3 nội dung Bộ trưởng Giáo dục báo cáo trước Quốc hội
GD&TĐ – Chiều nay (12/6), tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận báo cáo trước Quốc hội những vấn đề: Các biện pháp tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; việc đổi mới cách tổ chức kỳ thi quốc gia, đánh giá HS tiểu học năm 2015, những khó khăn và biện pháp bảo đảm thực hiện, áp dụng ổn định trong thời gian tới.
Các biện pháp tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Cho đến thời điểm này, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể về cơ bản đã được sự đồng thuận, nhất trí cao. Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện lần cuối, để đưa ra xin ý kiến rộng rãi toàn xã hội vào tháng 7/2015.
Đồng thời, Bộ đang tích cực chuẩn bị để bắt đầu triển khai xây dựng các chương trình môn học dựa theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ dự thảoĐề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015, như:
- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền;
- Xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết phục vụ quá trình triển khai thực hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;
- Nghiên cứu, học tập, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình, biên soạn sách giáo khoa;
- Tổ chức xây dựng và hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể;
- Tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Video đang HOT
Với việc tổ chức xây dựng và hoàn thiện dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã huy động gần 200 giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục ở các trường phổ thông, trường đại học, viện nghiên cứu,… tham gia thiết kế, xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Dự thảo chương trình tổng thể này đã được đưa ra xin ý kiến góp ý của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các nhà khoa học, ý kiến đóng góp của một số hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (thông qua các hội thảo, hoặc gửi văn bản xin ý kiến góp ý trực tiếp)…
Tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thành lập câu lạc bộ hiệu trưởng các trường sư phạm để phối hợp lực lượng xây dựng mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; Tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa mới;
Chỉ đạo 7 trường đại học sư phạm lớn của cả nước, một số trường cao đẳng sư phạm tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn cho cán bộ quản lý, các nhà khoa học, giáo viên cốt cán các trường sư phạm, trường phổ thông… trên cả nước để chuẩn bị nguồn lực xây dựng, thẩm định chương trình, biên soạn, thẩm định sách giáo khoa.
Tổ chức nhiều hội thảo trong toàn quốc về việc đổi mới chương trình đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên của các trường sư phạm (từ mục tiêu, chương trình, giáo trình, phương pháp đến cách thức kiểm tra, đánh giá) nhằm đáp ứng yêu cầu chương trình và sách giáo khoa mới; tích cực phối hợp với các trường phổ thông chuẩn bị nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu phát triển năng lực người học (tài liệu, bài giảng của các chuyên gia, bài giảng mẫu…)…
Bộ GD&ĐT triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông đối với các khóa học sinh đang học chương trình hiện hành theo định hướng phát triển năng lực.
Tiếp tục nghiên cứu và áp dụng nhiều giải pháp và nội dung đổi mới vào nhà trường phổ thông nhằm phục vụ cho việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa mới và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và đã có thành công bước đầu, như:
- Giao quyền tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường phổ thông;
- Mô hình trường học mới ở tiểu học và trung học cơ sở; thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật, thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tiễn của học sinh trung học;
- Đổi mới dạy học ngoại ngữ ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo; dạy tiếng Việt lớp 1 theo phương pháp Công nghệ giáo dục; áp dụng phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” ở tiểu học và trung học cơ sở;
- Triển khai dự án thí điểm đổi mới dạy mỹ thuật ở tiểu học;
Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học; tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA, PASEC) và một số chương trình đánh giá trong nước ở cả 3 cấp học phổ thông.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin qua trang mạng “Trường học kết nối” phục vụ rộng rãi các hoạt động dạy, học, thi, bồi dưỡng giáo viên; đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng đánh giá năng lực, bảo đảm khách quan, công bằng, giảm áp lực, tốn kém, góp phần đổi mới dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục…
Những đổi mới này đã được các cơ sở giáo dục áp dụng, triển khai hiệu quả trên cơ sở tận dụng cơ sở vật chất, thiết bị, các điều kiện hiện tại của nhà trường và sự hỗ trợ của các chương trình, dự án của Bộ; làm thay đổi hoạt động sư phạm trong nhà trường từ tổ chức quản lý lớp học đến cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh đang học chương trình hiện hành, đồng thời cũng là hoạt động thực tiễn để giáo viên từng bước làm quen với phương pháp dạy, học và đánh giá học sinh mới.
Các công việc nói trên đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai khẩn trương và theo đúng kế hoạch đã định.
