3 giai đoạn giúp đạt hiệu quả cao nhất bồi dưỡng HSG Tiếng Anh
GD&TĐ – Cô Hoàng Kim Uyên – Phó hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) – chia sẻ các biện pháp nâng cao hiệu quả bồi dưỡng học sinh giỏi môn Tiếng Anh trong trường THCS với 3 giai đoạn bồi dưỡng.
Giai đoạn nền tảng
Sau khi thành lập Câu lạc bộ HSG môn Tiếng Anh (tuyển chọn các học sinh có năng khiếu môn tiếng Anh từ năm học lớp 6), giáo viên lên kế hoạch bồi dưỡng với thời lượng 2 tiết/1 tuần (ngoài các giờ học chính khóa), duy trì sinh hoạt câu lạc bộ ở năm học sau (lớp 7).
Nội dung bồi dưỡng bám sát chương trình tiếng Anh lớp 6, 7. Ôn tập kiến thức cơ bản và nâng cao. Giáo viên khai thác các tài liệu tham khảo trên mạng, sách tham khảo, lựa chọn nội dung sao cho phù hợp với trình độ của học sinh và toàn bộ chủ điểm của từng đơn vị bài học trong sách giáo khoa Tiếng Anh 6, 7.
Bên cạch bồi dưỡng kiến thức cần tổ chức các hoạt động khác cho câu lạc bộ như: Tổ chức thi hùng biện, thi Olympic tiếng Anh khối 6, 7. Hướng dẫn học sinh làm đề tài. Mỗi tháng tổ chức kiểm tra, xếp loại và trao thưởng nhằm tôn vinh HSG tiến bộ và thông báo kết quả tới cha mẹ học sinh (CMHS).
Về phương pháp: Bồi dưỡng HSG yêu cầu cao hơn với đối tượng học sinh đại trà, giáo viên cần định hướng, xây dựng cho học sinh có phương pháp học hiệu quả.
Phương pháp dạy cho đối tượng HSG lớp 6, 7 sẽ khác đối với HSG lớp 8, 9 và nội dung cần nâng cao theo từng giai đoạn.
Bồi dưỡng HSG tiếng Anh lớp 6, 7 là giai đoạn nền tảng, bên cạnh việc biên soạn nội dung dạy phù hợp như củng cố ngữ pháp, nâng cao từ vựng, phát triển đều 4 kỹ năng ngôn ngữ nghe – nói – đọc – viết, giáo viên phải chú trọng tới việc dạy cho học sinh có động cơ học tập cao (highly motivation), sự say mê hứng thú trong học tập và khả năng tự học, tự tìm tòi.
Video đang HOT
Các nguyên tắc sau đây đã được áp dụng: 1. Hướng dẫn cho học sinh cách tự học qua các cuốn tự điển tốt, sách tham khảo hay, các website học tiếng Anh trên mạng.
2. Giúp học sinh từng bước đạt được những mục tiêu học trước mắt rồi xây dựng mục tiêu xa hơn. Ví dụ: Học sinh bước đầu được tham gia câu lạc bộ sẽ phấn đấu đạt vị trí quán quân trong tháng, xếp loại cao dành phần thưởng cuối học kỳ và sau đó là phấn đấu đạt giải Olympic cấp trường, cấp quận.
3. Cuối mỗi học kỳ giáo viên tổ chức “hội thảo” cho học sinh và CMHS của câu lạc bộ trao đổi về phương pháp học và chia sẻ kinh nghiệm.
CMHS thường xuyên được thông báo về điểm số và những tiến bộ cũng như khó khăn của con trong việc học tiếng Anh. Sự kết hợp chặt chẽ đó đã mang lại hiệu quả cao trong việc học tập tiến bộ của học sinh.
Giai đoạn nâng cao kiến thức, kỹ năng
Giai đoạn này, đối tượng bồi dưỡng là học sinh Câu lạc bộ HSG Tiếng Anh lớp 8, 9; thời lượng 2 tiết/1 tuần (ngoài các giờ học chính khóa).
Nội dung bồi dưỡng bám sát chủ điểm của từng đơn vị bài học trong chương trình tiếng Anh 8, 9 đồng thời khai thác tư liệu trên mạng soạn các dạng bài tập luyện tập phù hợp. Hướng tới các dạng bài thi HSG cấp trường, cấp quận, cấp thành phố.
Bao gồm: Kiến thức ngôn ngữ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Nghe hiểu các bài hội thoại, độc thoại có độ dài 120 đến 180 từ, các dạng bài nghe hiểu.
Đọc hiểu các đoạn văn có độ dài từ 200 – 250 từ, các dạng bài đọc hiểu: điền từ vào chỗ trống, đọc trả lời câu hỏi … Viết lại câu, hoàn thành câu, viết đoạn văn có độ dài 150 – 200 từ.
Phương pháp: Tổng hợp kiến thức các giờ chính khóa, ôn tập, nâng cao và mở rộng các chủ đề. Luyện tập cho học sinh các dạng bài: phát triển từ vựng, ôn tập ngữ pháp, tập trung luyện kỹ năng đọc hiểu, nghe hiểu, viết.
