3 lý do lãnh đạo Kim Jong-un muốn gặp mặt Tổng thống Trump
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là có những lý do nhất định khi ông đánh tiếng muốn gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump sau một thời gian dài căng thẳng.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát một vụ phóng tên lửa (Ảnh: AP)
Tổng thống Donald Trump tuần trước đã chấp nhận lời mời gặp mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un và đây được xem là bước đột phá sau một thời gian dài căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Triều. Sự “xuống thang” bất ngờ của Triều Tiên gần đây là điều đáng lưu ý sau 17 vụ thử tên lửa và một vụ thử hạt nhân mạnh chưa từng có của nước này hồi năm 2017.
Trong nhiều năm qua, Triều Tiên vẫn luôn tuyên bố nước này không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân và coi đây là điều kiện tiên quyết để bảo vệ sự tồn vong của đất nước. Chỉ vài tháng trước đây, Triều Tiên được cho là đã phát triển một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) với tầm bắn vươn tới Mỹ, khiến Tổng thống Trump tức giận và dọa sẽ trút “hỏa lực” nếu Bình Nhưỡng khiêu khích.
Tuy nhiên lần này, thông qua đặc phái viên Hàn Quốc, ông Kim Jong-un đánh tiếng muốn đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa với Mỹ, đổi lại Bình Nhưỡng cần sự đảm bảo về an ninh. Theo Washington Post, có 3 lý do khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên thay đổi lập trường với Mỹ ở thời điểm hiện tại.
Thứ nhất, Triều Tiên đã đạt được năng lực hạt nhân toàn diện. Điều này sẽ cho phép Bình Nhưỡng giành được vị thế đàm phán cao hơn so với trước đây.
Tháng 10/2017, Triều Tiên đã phóng tên lửa ICBM Hwasong-15 mới của nước này. Độ cao và tầm xa của tên lửa này đã cho thấy Bình Nhưỡng đủ khả năng tấn công “bất kỳ nơi nào trên lục địa Mỹ”. Mặc dù một số nhà phân tích vẫn nghi ngờ khả năng của Bình Nhưỡng trong việc đạt được công nghệ hồi quyền cho tên lửa sau khi rời bệ phóng, song vụ phóng ICBM thành công cũng cho thấy sự tiến bộ nhanh chóng của Bình Nhưỡng trong chương trình vũ khí. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi đó tuyên bố Triều Tiên cuối cùng đã hoàn thiện năng lực hạt nhân quốc gia.
Các nhà phân tích từ lâu đã cho rằng Triều Tiên sẵn sàng đàm phán về việc dừng chương trình phát triển hạt nhân nếu nước này sở hữu vũ khí hạt nhân đủ tấn công toàn bộ lãnh thổ Mỹ. Hiện tại, Bình Nhưỡng tin là họ đã hoàn tất mục tiêu này và chấp nhận đối thoại với Mỹ.
Video đang HOT
Thứ hai, các lệnh trừng phạt kinh tế và sức ép từ cộng đồng quốc tế đã tác động tới Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Trump vẫn luôn cho rằng việc “gây sức ép tối đa” với Triều Tiên đã phát huy tác dụng và các lệnh trừng phạt kinh tế bắt đầu gây khó khăn cho Bình Nhưỡng.
Tổng thống Donald Trump đón người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in tại Mỹ (Ảnh: Reuters)
Chung Eui-yong, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc và đóng vai trò như một đặc phái viên kết nối hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Donald Trump, nhận định chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ đã mang lại bước đột phá ngoại giao như hiện nay.
Các lệnh trừng phạt vẫn là yếu tố then chốt trong chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ. Mới đây vào ngày 23/2, chính quyền Trump đã công bố “gói trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay” nhằm vào Triều Tiên. Mặc dù một số ý kiến cho rằng lệnh trừng phạt của Washington vẫn có những lỗ hổng khi không nhắm mục tiêu tới các ngân hàng ở Trung Quốc để ngăn các hoạt động giao dịch với Triều Tiên, song ít nhất cũng buộc ban lãnh đạo Triều Tiên phải tìm cách xoay sở để nới lỏng trừng phạt.