Đổi mới cách tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia
Trong năm 2015, hầu như tất cả các trường đại học, cao đẳng đều sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để tuyển sinh, trong đó, hơn 200 trường đại học, cao đẳng chỉ xét tuyển bằng kết quả thi trung học phổ thông quốc gia; 179 trường vừa sử dụng kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển, vừa xét tuyển bằng kết quả học tập ở trung học phổ thông.
Cùng với nội dung báo cáo về sự cần thiết phải đổi mới và phương thức tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; Hiệu quả kinh tế – xã hội của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã báo cáo Quốc hội công tác triển khai kỳ thi trung học phổ thông quốc gia.
Cụ thể: Với sự chỉ đạo quyết liệt của các địa phương, sự phối hợp của các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước, công tác chuẩn bị thi đã hoàn tất; cùng với đó các công việc hỗ trợ cho thí sinh đã sẵn sàng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành đầy đủ các văn bản liên quan đến tổ chức thi (các quy chế và văn bản hướng dẫn); phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dự thi, dự tuyển và ban hành hướng dẫn mức chi cho công tác tổ chức kỳ thi.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Để công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng đáp ứng được thay đổi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng xây dựng phương án xét tuyển và công bố công khai để thí sinh được biết.
Bên cạnh kỳ thi trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, một số trường có phương thức tuyển sinh như: Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; sơ tuyển và tổ chức xét tuyển cho các thí sinh của Trường Đại học FPT; hậu tuyển của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí – Tuyên truyền… nhằm tổ chức đánh giá bổ sung, kết hợp với kết quả thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển.
Các công việc tiếp theo: Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, cao đẳng để chỉ đạo công tác tổ chức thi xét tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch.
Tổng kết, rút kinh nghiệm kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2015 để hoàn thiện và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia theo hướng ổn định ở những năm tiếp theo; đồng thời xây dựng đề án đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới (dự kiến áp dụng từ sau năm 2021).
Về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học
Trước khi ban hành Thông tư 30, trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục và tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo triển khai thí điểm đổi mới đánh giá học sinh tiểu học từ năm học 2011-2012 ở 24 trường thuộc 6 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa), năm học 2012 – 2013 ở 1.447 trường thuộc 63 tỉnh, thành phố tham gia, năm học 2013-2014 ở 1.704 trường thuộc 63 tỉnh, thành phố. Trên cơ sở kết quả thí điểm, từ năm học 2014 – 2015 Bộ GD&ĐT quyết định cho triển khai đại trà theo Thông tư 30.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã báo cáo trước Quốc hội việc triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học; Quá trình triển khai thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, trong đó có những số liệu cụ thể về kết quả triển khai Thông tư 30.
Theo tổng hợp từ báo cáo của 63/63 sở giáo dục và đào tạo tại Hội nghị sơ kết ngày 15/3/2015 và các hội nghị các sở giáo dục và đào tạo trong tháng 4 và tháng 5/2015, việc triển khai kết hợp đánh giá bằng nhận xét với điểm số vào cuối học kỳ và cuối năm học đã có những tác động tích cực với giáo viên, với học sinh, với cán bộ quản lý, với cha mẹ học sinh.
Về giải pháp tiếp tục thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, báo cáo cho biết: Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy và học đối với học sinh hiện tại, giúp giáo viên từng bước nâng cao nhận thức và năng lực đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Thông tư 30, ngành Giáo dục thực hiện một số giải pháp để khắc phục hạn chế, tồn tại:
a) Các cấp quản lý giáo dục tiếp tục kiên trì tuyên truyền, giải thích đến giáo viên, cha mẹ học sinh hiểu rõ về ý nghĩa, cách thức và sự phối hợp các thành phần tham gia đánh giá học sinh tiểu học.
b) Tiếp tục tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý để giải đáp những vướng mắc, khó khăn, thay đổi nhận thức và thói quen; tổ chức rút kinh nghiệm về đánh giá học sinh cho giáo viên, cán bộ quản lý; chỉ đạo phối hợp giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội đạt hiệu quả hơn.
c) Chỉ đạo quyết liệt đổi mới công tác quản lý để giảm các công việc hành chính, sự vụ, sổ sách… cho giáo viên, tạo điều kiện để giáo viên dành nhiều thời gian cho công việc chuyên môn, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh tự sửa lỗi, hoàn thành nội dung học tập, tiến bộ, tự tin, sáng tạo, đồng thời giảm áp lực công việc cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
d) Điều chỉnh để đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo (như về công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, Điều lệ trường tiểu học, kiểm định chất lượng giáo dục, chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học), đảm bảo thống nhất với Thông tư 30.
Theo GD&TĐ