4 cuộc bầu cử lay động chính trường thế giới 2017
Năm 2017 đã bắt đầu, nhưng dư âm từ những “cơn địa chấn” trong năm trước vẫn còn. Đó là “cuộc ly hôn” giữa Anh và Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit), và chiến thắng đầy ngoạn mục của vị tỷ phú không hề có kinh nghiệm chính trị Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong bối cảnh nhiều bất ổn, nhiều ý kiến dự đoán chính trường thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều biến động mới, thậm chí có thể là cuộc “thay máu” hay nhiều cuộc bầu cử cùng trưng cầu ý dân tạo nên sự chia rẽ từ các xu hướng đối lập. Dưới đây là bốn cuộc bầu cử sẽ tác động lớn đến tình hình thế giới vào năm 2017.
Trưng cầu ý dân Italia (tháng 12-2016)
Thủ tướng Italia Matteo Renzi đang phải đối mặt với khủng hoảng do hệ thống chính trị quá cứng nhắc tại một đất nước đã trải qua 63 đời thủ tướng trong suốt 71 năm qua.
Vấn đề này ông đã gặp phải ngay từ thời điểm lên nắm quyền vào năm 2014, khiến ông Renzi buộc phải đưa ra giải pháp giảm quyền lực của Thượng viện, trao quyền cho Hạ viện và cuộc cải cách chính trị này sẽ được thông qua một cuộc trưng cầu ý dân.
Ngày 4-12, cử tri Italia đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp, trong đó sửa đổi nhiều quy định liên quan đến quyền hạn của Quốc hội và các đảng phái chính trị. Kết quả kiểm phiếu cho thấy, 60% số cử tri bỏ phiếu phản đối cải cách Hiến pháp. Ngay sau khi có kết quả sơ bộ, ông Renzi tuyên bố từ chức và nhận trách nhiệm hoàn toàn khi đề xuất cải tổ Hiến pháp của ông không vượt qua được cuộc trưng cầu ý dân.
Với đề xuất sửa đổi Hiến pháp theo hướng tăng quyền lực của Hạ viện và giảm đáng kể quyền lực của Thượng viện, ông Renzi từng khẳng định cuộc cải cách lần này, nếu thành công, sẽ mở ra cơ hội để Rome có thể tiến hành những cải tổ cần thiết, thoát ra khỏi sự trì trệ hiện nay và vạch ra đường hướng phát triển ổn định.
Thủ tướng Italia Matteo Renzi tuyên bố từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân.
Tuy nhiên, sự đặt cược của ông đã thất bại, dự báo một giai đoạn bất ổn mới trên chính trường Italia – sự sụp đổ của chính quyền Thủ tướng Matteo Renzi. Chính trường Italia không tránh khỏi những rối ren và nhiều khả năng một chính phủ dân túy sẽ lên cầm quyền, với nhiều sự thay đổi gây lo ngại cùng nguy cơ tiếp diễn thế bế tắc.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, nguy cơ Italia tạo nên một cú sốc mới đối với châu Âu là rất lớn. Italia là nền kinh tế lớn thứ 3 Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), là mắt xích quan trọng của tăng trưởng châu Âu. Nếu Italia rơi vào bất ổn, điều này sẽ tác động xấu đến nền kinh tế toàn khu vực.
Trong khi đó, việc ông Matteo Renzi từ chức có khả năng sẽ dẫn đến một cuộc bầu cử sớm tại Italia vào quý 2 hoặc quý 3 năm sau. Điều này đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội cho đảng cực hữu “Phong trào Năm sao” (M5S) có quan điểm hoài nghi châu Âu vào chính trường. Cuộc trưng cầu ý dân ở Italia bởi thế có thể là khởi đầu cho một sự tan rã của Liên minh châu Âu (EU) – một viễn cảnh thực sự đáng sợ.
Bầu cử Tổng thống Pháp (mùa xuân năm 2017)
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp (ngày 23-4 và 7-5-2017) là cuộc chạy đua với nhiều tâm điểm. Thủ tướng Manuel Valls đã từ chức để chính thức tham gia cuộc đua vào điện Elysees sau khi Tổng thống Francois Hollande tuyên bố rút lui.
