30 giáo viên sống trong nhà công vụ dột nát ven Sài Gòn
Thầy cô giáo tình nguyện ra Thạnh An – xã đảo duy nhất của TP HCM, sống trong 7 phòng trọ đã xuống cấp.
Nhà công vụ giáo viên xã Thạnh An (huyện Cần Giờ) hiện là nơi lưu trú của 30 nhân viên trường tiểu học và trường liên cấp THCS – THPT. Năm học 2018-2019, trường được thành lập cơ sở mới, gồm các khối cấp hai của THCS Thạnh An cùng bốn lớp cấp ba.
Sở Giáo dục TP HCM tuyển 13 giáo viên cho ngôi trường mới. Phần lớn người trúng tuyển ở độ tuổi 23-25 và đến từ nhiều tỉnh thành. Họ ở nhà công vụ, cuối tuần mới đi đò về đất liền.
Nhà công vụ do Công đoàn ngành giáo dục TP HCM xây tặng hơn 10 năm trước, đang xuống cấp, chật chội. Trần nhà thấp, ẩm mốc, nhiều côn trùng. Các hành lang được tận dụng để xe máy, xe đạp của giáo viên.
Nhiều bức tường loang lổ vết nứt. Lớp vữa bên ngoài bong tróc làm lộ gạch bên trong.
Bồn chứa nước sinh hoạt của hơn 30 người ở nhà công vụ.
Một góc hành lang trở thành nhà kho chứa các vật dụng cũ nát.
Video đang HOT
Mỗi phòng hơn 20 m2 là nơi ở của 4-5 người. “Trước đây khu nhà chỉ phục vụ giáo viên trường tiểu học và THCS. Phần lớn nhà của họ ở Cần Giờ hoặc ngay trên đảo nên người có nhu cầu ở ít hơn. Hiện có thêm các thầy cô trẻ mới ra đảo nên phòng thêm người, thêm chật chội”, cán bộ xã Thạnh An cho biết.
Để tiết kiệm diện tích, giáo viên sử dụng giường tầng. Phòng không một chỗ trống, ngổn ngang đồ đạc.
Mỗi phòng chỉ có một bàn làm việc để máy tính và đồ dùng chung nên thầy cô phải soạn giáo án trên giường.
Cô Trần Thị Thuyết (23 tuổi, quê Quảng Trị) cho hay, vừa tốt nghiệp ngành sư phạm Đại học Huế, biết TP HCM tuyển dụng nên xung phong ra đảo Thạnh An. “Ở đây thiếu thốn nhiều thứ, nơi ở nóng bức, đi lại khó khăn. Nhưng khởi đầu lúc nào chả gian nan, phải cố gắng thôi”, cô Thuyết chia sẻ.
Hầu hết trần các phòng bị nứt, thấm nước. “Mỗi khi mưa to chúng tôi không phải lau nhà. Nước từ trên dội hết xuống, chảy lênh láng khắp sàn sạch luôn”, cô Thuyết nói vui.
Giáo viên ở nhà công vụ chia nhau lịch trực vệ sinh. Tiền ở được miễn, các thầy cô chỉ phải trả phí nước sinh hoạt và điện, trung bình 300.000-400.000 đồng mỗi tháng.
Hầu hết giáo viên đều tự nấu ăn để tiết kiệm chi phí. Lương của giáo viên trẻ từ 3,7 đến 5 triệu, thêm 600.000 đồng phụ cấp phí đi đò.
Thầy Lê Văn Thanh (29 tuổi, giáo viên Vật lý) có nhiều năm dạy ở trường tư thục quận Tân Phú, trước khi ra Thạnh An công tác. “Thu nhập chắc chắn là giảm hơn nhiều so với trường tư, sinh hoạt khó khăn nhưng bù lại tôi có niềm vui trong nghề. Học sinh ở đảo phần lớn nhà nghèo nhưng ngoan, rất kính trọng thầy cô. Đi bộ trên đảo một xíu thôi là chào lại tụi nhỏ mỏi miệng luôn”, thầy nói, nở nụ cười sảng khoái.
“Thực phẩm trên đảo Thạnh An có giá khá đắt, không thua ở Sài Gòn. Trứng gà vịt rẻ nhất nên trở thành món truyền thống ở các bữa ăn”, thầy Thanh cho biết.
Nhà công vụ cách trường THCS – THPT Thạnh An khoảng 500 m nên các thầy cô đi bộ hoặc xe đạp đến trường. “Dù cuộc sống ở trọ khá vất vả nhưng khi đến lớp ai cũng tươm tất và nhiệt huyết để giữ hình ảnh người thầy với học trò”, một cô giáo chia sẻ.
