22 ý tưởng công nghệ hứa hẹn thay đổi tương lai
Đây có thể là những ý tưởng định hình tương lai của nhân loại, dù nhiều thứ vẫn còn chỉ đang nằm trên giấy.
Một sinh viên ĐH Loughborough (Anh) mới đây thiết kế thành công mẫu thử robot dẫn đường cầm tay giúp tìm đường cho những người khiếm thị với nguyên lý hoạt động tương tự như chó dẫn đường.
Sản phẩm do sinh viên khoa Thiết kế công nghiệp sáng tạo được lập trình để sử dụng an toàn và nhanh chóng bằng cách liên tục thu thập dữ liệu thời gian thực.
Thiết bị có tên gọi Theia này là một chiếc máy cầm tay có chức năng dẫn đường trong môi trường bên ngoài với cách sử dụng rất đơn giản. Người dùng chỉ việc nói điểm đến, thiết bị sẽ dẫn đường theo cách hoạt động tương tự hệ thống tìm đường trên ô tô.
Thiết bị này giống như một chiếc tay cầm gọn nhẹ.
Để hoạt động với độ chính xác cao, Theia sử dụng một con quay hồi chuyển đặc biệt kết hợp hệ thống camera để dựng lại hình ảnh 3D của môi trường, giống như xe tự hành. Khi người dùng ra lệnh, thiết bị sẽ thu thập thông tin bên ngoài kết hợp xử lý dữ liệu thời gian thực về giao thông, tình hình thời tiết để xác định điểm đến an toàn nhất.
Theia sẽ tự động kích hoạt tình trạng không an toàn khi gặp tình huống nguy hiểm như băng qua đường có nhiều xe cộ. Khi đó, nó sẽ chuyển về chế độ thủ công, hoạt động như một cây gậy dẫn đường.
Đồng hồ chạy bằng mồ hôi
Các kỹ sư của ĐH Glasgow (Anh) đã phát triển thành công một loại siêu tụ điện mới có thể dự trữ năng lượng bằng mồ hôi, thay thế cho chất điện giải trong các loại pin thông thường.
Siêu tụ điện này có thể được sạc đầy với chỉ 20 mL dung dịch và đủ khỏe để hoạt động trong một chu kỳ sạc 4,000 lần ở điều kiện sử dụng bị uốn cong.
Thiết bị hoạt động bằng cách phủ một lớp vải tổng hợp polyester cellulose lên trên một lớp polymer mỏng, đóng vai trò như một điện cực của siêu tụ điện.
Phát minh này có thể ứng dụng trong các hoạt động thể dục thể thao.
Lớp vải sẽ hấp thụ mồ hôi của người đeo đồng hồ, khi đó các ion dương và ion âm trong mồ hôi sẽ tương tác với bề mặt polymer để tạo ra phản ứng điện hóa rồi tạo thành năng lượng.
Hiện công nghệ này chỉ nộp bằng sáng chế và chưa ra mắt sản phẩm cụ thể nhưng Giáo sư Ravinder Dahiya, người đứng đầu dự án đặt kỳ vọng rất lớn vào tiềm năng của nó nhờ khả năng bảo vệ môi trường và không gây hại cho da người.
Bê tông sống tự phục hồi
Bê tông tươi là loại bê tông được trộn sẵn, nó là một hỗn hợp gồm cát, đá sỏi, xi măng và nước được trộn theo một tỷ lệ nhất định. Nhưng các nhà khoa học ở ĐH Colorado Boulder (Mỹ) đã nghiên cứu phát triển thành công loại bê tông đặc biệt là một hỗn hợp gồm cát, gel và vi khuẩn, mà họ gọi là bê tông sống.
Ông Wil Srubar, trưởng nhóm nghiên cứu, cầm trên tay bê tông sống.
Nghiên cứu cho thấy vật liệu mới có khả năng chịu tải và đặc biệt là tự phục hồi từ những vết nứt gãy. Tất nhiên, bê tông tươi thân thiện hơn với môi trường rất nhiều so với bê tông thông thường, thứ được tiêu thụ nhiều nhất trên Trái đất này chỉ sau nước.
