3 xe cấp cứu viện trợ cứu người đàn ông tím đen, tim ngừng đập suốt 2 giờ
Trong phút chốc, nam bệnh nhân ngừng tuần hoàn, mất ý thức, toàn thân tím đen, mạch và huyết áp 0, tưởng không còn hy vọng.
Tim ngừng đập suốt 2 tiếng
Sau 28 ngày chiến đấu giành giật sự sống với sự chăm sóc y tế đặc biệt từ các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai và khoa Hồi sức cấp cứu, BV đa khoa Hùng Vương, bệnh nhân Hoàng Trọng Trắc, 45 tuổi ở Phú Thọ đã hồi phục kỳ diệu và được xuất viện.
Trước đó, 8h55 phút ngày 10/12, tổng đài cấp cứu 115 BV Hùng Vương nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ trạm y tế xã, cách bệnh viện 10km, thông báo trường hợp bệnh nhân Hoàng Trọng Trắc đang truyền dịch tại trạm y tế thì xuất hiện tím tái và ngừng tuần hoàn…
Để có thể tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất, qua thiết bị định vị GPS, BV Hùng Vương đã cử ngay 1 xe cứu thương và 1 kíp cấu cứu đang hoạt động gần đó tới trạm y tế xã.
Chỉ ít phút sau, các nhân viên thuộc đội cấp cứu ngoại viện đã có mặt, trước mắt các thầy thuốc, bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn, mất ý thức, toàn thân tím đen, mạch 0, huyết áp 0.
Bắt đầu từ đây cuộc chiến cực kỳ khẩn trương, chính xác, quyết liệt, sự phối kết hợp cực kỳ hoàn hảo chính thức bắt đầu…
Bệnh nhân hồi phục kỳ diệu sau gần 1 tháng điều trị tích cực
Từ 9h, 2 nhân viên y tế Lương Ngọc Tiến và Lò Văn Thực liên tục thực hiện ép tim ngoài lồng ngực nhằm tái tạo tuần hoàn vừa đặt nội khí quản để cung cấp oxy.
Video đang HOT
Các nhân viên khác của trạm y tế xã cũng được huy động tối đa, thiết lập thêm đường truyền nhằm đưa các thuốc vận mạch mà trong đó chủ lực là Adrenalin theo phác đồ cho bệnh nhân theo sự hỗ trợ từ tổng đài của trung tâm 115 là BS Nguyễn Đức Huỳnh.
Ít phút sau, bệnh nhân bắt đầu có những tín hiệu đáp ứng, trên màn hình monitoring, các chỉ số sinh tồn bắt đầu xuất hiện, Sp02 từ 40 lên 50,70,80…
Tuy nhiên, sau hơn 20 phút ép tim, bóp bóng liên tục, tim của người bệnh vẫn chưa có tín hiệu đập trở lại, trong khi các loại thuốc vận mạch mang theo xe đã sắp hết.
Nhận thấy tình trạng rất nguy kịch, bệnh nhân có thể sẽ tử vong, từ bệnh viện ban giám đốc tiếp tục điều thêm 1 xe cứu thương thứ hai mang theo đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, máy sốc tim, máy hút dịch… và một kíp cấp cứu gồm bác sĩ Nguyễn Đức Huỳnh và 2 kĩ thuật viên nhanh chóng tiếp cận người bệnh.
9h40, lúc này buồng điều trị của trạm y tế xã đã được trang bị như một phòng hồi sức tích cực thực thụ, bệnh nhân được sử dụng 3 loại vận mạch với liều cao nhất, các nhân viên y tế vẫn thay nhau ép tim ngoài lồng ngực, các chỉ số, mạch, huyết áp, Sp02 có đáp ứng và dần được cải thiện, tuy nhiên bệnh nhân vẫn trong trạng thái mất ý thức, tim vẫn chưa có tín hiệu đập trở lại.
Các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân đã rơi vào tình trạng cực kỳ nguy kịch, có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được tăng cường các biện pháp hồi sức cấp cứu tối đa.
