3 món cháo siêu ngon lại tốt cho sức khỏe: Chỉ ăn 1 tô có thể giúp bồi bổ ngũ tạng, tốt cho trí não và hệ xương
Chúng tôi hướng dẫn bạn cách nấu 3 món cháo giàu dinh dưỡng, thơm ngon, rất tốt để bồi bổ, nâng cao sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Các loại hải sản như tôm, cua, mực, cá… là nguồn thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng dồi dào. Các loại hải sản chứa tới 9 axit amin thiết yếu cần thiết để xây dựng protein hoàn chỉnh. Những axit amin thiết yếu này rất cần cho cơ thể tổng hợp hoóc môn và chất dẫn truyền thần kinh; cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ, mô; điều chỉnh chức năng miễn dịch. Hải sản rất tốt cho sự phát triển trí não ở trẻ nhỏ.
Axit béo EPA và DHA có vai trò giảm viêm, tổng hợp hoóc môn, hạ huyết áp, nhịp tim và giúp điều chỉnh chức năng di truyền, tăng cường thị lực, chống viêm, thậm chí có thể giúp tăng cường chức năng não, cải thiện trí nhớ và tâm trạng…
Dùng hải sản nấu cháo, kết hợp với rau xanh sẽ giúp bổ sung thêm vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
Nguyên liệu làm món cháo cua và hải sản
2 con cua (hoặc ghẹ) vừa phải, 8 cây nấm hương tươi, 6-8 con tôm, một ít mực khô, 1/2 bát gạo tẻ (loại bát dùng ăn cơm), một ít rau xà lách thái nhỏ, hành lá, gừng thái lát, rượu nấu ăn, lượng gia vị vừa phải.
Cách làm món cháo cua và hải sản
Bước 1: Cua dùng bàn chải, cọ sạch các kẽ và mai. Sau đó tách mai, loại bỏ mang và yếm cua rồi cắt phần thân làm 2 hoặc 4 tùy thích. Cho cua vào âu, sau đó cho hành lá cắt khúc, gừng thái lát và 2 thìa canh rượu nấu ăn vào ướp trong khoảng 15 phút. Gạo và mực khô cắt nhỏ bạn rửa sạch rồi ngâm trong khoảng 30 phút.
Bước 2: Tôm bóc bỏ vỏ, tách riêng phần đầu. Xào đầu tôm trong dầu nóng sau đó thêm lượng nước sôi vừa đủ vào nấu khoảng 30 phút. Vớt bỏ đầu tôm rồi thêm gạo và mực khô thái nhỏ vào nấu trong khoảng nửa giờ. Tiếp theo bạn nêm muối, chút bột tiêu, gừng thái sợi vào, khuấy nhẹ.
Bước 3: Thấy gạo đã nở hoàn toàn, bạn cho nấm hương thái lát, tôm, cua vào rồi nấu thêm trong khoảng 10 phút nữa. Sau đó bạn cho rau diếp thái nhỏ (hoặc thay bằng hành lá xắt nhỏ, lá tía tô) vào rồi lấy ra tô và thưởng thức.
Thành phẩm món cháo cua và hải sản
Cháo cua và hải sản hoàn thành với màu sắc, hương vị hấp dẫn. Các nguyên liệu hòa quyện vào nhau, hạt cháo nở mềm, thịt tôm và cua ngọt, giòn ngon. Khi húp từng thìa cháo, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh tuyệt vời.
Video đang HOT
Theo Đông y, củ mài có tên gọi khác là hoài sơn, vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ tỳ vị, ích tâm phế, bổ thận. Củ mài thường được làm thuốc bổ ngũ tạng, mạnh gân xương, chữa suy nhược cơ thể, bệnh đường ruột, tiêu chảy, lỵ, tiêu khát; thận suy, mỏi lưng, chóng mặt, hoa mắt, ra mồ hôi trộm,…
Kết hợp thịt nạc cùng củ mài nấu thành món cháo sẽ giúp tăng cường chức năng lá lách và dạ dày, đồng thời bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
Nguyên liệu để làm món cháo thịt nạc củ mài
150g thịt nạc thăn, 100g gạo, 100g hạt kê, một nắm hạt ngô ngọt, 1 đoạn cà rốt, khoảng 200g củ mài, một ít rau xà lách, chút hành lá hoặc rau mùi…
Cách nấu món cháo thịt nạc củ mài
Bước 1: Gạo, hạt kê đem vo sạch, củ mài gọt bỏ vỏ rồi cắt khúc sau đó băm hoặc giã nhỏ. Cho gạo, hạt kê và củ mài vào nồi cùng với lượng nước vừa phải, đậy nắp lại và bắt đầu nấu cháo (Bạn có thể dùng nồi cơm điện có chức năng nấu cháo).