Các nhà khoa học tin tưởng rằng vật liệu này có thể mở đường cho xây dựng trong tương lai với khả năng tự phục hồi, hút các chất độc nguy hiểm trong không khí và thậm chí là đổi màu, một đặc tính trên vi khuẩn mà cần thêm thời gian để nghiên cứu.
Robot sống siêu vi
Cũng như ý tưởng trên, đây thực sự không phải một con robot mà là một cấu trúc sống. Các nhà khoa học ở ĐH Vermont (Mỹ) đã tạo ra một dạng sống hoàn toàn mới từ cấu trúc tế bào sống lấy trong phôi ếch.
Robot ở cấp độ tế bào được kỳ vọng sẽ giúp con người thực hiện những công việc vi mô.
Dạng sống này được đặt tên là xenobots, nó có khả năng di chuyển về phía mục tiêu và tự chữa lành sau khi bị cắt. “Chúng là những cỗ máy sống lạ thường,” người đứng đầu dự án ông Joshua Bongard cho biết.
Chúng không thể được coi là robot truyền thống hay một loài vật. Nó là một dạng sống nhân tạo có thể được lập trình, theo ông. Các nhà khoa học tin rằng robot sống này có thể hữu ích cho việc tìm kiếm nguồn ô nhiễm phóng xạ, thu thập hạt nhựa ô nhiễm trên đại dương và đi vào động mạch để chữa lành vết thương.
Thực tế ảo tăng cường xúc giác
Các nhà nghiên cứu ở ĐH Northwestern (Mỹ) đã phát triển thành công thiết bị mẫu có khả năng phát ra tín hiệu xúc giác bằng một vật liệu có các hạt rung siêu nhỏ gắn lên da.
Thiết bị được tạm gọi là VR biểu bì có thể sử dụng để gửi đi những cái chạm thân mật của một đứa trẻ ở nhà trẻ đến bố mẹ ở xa hoặc đem lại cảm giác chạm vào đồ vật cho những người khuyết chi.
Với ngành game, nó có thể tạo ra cảnh báo tương ứng lên các phần của cơ thể khi nhân vật mà người chơi điều khiển bị tấn công vào những vị trí khác nhau.
Thiết bị thực tế ảo tăng cường xúc giác giúp đem lại cảm giác cầm nắm đồ vật cho người khuyết chi.
Nhóm phát triển đã tạo ra một thiết bị gồm 32 điểm rung gắn trên một tấm silicone polymer có diện tích 15cm x 15cm, để dính lên da mà không cần băng dính, dây đai hoặc pin hay dây điện.
Thiết bị dùng công nghệ NFC để truyền dữ liệu. Đây là công nghệ kết nối không dây tầm ngắn được ứng dụng nhiều trong thanh toán di động trên smartphone ngày nay.
Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng có thể phát triển thiết bị VR biểu bì nói trên vào trong các loại quần áo, qua đó giúp những người phải dùng tay chân giả có thể mặc thiết bị này để tiếp xúc với cảm giác thật hơn.
Internet cho mọi người
Ngày nay, thật khó để sống và làm việc mà không có kết nối Internet. Dù vậy, có một thực tế rằng khoảng một nửa dân số trên thế giới không có Internet bởi những nguyên nhân khách quan.
Video đang HOT
Tình trạng này đã khiến một số ông lớn công nghệ bắt tay vào thực hiện những dự án vĩ đại cho loài người. Google đang chậm rãi phát bóng bay Internet ’siêu to khổng lồ’ đến những khu vực hẻo lánh trong khi Facebook từng có kế hoạch dùng drone cung cấp mạng Internet đến vùng sâu vùng xa.
Gần nhất, chúng ta có SpaceX và Amazon với dự án cung cấp Internet cho nhân loại bằng cách sử dụng vệ tinh nhân tạo. Trong khi Elon Musk tham vọng phóng khoảng 42.000 vệ tinh thì Jeff Bezos dự kiến đưa khoảng 3.236 vệ tinh loại nhỏ lên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất.
Một startup ở Hà Lan là Hiber đã phóng thành công hai vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất để cung cấp kết nối Internet cho Nam Cực.
