4 cảnh báo trong bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh đáp ứng Chương trình GDPT mới
Trong bối cảnh dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam còn nhiều khó khăn như hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ đặt ra những thử thách không nhỏ đối với công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh, nhất là giáo viên ở 2 cấp học THCS, THPT.
Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) môn tiếng Anh mới (ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã kế thừa và tích hợp những đường hướng giáo dục tiên tiến trên thế giới như dạy học theo định hướng phát triển năng lực, lấy người học làm trung tâm, và đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với bối cảnh dạy và học tiếng Anh tại các địa phương khác nhau …
Tuy nhiên, không khó để nhận thấy trong bối cảnh dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam còn nhiều khó khăn như hiện nay, chương trình GDPT mới nói trên cũng sẽ đặt ra những thử thách không nhỏ đối với công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh nói chung và công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh ở hai cấp học THCS, THPT nói riêng.
Chương trình GDPT mới sẽ đặt ra những thử thách không nhỏ đối với công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh
Tiến sĩ Vũ Hải Hà – Trưởng Khoa Sư phạm Tiếng Anh – Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN đã đưa ra 4 đề xuất chính nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên ở hai cấp học trên trong thời gian tới.
Giáo viên phải hiểu khái niệm mới
Thứ nhất, Nếu như trước đây, việc giảng dạy tiếng Anh tập trung chủ yếu vào việc phát triển ở người học năng lực sử dụng tiếng Anh làm công cụ giao tiếp, thì với đường hướng phát triển năng lực và lấy người học làm trung tâm, chương trình giáo dục phổ thông tiếng Anh mới còn song song hướng tới việc bồi dưỡng kiến thức của người học về ngôn ngữ và văn hóa của các nước nói tiếng Anh cũng như Việt Nam.
Đồng thời, phát triển ở người học thái độ tích cực đối với việc học, định hướng học tập trong tương lai, nghề nghiệp, cũng như với người dân và văn hóa của các nước trên thế giới; phát triển kỹ năng, phương pháp học tập tiếng Anh cũng như những môn khác trong CTGDPT.
Điều này cho thấy các chương trình bồi dưỡng giáo viên cũng phải có sự điều chỉnh tương ứng, để không chỉ trang bị cho giáo viên kiến thức hay kỹ năng giảng dạy các kỹ năng thực hành tiếng, mà còn có thể giúp cho họ hiểu rõ và nắm vững được những khái niệm mới trong CTGDPT mới, như “năng lực”, “thái độ” hay “kỹ năng (mềm)”…hay những nội dung kiến thức mà nhiều giáo viên có thể còn chưa thấy tự tin, như kiến thức văn hóa thế giới và Việt Nam, hay mối liên hệ giữa môn tiếng Anh với các môn học khác trong CTGDPT tổng thể.
Giáo viên phải biết lồng ghép kỹ năng mềm với kiến thức văn hóa
Thứ hai, công tác bồi dưỡng cũng cần hỗ trợ giáo viên phương pháp, cách thức, thủ thuật dạy học… nhằm đạt được những mục tiêu trên trong bài dạy của mình. Nói cách khác, nếu người học cần phát triển bộ ba: kiến thức, kỹ năng (bao gồm kỹ năng thực hành tiếng cũng như kỹ năng mềm) và thái độ, thì người dạy cũng cần nắm được phương pháp giúp cho người học phát triển những kiến thức, kỹ năng, thái độ đó.
Ví dụ như chương trình bồi dưỡng giáo viên trong thời gian tới cần giúp giáo viên biết cách lồng ghép việc phát triển những kỹ năng mềm, những kiến thức văn hóa, hay những kiến thức của các môn học khác thông qua việc dạy tiếng Anh.
Video đang HOT
Điều này về lý thuyết có thể đạt được thông qua các hình thức dạy học phi truyền thống như: dạy học qua dự án, dạy học tích hợp các kỹ năng, dạy tiếng Anh thông qua các nội dung chuyên ngành… nhưng thực tế cho thấy những hình thức dạy học này còn khá mới mẻ ở Việt Nam và có thể gây bỡ ngỡ đối với nhiều giáo viên.