Thầy Lương Văn Minh, Hiệu trưởng trường THCS – THPT Thạnh An cho biết, lãnh đạo Sở Giáo dục và huyện Cần Giờ vừa khảo sát nhà công vụ của giáo viên trên đảo. Công trình sẽ được tu bổ hoặc xây mới hoàn toàn, tạo điều kiện chỗ ở ổn định cho giáo viên yên tâm công tác.
Mạnh Tùng
Theo VNE
Quảng Nam: Học sinh một số điểm trường vùng cao đã hết "khát" nước sạch
Sau khi Dân trí phản ảnh bài viết "Học sinh vùng cao "khát" nước sạch" về tình trạng nhiều điểm trường thuộc huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) không có nước sạch cho các em học sinh sử dụng, đến nay đã có 20 điểm trường được trang bị bồn chứa nước từ tài trợ của mạnh thường quân.
Ngày 13/11, trao đổi với PV Dân trí, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Phong - phụ trách điểm trường Tu Lung, thôn 4 xã Trà Tập, huyện Nam Trà My vui mừng thông báo, điểm trường đã nhận được bồn nước 500 lít từ nhà tài trợ.
20 bồn nước sạch của các mạnh thường quân được vận chuyển về Phòng Giáo dục Nam Trà My
Cô Phong cho hay, điểm trường này có 50 em học sinh tiểu học và mầm non, trước đây điểm trường này toàn sử dụng nguồn nước tự nhiên từ suối dẫn đường ống về, các em học sinh dùng trực tiếp nên rất không an toàn đến sức khỏe.
Từ khi có bồn, nhà trường đưa nước về bồn lắng lọc cho trong rồi nấu chín để các cháu sử dụng nên rất yên tâm. "Có nước thì việc sinh hoạt của các cháu học sinh ở điểm trường này rất thuận tiện. Vệ sinh cá nhân và vệ sinh hàng ngày của các cháu đều đảm bảo. Bên cạnh đó, việc giặt mền mùng cho các cháu hàng tuần cũng rất thuận lợi vì nguồn nước sạch, đảm bảo", cô Phong cho biết.
Còn tại điểm trường thôn 2 xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, cô Võ Thị Ngọc Lan phụ trách điểm trường cho hay, điểm trường này có 24 học sinh tiểu học và 35 học sinh mẫu giáo. Trước đây không có nguồn nước sạch nên việc sinh hoạt, ăn uống của các cháu rất không an toàn.
Các em học sinh ở các điểm trường vùng cao Nam Trà My đã được dùng nước sạch sau khi được tài trợ bồn chứa
Từ khi được tài trợ bồn chứa, nhà trường chủ động được nước sạch cho các em dùng thoải mái và an toàn. Nước được lọc sạch và đun sôi để các cháu dùng nên cô và phụ huynh rất yên tâm. Cô Lan cho hay, tại điểm trường này, nguồn nước từ khe suối không đảm bảo và ổn định, mùa khô thì thiếu mà mùa mưa thì đục.
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Võ Đăng Thuận - Trưởng Phòng giáo dục Nam Trà My chia sẻ: "Nhờ sự vận động của PV báo Dân trí, các mạnh thường quân đã tài trợ cho 20 điểm trường 20 bồn chứa nước bằng inox, việc làm này rất ý nghĩa đối với các điểm trường vùng cao đang thiếu nước sạch cho các em học sinh. Thay mặt giáo viên và học sinh ở huyện, tôi rất cảm ơn việc làm đầy ý nghĩa này".
Cũng theo thầy Thuận, hiện còn hàng chục điểm trường khác trên địa bàn huyện cũng đang cần bồn chứa nước cho các cháu học sinh. Nếu được xã hội quan tâm thì các cháu học sinh sẽ được dùng nước sạch, sức khỏe cho các cháu sẽ được đảm bảo.
"Việc làm này rất ý nghĩa vì vùng cao Nam Trà My rất thiếu nước sạch cho các cháu học sinh. Nhiều điểm trường chưa trang bị được bồn nước nên các cháu dùng nước trực tiếp từ các khe suối, vừa không đảm bảo vệ sinh, vừa không an toàn và lại hay thiếu trong mùa khô, đục trong mùa mưa. Có nước sạch, phụ huynh và thầy cô ở các điểm trường yên tâm hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho các em", thầy Thuận chia sẻ.
C. Bính
Theo Dân trí
TPHCM: Nắm tình hình nhà giáo liên quan đến dự án Thủ Thiêm Ngày 8/11, Công đoàn ngành Giáo dục TPHCM ra công văn yêu cầu Công đoàn cơ sở của các trường học quan tâm, nắm bắt hình hình cáo bộ, nhà giáo, người lao động liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Cụ thể, Công đoàn ngành Giáo dục TPHCM đê nghi công đoàn cơ sở tăng cương...