24 quy tắc vàng làm bài thi trắc nghiệm
Bộ GD&ĐT vừa đưa ra 24 quy tắc vàng hướng dẫn cách làm bài thi trắc nghiệm cho thí sinh.
1. Thí sinh thi các môn trắc nghiệm tại phòng thi mà mình thi môn tự luận. Số báo danh lấy theo Giấy báo dự thi.
2. Thí sinh cần mang bút mực (hoặc bút bi), bút chì đen, gọt bút chì, tẩy vào phòng thi; nên mang theo đồng hồ để theo dõi giờ làm bài.
3. Trong phòng thi, mỗi thí sinh được phát 1 tờ phiếu trả lời trắc nghiệm và 1 tờ giấy nháp đã có chữ ký của cán bộ coi thi. Thí sinh cần giữ cho tờ phiếu phẳng, không bị rách, gập, nhàu, mép giấy bị quăn, bởi đây là bài làm của thí sinh, được chấm bằng máy.
4. Thí sinh dùng bút mực hoặc bút bi điền đầy đủ vào các mục để trống (từ số 1 đến số 9); chưa ghi mã đề thi (mục 10). Lưu ý, ghi số báo danh với đầy đủ 6 chữ số (kể cả chữ số 0 ở đầu số báo danh, nếu có) vào các ô vuông nhỏ trên đầu các cột của khung số báo danh (mục số 9 trên phiếu trả lời).
Sau đó, dùng bút chì, lần lượt theo từng cột tô kín ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu cột.
5. Khi nhận đề thi, thí sinh phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời; không được xem đề thi khi cán bộ coi thi chưa cho phép.
6. Khi nhận được đề thi và cán bộ coi thi cho phép, thí sinh bắt đầu xem đề thi và đặc biệt nhớ 2 lưu ý sau:
a) Phải kiểm tra đề thi để đảm bảo: đề thi có đủ số lượng câu trắc nghiệm như đã ghi trong đề; nội dung đề được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét; tất cả các trang của đề thi đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi, hoặc có 2 đề thi trở lên, thí sinh phải báo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý.
b) Ghi tên và số báo danh của mình vào đề thi. Mỗi đề thi có một mã số, thí sinh xem mã đề thi (in trên đầu đề thi) và dùng bút mực hoặc bút bi ghi ngay 3 chữ số của mã đề thi vào 3 ô vuông nhỏ ở đầu các cột của khung mã đề thi (mục số 10 trên phiếu trả lời trắc nghiệm); sau đó dùng bút chì lần lượt theo từng cột tô kín ô có chữ số tương ứng với chữ số ở đầu mỗi cột.
7. Nếu phát hiện đề thi bị thiếu trang, thí sinh đề nghị cán bộ coi thi cho đổi bằng đề thi dự phòng có mã đề thi tương ứng (hoặc mã đề thi khác với mã đề thi của 2 thí sinh ngồi hai bên).
Video đang HOT
8. Theo yêu cầu của cán bộ coi thi, thí sinh tự ghi mã đề thi của mình vào 2 phiếu thu bài thi. Lúc này (chưa nộp bài) thí sinh tuyệt đối không ký tên vào phiếu thu bài thi.
9. Thời gian làm bài thi trắc nghiệm tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là 90 phút.
10. Hai thí sinh ngồi cạnh nhau có cùng mã đề thi thì phải di chuyển chỗ ngồi.
11. Chỉ có phiếu trả lời trắc nghiệm mới được coi là bài làm của thí sinh; bài làm phải có 2 chữ ký của 2 cán bộ coi thi.
12. Trên phiếu trả lời trắc nghiệm chỉ được viết một thứ mực không phải là mực đỏ và tô chì đen ở ô trả lời; không được tô bất cứ ô nào trên phiếu trả lời trắc nghiệm bằng bút mực, bút bi.
13. Khi tô các ô bằng bút chì, phải tô đậm và lấp kín diện tích cả ô; không gạch chéo hoặc chỉ đánh dấu vào ô được chọn; ứng với mỗi câu trắc nghiệm chỉ được tô 1 ô trả lời. Trong trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, thí sinh dùng tẩy tẩy thật sạch chì ở ô cũ, rồi tô kín ô khác mà mình mới lựa chọn.
