23 điểm vẫn chọn học nghề
Trong khi các trường ĐH đang hạ điểm chuẩn, tuyển bổ sung mà không biết thí sinh đang ở đâu thì các trường đào tạo nghề chất lượng cao lại khá xôm tụ.
Dù chưa đến giai đoạn cao điểm tuyển sinh nghề, nhưng có trường thời điểm này đã tuyển đủ 70% chỉ tiêu, trong đó có khoảng 30% thí sinh có điểm thi THPT quốc gia 3 môn từ 18 điểm trở lên.
Đạt điểm cao vẫn chọn học nghề
Kỳ thi THPT quốc gia 2016, Nguyễn Văn Thất, quê ở xã Hải Phong, huyện Hải Hậu (Nam Định) đạt 3 môn 23,3 điểm khối A chưa kể điểm cộng ưu tiên. Thất cho biết, em dự thi để lượng xem sức mình đến đâu tại cụm thi do trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chủ trì.
Nhà có 4 anh em, chưa có ai được đặt chân đến cổng trường ĐH, hơn ai hết Thất cũng mơ ước được học tại Trường ĐH Bách khoa. Thất tin, với số điểm đạt được, em sẽ trúng tuyển vào một ngành nào đó của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội hoặc một số trường khác.
Thế nhưng, suy nghĩ, đắn đo nhiều ngày cuối cùng Thất vẫn rẽ hướng chọn đi học nghề. Thất chọn ngành Cơ điện tử tại Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội để đăng ký nhập học. Lý do để Thất chọn đi học nghề thay ĐH là vì học nghề thời gian ngắn, ra trường có tay nghề, dễ kiếm việc làm hơn.
Video đang HOT
Trước thực trạng cử nhân thất nghiệp quá nhiều, các trường nghề năm nay lại thu hút nhiều thí sinh. Ảnh: Tiền Phong.
Tương tự, Vũ Văn Nái quê ở Thái Bình cũng có điểm thi THPT quốc gia ở mức 22 điểm khối A. Nái từng mơ ước được trở thành một kỹ sư cầu đường. Nhưng khi có kết quả, Nái trượt NV1 ngành mình thích ở trường ĐH Giao thông Vận tải.
Với số điểm này, Nái có thể đăng ký ngành khác, ở nhiều trường ĐH. Tuy nhiên, khi không đỗ được ngành yêu thích, thí sinh này đã nộp hồ sơ theo học nghề điện lạnh tại Hà Nội.
Nái tính toán, với học phí 250.000 đồng/tháng, tiền ký túc xá 150.000 đồng/tháng cộng chi phí ăn uống em học xong 2 năm học nghề gia đình cũng chỉ mất khoảng 30 triệu đồng.
Còn theo đuổi học ĐH với thời gian khoảng 4-5 năm, với mức thu học phí cao, cộng chi phí sinh hoạt gia đình phải mất hơn 100 triệu đồng. Trong khi đó, nhiều trường nghề hiện nay cam kết học xong có việc đến 90-100%.
Nhiều trường tuyển đủ 70% chỉ tiêu
Ông Hồ Văn Đàm, Hiệu phó Cao đẳng nghề kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc tại TP Vinh (Nghệ An) cho biết, dù chưa phải là giai đoạn cao điểm của tuyển sinh học nghề nhưng đến thời điểm này trường đã tuyển sinh được khoảng 70% chỉ tiêu (khoảng hơn 600 sinh viên).
Theo ông Đàm, khi nhìn qua bảng điểm của sinh viên năm nay ông khá giật mình vì rất nhiều em có điểm thi ĐH khá cao. Cao nhất có thí sinh đạt 23 điểm, còn điểm từ 18 đến 20 chiếm khoảng 30% sinh viên nhập học đợt 1.
Khi hỏi nhanh sinh viên, với số điểm này các em có thể đỗ nhiều trường ĐH tại sao lại lựa chọn học nghề, ông Đàm nhận được chia sẻ, học nghề để nhanh có việc làm, chi phí học tập lại rẻ hơn so với học ĐH.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục dạy nghề khẳng định: Việc tuyển sinh các trường nghề năm nay đạt hiệu quả tốt hơn những năm trước. Nguyên nhân là do các trường nghề nâng cao chất lượng đào tạo hướng tới chuẩn tay nghề khu vực, chú trọng đảm bảo đầu ra có việc làm.
Ông Đàm dự đoán, với tình hình này, đến khoảng tháng 9, có thể trường phải từ chối sinh viên đăng ký học vì như mọi năm, sau khi các trường ĐH kết thúc tuyển sinh thì thí sinh không có cơ hội nào vào ĐH mới “đổ xô” đi học nghề.
“Với tình hình năm nay, trường sẽ đóng cổng tuyển sinh sớm vì trường chỉ xin chỉ tiêu tuyển sinh là 1.070 em. Trong năm tới, trường phải xin tỉnh, Chính phủ mở rộng thêm cơ sở vật chất để mở rộng quy mô đào tạo, quy mô tuyển sinh đáp ứng nhu cầu của học sinh”, ông Đàm nói.
Tương tự, kết thúc tuyển sinh đợt 1, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội đã có gần 800 sinh viên đến trường làm thủ tục nhập học trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ khoảng 1.500 em.
Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường, mọi năm trường nghề bao giờ cũng phải tuyển vét thí sinh đến khoảng cuối tháng 11. Nhưng ở thời điểm này so với năm ngoái, lượng thí sinh đăng ký vào trường “xôm tụ” hơn hẳn nên tuyển đủ chỉ tiêu trường sẽ đóng cổng tuyển sinh. Đa số thí sinh chọn nghề: Công nghiệp ô tô, Cơ điện tử, điện công nghiệp…
Ông Ngọc cho rằng, không bất ngờ khi nhiều thí sinh đến đăng ký học nghề lại có điểm thi THPT quốc gia khá cao. “Đó là một xu thế tất yếu, khi thực tế cho thấy hàng nghìn cử nhân thất nghiệp, còn học nghề lại có việc làm”, ông Ngọc nói.
Cũng theo ông Ngọc, vài năm lại đây, trường đón nhận nhiều sinh viên bỏ ngang ĐH hoặc đã học xong chương trình ĐH quay lại xin học nghề để làm thợ. Cao đẳng nghề Du lịch Huế tại Thừa Thiên – Huế mới tuyển sinh được 3 ngày nhưng đến thời điểm này đã có khoảng 600 hồ sơ đăng ký.
Ông Vũ Hoài Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong số hồ sơ đăng ký học nghề có nhiều em điểm thi ĐH trên điểm sàn, em cao nhất đạt 22 điểm.
Theo Nguyễn Hà/Tiền Phong