Theo các chuyên gia, sau khi hoàn tất các mục tiêu trong chương trình hạt nhân, Triều Tiên có thể chuyển hướng tập trung sang phát triển kinh tế. Trước đó, Bình Nhưỡng vẫn luôn xác định chiến lược thực hiện song song hai nhiệm vụ gồm nâng cao năng lực hạt nhân và thúc đẩy sức mạnh kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế là mục tiêu rất khó đạt được nếu các lệnh trừng phạt không được gỡ bỏ, và đây là lý do khiến Bình Nhưỡng “xuống thang”.
Thứ ba, sứ mệnh ngoại giao của Hàn Quốc đã phát huy hiệu quả. Hàn Quốc thực sự đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc hội đàm liên Triều cũng như đối thoại Mỹ – Triều. Sau thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nắm lấy cơ hội để thúc đẩy quan hệ với Triều Tiên nhân dịp Thế vận hội mùa Đông.
Tổng thống Moon đã đã gặp một loạt quan chức cấp cao Triều Tiên, trong đó có em gái ông Kim Jong-un và phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Sau Thế vận hội, phái đoàn quan chức cấp cao Hàn Quốc do ông Chung Eui-yong dẫn đầu đã tới Bình Nhưỡng để thảo luận chi tiết việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều, dự kiến diễn ra vào tháng 4 tới. Hai nhà lãnh đạo của hai nước chưa từng có cuộc gặp nào trong 11 năm qua. Sau khi được ông Kim Jong-un đón tiếp trọng thể, ông Chung đã tới Mỹ và chuyển thông điệp đối thoại của nhà lãnh đạo Triều Tiên cho Tổng thống Trump.
Giới nghị sĩ Hàn Quốc từ lâu đã lo sợ việc Seoul bị ngó lơ hoặc “qua mặt” trong các vấn đề liên quan tới chính lợi ích của nước này, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên. Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in vẫn luôn quan ngại rằng các cường quốc như Mỹ hay Trung Quốc sẽ tự hoạch định chính sách về Triều Tiên mà không tính đến vai trò của Seoul.
Để tránh nguy cơ trên xảy ra, Hàn Quốc đã chủ động đảm nhận vị trí dẫn đầu trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự giữa các bên. Triều Tiên có thể có những toan tính riêng khi quyết định “xuất đầu lộ diện” vào thời điểm này để đàm phán với Mỹ, song không thể phủ nhận vai trò ngoại giao tích cực của Hàn Quốc trong việc đưa giới lãnh đạo Triều Tiên tham gia tiến trình đối thoại.
Thành Đạt
Theo Dantri
Ông Trump có thể "bắt bài" Triều Tiên trong cuộc đàm phán lịch sử?
Trước thông điệp có phần bất ngờ mềm mỏng từ Triều Tiên, giới quan sát hoài nghi về ý định thật sự của Bình Nhưỡng khi đưa ra lời mời hội đàm. Chuyên gia Harry J. Kazianis của National Interest đã "hiến kế" cho Tổng thống Mỹ Donald Trump cách "bắt bài" Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty)
Ngày 9/3, dư luận thế giới đã đổ dồn sự chú ý về bán đảo Triều Tiên khi cả Washington và Bình Nhưỡng đồng ý tham gia hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5, động thái mang lại niềm hy vọng rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân dai dẳng trong khu vực có thể sắp đến hồi kết.
Tuy nhiên, ông Kazianis cho rằng còn một quãng đường rất xa để có thể đạt được đến mục tiêu đó. Ông cho rằng chỉ dựa vào việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đề nghị 2 bên cùng ngồi lại và bàn bạc về vấn đề phi hạt nhân hóa của Triều Tiên không có nghĩa là hòa bình sẽ được lập lại "một sớm, một chiều".