Áo sơ mi theo dõi nhịp tim
Các loại đồ dùng thể thao theo dõi nhịp tim không phải là ý tưởng mới, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng độ chính xác của các thiết bị này thay đổi khá thất thường. Với người thường, bạn chỉ đơn giản muốn biết số calo tiêu thụ, nhưng với các chuyên gia thì họ cần chính xác hơn thế.
Áo đo nhịp tim và gửi dữ liệu lên đám mây.
Sử dụng một máy ghi điện tim duy nhất để in vào áo, chiếc áo sơ mi mới – sáng chế của công ty Kymira có thể đo chính xác nhịp tim và gửi dữ liệu lên đám mây thông qua kết nối Bluetooth. Một khi dữ liệu được gửi đi, các thuật toán sẽ xác định chính xác những bất thường về nhịp tim của người mặc.
Sáng lập kiêm CEO của Kymira, ông Tim Brownstone dự tính phát triển sản phẩm này để ứng dụng lâm sàng cho những người có tiền sử bệnh tim mạch, qua đó phát ra những cảnh báo kịp thời ngay khi có dấu hiệu bệnh.
Tái sử dụng bã cà phê
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể khiến cho lượng tiêu thụ cà phê trên toàn cầu suy giảm, lần đầu tiên kể từ năm 2011. Tuy vậy, lượng cà phê tiêu thụ mỗi năm vẫn là vô cùng lớn, lên tới hàng triệu tấn, đồng nghĩa với số lượng bã cà phê thải đi tương đương.
Các cục than cà phê được dùng làm chất đốt cho hộ gia đình hoặc trong công nghiệp nhẹ.
Doanh nhân người Anh Arthur Kay đã sáng lập công ty khởi nghiệp xanh với ý tưởng tái sử dụng cà phê. Ban đầu, công ty sử dụng nó làm nhiên liệu sinh học nhưng không có khả năng thương mại hóa. Giờ đây, công ty chuyển hướng sang tái chế cà phê thành nhiên liệu rắn dùng cho việc đốt cháy với lượng khí thải thấp hơn so với củi.
Bình chữa cháy âm thanh
Dập tắt các đám cháy trong tự nhiên vốn là công việc không hề đơn giản, do chênh lệch lớn giữa diện tích vụ cháy với công cụ chữa cháy. Tiêu biểu nhất là vụ cháy rừng diễn ra hồi đầu năm nay ở nước Úc khiến 1 tỷ động vật bị tiêu diệt, theo ước tính của các nhà sinh học thuộc ĐH Sydney.
Việt Trần và cộng sự cầm trên tay bình chữa cháy âm thanh.
Thảm họa tự nhiên có thể được giải quyết gọn gàng nếu một ngày không xa con người có thể sử dụng drones để dập tắt đám cháy bằng âm thanh, dựa trên bằng sáng chế của hai sinh viên thuộc ĐH George Mason (Mỹ) là Seth Robertson và Việt Trần.
Bằng cách tạo ra âm bass ở tần số từ 30 đến 60 Hz, cắt đứt nguồn cung cấp oxy bên ngoài cho đám cháy, Seth và Việt đã chế tạo thành công bình chữa cháy âm thanh dập tắt được một đám cháy nhỏ ngay lập tức.
Gần đây, cả hai đã có màn biểu diễn cứu hỏa trước công chúng theo lời mời của ông Reinette Senum, thị trường thành phố Nevada. Họ cũng hợp tác với công ty Arsac Technologies để thương mại hóa sản phẩm trong tương lai không xa.
AI làm thay việc của nhà khoa học
Planaria là loài giun nhỏ bé có sức sống mãnh liệt. Cắt đầu và chúng sẽ mọc cái mới với ký ức cũ. Cắt đôi và hai con giun sẽ được sinh ra. Chiếu phóng xạ vào chúng sẽ tự chữa lành vết thương.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã đau đầu tìm hiểu bí mật sinh học về loài giun lạ này. Nhưng chỉ mất 42 giờ, một cỗ máy ở ĐH Tufts (Mỹ) đã phân tích và giải được bài toán hóc búa về khả năng tự tái tạo của loài giun nói trên.
