3 món không nên bỏ qua khi ghé Nha Trang
Tới Nha Trang, ngoài hải sản, bạn nên “lê la” vỉa hè để thưởng thức những món bình dân mà lạ miệng của thành phố biển. Chắc chắn khi rời nơi đây, hương vị của chúng sẽ làm bạn phải nhớ nhung, thèm thuồng.
Bánh canh là món đặc sản rất nổi tiếng ở Nha Trang mà hầu như du khách nào đến đây cũng phải một lần thưởng thức.
Nếu là người miền Bắc, thoạt đầu, nhìn tô bánh canh bạn sẽ liên tưởng ngay đến các món bún nước quen thuộc. Tuy nhiên, sợi bánh canh mềm hơn nhiều, dù to gấp 3-4 lần sợi bún của đất Bắc nhưng cũng “trơn tuồn tuột”, rất dễ ăn, đó là lí do mà lúc thưởng thức bánh canh, người ta không bao giờ dùng đũa, chỉ cần một chiếc thìa to là đã có thể xì xụp hết bát bánh canh một cách ngon lành.
Cái ngon của bánh canh không chỉ nằm ở thứ nước dùng ngọt ngọt, chua chua, cay cay – hương vị rất đặc trưng yêu thích của miền Nam, mà nhiều người “mê mệt” món ăn này còn bởi độ chất của những khúc cá thu mềm, ngọt, thơm và không có một chút xương nào. Đặc biệt, dù bạn có dầm nát miếng cá thu hòa lẫn cùng nước dùng thì bát bánh canh cũng không bao giờ bị tanh nồng, trái lại còn thấy ngon hơn, thú vị hơn nhiều.
Ngoài cá thu dầm thì một tô bánh canh đầy đủ còn có thêm chả, bao tử cá, khúc giò heo lớn, khiến món ăn càng “chất lượng” hơn bao giờ hết.
Một bát bánh canh có giá khoảng 15.000 – 25.000 đồng.
Địa chỉ tham khảo: Quán bánh canh cá dầm, nằm đầu đường Bà Triệu.
Video đang HOT
Bánh căn
Bánh căn quả là một món lý tưởng cho một buổi chiều đói lòng tại thành phố biển, có lẽ sẽ làm hài lòng bất kì tín đồ mê ăn vặt nào.
Bánh căn hiểu nôm na là loại bánh bột gạo nướng nhưng chỉ cần nhìn qua đã thấy hấp dẫn ngay. Đó không phải là thứ bánh có thể làm theo tác phong công nghiệp, mà nhất định phải được thưởng thức ngay khi vừa mới ra lò, còn nóng hổi. Bởi vậy, khi đến bất kì quán bánh căn nào, bạn sẽ bắt gặp ngay hình ảnh người chủ quán ngồi bên cái lò lớn, trên đó có khoảng chục cái khuôn bánh tròn nhỏ, có cả vung đậy trông như những chiếc niêu đất xinh xinh. Khi có khách gọi, họ mới bắt đầu chế biến từng chiếc bánh căn trên các khuôn bánh ấy. Nhờ thế mới đảm bảo bánh thơm ngon, nóng giòn.
Bánh căn có nhiều loại, phổ biến được ưa thích nhất là bánh căn trứng và mực. Tức là ngoài bột gạo cho vào khuôn nướng lên, thì trong mỗi chiếc bánh còn có thêm một quả trứng chim cút hoặc một con mực nhỏ xíu (cân xứng với những chiếc bánh căn xinh xinh). Thế nên khi ăn bánh căn, bạn không chỉ cảm nhận được vị bột gạo bùi mềm bên trong, thơm giòn, cháy cạnh bên ngoài, mà còn thấy “chất” hơn, ngon miệng hơn nhờ trứng với mực hấp dẫn.
Tuy nhiên, bánh căn không thể hoàn hảo nếu thiếu một chén nước mắm ớt tỏi, chua chua ngọt ngọt được bỏ thật nhiều hành lá phi qua với mỡ. Bạn càng chấm bánh căn ngập vào nước mắm thì càng thấy món ăn đậm đà, ngon miệng.
Giá của bánh căn khoảng 4.000 – 5.000 đồng/chiếc.
Địa chỉ tham khảo: Khu ngã tư Trần Quí Cáp, Đường 2/4.
Bún bò
Rất nhiều du khách đến Nha Trang sau một giấc ngủ đêm là nghĩ ngay tới thực đơn bữa sáng: bún bò – món na ná bún bò giò heo của của Huế nhưng lại thơm ngon, dễ ăn, dễ hợp khẩu vị với mọi người hơn.
Bún bò Nha Trang có sợi bún to, hòa lẫn trong thứ nước canh mang hương vị rất đậm đà, thơm mùi mắm ruốc, sóng sánh nổi váng màu vàng của ớt, đủ để làm thực khách phải xuýt xoa và “đã đời” vì cái vị cay nồng. Đặc biệt, bún bò Nha Trang hấp dẫn bởi thứ thịt bò mà hầu như ai ăn một lần cũng “khoái” ngay. Nó khá giống với loại thịt bò chín của phở Hà Nội, nhưng là phần thịt bò bắp, rất nhiều gân, có vị hơi ngòn ngọt, được ninh nhừ và mềm để dễ dàng ngấm với nước lèo thơm ngon.