10h10, xe cấp cứu thứ 3 mang theo máy thở, bơm tiêm điện, máy xét nghiệm khí máu và một số loại thuốc thiết yếu khác cùng một kíp cấp cứu mới bao gồm những chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất của bệnh viện tiếp tục lên đường.
10h20, trên giường bệnh, bệnh nhân vẫn trong trạng thái nguy kịch. Sau khi hội chẩn và xin ý kiến của các chuyên gia khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, BS Lương Minh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu và kíp cấp cứu tiếp tục kiên trì áp dụng toàn bộ những biện pháp hồi sức tích cực theo phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn tiên tiến nhất mà BV Bạch Mai đang áp dụng, trong đó có sốc điện chuyển nhịp, bổ sung thêm thuốc Nabica, canci…
Và điều kỳ diệu tưởng như chỉ có chuyện cổ tích đã đến… Sau gần 2 giờ ép tim ngoài lồng ngực, đến 10h45, mặc dù còn rất yếu ớt nhưng tim bệnh nhân bắt đầu tự đập trở lại.
Tuyến trung ương hỗ trợ ECMO
Lúc này qua xét nghiệm tại chỗ, bác sĩ xác định bệnh nhân bị toan chuyển hóa nặng, đây là hậu quả của việc ngừng tuần hoàn kéo dài, lactac>15, giảm tưới máu mô cực kỳ nặng, bệnh nhân sau đó lại xuất hiện rung thất, ngừng tuần hoàn, nhưng với những thuốc và thiết bị có sẵn, BS Tuấn và các đồng nghiệp đã xử lý thành công, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân dần ổn định, huyết áp 90/60, mạch 50 – 60 lần/ phút, Sp02 97 %.
Nhận thấy đây là trường hợp rất khó vì rung thất tái phát nhiều lần, mặc dù đã được cấp cứu ngừng tuần hoàn đúng cách, bệnh nhân đã có mạch, huyết áp, chỉ số Sp02 đã đáp ứng tốt nhưng do thời gian ngừng tim kéo dài, người bệnh sẽ rơi vào tình trạng suy đa tạng rất nặng, để cứu sống cần áp dụng biện pháp tim phổi nhân tạo (ECMO).
11h15 cùng ngày, một kíp cấp cứu vận chuyển đặc biệt được huy động với những kịch bản được chuẩn bị rất kỹ bắt đầu vận chuyển người bệnh đến BV Bạch Mai.
Sau hơn 3 giờ tiếp tục chiến đấu với tử thần trên xe cứu thương, 14h29 phút cùng ngày, bệnh nhân đã được vận chuyển an toàn đến khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai.
Tại BV Bạch Mai, bằng các thiết bị cận lâm sàng hiện đại, các bác sĩ xác định, bệnh nhân ngừng tuần hoàn do bệnh viêm cơ tim cấp, một bệnh lý tim mạch thuộc loại cực kỳ nguy hiểm, diễn biến rất nhanh, khó chẩn đoán và đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người.
Ngay trong chiều và đêm 10/12, bệnh nhân vẫn diễn biến rất nặng, tim của bệnh nhân vẫn tiếp tục rời rạc và có lúc ngừng đập dù đã được áp dụng các thiết bị hiện đại nhất.
Gần sáng ngày 11/12, bệnh nhân được kết nối máy ECMO, lọc máu liên tục… 7 ngày sau, trái tim bệnh nhân chính thức đập trở lại, chỉ số huyết động ổn định, bắt đầu hồi phục dần và được xuất viện sau gần 1 tháng.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Cứu bé trai ngừng tim, hôn mê sâu vì bị bạn đá bóng trúng bụng
Bị bạn sút bóng trúng bụng khi đang chơi bóng ở sân trường, bé trai khó thở, mất ý thức và được chuyển tới bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, nhịp tim không đều, đồng tử mắt hai bên đáp ứng kém.
Khoa cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội
Sau hai tuần điều trị tích lực, cháu V.Đ.H (nam, 13 tuổi), học sinh trường THCS và PTTH Lômônôxốp, Hà Nội được chuyển tới Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán "Hôn mê sau ngừng tuần hoàn" đã hoàn toàn hồi phục và được trở về nhà trong niềm hân hoan của gia đình, nhà trường và các thầy thuốc Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai.
