn có thể du lịch qua màn ảnh nhỏ khi xem phim TVB, từ tham quan, ngắm cảnh, đến tìm hiểu về ẩm thực hay văn hóa của mảnh đất này.
Phim Kim ngọc mãn đường nói về ẩm thực cung đình và giới thiệu với khán giả bữa tiệc nổi tiếng Mãn Hán 100 món có thực trong lịch sử.
Phim Hương sắc tình yêu nói về ẩm thực nhưng chuyên về hải sản.
Những khán giả yêu thức ẩm thực hoàn toàn có thể biết được những món đặc sản của Hong Kong, những quán ăn ngon hay những công thức nấu ăn đặc trưng. Chỉ riêng với đề tài ẩm thực, có thể kể đến các bộ phim về đề tài ẩm thực cung đình (Kim ngọc mãn đường), hải sản ( Hương vị tình yêu, Hương sắc tình yêu), bánh ngọt ( Tiệm bánh Gato), sushi, ẩm thực Nhật Bản ( Ván bài gia nghiệp, cái giá của danh vọng). Trong phim, có đề cập đến các món ẩm thực lề đường như tàu hũ thối, cá viên chiên tại Vượng Giác ( Mong Kok), và phim sao đời vậy, khán giả hoàn toàn có thể tìm thấy những đặc sản này ở khu Vượng Giác.
Những khung cảnh này đã trở nên quen thuộc với khán giả Việt Nam từ trong phim ra ngoài đời.
Phim sử dụng những bối cảnh quen thuộc, cụ thể với tên thật với tần suất cao, nên khán giả nhanh chóng làm quen với những cái tên như Trung Hoàn, Vượng Giác, Cửu Long, với bãi biển Vịnh Nước Cạn, đảo Nam Á, đến chùa Huỳnh Đại Tiên, miếu Sa Công, khu phố Lan Quế Phường… Với những bộ phim TVB, khán giả có thể đi “du lịch qua màn ảnh nhỏ” một cách rất riêng, và dần dần, sẽ trở nên thân thuộc với những điểm du lịch/ tham quan nổi tiếng tại Hong Kong, một điểm đến thú vị cho các du khách.
Bộ phim Chuyện tình biển đảo nói về cuộc sống, nét văn hóa của người dân đảo Trường Châu với lễ hội bánh bao nổi tiếng.
Ngoài ra, những nét văn hóa, sinh hoạt trong đời sống của người dân, như những bữa trà chiều, các buổi ăn Dim Sum, những ngày lễ, tết, hội hè… như tết Nguyên Đán, tết Trung Thu, lễ hội bánh bao ở đảo Triều Châu… đều được phản ánh sinh động, thậm chí, lấy làm chủ đề chính cho các bộ phim.
Do đó, khán giả, trong đó có khán giả Việt Nam sau khi xem phim TVB thường cảm thấy rất gắn bó và quen thuộc với mảnh đất này, và điều này khiến các bộ phim của hãng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của nhiều gia đình Việt Nam, đặc biệt là trong thập niên 90.
Q.N
Theo Tri Thức
5 cặp đôi TVB thập niên 90 được khán giả chờ đợi
Vào thời hoàng kim ở thập niên 90 của thế kỷ trước, TVB đã tạo nên nhiều "đôi tình nhân" lý tưởng trên màn ảnh nhỏ, mãi đến hôm nay vẫn được khán giả nhớ đến, mong được tái hợp.
Ngoài cặp Âu Dương Chấn Hoa - Quan Vịnh Hà vừa tái ngộ qua bộ phim Tình nghịch tam thế duyên, khán giả mong chờ sự trở lại của 5 cặp dưới đây:
Cổ Thiên Lạc - Tuyên Huyên
Phim tiêu biểu: Chú chó thông minh, Hồ sơ trinh sát 4, Cỗ máy thời gian
Đây là cặp đôi thu hút được nhiều cảm tình của khán giả nhất. Gặp nhau từ bộ phim Xin chào thầy (1994), đóng chung mấy phim nhưng mãi đến khi "yêu nhau" trong Chú chó thông minh (1999), Cổ Thiên Lạc và Tuyên Huyên mới thật sự trở thành một cặp "xứng đôi vừa lứa" về ngoại hình, "ăn ý" về diễn xuất. Tiếc rằng Cổ Thiên Lạc đã tuyên bố không đóng phim truyền hình nữa nên cơ hội tái ngộ với Tuyên Huyên vô cùng mong manh.