Từ lâu, ông Valls vẫn được xem là một trong những gương mặt nổi bật nhất của cánh tả và đảng Xã hội (PS) cầm quyền. Mặc dù vậy, phe cánh tả (mà đại diện là đảng PS) đứng trước những lựa chọn khó khăn. Ngay cả khi ông Valls nhận được sự ủng hộ rộng rãi thì việc tập hợp lực lượng của phe cánh tả cho “trận đấu cuối cùng” đã là một thách thức.
Từ lâu, nội bộ đảng PS luôn có những người “bất mãn”, chống lại các chính sách của chính phủ. Chính đảng này còn bị chia rẽ sâu sắc do những bất đồng về một số chính sách kinh tế, cùng với đó là những bất đồng với các đồng minh cánh tả truyền thống như đảng Cộng sản (PCF) và đảng Xanh (EELV) trong vấn đề đường lối phát triển kinh tế của nước Pháp. Khi đó, trở ngại lớn nhất với ông Valls là gắn kết được các phe phái trong liên minh cánh tả.
Những chia rẽ bên trong đảng PS nói riêng hay phe cánh tả nói chung đang khiến liên minh cánh tả Pháp suy yếu trông thấy. Do vậy, trong cuộc chạy đua vào vị trí người đứng đầu nước Pháp, bên cạnh việc đưa ra chương trình tranh cử với những cam kết đáp ứng mong đợi của người dân, các ứng viên cánh tả phải đủ khả năng tập hợp lực lượng, đoàn kết mọi phe nhóm thì mới có thể hy vọng giành thắng lợi trước nhân vật cánh hữu đang lên là Francois Fillon – khá cứng rắn trong vấn đề người nhập cư và phản đối ý tưởng Pháp có thể là một xã hội đa văn hóa.
Đặc biệt là ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp (FN) Marine Le Pen, người luôn đề cao chủ nghĩa dân tộc, dân túy và bài ngoại, nhưng lại có sức hút lớn trong bối cảnh nước Pháp phải đối mặt với các thách thức khủng bố và nhập cư. Nếu bà Le Pen trúng cử vào vị trí tổng thống Pháp vào năm tới, bà tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc Pháp có ra khỏi EU hay không.
Bầu cử Liên bang Đức (mùa thu năm 2017)
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 6-12 đã tái đắc cử chức Chủ tịch Đảng Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU).
Như vậy bà Merkel sẽ tiếp tục dẫn dắt đảng này trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2017, cũng như rộng đường trở thành Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, tỷ lệ phiếu bầu 89,5% lại là tỷ lệ thấp thứ 2 trong suốt hơn 15 năm bà giữ cương vị lãnh đạo đảng. Đây được xem là lời cảnh báo đối với bà Merkel trong bối cảnh uy tín của “bà đầm thép” đã bị giảm mạnh do chính sách mở cửa tiếp nhận người tị nạn.
Thủ tướng Angela Merkel đang bị sa lầy vì cuộc khủng hoảng tị nạn tại châu Âu, tạo cơ hội cho Đảng cánh hữu của Đức (AfD) có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong các cuộc bầu cử khu vực kể từ khi thành lập vào năm 2013. Đảng này đã giành được ghế tại 10/16 nghị viện của các tiểu bang tại Đức, để trở thành một ứng cử viên trong cuộc bầu cử liên bang sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2017.
Bà Merkel đối mặt với sự sụt giảm tỉ lệ ủng hộ và sự tăng trưởng mạnh mẽ của đảng AfD.
Bất chấp tỉ lệ ủng hộ đang xuống thấp, trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động hiện nay, uy tín lãnh đạo của bà Merkel vẫn được đánh giá cao. Bà được xem là “nhân tố ổn định” mà người dân Đức và châu Âu mong đợi. Bà Merkel đã cho thấy khả năng lãnh đạo hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào và luôn quyết tâm bảo vệ các giá trị của nước Đức và châu Âu, vốn bị lung lay gần đây, mà cuộc khủng hoảng nhập cư là một trong những nguyên nhân.