Planaria là loài giun ’sống dai như đỉa’.
Mặc dù AI phải được cung cấp thông tin đầy đủ, gọi là máy học, để giải quyết các bài toán hóc búa nhưng cách mà AI của ĐH Tufts tạo ra lý thuyết trừu tượng một cách độc lập vẫn là một bước tiến lớn cho sự phát triển của máy tính có ý thức và tiềm năng nghiên cứu của AI.
Khinh khí cầu không gian
Khinh khí cầu là một phương tiện để ngắm cảnh tuyệt vời, nếu bạn không sợ độ cao. Nhưng nếu muốn ngắm nhìn Trái đất ở một độ cao lớn hơn thế, dùng khinh khí cầu không gian chính là một giải pháp cho bạn.
Tham quan Trái đất bằng khinh khí cầu là điều hoàn toàn có thể.
Công ty có tên gọi World View Enterprises của Mỹ đã đưa ra giải pháp thám hiểm Vũ trụ bằng khinh khí cầu không gian kể từ khi thành lập hồi năm 2013. Nhưng phải đến tháng 6 vừa qua, họ mới có một chuyến bay thử nghiệm thành công.
Khinh khí cầu không gian này sẽ đưa khách tham quan lên độ cao 32km so với mực nước biển, độ cao đủ để bạn nhìn thấy rìa Trái đất từ không gian trong khoảng vài giờ đồng hồ, trước khi để khách nhảy dù xuống. Chi phí cho một chuyến đi như vậy là 75.000 USD/người trên chuyến bay có 8 chỗ ngồi.
Kim khâu thông minh phát hiện ung thư
Một loại kim khâu thông minh đã được phát triển bởi các nhà khoa học ở Anh, giúp tăng tốc độ phát hiện và chẩn đoán ung thư.
Các nhà nghiên cứu tin rằng công nghệ này có thể giúp đỡ trong việc chẩn đoán ung thư hạch, giảm sự lo lắng của bệnh nhân trong lúc chờ kết quả xét nghiệm. Hiện tại, người bị nghi ngờ mắc ung thư hạch phải được lấy mẫu tế bào, sinh thiết hạch để được chẩn đoán chính xác, vốn mất khá nhiều thời gian.
Chiếc kim được ứng dụng công nghệ gọi là quang phổ Raman, chiếu tia laser công suất thấp vào phần cơ thể bị nghi ngờ nhiễm ung thư, với tiềm năng phát hiện bệnh chỉ trong vài giây, các nhà khoa học ở ĐH Exeter cho hay.
“Kim thông minh Raman có thể đo đạc sự thay đổi phân tử liên kết với bệnh ở mô và tế bào nằm ở đầu kim. Từ đó chúng tôi có thể xác định xem người bệnh có khỏe hay không”, Trưởng dự án giáo sư Nick Stone nói.
Vi khuẩn kháng kháng sinh trong nước biển
Đây là một dự án được Tổ chức bảo vệ môi trường biển Surfers Against Sewage (SAS) bắt tay hợp tác với trường Y tế trực thuộc ĐH Exeter thông qua việc nghiên cứu những người đi biển suốt cả mùa hè, được gọi là Beach Bums.
Cụ thể, SAS tin rằng những người này có thể vô tình nuốt phải nước biển chứa vi khuẩn kháng kháng sinh trong suốt quá trình lướt sóng. Dự án vẫn đang kêu gọi những tình nguyện viên tham gia xét nghiệm để xác định liệu có hay không loại siêu vi khuẩn này tồn tại trong trực tràng, cũng như tìm ra cách thức để tiêu diệt chúng.
Sạc đầy pin xe điện trong vòng 10 phút
Một vấn đề xảy ra khi sản xuất xe điện đó là số lượng các trạm sạc có đủ cung ứng và thời gian sạc có đủ nhanh để không khiến người lái phải chờ đợi lâu hay không.
