30% kiến thức Toán là vô bổ
“Không chỉ nặng, CT-SGK phổ thông hiện nay còn không đáp ứng được mục tiêu giáo dục toàn diện” – GS Văn Như Cương nhận xét.
Có sự trái ngược giữa đánh giá của cấp quản lý với góp ý của các giáo viên đứng lớp về chương trình – sách giáo khoa (CT-SGK) phổ thông – GS Văn Như Cương thẳng thắn nhận định với buổi giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại trường mình. “Không chỉ nặng, CT-SGK phổ thông hiện nay còn không đáp ứng được mục tiêu giáo dục toàn diện” – GS nhận xét.
30% kiến thức Toán là vô bổ
Trước nhiều ý kiến của cấp quản lý cho rằng CT-SGK hiện nay phù hợp với tâm sinh lý đối tượng học sinh và không “quá tải”, GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh lại có quan điểm ngược lại. “Trường THPT Lương Thế Vinh có tỷ lệ học sinh đỗ ĐH cao, điểm trung bình tuyển sinh ĐH trên 18 điểm trong khi mức trung bình của Hà Nội là dưới 13 điểm. Tuyển sinh lớp 10, trường có mức điểm chuẩn thuộc tốp đầu toàn thành phố. Tuy chất lượng đào tạo của trường khá cao nhưng để nói về CT-SGK hiện hành tôi vẫn phải thừa nhận học sinh đi học bây giờ khổ cực quá.” – GS Văn Như Cương nhấn mạnh.
Chia sẻ về những điểm “vô lý” của CT-SGK hiện nay, GS Văn Như Cương cho biết, trừ những giáo viên dạy toán mới cần đến số phức thì không thể hiểu dạy học sinh kiến thức này để làm gì. Vô lý nhưng không thể bỏ qua vì theo giáo sư kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng có 1 câu liên quan đến kiến thức này. “30% kiến thức Toán là vô bổ nếu không theo học chuyên ngành Toán” – ông kết luận.
Giáo viên, học sinh đều mong muốn giảm tải chương trình phổ thông
Video đang HOT
Một giáo viên dạy Văn trường Trung học Lương Thế Vinh cho rằng việc xa rời thực tế, nặng tính hàn lâm thể hiện khá rõ trong SGK. Giáo viên này đưa ra ví dụ SGK Ngữ văn lớp 7 với cụm bài “Thơ Đường”quá cao so với tư duy, khả năng cảm nhận của học sinh. Nặng về kiến thức nhưng phân phối chương trình cứng nhắc, không hợp lý, không giao quyền chủ động cho giáo viên cũng là nguyên nhân dẫn tới quá tải với cả học sinh lẫn giáo viên.
“Bộ biết mà sao không sửa?”
“Bộ GD-ĐT biết quá tải từ lâu khi thực hiện CT-SGK cải cách nhưng đến năm ngoái mới đưa ra chương trình giảm tải hết sức chắp vá, vụn vặt, bỏ một, hai bài tập, bỏ câu a, b nhưng không dám bỏ chương bỏ bài. Đấy là năm ngoái, năm nay thì không thấy bổ sung gì” – GS Văn Như Cương góp ý.
Thầy Nguyễn Hoàng Liêm, giáo viên Toán trường THCS Liên Mạc cũng thừa nhận chương trình Toán THCS nặng, giáo viên thực sự gặp khó khăn khi thực hiện chương trình. Trong khi đó, về việc giảm tải, thầy Liêm khẳng định: “Nội dung giảm tải vụn vặt, ít đem lại tác dụng. Bài tập trong SGK thường có tính liên hoàn, cắt bài tập ở chương trình này nhưng kiến thức lại có ở chương sau nên dù có giảm tải thì giáo viên vẫn phải dạy. Nếu muốn giảm tải thì phải làm tổng thể”.
Một thực tế nữa được nhiều giáo viên phản ánh là CT-SGK phổ thông với một số môn học yêu cầu cao khiến học sinh dân tộc thiểu số, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn và học sinh có học lực yếu khó theo kịp. Trong khi đó, việc sử dụng CT-SGK đại trà sẽ dẫn tới lãng phí, không phát huy được với những học sinh có năng lực vượt trội, vì vậy ông Phạm Văn Đại, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam kiến nghị: “Bộ GD-ĐT cần sớm xây dựng chương trình SGK THPT chuyên để áp dụng đồng bộ trên phạm vi cả nước. Chương trình chuyên cần cho phép 70% phần cứng bắt buộc thực hiện chung cho toàn quốc, mang tính hệ thống. Ngoài ra, 30% dữ liệu mở để cho phép bổ sung trên cơ sở phù hợp với trình độ, năng lực học sinh, phù hợp với thời đại, phù hợp với điều kiện cơ sở vùng, miền khác nhau…”.
Không đơn giản chỉ nặng nhẹ về nội dung kiến thức, GS Văn Như Cương còn nêu ra thực trạng đáng lo ngại hơn khi chương trình không đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện. “Chúng ta hiện đang thiếu hẳn việc dạy làm người, dạy kỹ năng sống mà thiên về kiến thức văn hóa, mất cân đối nghiêm trọng. Xã hội nhiều tệ nạn mới, phức tạp, nhưng nhà trường không giúp học sinh có sức đề kháng. Điều này cần phải được thay đổi trong CT-SGK mới”.