Theo lời kể của người thân, vào ngày 29/11/2019, trong khi đang chơi bóng đá ở sân trường, cháu H. bị sút quả bóng vào vùng bụng. Ngay sau đó cháu khó thở, mất ý thức và được đưa vào Bệnh viện Thể thao lúc 10 giờ 12 phút cùng ngày trong tình trạng ngừng tuần hoàn (ngừng thở, ngừng tim). Sau khoảng 35 phút được các bác sĩ tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, tim cháu đã đập lại. Cháu được chuyển tới Khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu: Glasgow 3 điểm, tụt huyết áp, nhịp tim không đều, đồng tử mắt hai bên đáp ứng kém. BN được bóp bóng qua ống nội khí quản và duy trì truyền adrenalin tĩnh mạch.
Một cuộc hội chẩn khẩn cấp dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Văn Chi - Trưởng khoa Cấp cứu cùng sự tham gia của TS.BS. Đỗ Ngọc Sơn, TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn, TS. BS. Nguyễn Hữu Quân, BS. Nguyễn Tuấn Đạt, PGS.TS. Mai Duy Tôn, TS.BS. Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu A9) và bác sĩ Khoa Nhi, Viện Tim mạch đã được tiến hành. PGS Chi và các chuyên gia đã thống nhất chỉ định áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt (kỹ thuật làm lạnh cơ thể bảo vệ não) và các biện pháp hồi sức kỹ thuật cao để cứu bằng được cháu bé.
Cấp cứu bệnh nhân hôn mê sau ngừng tim bằng phương pháp hạ thân nhiệt là kỹ thuật đã được thực hiện trên thế giới, được Hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng, bởi nó làm tăng khả năng cứu sống và giảm di chứng tàn phế cho người bệnh. Tại Việt Nam, Khoa cấp cứu A9, BV Bạch Mai là đơn vị đi tiên phong trong việc thực hiện thành công kỹ thuật này từ đầu tháng 5/2015 và đã đem lại cơ hội sống cho hàng trăm bệnh nhân.
Tuy nhiên, với BN này mọi việc không hề đơn giản. Trong những ngày tiếp theo, BN liên tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng rối loạn nhịp tim. Nhiều cuộc hội chẩn toàn viện đã được thực hiện ngay tại giường bệnh. Sang ngày điều trị thứ 5 - kết thúc kỹ thuật hạ thân nhiệt, mặc dù huyết áp vẫn còn phụ thuộc vào thuốc trợ tim nhưng BN đã có dấu hiệu tỉnh lại. BN được cai thở máy và rút ống nội khí quản.
Cuối cùng, sau hai tuần điều trị, BN đã nói được, trí nhớ phục hồi. Ngày 15 tháng 12 năm 2019, cháu đã được ra viện về nhà đoàn tụ với gia đình trong niềm vui vỡ òa của tất cả các thầy thuốc nơi đây. Đó cũng thực sự là một phần thưởng vô giá đối với tập thể các y bác sĩ Khoa cấp cứu A9 bệnh viện Bạch Mai, của nhà trường và gia đình. Đây cũng là kết quả của sự phối hợp hiệu quả của các chuyên gia, chuyên khoa tại Bệnh viện Bạch Mai. Nó cũng minh chứng cho kết quả của sự phát triển chuyên môn kỹ thuật không ngừng vì người bệnh của Khoa Cấp cứu A9 nói riêng và Bệnh viện Bạch Mai nói chung.
TS - BS LƯƠNG QUỐC CHÍNH
Theo Tiền phong
Những sự kiện y tế nổi bật nhất năm 2019 Whitmore ăn mòn cơ thể tái xuất khiến nhiều trẻ tử vong thương tâm; Miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến;... là sự kiện nổi bật nhất ngành y tế năm 2019 Whitmore ăn mòn cơ thể tái xuất khiến nhiều trẻ tử vong thương tâm Trong năm 2019, rất nhiều bệnh nhân nhập viện vì bị vi khuẩn...