14. Ngoài 10 mục cần ghi trên phiếu bằng bút mực và các câu trả lời tô chì, thí sinh tuyệt đối không được viết gì thêm hoặc để lại dấu hiệu riêng trên phiếu trả lời. Bài có dấu riêng sẽ bị coi là phạm quy và không được chấm điểm.
15. Khi làm từng câu trắc nghiệm, thí sinh cần đọc kỹ nội dung câu trắc nghiệm, phải đọc trọn vẹn mỗi câu trắc nghiệm, cả phần dẫn và bốn lựa chọn A, B, C, D để chọn phương án đúng (A hoặc B, C, D) và dùng bút chì tô kín ô tương ứng với chữ cái A hoặc B, C, D trong phiếu.
Chẳng hạn thí sinh đang làm câu 5, chọn C là phương án đúng thì thí sinh tô đen ô có chữ C trên dòng có số 5 của phiếu.
Đội tiếp sức mùa thi đón tiếp sỹ tử.
16. Làm đến câu trắc nghiệm nào thí sinh dùng bút chì tô ngay ô trả lời trên phiếu ứng với câu trắc nghiệm đó. Tránh làm toàn bộ các câu của đề thi trên giấy nháp hoặc trên đề thi rồi mới tô vào phiếu vì dễ bị thiếu thời gian.
17. Tránh việc chỉ trả lời trên đề thi hoặc giấy nháp mà quên tô trên phiếu trả lời. Tránh việc tô 2 ô trở lên cho một câu trắc nghiệm vì trong trường hợp này, máy sẽ không chấm và câu đó không có điểm.
18. Số thứ tự câu trả lời mà thí sinh làm trên phiếu trả lời phải trùng với số thứ tự câu trắc nghiệm trong đề thi. Tránh trường hợp trả lời câu trắc nghiệm này nhưng tô vào hàng của câu khác trên phiếu trả lời trắc nghiệm.
19. Thí sinh không ra ngoài trong suốt thời gian làm bài. Trong trường hợp quá cần thiết, phải báo cho cán bộ coi thi trong phòng thi (cán bộ coi thi trong phòng thi có trách nhiệm báo cho cán bộ coi thi ngoài phòng thi hoặc thành viên của Ban coi thi biết); không được mang đề thi và phiếu trả lời trắc nghiệm ra ngoài phòng thi.
20. Trước khi hết giờ làm bài 15 phút, được cán bộ coi thi thông báo, một lần nữa, thí sinh kiểm tra việc ghi Số báo danh và Mã đề thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm.
21. Thí sinh làm xong bài phải ngồi tại chỗ, không nộp bài trắc nghiệm trước khi hết giờ làm bài.
22. Khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm, có lệnh thu bài, thí sinh phải ngừng làm bài, bỏ bút xuống; đặt phiếu trả lời trắc nghiệm lên trên đề thi; chờ nộp phiếu trả lời theo hướng dẫn của cán bộ coi thi. Thí sinh không làm được bài vẫn phải nộp phiếu. Khi nộp, phải ký tên vào 2 phiếu thu bài thi.
23. Thí sinh chỉ được rời khỏi chỗ sau khi cán bộ coi thi đã kiểm đủ số phiếu trả lời trắc nghiệm của cả phòng thi và cho phép thí sinh ra về.
24. Thí sinh được đề nghị phúc khảo bài thi trắc nghiệm của mình sau khi đã làm các thủ tục theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.
Theo BĐVN
Nghịch lý phòng trọ mùa thi
Giá phòng trọ cho thí sinh thi đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đang tăng chóng mặt, trong khi nhiều ký túc xá lại thừa chỗ ở vì sinh viên nghỉ hè.
Nhà trọ đua hét giá
Theo chỉ dẫn của tấm biển quảng cáo cho thuê phòng trọ thi ĐH, chúng tôi tìm đến ngôi nhà cao tầng ở số nhà 20, ngõ 69, phố Chùa Láng (Hà Nội). Bà Bát- chủ nhà đứng trên nói vọng xuống: "Ở phòng 4 người thì mỗi người 200.000 đồng/ngày, ở 2 người 600.000 đồng/ ngày, 1 người 1,2 triệu đồng/ngày".
