4 công chúa có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Việt Nam
Họ là những công chúa “tài sắc vẹn toàn”, từng hy sinh lợi ích bản thân vì dân tộc.
Huyền trân, An Tư, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa sống trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, ở hoàn cảnh không giống nhau, nhưng vì lợi ích dân tộc đã sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân.
Huyền Trân công chúa
Huyền Trân công chúa là con gái của vua Trần Nhân Tông, em vua Trần Anh Tông. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đến Chiêm Thành chơi, được vua Chiêm là Chế Mân tiếp đãi rất hậu.
Trước khi trở về Đại Việt, Trần Nhân Tông hứa đem con gái là Huyền Trân gả cho Chế Mân để kết tình thông gia giữa hai nước. Đổi lại, Chế Mân đem đất hai châu Ô và Lý (Quảng Trị và Thừa Thiên ngày nay) làm quà sính lễ.
Cuộc hôn nhân của Huyền Trân bắt đầu như thế. Bấy giờ, Chế Mân đã 83 tuổi. Chỉ một năm sau trở thành “con rể” của Đại Việt, Chế Mân chết.
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng lúc bấy giờ theo tục lệ Chiêm Thành, vua chết thì hoàng hậu bị hỏa thiêu theo. Nhà Trần không muốn Huyền Trân bị chết oan khi còn quá trẻ nên đã sai Trần Khắc Chung vào Chiêm Thành tìm cách cứu công chúa.
Sau khi trở về Đại Việt, bà xuất gia rồi mất vào năm 1340. Dân chúng quanh vùng thương tiếc, tôn bà là Thần Mẫu và lập đền thờ cạnh chùa Nộm Sơn.
Ngày bà mất sau này hàng năm trở thành ngày lễ hội đền Huyền Trân trên núi Ngũ Phong ở Huế. Huyền Trân chính là công chúa đầu tiên chấp nhận lấy người ngoại quốc để mang lại lợi ích cho hoàng tộc.
Tượng thờ Huyền Trân công chúa.
An Tư công chúa
Đến nay, năm sinh, mất và kể cả cuộc đời của công chúa An Tư vẫn là điều bí ẩn. Theo Việt sử tiêu tán, bà là con gái út của vua Trần Thái Tông (1218-1277), em gái của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông.
Năm 1285, quân Nguyên, dưới sự chỉ huy của Trấn Nam vương Thoát Hoan, tiến đánh Đại Việt lần thứ hai. Trước sự tấn công dồn dập như vũ bão của giặc, Thượng hoàng Trần Thái Tông đã cử người đem thư giảng hòa, nhằm mục đích kéo dài thời gian để củng cố lực lượng. Tuy nhiên, Toa Đô cậy thế mạnh không chấp nhận hòa hoãn, quân Nguyên đổ bộ đánh quân ta trên các mặt trận.
Lúc này, công chúa An Tư nhận trọng trách kìm hãm ý chí tiến công của địch vào thành Thăng Long để quân dân ta có thời gian củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu.
Video đang HOT
Việt sử tiêu tán của Ngô Thì Sĩ có ghi: “Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông. Quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được. Ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa An Tư Công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước”.
Đến nay, cuộc đời của công chúa An Tư sau khi được “gả” cho Thoát Hoan vẫn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự hy sinh thầm lặng của công chúa đã góp phần giúp nhà Trần đẩy lui quân giặc.
Giáo sư Phạm Đức Dương từng viết: “Nhà Trần trở thành triều đại vinh quang nhất trong lịch sử Đại Việt vì ba lần chiến thắng quân Nguyên. Trong chiến công chung đó người ta ghi nhận sự đóng góp, sự hy sinh thầm lặng của những phụ nữ, trong số ấy có công chúa An Tư. Người con gái ‘lá ngọc cành vàng’ ấy vì nợ nước đã ra đi không trở lại”.
Công chúa Ngọc Vạn
Công chúa Ngọc Vạn (có tài liệu ghi là công nữ Ngọc Vạn), là con gái thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên – chúa thứ 2 của dòng họ Nguyễn.
Năm 1620, theo lời cầu hôn của vua Chey Chetta II, chúa Sãi thuận gả Ngọc Vạn cho ông, và bà trở thành hoàng hậu Chân Lạp với tước hiệu Brhat Mae Samdach Brhat Bhagavati Amara Deva Thida.
Vừa đẹp người, lại đẹp nết, bà được vua Chey Chettha II rất yêu quý. Nhờ vậy, nhà vua đã cho một số người Việt đi theo bà giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp, cũng như cho nhiều người Việt lập hãng xưởng và buôn bán ở gần kinh đô.