Do đó, họ cần phải được học hỏi, trau dồi, luyện tập thêm mới có thể áp dụng chúng nhuần nhuyễn và hiệu quả trên lớp học của mình.
Giáo viên được chủ động trong lựa chọn tài liệu
Thứ ba, công tác bồi dưỡng cũng giúp cho giáo viên tự tin, chủ động và linh hoạt hơn trong lớp học của mình.
Thay vì việc dạy cho giáo viên cách dạy học theo một bộ sách, một giáo án cụ thể, một phương pháp duy nhất được cho là “tối ưu” hay thiết kế và tiến hành kiểm tra đánh giá theo một hình thức duy nhất hay theo một bài thi chuẩn nào… thì việc bồi dưỡng giáo viên trong thời gian tới cần hướng tới giúp cho giáo viên dạy học và kiểm tra đánh giá đáp ứng các yêu cầu được đặt ra của một chương trình khung chung (CTGDPT môn tiếng Anh mới).
Điều đó có nghĩa là giáo viên (với sự tư vấn của những bên liên quan) có thể chủ động hơn trong lựa chọn tài liệu, nội dung, quy trình và phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá … phù hợp với việc đạt được mục tiêu chung của CTGDPT môn tiếng Anh đề ra cho cấp học, hay lớp học đó.
Giáo viên, cần được hướng dẫn cách lựa chọn, thiết kế, điều chỉnh, đánh giá tài liệu, cách kết hợp nhiều phương án dạy học, tổ chức lớp học, kiểm tra đánh giá khác nhau, phương thức thực hiện các hoạt động đánh giá đồng cấp, tự đánh giá và chiêm nghiệm (reflexive practices)… để có thể tự tin, chủ động và linh hoạt hơn trong công tác giảng dạy của mình.
Tránh bồi dưỡng nặng về lý thuyết, xa rời thực tiễn
Thứ tư, công tác bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh cũng cần nắm được đặc thù của cấp học cũng như vùng miền … để đưa ra những nội dung và phương pháp bồi dưỡng hiệu quả dành cho giáo viên.
Dễ nhận thấy hình thức bồi dưỡng giáo viên nặng tính lý thuyết, giáo điều, nhồi nhét và xa rời thực tế… ngày càng trở nên lỗi thời và bất cập, đặc biệt đối với việc thực hiện CTGDPT mới.
Ví dụ như với cấp THCS, làm sao để lồng ghép các hình thức dạy học hiện đại như dự án, trải nghiệm, tích hợp nhiều kỹ năng, hay thông qua các nội dung chuyên ngành … trong điều kiện lớp học có sĩ số đông, cơ sở vật chất hạn chế và thời lượng eo hẹp là một trong những vấn đề gây nhiều khó khăn đối với giáo viên.
Do đó, nếu các chương trình bồi dưỡng giáo viên chỉ bàn luận một cách chung chung, hàn lâm, mà không giải quyết trực diện những vấn đề nói trên bằng cách đưa ra những gợi ý, phương án dạy học… cho giáo viên, hay đơn giản là dành thời gian cho chính giáo viên thực hành, nhận xét lẫn nhau, và cùng chia sẻ trải nghiệm, sáng kiến của bản thân mình để giải quyết những vấn đề hàng ngày trên lớp học, thì các chương trình bồi dưỡng đó khó có thể khiến giáo viên cảm thấy hữu ích được.
Trên đây là một số đường hướng có tính gợi ý nhằm hướng tới cải thiện chất lượng bồi dưỡng giáo viên cấp THCS và THPT nhằm đáp ứng nhu cầu của CTGDPT môn tiếng Anh mới.
Mặc dù những giải pháp trên có thể chưa thật sự toàn diện, đầy đủ thì việc nâng cao nhận thức và kêu gọi sự tham gia đồng bộ của các đối tượng liên quan tới công tác bồi dưỡng giáo viên (như các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị cung cấp các chương trình bồi dưỡng giáo viên, các đơn vị đào tạo cử giáo viên tham gia công tác bồi dưỡng, giáo viên tham gia bồi dưỡng…) là hết sức cần thiết để CTGDPT môn tiếng Anh mới có thể phát huy được tính hiệu quả của mình sớm nhất trong thời gian tới.