Bên cạnh đó, một tô bún bò còn trở nên phong phú hơn nhờ có thêm tiết luộc, khoanh giò heo hoặc một khúc đầu móng giò béo ngậy. Ngoài ra, một đĩa rau gồm giá đỗ, xà lách, bắp chuối thái mỏng cũng là thứ không thể thiếu khi thưởng thức bún bò Nha Trang. Có vậy, bạn mới tận hưởng được hết vị ngon, ngọt, thơm, mát của món ăn hấp dẫn này.
Một bát bùn bò có giá khoảng 30.000 – 40.000 đồng.
Địa chỉ tham khảo: 20 Phan Chu Trinh.
Theo BĐVN
Ăn điểm tâm kiểu người Sài Gòn
Nói đến ẩm thực Sài Gòn sẽ thấy thật đặc biệt, bảo là Sài Gòn không có bản sắc ẩm thực thì cũng đúng mà nói đây là nơi đa dạng về văn hoá ẩm thực cũng chẳng sai.
Xin giới thiệu hai món bình dân mà rất đặc biệt trong bữa điểm tâm của người Sài Gòn.
Món đầu tiên là dimsum (phát âm: điểm sấm) của người Hoa, tiếng Việt gọi là điểm tâm. Đây không phải là một món ăn, mà bao gồm rất nhiều món ăn nhẹ hợp lại. Có thể chia làm vài loại như: cảo, bánh bao, các loại bánh cuốn, các loại bánh ngọt, các loại thịt viên, chân gà chưng và cả cháo.
Cũng có thể phân loại theo cách chế biến như chưng, hầm, chiên, nướng, hấp. Các món ngọt thì có bánh tart trứng, rau câu xoài... Tuỳ theo quán mà sẽ có những món riêng biệt.
Điểm tâm không phải là một món ăn, mà bao gồm rất nhiều món ăn nhẹ hợp lại
Ban đầu người ta chỉ dùng dimsum buổi sáng, nhưng hiện nay dimsum được phục vụ cho đến quá trưa và cho cả bữa khuya.
Ở TPHCM thì việc ăn dimsum tương đối dễ dàng, vì phần lớn người Hoa ở đây là con cháu của những người di cư từ vùng nói tiếng Quảng Đông. Ngoài các trà quán của người Hoa ở Q.5 còn có những quán ăn, nhà hàng Hoa như Tân Hào Phong, Ngân Đình, Đại Thống, Hoàng Long với giá cả thường được tính theo số lượng đĩa dimsum.
Ăn dimsum đúng kiểu thì các món hấp phải được phục vụ trong những giỏ tre nghi ngút khói này, mùi bánh thơm lừng quyện với mùi tre mộc mạc làm dậy khẩu vị của thực khách. Cảnh thường thấy trong những quán dimsum là các giỏ tre xếp thành chồng tại các bàn ăn.
Phần đặc biệt mang tính văn hoá đậm nhất của việc đi ăn dimsum là uống trà vì đúng ra, dimsum chỉ là từ để chỉ tập hợp các món ăn, còn &'yam cha', ẩm trà, mới là từ dùng đúng cho cả bữa ăn bao gồm các món dimsum dùng kèm với trà này. Để đúng điệu thì uống trà bửu lị (trà nóng sủi tăm), ngoài ra còn có trà bông cúc hay trà Ô Long.
Một món điểm tâm khác có thể gọi là bản sắc riêng của Sài Gòn - TPHCM đó món cơm tấm.
Người Sài Gòn ăn cơm tấm cả sáng trưa chiều tối, nhưng phổ biến và đặc biệt là ăn cơm tấm buổi sáng. Ở các đô thị khác, như Hà Nội chẳng hạn, ít có chuyện chọn cơm làm món ăn sáng mà chỉ có bún, phở, mì, miến... Nhưng cơm tấm Sài Gòn thì khác. Người ta ăn cơm tấm bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu, từ những vỉa hè cho đến những quán ăn sang trọng.
Cơm tấm phải nấu từ gạo tấm. Những hạt gạo gãy ngày xưa chỉ có dân nghèo ăn hoặc để bỏ đi bây giờ đã thành món ăn nhiều người ưa chuộng. Nước mắm ăn cơm tấm cũng quyết định phần lớn sự yêu chuộng của thực khách và nhất định phải là nước mắm pha hơi ngọt với chút ớt tỏi cho thơm.
Các món ăn đi kèm với cơm tấm cũng rất nhiều, nhưng các món không thể thiếu ở bất kì quán cơm tấm nào là sườn nướng, bì - da heo thái sợi và chả trứng. Quán có đông hay không tuỳ thuộc vào thịt nướng có thơm không hoặc chả trứng có mềm hay không. Thịt nướng muốn thơm thì phải được nướng bằng than hoa trên bếp lò lửa vừa phải, lửa to quá thịt sẽ khô, không còn thơm mềm.
Người sành ăn ở Sài Gòn thường ăn ở ở quán nổi tiếng như quán Ba Ghiền trên đường Đặng Văn Ngữ, quán 500 An Dương Vương hay quán lề đường ở Nguyễn Kiệm. Gần đây theo trào lưu mới, đã có những chuỗi nhà hàng cơm tấm kiểu mới như cơm tấm Mộc hay cơm tấm Cali để phục vụ những thực khách với những yêu cầu khác.
Theo PNVN
Top 10 thành phố biển đẹp trên thế giới Bạn đang lên kế hoạch cho kì nghỉ sắp tới nhưng không biết nên đến các thành phố hay đi biển, chúng tôi sẽ đem câu trả lời cho bạn - những thành phố đầy nắng nằm ven bờ biển. Barcelona- Tây Ban Nha Barcelona là thành phố nhộn nhịp nhất của Tây Ban Nha và cũng là một trong những nơi náo...