Công nghệ sạc nhanh đã phần nào giải quyết một phần bài toán hóc búa đó, nhưng nó lại được những nhà nghiên cứu ở ĐH bang Pennsylvania chỉ ra rằng sẽ làm suy giảm tuổi thọ pin xe. Điều này xảy ra là do các dòng chảy của hạt lithium tức các ion khi di chuyển ở nhiệt độ thấp giữa các điện cực bị giữ lại một phần, được gọi là hiện tượng mạ lithium.
Giải pháp là tăng nhiệt độ pin lên khoảng 60 độ C trong khoảng 10 phút sau đó làm nguội nhanh chóng về nhiệt độ môi trường, các gai lithium sẽ không kịp hình thành và do đó pin sẽ không bị chai. Thiết kế pin sẽ có thêm một miếng niken mỏng để tạo ra mạch điện làm nóng trong vòng chưa đến 30 giây bên trong pin. Hệ thống làm mát trong xe sau đó sẽ làm nguội pin.
Theo nghiên cứu, công nghệ này có thể sạc đầy một chiếc xe điện cỡ nhỏ trong vòng chỉ 10 phút.
Hạn sử dụng thông minh
Thực phẩm hết hạn sử dụng khó có thể phân biệt được bằng mắt thường. Thậm chí, có những thực phẩm bị hỏng trước cả khi hết hạn sử dụng do một lỗi nào đó trong quá trình đóng gói hoặc do bảo quản sai cách.
Hạn sử dụng vì thế là một thứ để bảo vệ các nhà sản xuất khỏi việc bị dính dáng tới kiện tụng nhưng nó lại không giúp người dùng biết chính xác điều gì diễn ra bên trong bao bì.
Hạn sử dụng thông minh được dán trên bao bì thực phẩm.
Nữ nghiên cứu sinh của ĐH Brunel đã tìm ra giải pháp để giải quyết bài toán hóc búa này, bằng việc sử dụng hạn sử dụng thông minh có tên gọi Bump Mark. Miếng dán được cấu thành từ bốn lớp tạo cảm giác êm mịn khi sờ vào. Nhưng khi bề mặt của nó trở nên gồ ghề, nó cũng đồng thời báo hiệu rằng thực phẩm bên trong đã hết hạn sử dụng.
Nguyên lý của miếng dán hạn sử dụng này là dùng gelatine, một chất rắn giàu protein sẽ hóa lỏng ở cùng một tốc độ phân hủy của thực phẩm. Hiện nghiên cứu vẫn trong quá trình thử nghiệm chờ cấp bằng sáng chế
Xe tải tự hành
Xe hơi không người lái đã là một ý tưởng được biến thành sự thật từ lâu. Và giờ là lúc để các nhà sản xuất nghĩ đến ý tưởng xa xôi hơn như xe tải không người lái, ứng dụng trong ngành dịch vụ hậu cần (logistics).
Thật vậy, nếu có thể xây dựng một chuỗi xe tải tự hành, các doanh nghiệp vận tải có thể cắt giảm tối đa chi phí, tăng số lượng chuyến, tối ưu hóa quãng đường, vận chuyển liên tục 24/7 qua đó hàng hóa lưu thông nhanh hơn với chi phí rẻ hơn.
Mẫu xe tải tự hành của TuSimple.
Gần nhất, TuSimple đã hợp tác thành công với Dịch vụ Bưu chính Mỹ để chuyển chở bưu kiện bằng xe tải tự hành. Startup kỳ lân này cũng lên kế hoạch sản xuất xe tải tự hành chạy khắp nước Mỹ tầm nhìn đến năm 2024.
Nếu kế hoạch thành công, các công ty vận tải có thể nâng cấp toàn bộ đội xe chỉ sau một đêm. Các tài xế sẽ mất việc và thậm chí là cả nhân viên trạm thu phí. Dù vậy, các công ty vận tải vẫn cần một kiểm kê trên xe để đảm bảo hàng hóa được bảo vệ an toàn.
Xóa hình xăm giá rẻ
Xăm hình ngày nay đã không còn là một điều gì đó quá ghê gớm đối với xã hội. Tuy nhiên, khi hối hận vì những hình xăm của mình và muốn xóa nó đi, cách duy nhất là dùng tia laser chiếu lên với chi phí đắt đỏ, gây đau đớn mà thực tế chỉ là làm mờ hình xăm.
