372 tân bác sĩ tốt nghiệp theo chương trình đổi mới chuẩn năng lực
Ngày 20-11, Khoa Y, Trường Đại học Y dược TPHCM đã tổ chức lễ tốt nghiệp bác sĩ y khoa cho 372 sinh viên y khoa hệ chính quy, khóa học 2016-2022.
Đến dự có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, cùng đại diện Bộ Giáo dục – Đào tạo, các bệnh viện, trường học đối tác của Đại học Y dược TPHCM.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại lễ tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y dược TPHCM
Theo PGS-TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Y, Đại học Y dược TPHCM, đây là khóa đầu tiên được đào tạo theo chương trình đổi mới dựa trên chuẩn năng lực cơ bản của bác sĩ đa khoa, gồm sáu lĩnh vực: kiến thức y khoa, chăm sóc người bệnh, y đức và tính chuyên nghiệp, giao tiếp và cộng tác, thực hành dựa trên hệ thống và học tập, cải thiện dựa trên thực hành.
Chương trình 6 năm, được chia làm hai giai đoạn, tiền lâm sàng trong ba năm đầu và lâm sàng trong ba năm sau. Tổng khối lượng học tập của chương trình là 212 tín chỉ. Số sinh viên được tuyển đầu khóa học là 394 và số sinh viên còn lại ở cuối khóa học là 372.
PGS-TS Vương Thị Ngọc Lan, Trưởng Khoa Y, Trường Đại học Y dược TPHCM phát biểu tại buổi lễ
Kết quả của khối sinh viên Khoa Y 2016 có 364 sinh viên dự thi tốt nghiệp, trong đó 358 sinh viên được công nhận tốt nghiệp bác sĩ y khoa (tỷ lệ 98,35%, có 1 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và 45 sinh viên loại giỏi).
Ngoài ra, trong đợt tốt nghiệp này còn có 14 sinh viên của các khóa trước được công nhận tốt nghiệp. Như vậy, tổng số sinh viên được công nhận tốt nghiệp năm 2022 là 372.
Video đang HOT
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã biểu dương tập thể Trường Đại học Y dược TPHCM tiên phong, nỗ lực không ngừng để thực hiện thành công việc đổi mới chương trình đào tạo bác sĩ y khoa dựa theo chuẩn năng lực. Một thế hệ bác sĩ mới có đức, có tài, có năng lực đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và có năng lực thích ứng với sự biến động của thế giới trong thế kỷ 21.
Các tân bác sĩ tốt nghiệp theo chương trình đổi mới chuẩn năng lực
Theo người đứng đầu ngành y tế, đây là mô hình được cho là cần thiết để đào tạo nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu của hệ thống chăm sóc y tế ở mỗi quốc gia và phạm vi toàn cầu trong thế kỷ 21.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế chúc mừng các tân bác sĩ niên khóa 2016-2022 tốt nghiệp, đồng thời nhắn nhủ các em có quyền tự hào là những người đầu tiên được hưởng lợi từ chương trình đổi mới.
“Muốn làm thầy thuốc, phải học tập suốt đời. Tôi mong các em luôn học tập, nghiên cứu khoa học, góp phần làm rạng danh nền y tế của nước nhà, tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để tiếp nối những trang vàng của nhà trường nói riêng và của ngành y tế nói chung”, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Hành trình khởi nghiệp của bác sĩ trẻ
Đam mê y khoa từ nhỏ nhưng bị gia đình phản đối vì lựa chọn ngành da liễu, từng một thời gian dài mải chơi game đến mức bị gia đình phạt cả trăm lần, nhưng Bác sĩ CKI Phạm Minh Trường đã vượt qua tất cả để thay đổi bản thân, gặt hái thành công trong lĩnh vực thẩm mỹ nội khoa và là gương sáng về tình nguyện vì cộng đồng.
Bác sĩ CKI Phạm Minh Trường tại các buổi đào tạo, tập huấn về chăm sóc da liễu trong vai trò chuyên gia.
Mối duyên của Bác sĩ Phạm Minh Trường đến từ những ngày anh mới 5-6 tuổi. Khi đó, ở quê nhà của anh tại huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) vẫn chưa có bất cứ phòng khám chuyên khoa nhi nào. Vì vậy, mỗi lần anh ốm, bố anh thường phải đưa qua phà, sang thành phố Cần Thơ mới có thể khám bệnh.
"Có một lần nọ, sau khi khám bệnh xong, bác sĩ tặng tôi một phong bao lì xì rồi hỏi mai sau tôi muốn làm nghề gì. Không hề suy nghĩ, tôi nói rằng muốn làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người. Ai ngờ đâu, đó chính là câu trả lời định mệnh gắn với sự nghiệp cả đời tôi", bác sĩ 8x kể lại.
Từng nghiện game quên ăn ngủ
Trong trí nhớ của mình, vị bác sĩ quê Vĩnh Long thậm chí không nhớ nổi đã từng bị bố đánh đòn bao nhiêu lần vì mê game. Thực tế, biết được sở thích của con trai, bố đã sắm hẳn một bộ máy chơi game để anh không la cà quán xá, đồng thời dễ "kiểm soát" hơn.
Thế nhưng, sau một thời gian, nhận thấy con trai không những không tiến bộ mà ngày càng mê game tới mức quên ăn, quên ngủ, bố anh đã đập nát bộ máy chơi game ngay trước mắt anh. Vậy mà, anh vẫn lén lút trốn học đi chơi game ở tiệm.