Nhiều ý kiến đồn đoán cho rằng chính quyền ông Kim dường như chỉ đang cố "câu giờ" nhằm âm thầm tiếp tục phát triển kho vũ khí hạt nhân. Đó là chưa kể tới tình huống xấu nhất xảy ra khi cuộc hội đàm giữa 2 bên không thể đạt tới kết quả đồng thuận do sự thiếu tin tưởng từ nhiều thập niên đối đầu lẫn nhau. Trong kịch bản đó, Washington và Bình Nhưỡng có thể sẽ lại tiếp tục đổ lỗi cho phía còn lại và tệ hơn cả có thể lại tiếp tục đẩy bán đảo Triều Tiên tới "miệng hố chiến tranh".
Với những rủi ro được dự tính, chuyên gia Kazianis cho rằng chính quyền Tổng thống Trump nên tỉnh táo và có sự chuẩn bị cẩn thận trước khi bước vào trận chiến "cân não" với đối thủ Triều Tiên.
Đội ngũ của ông Trump nên chắc chắn rằng họ hiểu rõ mong muốn của các đồng minh nằm gần Triều Tiên trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản. Kịch bản đàm phán được đưa ra nên có sự đồng thuận của cả 3 bên để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất cho cả Triều Tiên lẫn Mỹ cũng như các đồng minh.
Theo ông Kazianis, chỉ có một lựa chọn duy nhất cho địa điểm tổ chức cuộc đàm phán và đó là Hàn Quốc. Cụ thể, chuyên gia này cho rằng khu vực phi quân sự (DMZ) ở bên phía Hàn Quốc là nơi lý tưởng nhất và ông Trump nên từ chối nếu Bình Nhưỡng yêu cầu ông phải đến Triều Tiên để tham gia hội nghị thượng đỉnh.
Thêm vào đó, ông Trump nên kiên quyết lập trường về các cuộc tập trận quân sự chung. Ông Kazianis cho rằng việc các quốc gia có chủ quyền thực hiện các cuộc tập trận để củng cố và nâng cao năng lực tác chiến cho lực lượng của họ là chuyện bình thường, giống như việc Triều Tiên được cho là vẫn tổ chức các cuộc diễn tập vào mùa đông. Nếu Bình Nhưỡng kiên quyết đòi Mỹ hủy bỏ hoàn toàn việc tập trận chung với Hàn Quốc, ông Trump nên tìm giải pháp để có thể cân bằng giữa yêu cầu của 2 bên hơn là từ bỏ.
Khi bắt đầu bước vào đàm phán, Mỹ nên yêu cầu Triều Tiên đưa ra lộ trình sơ bộ về quy trình phi hạt nhân hóa. Nếu Bình Nhưỡng từ chối đưa ra lộ trình này và ông Kim dường như muốn "câu giờ", ông Kazianis cho rằng Mỹ cần phải cứng rắn yêu cầu Bình Nhưỡng.
Cuối cùng, chuyên gia này nhận định Triều Tiên có thể sẽ đưa chiến lược "áp lực tối đa" của Mỹ vào chương trình nghị sự và tìm cách thương lượng để giảm bớt lệnh trừng phạt cô lập Triều Tiên. Vì vậy, để có thể gỡ bỏ các rào cản trừng phạt, ông Kazianis cho rằng đội ngũ của ông Trump nên tỉnh táo và đánh giá một cách toàn diện thiện chí của Bình Nhưỡng, cũng như bày tỏ rõ thiện chí của phía Mỹ trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan tới vấn đề kinh tế.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Chính quyền Trump "chạy đua" chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử với Triều Tiên Một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump nhận lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về cuộc gặp mặt dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới, Mỹ đã bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị cho sự kiện lịch sử được đánh giá là đầy rủi ro và xa vời tới mức một số quan chức Nhà Trắng vẫn tin...