Bước 2: Cà rốt thái hạt lựu, thịt nạc băm nhỏ. Sau đó đặt chảo lên bếp, thêm chút dầu ăn vào rồi xào cà rốt cho đến khi đổi màu. Tiếp theo đó bạn cho thịt nạc băm nhỏ, ngô ngọt vào xào cùng cà rốt.
Bước 3: Sau đó bạn cho một chút nước vào, nấu sôi. Sau khi cháo đã được nấu nhừ, bạn đổ vào phần nước dùng thịt, ngô và cà rốt, khuấy đều.
Bước 4: Sau cùng bạn thêm rau xà lách thái nhỏ, nêm muối vừa ăn là có thể lấy ra tô thưởng thức. Bạn có thể thay rau xà lách bằng lá tía tô cùng hành lá thái nhỏ nhé!
Thành phẩm món cháo thịt nạc củ mài
Cháo thịt nạc củ mài là món ăn vừa ngon miệng lại bổ dưỡng. Cháo sẽ càng ngon khi bạn cho thêm một chút tiêu xay và hành. Cháo thịt nạc củ mài có độ dinh dưỡng cao nên tốt cho người bệnh suy nhược, mệt mỏi, chán ăn. Bạn có thể thay thịt nạc bằng tôm hoặc cá để nấu món cháo này cũng rất ngon nhé!
Tôm vốn giàu protein, vitamin và khoáng chất…, rất tốt cho sức khỏe. Tôm giàu hàm lượng axit béo omega-3, chất chống oxy hóa astaxanthin nên tiêu thụ tôm hợp lý có thể thúc đẩy sức khỏe của tim và não bộ. Đồng thời chất chống oxy hóa astaxanthin trong tôm cũng giúp cơ thể ngăn ngừa tình trạng viêm bằng cách ngăn chặn các gốc tự do tấn công.
Trong khi đó, nấm hương là loại thực phẩm có tác dụng chống oxy hóa, giúp đào thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể rất tốt. Nhờ hàm lượng vitamin C cao mà nấm hương góp phần làm cho hệ miễn dịch được củng cố và nâng cao. Đồng thời, với lượng vitamin D và canxi dồi dào, tiêu thụ nấm hương thường xuyên cũng giúp cho cơ thể và hệ xương khỏe mạnh. Nấm hương cũng giàu sắt, vitamin B nên giúp cho cơ thể tái tạo hồng cầu, sản sinh ra các tế bào máu mới từ đó ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, giúp quá trình lưu thông máu trong cơ thể diễn ra dễ dàng.
Nguyên liệu để làm món cháo tôm nấm hương
200g gạo tẻ, 1/2 củ cà rốt to, 1/2 bắp ngô ngọt đem tách lấy hạt, 8 cây nấm hương tươi, 100g rau chân vịt, 10 con tôm, lượng gia vị vừa đủ, vài cây hành lá, một ít gừng thái sợi.
Cách làm món cháo tôm nấm hương
Bước 1: Tôm bạn mua về rửa sạch sau đó bóc vỏ, tách riêng phần đầu, rút bỏ chỉ tôm. Cho thịt tôm vào bát, ướp cùng chút bột tiêu, rượu nấu ăn và gừng thái lát. Hành lá rửa sạch, cắt khúc. Cà rốt gọt bỏ vỏ, xắt hạt lựu. Nấm hương thái lát mỏng. Bạn đặt nồi lên bếp, thêm chút dầu ăn, chờ nóng thì cho hành lá vào xào thơm. Tiếp theo bạn trút đầu tôm vào xào cùng hành lá cho đến khi chuyển màu. Thêm ngô, cà rốt và nấm hương vào xào cùng trong khoảng 2 phút.
Bước 2: Tiếp theo bạn cho lượng nước thích hợp vào, đun sôi khoảng 15 phút. Sau đó hạ nhỏ lửa, vớt bỏ đầu tôm rồi cho gạo đã ngâm vào. Tiếp tục đun sôi và nấu trong khoảng 30 phút cho đến khi gạo nở, mềm nhuyễn hoàn toàn.
Bước 3: Thêm tôm vào nồi cháo và tiếp tục nấu trong khoảng 5 phút. Sau đó bạn nêm chút muối, bột tiêu vào, khuấy nhẹ để các nguyên liệu hòa quyện. Cuối cùng bạn cho rau chân vịt vào khuấy đều, đun cho sôi lại là có thể tắt bếp.
Thành phẩm món cháo tôm nấm hương
Món cháo tôm nấm hương hoàn thành với màu sắc bắt mắt, thơm ngon vô cùng. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt tươi tự nhiên của thịt tôm và nấm hương thấm đều, quyện với nhau. Hạt cháo mềm, đậm đà ăn kèm với thịt tôm săn chắc, giòn dai, nấm hương và ngô giòn sần sật… chắc chắn sẽ khiến gia đình bạn vô cùng yêu thích.
Chúc các bạn thành công và ngon miệng với 3 món cháo ngon lành, bổ dưỡng này nhé!