Đây là giai đoạn quan trọng để nâng cao kiến thức cho học sinh, các kỹ năng tổng hợp kiến thức và tự học đặc biệt được chú trọng. Thời gian học đội tuyển không nhiều vì vậy giáo viên có thể chuẩn bị bài trên powerpoint trình chiếu để tăng thêm nội dung luyện tập và tiết kiệm thời gian.
Tùy theo mục đích của mỗi buổi dạy đội tuyển, giáo viên có thể soạn nội dung dạy và phân bố thời gian khác nhau. Trong thời gian 90 phút: 30 phút – học từ vựng bài tập từ vựng chữa bài; 30 phút luyện đọc hiểu, 30 phút luyện viết hoặc nghe.
Bên cạnh việc luyện tập các dạng bài thi giáo viên vẫn cần chú trọng đến thủ thuật dạy từ vựng, thường xuyên đổi mới việc dạy từ để gây hứng thú, học sinh sử dụng tự điển tại lớp, làm việc cá nhân, theo cặp hoặc theo nhóm.
Các hoạt động này được tổ chức tùy theo yêu cầu của mỗi dạng bài. Cần có bước học từ vựng ngay tại lớp, kiểm tra việc ghi nhớ từ của học sinh thông qua các trò chơi.
Giai đoạn nước rút
Đối tượng bồi dưỡng giai đoạn này là học sinh đội tuyển tiếng Anh lớp 9; thời lượng giữ 2 buổi/tuần với nội dung ôn luyện kiến thức tổng hợp, luyện các dạng đề thi chuyên vào lớp 10, HSG môn tiếng Anh lớp 9.
Phương pháp: Tăng thêm thời gian dạy bồi dưỡng đội tuyển, mục tiêu hướng tới đạt giải các kỳ thi HSG các cấp, mời thêm các giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy cho đội tuyển. Khích lệ học sinh tích cực tự học, phấn đấu bằng nhiều hình thức như: tổ chức thi thử trao phần thưởng, phân tích các dạng bài, chiến thuật làm bài… Kết hợp chặt chẽ với CMHS, theo dõi quan tâm tới sự tiến bộ của học sinh.
Đây được coi là giai đoạn nước rút, học sinh cần có những định hướng và mục tiêu học tập rõ ràng, có kế hoạch học tập cho từng tuần, từng tháng. Học sinh sẽ chủ động hơn nếu giáo viên quan tâm hướng dẫn học sinh cách đặt ra kế hoạch và làm thế nào để đạt được mục tiêu đó.
Ví dụ: Với từng học sinh trong đội tuyển mỗi học sinh đều có những mảng kiến thức, kỹ năng cần phải cố gắng, tôi hướng dẫn cho học sinh lập kế hoạch: Trong tuần từ ngày… đến… ôn lại số từ….; nắm vững và vận dụng tốt kiến thức gì … hoặc học được bao nhiêu “phrase verbs”, làm thẻ từ và hàng ngày ôn lại thế nào…
Các hoạt động cần thường xuyên đều đặn, có hướng dẫn, thực hiện và kiểm tra. Dần dần học sinh tự chủ động trong việc học, nâng cao kiến thức. Giáo viên có thể cho học sinh tự kiểm tra nhau trong nhóm.
Những lưu ý với giáo viên
Giáo viên cần chú ý đến trọng tâm của bài dạy, phân phối thời gian cho hoạt động dạy học trên lớp hợp lý.
Đổi mới phương pháp dạy cũng đồng nghĩa với việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá. Việc đánh giá HSG tham gia trong đổi tuyển cần có những yêu cầu khác so với cách kiểm tra đánh giá trên lớp, cần chú ý đến 4 kỹ năng ngôn ngữ, kiến thức trong các bài kiểm tra yêu cầu cao hơn, mở rộng hơn và hướng tới các bài thi HSG, thi chuyên.
HSG là những học sinh có năng khiếu, có tư chất, tiếp thu tốt nhưng giáo viên vẫn phải chú trọng đến việc trang bị cho học sinh khả năng tư duy, sự ham thích học tập và khả năng tự học. Điều này cần được thường xuyên trau dồi và duy trì, đó cũng chính là chìa khóa dẫn đến thành công.
Nội dung dạy đội tuyển cần được tổng hợp, chọn lựa sao cho phù hợp với đối tượng và kiến thức mở rộng cho từng giai đoạn. Các loại sách tham khảo rất nhiều và rất phong phú nhưng không phải tất cả đều có thể áp dụng trong mọi tiết dạy. Cần có sự chắt lọc và biên soạn.
Với Ban giám hiệu, cần có chiến lược đào tạo lực lượng giáo viên giỏi kế cận, đủ khả năng đảm nhiệm công tác bồi dưỡng nhân tài; xây dựng quỹ khuyến học thông qua công tác xã hội hóa giáo dục có thêm nguồn kinh phí thưởng cho các học sinh đạt thành tích cao trong tất cả các cuộc thi góp phần động viên khích lệ học sinh.
Theo GD&TĐ