Tiến sĩ Vũ Hải Hà – Trưởng Khoa Sư phạm Tiếng Anh – Trường ĐH Ngoại ngữ -ĐHQGHN
Theo Dân trí
Đổi mới hoạt động bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ theo hướng nào?
Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo là một trong 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong Chỉ thị năm học 2019 - 2020.
Vì vậy, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, tăng cường các điều kiện dạy và học ngoại ngữ đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Bồi dưỡng GV là yếu tố quan trọng trong quá trình đổi mới. Nguồn ảnh: Internet
Thống nhất về nội dung và hình thức
Để triển khai chương trình tiếng Anh hệ 10 năm, từ năm học 2011 - 2012 đến nay, hoạt độngbồi dưỡng giáo viên (GV) tiếng Anh các cấp học phổ thông đã được triển khai thực hiện đối với cả năng lực tiếng Anh và nghiệp vụ sư phạm giảng dạy tiếng Anh của GV.
Đánh giá hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng GV phổ thông, PGS.TS Phạm Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng ĐHNN - ĐH Huế cho rằng, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm giúp GV nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của năng lực ngôn ngữ đối với chất lượng giảng dạy ngoại ngữ. Đồng thời, nâng cao nhận thức về chuẩn đặc thù của GV tiếng Anh, cải thiện trực tiếp năng lực tiếng Anh cho GV.
Để việc bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đạt yêu cầu, ông Nguyễn Xuân Long, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHNN - ĐHQG Hà Nội đề xuất: Cần tiếp tục đầu tư kinh phí và đổi mới nội dung, hình thức bồi dưỡng. Kết hợp mô hình bồi dưỡng trực tiếp và trực tuyến, gia tăng thời lượng thực hành, thực nghiệm, thực địa. Nội dung bồi dưỡng cần liên tục cập nhật và đổi mới. Đặc biệt, bồi dưỡng ở nước ngoài là một hợp phần trong chương trình bồi dưỡng thường niên.
Theo bà Phạm Thị Hồng Nhung, hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong những năm gần đây có đáp ứng sát hơn với nhu cầu của GV trong việc sử dụng sách giáo khoa, chuẩn bị cho triển khai chương trình mới. Cải thiện năng lực tự bồi dưỡng, tự học tập.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, hoạt động này còn bộc lộ nhiều hạn chế như thời lượng cho mỗi bậc năng lực chưa thực sự phù hợp. Không duy trì được bậc năng lực sau bồi dưỡng; Việc đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ còn mang tính đối phó; Chương trình bồi dưỡng chưa sát với nhu cầu thực tế; Thiếu hỗ trợ duy trì năng lực sau bồi dưỡng; Chỉ tiêu chưa sát với nhu cầu địa phương...
Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng GV tiếng Anh, bà Phạm Thị Hồng Nhung đề xuất cần xây dựng các chương trình bồi dưỡng thống nhất chung cả về nội dung và hình thức. Ví dụ, không dùng chương trình được xây dựng để dạy trực tuyến thay thế hoàn toàn chương trình dạy trực tiếp. Xây dựng cơ chế hỗ trợ người học sau bồi dưỡng. Có chính sách hỗ trợ, khen thưởng với giáo viên tự học tự bồi dưỡng có chứng chỉ năng lực cập nhật.
Các chương trình bồi dưỡng cần xây dựng đáp ứng sát nhu cầu của GV bậc học khi triển khai giảng dạy chương trình mới hiện nay. Cần ưu tiên phát triển năng lực đánh giá, lựa chọn, điều chỉnh tài liệu dạy học (như sách giáo khoa) và năng lực kiểm tra đánh giá trong lớp học. Phân bổ chỉ tiêu và địa bàn bồi dưỡng hợp lý hơn, đáp ứng sát với nhu cầu của địa phương và đặc điểm của đơn vị bồi dưỡng.