Lâm Bảo Di - Trần Tuệ San
Phim tiêu biểu: Bàn tay nhân ái, Truy tìm bằng chứng
Giữa một rừng trai xinh gái đẹp, dù kém về sắc nhưng Lâm Bảo Di và Trần Tuệ San lại nổi bật nhờ cá tính rất riêng, mạnh mẽ, lạnh lùng. Chính diễn xuất chân thực đã giúp họ cùng thăng hoa, tạo ấn tượng sâu sắc qua những lần đóng chung. Trần Tuệ San và Lâm Bảo Di hiện đều đang sang Trung Quốc phát triển sự nghiệp, song họ khó có cơ hội đóng chung vì tuổi đời không dành cho họ vai chính nữa.
Trương Trí Lâm - Xa Thi Mạn
Phim tiêu biểu: Đường về hạnh phúc
Vai Chúc Quân Hảo trong Đường về hạnh phúc (2000) là bước chuyển ngoạn mục của Xa Thi Mạn, giúp cô từ bỏ danh hiệu "binh hoa di động", trở thành một nữ diễn viên xinh đẹp có khả năng diễn xuất. Cùng với Trương Trí Lâm - lúc ấy vẫn còn rất "non", hai người đã kể một chuyện tình khiến người xem không thể nào quên. Chuyện tình ấy có nhiều hy vọng được kể tiếp vì TVB cũng muốn tái hợp Trương Trí Lâm và Xa Thi Mạn sau khi họ đồng ý ký tiếp hợp đồng.
Đào Đại Vũ - Quách Khả Doanh
Phim tiêu biểu: Hồ sơ trinh sát 1, 2, 3
Hồ sơ trinh sát đã được đưa vào danh sách "kinh điển" của thể loại vụ án trên màn ảnh TVB nên đương nhiên, cặp diễn viên chính Đào Đại Vũ - Quách Khả Doanh không thể không nhắc đến. Dù sau này đã đóng nhiều phim khác nhưng mãi đến nay, khán giả vẫn nhớ Đào Đại Vũ là chàng cảnh sát dũng cảm Trương Đại Dũng, còn Quách Khả Doanh là nữ phóng viên Cao Tiệp. Sau khi tái hợp trong Thầy hay trò giỏi (2004), Quách Khả Doanh đã lặng lẽ lui về... nhà bếp chăm chồng (Lâm Văn Long) chăm con nên khó có cơ hội gặp lại Đào Đại Vũ.
La Gia Lương - Quách Ái Minh
Phim tiêu biểu: Bí mật trái tim
Chuyện tình trắc trở, mấy lần tan hợp của Trác Thượng Văn và Trình Gia Minh trong phim Bí mật trái tim (1998) đã khiến người xem nhớ đến La Gia Lương và Quách Ái Minh. Do đã từng đóng chung bộ phim Nụ hôn nghiệt ngã (1996) nên họ đã nhanh chóng tạo nên "phản ứng hóa học", làm khán giả thổn thức theo những biến cố tình yêu mà 2 nhân vật gặp phải. Tuy nhiên, việc tái hợp của La Gia Lương và Quách Ái Minh là chuyện khó xảy ra, vì trong khi chàng đã sang Trung Quốc thì nàng kiên quyết "bám trụ" ở Hong Kong.
Anh Dương
Theo Tri Thức
Clip phỏng vấn diễn viên lồng tiếng TVB gây sốt Mới đây, một đoạn clip phỏng vấn các diễn viên lồng tiếng TVB đã được tung lên mạng, tạo nên cơn sốt đáng kể và làm thỏa mãn mong đợi của các fan: được thấy mặt thần tượng. Những cái tên diễn viên lồng tiếng vẫn hay được giới thiệu ở đầu các phim bộ TVB hơn 20 năm qua đã trở nên...