28 sinh viên Hoà Bình gian lận điểm thi bị trả về: Thí sinh Hà Giang xử lý sao?
Có 28 trong tổng số 64 thí sinh liên quan tới gian lận thi cử tại Hoà Bình đã bị Bộ Công an trả về địa phương. Dư luận đặt câu hỏi, những thí sinh tại Hà Giang tại sao gian lận điểm thi vẫn chưa bị xử lý?
Bộ Công an trả về Hòa Bình 28 thí sinh được nâng điểm. Ảnh: TL
Cục Đào tạo, Bộ Công an đã bàn giao 28 sinh viên trúng tuyển vào các trường công an nhân dân, được xác định liên quan gian lận điểm thi, về đơn vị sơ tuyển tại Hòa Bình để xử lý theo quy định.
Trong số 28 thí sinh này, có 17 thí sinh trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân; 9 thí sinh trúng tuyển vào Học viện An ninh Nhân dân và 2 thí sinh trúng tuyển vào trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy. Như vậy, những sinh viên này sẽ không được tiếp tục học trong các trường công an nhân dân.
GS Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho rằng những thí sinh liên quan đến gian lận thi cử bị đuổi học là việc cần làm, bởi những sinh viên này không đủ tiêu chuẩn.
Đồng quan điểm, GS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhận định: “Sinh viên sai khi các em không trung thực, biết điểm của mình được thay đổi theo hướng tăng lên mà không lên tiếng, vẫn tiếp tục xét tuyển vào đại học.
Việc đuổi học cũng là một bài học đau xót đối với các em. Cơ bản nhất vẫn là người mua và bán điểm. Vì thế, cần làm rõ danh tính của những người sửa điểm và mua điểm, thậm chí, cần xử lý nghiêm về hình sự”.
Liên quan đến vụ việc, em M.P – học sinh Trường THPT chuyên Hà Giang cho rằng: “Em vẫn thấy những thí sinh gian lận thi cử năm 2018 ở Hà Giang đi học tại các trường đại học, cao đẳng sau khi làm rõ điểm thật. Như vậy là chẳng bị hình thức kỉ luật nào cả. Những thí sinh gian lận ở Sơn La bị dừng học tập thì các bạn ở Hà Giang cũng cần phải có hình thức xử lý thích đáng, đảm bảo công bằng, khách quan, có tính răn đe. Không thể làm sai rồi lại xí xoá đi như thế được”.
Đề cập đến nội dung trên, ông Phạm Tất Dong cho rằng ở đây cần làm rõ và phải công bằng với các thí sinh.
“Chúng ta xử lý nhân văn nhưng không có nghĩa là cho qua tất cả. Những thí sinh đã dính đến gian lận điểm thi dù chưa sử dụng điểm này để xét tuyển vào các trường đại học nhưng vẫn cần có trách nhiệm, cần có biện pháp kỉ luật thích đáng. Tôi cho rằng cần sự công bằng với tất cả các học sinh”, ông Dong nói.
Từ đó, ông Dong cho rằng không nên công nhận kết quả thi, xét tuyển của những thí sinh đã gian lận thi cử trong năm 2018. Nếu các em muốn tiếp tục đi học thì có thể được phép thi lại vào năm sau. Ông Dong cũng mong muốn những học sinh này học tập chăm chỉ, học thật, thi thật và cố gắng trong tương lai.
TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, người mua điểm càng là quan chức thì càng phải công bố để làm gương.
Video đang HOT
Cũng theo TS Vinh, việc công bố danh tính không phải coi là sự bôi nhọ đối với người được nâng điểm mà là sự răn đe cho hàng ngàn người khác có toan tính gian lận, để nền giáo dục sạch hơn và lấy lại lòng tin giáo dục.
HUYÊN NGUYỄN
Theo Lao động
Rất phi lý, bất công nếu chỉ trả lại điểm thi thật cho thí sinh được nâng điểm
Đối với bài thi có đáp án bị tẩy xóa mới phát hiện được, còn phiếu trắc nghiệm chỉ có tên thí sinh, đáp án để trống sau có người làm hộ rất khó phát hiện.
Kết quả được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy Sơn La có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây.
Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9,00 điểm.
Với con số trên đã phần nào giúp nhiều phụ huynh và học sinh tại Sơn La thi bằng đôi chân, năng lực của mình lấy lại được lòng tin vào công lý, vào sự công bằng.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, không nên công bố tên thí sinh để bảo vệ quyền lợi, tránh những tổn hại không đáng có cho các thí sinh liên quan vì các em còn trẻ, có khi các em không liên quan đến việc sửa điểm mà do chính cha mẹ của các em làm.Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện gian lận thi cử xảy ra tại một số tỉnh thành như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả có nhiều ý kiến cho rằng cần công khai danh sách thí sinh được nâng điểm lên để minh bạch thông tin và có tính chất răn đe.
Câu hỏi mà nhiều thí sinh và phụ huynh băn khoăn đó là sau quá trình điều tra, nếu điểm thi thật được trả lại, thì với những em đã trượt nguyện vọng 1 vì bị thí sinh điểm giả lấy mất cơ hội có được gọi nhập học ở ngôi trường mình từng mơ ước hay không vẫn chưa có câu trả lời.
Một điều khiến phụ huynh và thí sinh bức xúc cho rằng, không thể trả về điểm thi thật cho những thí sinh gian lận mà phải hủy kết quả hoặc cho điểm 0.
Một số cán bộ tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La bị khởi tố bị can, bắt tạm giam vì liên quan đến gian lận trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018. Ảnh: Vũ Phương.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một giáo viên tại Sơn La cho biết: "Điểm thi Sơn La, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi đã công bố trước đây đã phần nào lấy lại sự công bằng cho những thí sinh thi thật, học thật.