Một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Canada có tên Alec Falkenham đã nghĩ ra cách xóa hình xăm giá rẻ bằng việc sử dụng chính hệ miễn dịch của cơ thể. Anh đã phát triển một loại kem có chứa một hợp chất đặc biệt mà khi bôi lên da sẽ làm đảo ngược quá trình xăm.
Alec Falkenham làm việc trong phòng thí nghiệm ở ĐH Dalhousie (Canada).
Cụ thể, xăm là quá trình bơm mực qua lớp biểu bì vào hạ bì, gây ra phản ứng miễn dịch của cơ thể. Để làm sạch hạ bì, cơ thể điều đại thực bào đến bao vây và tấn công mực. Tuy nhiên, khi cuộc tấn công hoàn tất, các đại thực bào vẫn ở nguyên trạng thái, tạo ra hình xăm vĩnh viễn trên cơ thể bạn.
Loại kem này đã được thử nghiệm trên lợn và chuột với chi phí chỉ khoảng 4,5 USD cho 20 cm vuông hình xăm. Nhưng nó sẽ cần rất nhiều thời gian để thử nghiệm lâm sàng trên người và để được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt, một quá trình ước tính kéo dài từ 10-15 năm.
Con chip tế bào thần kinh nhân tạo
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở ĐH Bath (Anh) đã chế tạo thành công tế bào thần kinh đặt trên một con chip, mà nó mô phỏng chính xác tính dẫn điện và hoạt động của nơ-ron trong hệ thần kinh.
Người đứng đầu dự án, giáo sư Alain Nogaret, tỏ ra khá lạc quan về tiềm năng của con chip này. “Đến giờ các nơ-ron giống như một hộp đen, nhưng chúng tôi đã có thể mở hộp và nhìn vào bên trong nó. Công việc của chúng tôi là biến đổi mô hình bởi nó cung cấp phương pháp rất mạnh để sao chép tính dẫn điện của nơ-ron thật một cách hết sức chi tiết. Nhưng nó còn rộng hơn thế, bởi nơ-ron của con người chỉ cần nguồn điện 140 nW, tức chỉ bằng 1/1 tỷ lượng điện tiêu thụ của một CPU”.
Nghiên cứu này mở ra khả năng cấy ghép sinh học thay thế các nơ-ron thần kinh hư hỏng ở một số bệnh như Alzheimer. Một khả năng khác mà nhóm nghiên cứu đặt kỳ vọng là tế bào thần kinh nhân tạo có thể điều hòa nhịp tim thông qua điều chỉnh phản ứng từ hệ thần kinh, từ đó loại bỏ các bệnh như suy tim.
Nông trại nổi thông minh
Liên Hiệp Quốc dự báo thế giới sẽ có thêm 2 tỷ người đến năm 2050, dẫn đến nhu cầu về lương thực tăng thêm 70%. Ở thời điểm đó, con người sống ở thành phố sẽ chiếm tới 80% với phần lớn lương thực, thực phẩm được đưa vào từ bên ngoài.
Làm thế nào để giải quyết bài toán lương thực khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp? Kiến trúc sư Javier Ponce đã giới thiệu ý tưởng về một cấu trúc ba tầng với mỗi tầng cao 24m được đặt các tấm năng lượng mặt trời ở trên mái, quy hoạch ở Singapore.
Mô hình nông trại nổi của Javier Ponce
Tầng giữa của kiến trúc này sẽ trồng nhiều loại rau trên một diện tích khoảng 51.000 m vuông, không trồng trên đất mà trong chất lỏng có chứa dinh dưỡng. Phần thừa của các chất dinh dưỡng và thực vật ở tầng giữa sẽ rơi xuống tầng dưới cùng, trong một không gian kín nuôi các loại cá.
Với một nông trại nổi thông minh có diện tích khoảng 350 x 200m, ước tính có thể sản xuất ra khoảng 8,1 tấn rau và 1,7 tấn cá mỗi năm. Đặc biệt, thiết kế nông trại ngay gần thành phố sẽ rất tiện lợi cho việc vận chuyển nếu bạn chưa biết rằng Dubai phải nhập khẩu tới 11.000 tấn trái cây và rau quả… mỗi ngày.