Chúng tôi muốn đi xem phòng ốc, bà Bát dửng dưng: "Mưa bão thế này không mở cửa đâu. Cứ đi xem đâu rẻ hơn, không thuê được thì quay lại ngay, không chả có chỗ". Tham khảo thí sinh năm ngoái thuê phòng tại đây, được biết giá thuê phòng trọ năm nay tăng hơn năm ngoái khoảng 100.000 đồng/ngày.
Thí sinh trọ học ôn thi ĐH Kinh tế Quốc dân có lẽ còn vất vả hơn rất nhiều vì phải đi xa cách đó 1 km mới thuê được phòng với giá 1,4 triệu/tháng/phòng 12m. Thuê trong đợt thi có giá 100.000 đồng/ ngày (số nhà 12, ngách 83 Ngõ Gốc Đề, đường Minh Khai, Hà Nội) chưa kể tiền điện nước. Theo một chủ nhà trọ sinh viên xung quanh Học viện Ngoại giao và ĐH Ngoại thương, giá thuê phòng trọ dịp thi ĐH tương đối cao, 200.000 đồng/ngày.
Cách đó không xa, ký túc xá (KTX) của Học viện Ngoại giao đang chờ... định giá cho thí sinh thi ĐH thuê. Bảo vệ KTX cho biết, ở đây có 200 - 300 chỗ với giá 50.000/người/ngày. Khi khách hàng ngỏ ý muốn thuê, người này cho biết: Còn chờ Ban giám đốc quyết định giá thuê. Nhưng muốn thuê có thể đăng ký trước. Mùa thi nào KTX cũng thừa phòng cho thí sinh thuê.
Biển quảng cáo nhà trọ cho thí sinh thi ĐH.
Ký túc xá vẫn trống
Nghịch lý là, trong khi KTX thừa chỗ ở, thí sinh phải ra ngoài thuê phòng trọ với giá đắt đỏ. Ông Đinh Văn Chỉnh, Phó hiệu trưởng trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội cho biết: Với số lượng thí sinh khổng lồ (50.853 thí sinh), trường dành 4.000 chỗ ở cho thí sinh trong KTX nhưng hoạt động không hết công suất.
Ông Đào Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên của ĐH Quốc gia HN cũng cho hay, trường có khoảng 1.000 chỗ ở cho thí sinh thuê với giá rẻ. Trung bình 70.000-80.000 đồng/ một đợt thi 3 ngày và cũng có phòng lắp điều hòa với giá 200.000 - 300.000 đồng/phòng 4 - 6 chỗ ở. Tuy nhiên, cũng chỉ có khoảng 700 - 800 thí sinh thuê trọ.
ĐH Bách khoa HN bố trí hơn 1.000 chỗ ở cho thí sinh trong KTX với giá 25.00-30.000 đồng/ ngày nhưng cũng trong tình trạng không hết công suất sử dụng.
Lý giải nghịch lý trên, ông Đào Văn Hải nói: Các lực lượng xã hội đã có thể đáp ứng nhu cầu của thí sinh và họ tiếp thị tốt hơn các trường. Họ tổ chức bắt khách ngay từ bến xe, bến tàu để xe ôm đưa về tận nơi. Điều kiện ăn ở của các nhà nghỉ và nhà dân cũng đa dạng hơn (nhà nào cũng có điều hòa, gần điểm thi...), nên mặc dù giá cao vẫn có nhiều thí sinh thuê.
Tuy nhiên, thông tin cần thiết về chỗ trọ trong KTX các trường cho thí sinh vẫn chưa được đưa vào cuốn cẩm nang tuyển sinh ĐH, CĐ.
Theo PLXH
Cận ngày thi, lò luyện thi Bắc "ế", Nam "sốt" Chỉ còn 10 ngày nữa là đến thời điểm thi ĐH đợt 1 năm 2011, nhưng dạo một vòng qua các lò luyện thi cấp tốc ở Hà Nội, người ta chỉ thấy tình trạng khá ế ẩm. Trong khi đó, lượng thí sinh các tỉnh ĐBSCL ồ ạt lên Sài Gòn đã tập trung kín các trung tâm luyện thi phía Nam....