Lợi dụng mối quan hệ này, năm 1623, chúa Sãi cử một sứ bộ, đem theo thư cùng nhiều tặng phẩm, tới Oudong để tỏ tình thân hữu và bảo đảm sự ủng hộ của triều đình Đàng Trong. Trong thư, chúa Nguyễn cũng đã yêu cầu vua Chey Chettha II cho lập một đồn thuế ở Prei Kor (tức vùng Sài Gòn) và lập một dinh điền ở Mô Xoài (gần Bà Rịa Vũng Tàu ngày nay – đây là dinh điền chính thức đầu tiên trên đất Chân Lạp).
Nhờ sự vận động của Ngọc Vạn, cả hai việc trên đều được vua Chey Chetta II chấp thuận.
Nhận xét về công chúa Ngọc Vạn, tiến sĩ Trần Thuận viết: “Cuộc hôn nhân này mặc dầu không được sử nhà Nguyễn ghi chép vì một lý do nào đó. Song, xét đến cùng, đây là cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị có tầm quan trọng đặc biệt đối với lịch sử dân tộc Việt Nam…
Lịch sử dân tộc Việt Nam từng có những phụ nữ làm nên đại cuộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu… và cũng từng có những người phụ nữ lặng lẽ hy sinh để cha anh làm nên nghiệp lớn như Huyền Trân, Ngọc Vạn, Ngọc Khoa… Chính họ là những con người làm nên lịch sử. Đáng kính thay!”.
Công chúa Ngọc Khoa
Công chúa Ngọc Khoa tên đầy đủ Nguyễn Phúc Ngọc Khoa, là con gái thứ 3 của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Bà là em gái công chúa Ngọc Vạn.
Cũng giống như chị mình, vì lợi ích của dân tộc, của dòng họ, bà đã chấp nhận “làm dâu xứ người”.
Theo sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, năm Tân Mùi (1631), bà (Ngọc Khoa) được đức Hy Tông (Sãi Vương) gả cho vua Chiêm Thành là Po Rômê.
Nhờ có cuộc hôn phối này mà tình giao hảo giữa hai nước được tốt đẹp, để chúa Nguyễn có thể dồn lực lại hòng đối phó chúa Trịnh, đồng thời cũng tạo thêm cơ hội mở rộng lãnh thổ về phía Nam.
Theo Zing
'Bao Công Việt' phá án và những vụ xét xử mưu mẹo trong lịch sử
Thời xa xưa, khi khoa học hình sự chưa ra đời, để phá án, cha ông ta phát minh ra những cách được xem là "độc chiêu" khi ấy.
Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, vào đầu năm Mậu Dần (1278), thời vua Trần Thánh Tông, bệnh đậu mùa hoành hành, làm rất nhiều người chết.
Chẳng biết do bị phóng hỏa hay người ta đốt đống rấm để xóa dịch bệnh, nhiều nhà dân ban đêm bị cháy rụi. Vua Trần Thánh Tông ra ngoại thành xem chữa cháy, Nội thư gia Đoàn Khung được đi theo hầu.
Nội thư Đoàn Khung và cách nhận biết người lạ
Theo sách Cương mục, bấy giờ, vua muốn biết chính xác trong số những người tham gia chữa cháy, ai là người đến trước, ai đến sau, nên sai Đoàn Khung thống kê, báo cáo. Đây là việc rất khó, vì sẽ chẳng có người nào tự nhận mình đến sau.
Trước tình huống khó, Đoàn Khung đã nghĩ ra một diệu kế. Ông cho tập hợp những người chữa cháy xếp hàng, rồi ấn đầu từng người, bảo ngồi xuống để đếm. Sau đó, ông tâu rõ với vua những người đến trước, sau, không sai chút nào.
Khâm phục tài năng của họ Đoàn, vua Thánh Tông liền hỏi: Tại sao ngươi biết rõ thế được?
Đoàn Khung trả lời rằng "thần ấn đầu người nào mà thấy mồ hôi thấm tóc và có tro bụi bám vào thì đó là những người đến trước và cố sức chữa. Người nào đầu tóc không có mồ hôi mà tro bụi bay rơi là người đến sau không kịp chữa, vì thế mà biết".
Cảnh xử án thời xưa. Ảnh minh họa.
Chuyện bắt trộm của Phí Trực
Đến thời vua Minh Tông, nhà Trần bắt đầu suy yếu, trộm cướp nổi lên. Lúc bấy giờ, tên Văn Khánh được xem là đầu sỏ trộm cướp, triều đình nhiều lần cho quan quân lùng bắt không được.