Nấu cháo theo cách này, hạt nhừ tơi, vừa thơm vừa sánh
Nấu cháo tưởng như rất đơn giản nhưng để có nồi cháo nhừ, sánh mịn và thơm ngon thì không phải ai cũng biết cách làm.
Để nấu cháo, nhiều người vẫn có thói quen đổ nước vào gạo rồi đun. Cách làm này rất sai lầm, khiến hạt cháo không nở bụng và mất đi vị ngọt. Vậy đâu là cách nấu cháo ngon, chuẩn vị?
Bí quyết nấu cháo ngon, hạt nhừ tơi, vừa thơm vừa sánh
Sau đây là quy trình nấu cháo chuẩn mà các đầu bếp nhà hàng thường áp dụng để có được nồi cháo thơm ngon.
Lựa chọn nguyên liệu
Gạo ngon sẽ quyết định độ thơm ngon của cháo.
Một yếu tố quan trọng quyết định nồi cháo có thơm ngon hay không chính là các hạt gạo. Bạn nên chọn các loại gạo mới, dẻo để cháo có vị béo ngọt, thơm.
Nên trộn gạo tẻ với một ít gạo nếp để tạo độ quánh vừa phải, tăng hương vị. Theo các đầu bếp, tỷ lệ nếp và gạo là 1/10 gạo. Không nên cho quá nhiều gạo nếp vì sẽ khiến món cháo bị nhão. Nên rửa gạo dưới vòi nước, tránh dùng tay vo nhiều lần vì sẽ mất chất dinh dưỡng và hương thơm.
Ngâm gạo
Ngâm gạo trong nước lạnh 1 giờ là bí quyết nấu cháo ngon.
Đây là một trong những bí quyết nấu cháo ngon, nhừ tơi, sánh mịn mà nhiều người không biết.
Hãy chọn một chiếc nồi lớn, cho vào khoảng 1 lít nước, đổ gạo đã vo và 3 giọt dầu mè vào, khuấy đều. Đây là bước quan trọng giúp những hạt gạo nở bung khi nấu, đồng thời còn giúp gạo ngấm mùi thơm của dầu mè, tăng hương vị và màu sắc của nồi cháo. Bạn không nên bật bếp đun ngay mà hãy ngâm gạo khoảng 1 giờ trước khi nấu.
Nấu cháo
Bắt đầu nấu cháo ở nhiệt độ cao, sau đó giảm lửa dần.
Sau 1 tiếng ngâm gạo, bạn bật bếp đun cháo ở nhiệt độ cao, khi thấy nước trong nồi bắt đầu sủi bọt thì nhanh tay dùng đũa đảo đều. Cách này giúp cháo không bị dính vào đáy nồi.
Đợi nồi cháo sôi, bạn chuyển sang nhiệt độ vừa. Khi muốn chế thêm nước vào cháo, bạn cần cho nước nóng vì nước lạnh sẽ làm cháo bị vữa. Nồi cháo của bạn sẽ có hương thơm và độ sánh rất đẹp mắt.
Nồi cháo sau khi sôi nên nấu thêm khoảng 5 phút và tắt bếp.
Sau khi sôi khoảng 5 phút thì nồi cháo sẽ đặc dần, bạn cần giảm nhiệt độ xuống mức thấp nhất và khuấy liên tục trong khoảng 5 phút, sau đó tắt bếp. Cách làm này sẽ giúp cháo không bị vữa, hạt gạo nở bung và sánh. Lưu ý không đun cháo sôi quá lâu vì sẽ khiến hạt gạo bị hút nhiều nước, mất đi hương vị thơm ngon.
Cháo là món ăn ngon miệng, bổ dưỡng, giúp hồi phục sức khỏe rất tốt. Tùy theo sở thích và thể trạng, bạn có thể kết hợp cháo với các nguyên liệu khác nhau để tạo nên món ăn giàu dinh dưỡng, hợp khẩu vị và tình hình thể chất.
Người mệt mỏi có thể ăn cháo thịt gà, cháo thịt bò, cháo cá hồi, cháo tôm. Người cảm cúm nên ăn cháo bí đỏ, cháo thịt băm gừng tươi. Người bị sốt nên ăn cháo trứng đậu xanh, cháo gà, cháo trứng gà tía tô...
Đặc biệt, để món cháo thơm ngon hơn, bạn nên ăn nóng và có các gia vị đi kèm như hành lá, tía tô, gừng...
Cách chế biến cơm nguội thành món ngon Cơm nguội chính là nguyên liệu để chế biến rất nhiều món ăn ngon khiến bạn không khỏi bất ngờ. Với phần cơm nguội sau bữa ăn gia đình, người nội trợ đã nhanh trí chế biến cơm nguội thành nhiều món ngon khó cưỡng. Làm cơm cháy Đứng đầu danh sách những món ngon từ cơm nguội chính là món cơm cháy...