3 lý do Triều Tiên thích dọa dùng bom hạt nhân
Mỗi khi chịu sức ép nào đó, chính quyền Bình Nhưỡng thường tuyên bố sẽ dùng bom hạt nhân để giải quyết. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến thái độ này.
Kim Jong-un đang chịu sức ép rất lớn trước lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ. Tuy nhiên, bất chấp bị trừng phạt, các tuyên bố của ông luôn cứng rắn.
1. Một cách yên dân
Theo tác giả Max Fisher trên trang Vox, nhiều hành động khiêu khích của Triều Tiên bắt đầu từ thời lãnh đạo tối cao trước đây là ông Kim Jong-il. Trong nhiều thập kỷ, quốc gia biệt lập nhất thế giới vẫn chống lại các luật lệ quốc tế.
Video đang HOT
Trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1990, không còn viện trợ của Liên Xô, Triều Tiên vẫn phải khiến người dân tin rằng họ đang sống trong một đất nước phồn thịnh nhất. Điều này làm Triều Tiên phải nghĩ ra cách để “kéo dãn” sự chú ý của người dân khỏi các vấn đề cốt lõi.
Tuy nhiên, việc thiếu nhiên liệu, lương thực khiến những lời nói của lãnh đạo Triều Tiên gặp phải hai vấn đề. Thứ nhất, người dân không còn tin tưởng vào quan điểm về một quốc gia phồn thịnh nữa. Thứ hai, Triều Tiên buộc phải mở cửa biên giới với Trung Quốc để nhập lương thực qua đường tiểu ngạch.
Trong bối cảnh đó, ông Kim Jong-il đề ra chính sách mang tên Songun hay còn gọi là “Quân sự trên hết”, lý giải rằng quốc gia đang đói nghèo vì buộc phải dành tiền của đầu tư cho quân đội, quốc phòng nhằm bảo vệ đất nước khỏi kẻ thù ngoại bang.
Từ giữa thập kỷ 90 khi chính sách Songun bắt đầu, Triều Tiên liên tục thử hạt nhân và con trai của ông Kim Jong-il bây giờ cũng tiếp bước cha mình khi thử hạt nhân vào ngày 6.1 vừa qua.
2. Quân bài đối phó với những kẻ thù mạnh
Tên lửa Taepodong-3 tầm bắn 13.000km của Triều Tiên, đủ sức bắn tới Mỹ. Hồi tháng 1.2016, ông Kim Jong-un dọa sẽ dùng bom nhiệt hạch san phẳng toàn bộ nước Mỹ trong chốc lát, nếu Mỹ ngăn cản Triều Tiên theo đuổi hạt nhân.
Đầu tuần này, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua lệnh trừng phạt nặng nề nhất dành cho Triều Tiên. Kể cả Trung Quốc cũng ủng hộ nghị quyết mới sau hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Kim Jong-un không hề muốn chiến tranh vì ông biết quân đội nước mình khó lòng thắng được một cuộc chiến với những nước mạnh hơn, trang bị tốt hơn. Điều ông Kim cần là gia tăng căng thẳng trong khu vực bán đảo Triều Tiên và buộc Hàn Quốc cũng như Mỹ phải “xuống thang”.
Tuy nhiên, vấn đề mà Triều Tiên không ngờ là có thể gây ra một cuộc xung đột ngoài ý muốn với Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế. Điều này rất nguy hiểm cho phía chính quyền Bình Nhưỡng.
3. Củng cố quyền lực
Hạt nhân giúp Kim chứng tỏ với giới chức quân đội rằng, ông hoàn toàn có khả năng làm một lãnh đạo tối cao
Đây là điều mà Kim Jong-un liên tục phải thực hiện kể từ khi nắm quyền năm 2012: Củng cố quyền lực giữa hàng ngũ tướng lĩnh. Và đây là cách mà ông Kim thường làm, theo quan sát của báo chí nước ngoài:
Trước tiên, ông sẽ thanh trừng giới chức chính trị Triều Tiên, lưu đày hoặc xử tử những cán bộ cấp cao. Hình thức tử hình đôi khi được áp dụng.
Thứ hai, ông Kim Jong-un sẽ thực hiện các biện pháp khiêu khích quân sự như phát triển hạt nhân, thử vũ khí từ đầu năm 2013. Các chuyên gia quân sự nhận định đây là cách để ông Kim chứng tỏ với giới chức quân đội rằng ông hoàn toàn có khả năng làm một lãnh đạo tối cao. Đây cũng là cách ông Kim “dằn mặt” những người khác.
Theo Danviet