Tuy nhiên, những bức xúc của phụ huynh ở Sơn La vẫn còn rất nặng nề vì đồng nghĩa với gian lận là lấy đi cơ hội học tập của những em học thật, thi thật, nỗ lực hết mình suốt 12 năm.
Có thể nói con số 44 thí sinh có bài thi gian lận được công bố chưa làm hài lòng phụ huynh Sơn La. Bởi việc gian lận quá tinh vi thì việc phát hiện hết các trường hợp gian lận là rất khó".
Có một vấn đề giáo viên này hết sức băn khoăn và cho rằng sẽ rất phi lý và không công bằng nếu trả lại điểm thi thật cho những thí sinh gian lận.
Hay Khoản 4 Điều 49 cũng chỉ rất rõ cho 0 điểm trong trường hợp bài thi được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; bài thi có chữ viết của hai người trở lên...Giáo viên này phân tích: "Trong quy chế thi trung học phổ thông quốc gia, trong Khoản 6 Điều 49 quy định: Huỷ kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; Có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác; Sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.
Tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi sau: Để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức...".
Vị giáo viên này nhấn mạnh: "Rõ ràng đối với những bài thi bị tảy xóa, tô lại đáp án thì phải hủy kết quả hay cho 0 điểm những bài thi đó chứ không thể trả lại điểm thật là xong.
Thậm chí phải có chế tài cấm thi nhiều năm tiếp theo đối với những thí sinh liên quan đến gian lận trong kỳ thi vừa qua để những trường hợp thí sinh sau có ý định gian lận phải từ bỏ.
Đối với những phụ huynh "chạy điểm" cho con cũng cần phải xử lý thật nghiêm dù là ai. Ở một số nước, phụ huynh chạy điểm có thể bị ngồi tù".
Nhiều thí sinh tại Trường trung học phổ thông chuyên Sơn La có điểm thi cao bất thường kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018. Ảnh: Vũ Phương.
Còn trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một thí sinh tham dự kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018 tại điểm thi Trường trung học phổ thông chuyên Sơn La nay đã là sinh viên của một trường đại học tại Hà Nội cho rằng, con số 44 thí sinh tại Sơn La có liên quan đến gian lận chưa thuyết phục.
Thí sinh này cho rằng: "Khó có công bằng tuyệt đối, nhưng ít nhiều những bài thi gian lận đã được công bố khiến bản thân em và những thí sinh thi bằng chính thực lực của mình lấy lại được niềm tin vào công lý, vào sự công bằng".
Nói về con số 44 thí sinh liên quan đến tiêu cực, thí sinh này cho rằng, con số đó chỉ là một trong những hình thức gian lận bị phát hiện, có hình thức gian lận khó phát hiện hơn nhiều.
Cựu học sinh Trường chuyên Sơn La phân tích: "Không chỉ bản thân em và nhiều bạn cùng thi với em cho rằng có 2 kiểu gian lận trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018.
Một là thí sinh là nộp phiếu trắc nghiệm để trắng tức là chỉ ghi thông tin còn đáp ăn không tô 1 câu nào. Khi chấm sẽ có người tô đáp án đúng. Bởi vậy, sẽ không thể tìm ra dấu vết tẩy xóa.
Hai là 2 là thí sinh làm bình thường, sau đó sẽ có người tẩy xóa đáp án. Công bố 44 thí sinh có thể là theo kiểu gian lận thứ hai này tức là có dấu hiệu tẩy xóa trong bài thi".
Vào thời điểm mới phát hiện gian lận thi tại Sơn La, thí sinh này cũng không ngại tiết lộ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tại phòng thi của thí sinh này tại Trường trung học phổ thông chuyên Sơn la có dấu hiệu bất thường như giám thị nhắc bài thí sinh.
Đây là hình thức gian lận thi hết sức tinh vi vì đối với bài thi trắc nghiệm việc nhắc bài thi chỉ mất vài phút có thể giúp thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, dù phòng thi Trường trung học phổ thông chuyên Sơn La có camera nhưng lại không hoạt động.
Trước đó, trả lời phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng:
"Việc không công khai danh sách thí sinh trong vụ gian lận điểm thi là vi phạm Luật Báo chí và Luật Phòng chống tham nhũng. Thậm chí là vi hiến".
Giải thích thêm, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Bây giờ, vấn đề giáo dục, y tế và những vấn đề về mặt an sinh là các vấn đề xã hội tăng cường tính công khai minh bạch.
Điều này đã được quy định trong Luật phòng chống tham nhũng.
Quy định trong Hiến pháp và các luật khác để bảo đảm quyền quản lý của nhà nước, quyền công dân, thì vấn đề như thế cần phải được công khai".
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: "Đây là một vụ việc hoàn toàn là tham nhũng. Có vấn đề chạy điểm, vi phạm quy chế thi.
Do đó, phải công khai chứ không được độc quyền vi phạm. Các cơ quan pháp luật không được độc quyền vi phạm.
Còn nếu không công khai thì coi là hành vi bao che cho vi phạm. Hành vi như vậy có thể coi là một dạng vi phạm".
Vũ Phương
Theo giaoduc.net.vn
Có nên công khai tên thí sinh được nâng điểm THPT Quốc gia 2018? Việc công khai danh sách thí sinh được can thiệp nâng điểm ở Hòa Bình, Sơn La...cũng chưa phải là giải pháp hữu hiệu để phòng chống gian lận thi cử Đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã công bố thông tin về xử lý sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hòa Bình, Sơn La...