Cần xây dựng các chương trình bồi dưỡng thống nhất chung cả về nội dung và hình thức. Ảnh minh họa/ Internet
Hình thức trực tuyến
ThS Đào Minh Trung, giảng viên Khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Cần Thơ cho biết, nhằm tăng thêm hiệu quả trong việc giảng dạy, Trường ĐH Cần Thơ đã nâng cao chất lượng GV tiếng Anh học bồi dưỡng chuyên môn bằng hình thức trực tuyến - chương trình EL Teach. Phần mềm này được triển khai theo hình thức học online có sự hỗ trợ của GV hướng dẫn nên rất thuận lợi trong việc tự học, trao đổi thông tin trực tiếp với các học viên khác hoặc GV hướng dẫn dễ dàng.
Bên cạnh đó, thời gian sử dụng chương trình dài. GV có thể tổ chức lớp học theo dạng workshop trong quá trình học EL Teach, thuận lợi xây dựng cộng đồng học tập cho các học viên. Tuy nhiên, hình thức học tập này cũng có những hạn chế nhất định như trình độ ứng dụng tin học của giáo viên và học viên khi sử dụng phần mềm EL Teach. Cơ sở vật chất không đủ đáp ứng do chương trình học EL Teach đòi hỏi phải cài đặt vài ứng dụng nền để chạy chương trình, nhưng đa số các phòng máy ở các tỉnh không có sẵn các ứng dụng này và mỗi khi sử dụng thì phải cài đặt.
Nhận thức của người học chưa đúng mục đích. Một số GV không nhận thức được việc học để ứng dụng vào giảng dạy, mà chỉ cố gắng hoàn thành các nội dung học như yêu cầu của chương trình. Một số ít GV thì không học đều đặn trên hệ thống, mà chỉ học khi sắp đến workshop hoặc khi gần thi cuối khóa.
Để khắc phục những hạn chế này, Trường ĐH Cần Thơ tiến hành xác định mục tiêu của khóa học EL Teach. Hỗ trợ kiến thức tin học căn bản cho học viên. Đề nghị học viên mang theo máy tính cá nhân và sử dụng mạng di động 3G hoặc 4G để vào học. Ban tổ chức có trang bị vài bộ phát sóng wifi để hỗ trợ học viên trong các tình huống như thế. Workshop là cần thiết và nội dung workshop được ấn định theo các đề mục lớn của chương trình học.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, theo ThS Đào Minh Trung, để nâng cao chất lượng GV ngoại ngữ, cần có sự hợp tác của Sở GD&ĐT trong việc đưa tiêu chí của việc sử dụng tiếng Anh để dạy tiếng Anh vào việc thi đua, khen thưởng, dự giờ, thao giảng thì ứng dụng của chương trình EL Teach mới có tác dụng lâu dài.
ThS Đào Minh Trung cho rằng, ngoài chương trình EL Teach nên có thêm những chương trình được xây dựng tại Việt Nam về phương pháp giảng dạy để các giáo viên có thể vừa cập nhật các kỹ thuật giảng dạy mới, vừa phát huy việc ứng dụng công nghệ thông tin (IT) trong giảng dạy và học tập nâng cao nghiệp vụ. Nên tạo điều kiện cho các đơn vị đào tạo, giảng dạy chương trình EL Teach xây dựng phòng máy tính chuyên dụng cho việc thi EL Teach.
Trịnh Huyền
Theo GDTĐ
Hàng trăm học sinh Hải Phòng không còn phải ngồi chơi... trong giờ tiếng Anh Trước tình trạng hơn hai trăm học sinh khối 7 và 8 trường THCS Lý Tự Trọng phải ngồi chơi trong giờ học tiếng Anh do thiếu giáo viên dạy, quận Ngô Quyền đã khẩn trương khắc phục, xử lý bằng việc đưa giáo viên khác tới dạy. Theo phản ảnh từ các phụ huynh có con theo học tại Khối 7 và...