Một hôm, có người khai bắt được tên cướp, giải lên nộp quan và bảo tên bị bắt ấy là Văn Khánh. Đến lúc tra hỏi, người bị bắt cũng nhận ngay mình là Văn Khánh. Ai cũng cho rằng đây chính là viên cướp đầu sỏ khét tiếng. Tuy nhiên, quan Hình bộ lang trung Phí Trực vẫn nghi ngờ không phải.
Ông không hiểu sao tên trộm đầu sỏ khét tiếng lại bị bắt dễ thế, còn lập tức nhận mình là Văn Khánh chứ không có lời nào chối tội. Trong khi đó, hình pháp nhà Trần quy định xử rất nghiêm tội này, "kẻ trộm và người trốn tránh đều phải chặt chân, tay hoặc cho voi giày đến chết để chừa mãi thói đạo chích".
Vì phân vân, án ấy để lâu không giải quyết. Nắm được tình hình, đích thân thượng hoàng Trần Anh Tông dò hỏi, Phí Trực trả lời rằng: "Mạng người rất quan trọng, lòng thần còn có chỗ nghi ngờ, nên không dám liều lĩnh xử quyết".
Không bao lâu, thượng hoàng hỏi lại án Văn Khánh, Phí Trực vẫn trả lời như lần trước. Thượng hoàng giận ông, bảo "nó đã nhận như thế, ngươi còn ngờ gì nữa mà không xử đi". Phí Trực tâu rằng: "Nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ".
Không ngoài dự đoán của Phí Trực, một tháng sau, tên Văn Khánh thật quả nhiên bị bắt. Thượng hoàng lúc đó mới thấy tài năng của ông Hình bộ lang trung.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cảm phục tài năng của Phí Trực, về sau, vua Trần Anh Tông đã cho ông giữ chức An phủ Thiên Trường.
Đó là đặc ân lớn mà nhà vua đã ban cho vị phán quan tài giỏi, bởi theo lệ nhà Trần người được cử làm An Phủ sứ Thiên Trường phải là những viên quan từng kinh qua An Phủ sư cấp lộ, rồi khảo hạch đủ chuẩn mới bổ dụng. Nhưng với Phí Trực, đó được xem như ngoại lệ bởi tính cẩn thận, minh bạch của ông.
'Bao Công' Nguyễn Mại và chuyện cho dân tát người để tìm hung thủ
Nguyễn Mại, người làng Ninh Xá, huyện Chí Linh, Hải Dương, là một trong những vị quan nổi tiếng liêm chính, xử án xuất sắc dưới thời Hậu Lê. Đương thời, ông được suy tôn là "Bao Công nước Việt".
Trong cuộc đời xử án của mình, Nguyễn Mại để lại nhiều giai thoại chứng minh được tài năng hơn người.
Theo sách Hải Dương phong vật chí, một hôm, Nguyễn Mại đi bộ qua chợ Bảo Khám, thuộc huyện Gia Bình (Bắc Ninh), thấy người đàn bà mất con gà, chửi rủa mãi không thôi. Bà ta lôi cả tam đời, ngũ đại nhà kẻ ăn trộm ra mà chửi.
Sau khi biết sự tình, ông cho gọi người đàn bà mất của lại hỏi con gà đáng giá bao nhiêu tiền để trả. Ông sai lính trói người đàn bà ấy ở quán, rồi cho gọi làng xóm đến chứng kiến cảnh mắng người đàn bà bị trộm gà tội chua ngoa.
Sau đó, ông sai tất cả đàn ông, đàn bà trong xóm vả vào má người đàn bà vì tội chửi rủa. Dân trong làng thương bà đã mất gà còn bị tát nên nương tay. Chỉ có một người đàn bà trong làng ra sức tát thật mạnh. Nguyễn Mại lập tức cho giữ người này lại và nói: "Chính ngươi đã ăn trộm gà, bị chửi rủa thậm tệ nên mới động lòng mà đánh người ta đau như thế. Tội ấy còn chối cãi sao được!"
Con gà được trả lại cho người bị mất, còn kẻ ăn trộm cứ chiểu theo luật mà định tội. Dân tình trong làng ai cũng khen quan Nguyễn Mại xét án công bằng, sáng suốt.
Theo Zing
Những vị vua Việt từng ra nước ngoài Trừ các vua nhà Nguyễn như Khải Định, Bảo Đại từng sang Pháp, bạn có biết những vị vua, chúa nào từng ra nước ngoài? Xưa kia, hoàng đế thường chỉ sống ở kinh thành, thỉnh thoảng đi tuần thú các địa phương, chứ ít khi đi sang thăm nước ngoài. Vậy mà vẫn có một số vị vua Việt Nam làm điều...