Tuy nhiên, “bà đầm thép” sẽ chịu nhiều áp lực khi trở thành “người bảo vệ” cho toàn cầu hóa và dân chủ tự do, không chỉ đối với cử tri ở trong nước mà với cả thế giới. Trong khi chính trường Pháp được dự báo sẽ “thay máu”, với đảng lãnh đạo mới có khuynh hướng trái ngược, Paris và Berlin sẽ không thể tìm được tiếng nói chung để thống nhất về nhiều vấn đề cho EU.
Pháp trở nên “hướng nội” hơn sẽ khiến Đức đơn độc tự chèo lái EU khi Anh đã rời đi rất xa. Do đó, Berlin phải dẫn dắt EU với nhiều thách thức trước mắt như Brexit, người nhập cư và thậm chí là Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump – một nhân vật khó đoán định.
Đại hội Đảng 19 tại Trung Quốc (mùa thu năm 2017)
Năm 2016 là năm cuối cùng của Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18. Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (gọi tắt là Đại hội Đảng 19) dự kiến sẽ diễn ra vào mùa thu năm 2017.
Tại kỳ họp “lưỡng hội” tháng 3-2016, hai vấn đề nóng luôn được giới truyền thông để mắt chính là những chính sách mới của Chính phủ Trung Quốc và việc điều chỉnh nhân sự. Trong đó, ảnh hưởng của việc thay đổi trong cơ cấu tổ chức đối với Đại hội Đảng 19 đặc biệt quan trọng.
Tại Đại hội Đảng 19, trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay sẽ có 11 người được xác định là sẽ nghỉ hưu (do quy định 67 tuổi có thể tiếp tục lưu nhiệm, 68 tuổi sẽ nghỉ hưu), thế nhưng số người được xác định sẽ “cạnh tranh” cho 11 chỗ trống này hiện nay vẫn còn rất ít.
Nhiều chuyên gia giải thích rằng những quan chức được coi là thân tín của Chủ tịch Tập Cận Bình và được ông đề bạt cất nhắc đều là những người ít kinh nghiệm. Ngoài ra, những quan chức cấp cao hiện nay có nhiều kinh nghiệm trên chính trường, nhưng chưa chắc đã lọt vào tầm ngắm của ông Tập Cận Bình. Vì thế, khó đoán những ứng cử viên nào sẽ vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng 19.
Đại hội Đảng 19 được cho rằng sẽ định hình hướng đi của Trung Quốc trong 15 năm tiếp theo. Điều quan trọng là, 5 trong số 7 thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị – những người đưa ra quyết sách cuối cùng của toàn bộ đất nước Trung Quốc – dự kiến sẽ được thay thế.
Chỉ có một vài thành viên của Ủy ban Thường vụ sẽ được giữ lại là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, cho đến hết nhiệm kỳ vào năm 2022. Rõ ràng, Trung Quốc sẽ xuất hiện hiện tượng “thay máu nhân sự quy mô lớn” từ thấp đến cao.
Những người kế nhiệm sẽ được chọn ra từ hàng ngũ của Ủy ban Thường vụ khóa 19, có nhiệm vụ đưa Trung Quốc tiếp tục phát triển trong bối cảnh cuộc cải cách kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn. Và những ảnh hưởng của nền kinh tế cũng như chính trị tại Trung Quốc sẽ có tác động vô cùng to lớn đối với diễn biến của thế giới…
(Theo Công An Nhân Dân)
Dàn quan chức tỷ phú, triệu phú trong chính quyền Trump
Với việc lựa chọn nhiều triệu phú, tỷ phú vào các vị trí quan trọng, ông Trump nắm một nội các được đánh giá giàu có nhất trong lịch sự hiện đại Mỹ.
Theo Danviet
"Nóng bỏng" cuộc đua vào ghế Chủ tịch Nghị viện châu Âu Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz ngày 24/11 công bố ông sẽ rời khỏi cương vị này vào năm tới để tham gia chính trường Đức. Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn. Ông Schulz - thành viên đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đối tác trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức và đã giữ...