Kêu gọi sự đóng góp khách quan, trung thực về những tồn tại của CT-SGK phổ thông hiện hành để rút kinh nghiệm cho việc đổi mới CT-SGK phổ thông sau năm 2015, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên-Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết đây là mục tiêu của đợt giám sát lần này tại nhiều trường học ở Hà Nội và các tỉnh thành khác. “Chúng tôi muốn nắm rõ điểm yếu của CT-SGK hiện hành qua tiếng nói của thầy cô giáo, đồng thời tìm hiểu các mô hình đặc thù để thấy được những ưu việt của mô hình này. Từ đó sẽ rút kinh nghiệm để Quốc hội góp ý vào việc đổi mới CT-SGK sắp tới”
Theo Vinh Hương (An ninh Thủ Đô)
Điều chỉnh chương trình để phân luồng
Nhiều chuyên gia tiếp tục đóng góp ý kiến thiết kế lại chương trình đào tạo.
PGS-TS Vũ Trọng Rỹ - PGS-TS Trần Kiều (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam): Xây dựng chương trình theo hướng "tiếp cận năng lực"
Cơ cấu này trên thực tế không tạo điều kiện cho phân luồng học sinh, góp phần gia tăng sự mất cân đối trong cơ cấu lao động (thừa thầy, thiếu thợ). Cơ cấu giáo dục hiện nay cùng với cách tổ chức nội dung chương trình không thể nào khắc phục được tình trạng quá tải cho học sinh.
Để học sinh có nền tảng về giáo dục phổ thông, nên thiết kế lại.
Giai đoạn 1 là giai đoạn giáo dục cơ sở mang tính bắt buộc gồm 10 năm nhằm trang bị cho học sinh học vấn cốt lõi cho người sống trong xã hội hiện đại, qua đó hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh. Bậc học này cơ bản mọi học sinh được học tập giống nhau.
Giai đoạn 2 kéo dài hai năm (giai đoạn sau giáo dục cơ sở) chuẩn bị cho học sinh học lên cao đẳng hoặc đại học. Tùy theo năng lực, sở thích, học sinh được chọn các môn học, học phần phù hợp. Chương trình cho giai đoạn này phải mềm dẻo để thỏa mãn mọi nhu cầu lựa chọn của người học, nhằm chuẩn bị kiến thức, kỹ năng gần với sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình.
Với cấu trúc trên, cần xây dựng chương trình theo hướng tiếp cận năng lực. Năng lực ở đây bao hàm cả kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, không những thế còn có cả động cơ, đạo đức và hành vi xã hội. Các năng lực hình thành trong quá trình dạy học trong nhà trường và tác động từ gia đình, xã hội. Nếu trước đây chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ chú trọng đến việc cung cấp kiến thức thì chương trình mới cần được xây dựng theo hướng chú trọng nhiều hơn đến việc tiến hành các biện pháp, cách thức hoạt động, kinh nghiệm hoạt động sáng tạo, khơi dậy khả năng tìm kiếm, giải quyết vấn đề của người học...
GS Văn Như Cương: "Cần giảm mạnh khối lượng kiến thức văn hóa ở tất cả các môn học"
Cần phải điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông theo cách giảm mạnh kiến thức văn hóa trong tất cả các môn học: toán, lý, hóa, sinh, sử, địa..., chỉ giữ lại những gì hết sức cơ bản, cần thiết và phổ thông. Chẳng hạn môn toán ở phổ thông không cần học tích phân, số phức, không cần phải làm những bài toán phức tạp về phương trình lượng giác hoặc hình học không gian. Tất cả những người không theo đuổi con đường toán học ở bậc cao hơn đều không cần đến những kiến thức kể trên.
Chương trình của chúng ta hiện nay thật sự quá tải. Trong khi chủ trương giảm tải của Bộ GD-ĐT có thể nói là hoàn toàn thất bại.
Cùng với việc giảm lượng kiến thức không cần thiết, cần tăng cường thích đáng về thời lượng và chất lượng các môn học làm người: thái độ và kỹ năng sống, biết giao tiếp và hòa nhập, thân thiện với môi trường, biết lao động và quý trọng lao động, biết rèn luyện và giữ gìn sức khỏe, biết thưởng thức và cảm thụ nghệ thuật một cách lành mạnh.
Cấu trúc hệ thống giáo dục phổ thông cần đổi mới để phân hóa mạnh mẽ hơn. Chủ trương phân ban của Bộ GD-ĐT trên thực tế đã thất bại. Việc phân luồng, định hướng cho học sinh không mang lại kết quả nào.
Chương trình đổi mới cần điều chỉnh theo hướng cấp tiểu học và THCS chỉ có một chương trình, cấp THPT phân hai nhánh, một nhánh tạm gọi là THPT, nhánh kia là trung học dạy nghề. Nhánh THPT đào tạo những học sinh sau khi tốt nghiệp có thể thi vào các trường ĐH. Chương trình gồm năm môn bắt buộc: toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, GDCD, giáo dục thể chất. Ngoài ra có các môn tự chọn: lý, hóa, sinh, sử, địa, ngoại ngữ 2, ngoại ngữ 3 và các chuyên đề tự chọn. Mỗi học sinh có thể chọn ba môn tự chọn và một chuyên đề tự chọn. Nhánh trung học dạy nghề đào tạo cho học sinh sau khi tốt nghiệp có một nghề. Học sinh có thể ra làm nghề hoặc học liên thông lên cao đẳng nghề hoặc TCCN.
Theo tuổi trẻ
Khi Giáo dục công dân bị coi là môn phụ Liệu một giáo viên bộ môn tự nhiên có thể truyền tải hết nội dung, tầm quan trọng của bộ môn Giáo dục công dân đến học sinh không, hay chỉ coi môn GDCD là môn phụ nên giáo viên đọc chép cho xong? Ai cũng thắc mắc nguyên nhân từ đâu mà một số bạn trẻ có xu hướng xuống cấp về...