Hậu quả của việc này là anh bị "tịch thu" cả chiếc xe đạp vẫn thường dùng để đi học, cùng lời cảnh báo sẽ cho nghỉ học vĩnh viễn nếu vẫn tiếp tục ham mê game. Không còn xe đạp, cậu bé Phạm Minh Trường hằng ngày lủi thủi đi bộ tới trường mỗi ngày.
"Sau những lần đó, bố tôi nói với tôi rằng, nếu tôi để các thú vui lấn át mà đánh mất mình, thì ước mơ trở thành bác sĩ của tôi sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Vào thời điểm mà bất cứ học sinh nào cũng dễ "nổi loạn", lời dạy giản đơn của bố đã khiến tôi bừng tỉnh", Bác sĩ CKI Phạm Minh Trường nói.
Anh tự đặt ra những khung "kỷ luật thép" cho bản thân và không bao giờ vượt qua, đồng thời dành tất cả thời gian cho việc học. Nhờ đó, từ một thiếu niên nghiện game nặng, anh đã trở thành học sinh giỏi đứng đầu khối trong suốt 3 năm liên tiếp, từ lớp 10 đến lớp 12.
18 tuổi, chàng tân sinh viên Phạm Minh Trường khăn gói từ quê nhà Vĩnh Long lên thành phố Cần Thơ, bắt đầu cuộc sống tự lập xa nhà. Ngoài thời gian ngồi ghế giảng đường, anh còn tích cực tham gia tình nguyện trong chiến dịch "Mùa hè xanh" do tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp phát động, tuyên truyền về các bệnh truyền nhiễm, an toàn tình dục cho bà con nông dân khu vực miền tây.
Năm 2010, tốt nghiệp đại học, anh quyết định theo đuổi chuyên ngành da liễu nhưng bị bố mẹ phản đối vì sợ anh khó phát triển chuyên môn. Mâu thuẫn căng thẳng tới mức, gia đình anh quyết định "cắt" mọi khoản chu cấp, thậm chí yêu cầu anh "đừng coi mình còn bố mẹ nữa".
Không ngừng vượt khó theo đuổi ước mơ
Bị gia đình "mời ra đường" theo nghĩa đen, chàng trai 25 tuổi rời nhà ngay trong đêm với hành trang duy nhất là niềm tin vào ngành nghề đã chọn. Anh xin làm bác sĩ thực tập tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ, vừa trau dồi kỹ năng, vừa chăm chỉ bổ sung kiến thức để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh sau đại học ở thành phố Hồ Chí Minh.
Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với một bác sĩ vừa ra trường, lương tháng chẳng đủ chi tiêu. Anh chấp nhận trở thành trình dược viên, đi bán thuốc trong những lời chê bai, chế giễu của bạn bè. 2 năm nhanh chóng trôi qua, cuối cùng thì Phạm Minh Trường cũng đủ kinh phí theo học CKI Da liễu tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Một lần nữa, anh tiếp tục chọn hướng đi "không giống ai" lúc bấy giờ: thẩm mỹ nội khoa. Trong khi đó, các bạn học hầu hết đều theo đuổi ngành phẫu thuật thẩm mỹ để sớm có thành tựu và thu nhập cao.
Bác sĩ CKI Phạm Minh Trường trao đổi chuyên môn cùng các nữ đồng nghiệp.
"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", Bác sĩ trẻ Phạm Minh Trường âm thầm hoàn thành các khóa học về giải phẫu thẩm mỹ tại Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), Trung tâm Laser và Sức khỏe (Slovenia)... và được tuyển dụng làm bác sĩ chính ở một phòng khám lớn của Singapore.
Nỗ lực không ngừng nghỉ giai đoạn 2014-2020 để có thu nhập trung bình hằng tháng lên tới 300 triệu đồng. Thế nhưng, chính thời điểm đó, anh lại quyết định "bẻ lái" sự nghiệp theo hướng đi mà nhiều người hẳn sẽ cho là "khó hiểu": xin thôi việc.
Anh dùng tất cả vốn liếng để mở một phòng khám tư nhân chuyên điều trị các vấn đề về da liễu, đặc biệt là xử lý những trường hợp tai biến da liễu do điều trị sai phương pháp.
Với trình độ chuyên môn tốt, bề dày kinh nghiệm cùng tình yêu nghề nghiệp, anh nhanh chóng gây dựng được thương hiệu của riêng mình. Hiện tại, ngoài công việc ở phòng khám, anh còn tập trung đi đào tạo cho các hãng cung cấp thiết bị thẩm mỹ, làm chuyên gia tại các buổi chia sẻ của những nghệ sĩ nổi tiếng và đặc biệt là vẫn thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện ở thành phố mang tên Bác.
Khi chúng tôi hỏi về một lời khuyên cho những sinh viên đang theo đuổi ngành y, Bác sĩ CKI Phạm Minh Trường chia sẻ: "Y khoa là lĩnh vực vô cùng rộng lớn, vì vậy các bạn trẻ nên xác định rõ chuyên ngành nào mới là đam mê thật sự của bản thân, chấp nhận dấn thân và sẵn sàng trả giá khi chẳng may thất bại. Ngoài ra, cần gạt bỏ những suy nghĩ "đứng núi này trông núi nọ", bởi một khi đã đạt đến trình độ cao, thì chuyên ngành nào cũng đều mang lại cho các bạn thành công trong sự nghiệp".
Xét tuyển ĐH-CĐ bằng điểm thi đánh giá năng lực ra sao? Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được công bố vào ngày 5-4. Ngày 27-3, gần 80.000 thí sinh (TS) lớp 12 hoặc đã tốt nghiệp THPT trước đó đã hoàn thành đợt 1 của kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Kỳ thi diễn ra cùng...