Tuần làm việc 4 ngày
Chỉ cần dành vài giây tìm kiếm, bạn sẽ thấy rất nhiều kết quả cho thấy làm việc ít hơn lại đem lại hiệu quả cao hơn, theo nghiên cứu độc lập từ nhiều nhà khoa học đến từ Anh, Mỹ.
Theo những nghiên cứu này, tuần làm việc ít hơn đã được chứng minh sẽ khuyến khích nhân viên ở lại làm việc lâu hơn, hiệu quả hơn. Một tuần làm việc ngắn hơn cũng sẽ hạn chế đáng kể sự đi lại của người dân, từ đó giảm lượng khí thải toàn cầu.
Nếu bạn băn khoăn bao giờ mới được làm việc chỉ 4 ngày/tuần, Thủ tướng New Zealand – bà Jacinda Ardern có lẽ có câu trả lời. Hồi tháng 5 vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà Ardern đã kêu gọi các doanh nghiệp cho người lao động làm việc chỉ 4 ngày/tuần để kích cầu du lịch và cân bằng cuộc sống.
Công ty Perpetual Guardian ở New Zealand cũng áp dụng chính sách làm 4 ngày/tuần vĩnh viễn kể từ năm 2018.
Công viên kỷ Băng hà
Một nhóm các nhà khoa học Nga đang hy vọng tái tạo thành công môi trường sống cách đây 12.000 năm của các loài động vật thời tiền sử như voi ma mút, tê giác lông mượt, nai sừng tấm. Dự án này được họ đặt tên là Công viên Pleistocene (một ký thuộc kỷ Băng hà) nằm trong khu bảo tồn rộng 160 km vuông nằm trên sông Kolyma ở thảo nguyên Siberia của Nga.
Không chỉ có tham vọng tái tạo môi trường sống cho các loài động vật khổng lồ thời tiền sử, các nhà khoa học tin rằng việc gia tăng số lượng loài động vật ở vùng Siberia sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng ấm lên toàn cầu bằng việc kéo dài sự tồn tại của băng vĩnh cửu nơi đây.
Siêu vật liệu hoàn hảo
Thứ được nói đến ở đây là Aerogel, một loại gel không phải ở dạng lỏng mà tồn tại ở dạng khí. Nó đã từng được tạo ra từ năm 1931, nhưng mãi gần đây con người mới tìm ra cách chế tạo ra Aerogel với chi phí chấp nhận được và không độc hại.
Aerogel giống như một miếng không khí, vừa nhẹ lại chịu được nặng.
Aerogel là một chất rắn nhưng siêu nhẹ, có chứa 95% các lỗ li ti với đường kính trong khoảng từ 20nm đến 50nm, nhờ đó các phân tử khí không thể đi qua. Vật liệu này có khả năng cách nhiệt lẫn cách điện nhưng lại có thể thấm cả dầu và nước.
Với đặc tính nhẹ nhưng lại chịu tải siêu nặng, Aerogel hiện được ứng dụng rộng rãi trong ngành hàng không vũ trụ. Cản trở lớn nhất hiện nay là chi phí sản xuất cho mỗi 0,45kg Aerogel lên tới 23.000 USD.
Thế giới sẽ bị tê liệt nếu công nghệ này dừng hoạt động
Chỉ cần một tháng không hoạt động, GPS có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.
Từ khi hoàn thiện và vận hành đầy đủ năm 1995 đến nay, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) đã được sử dụng trên toàn thế giới. Định vị vệ tinh trở nên quan trọng đến nỗi rất nhiều thứ trong cuộc sống chúng ta đều phụ thuộc vào nó (check-in trên smartphone, định vị dẫn đường trên xe hơi...).
Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra nếu GPS ngừng hoạt động trong một tháng? Nghiên cứu từ Viện Quốc tế RTI ở Bắc Carolina (Mỹ) được tài trợ bởi Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Mỹ đã cho chúng ta câu trả lời.
Bên cạnh smartphone, GPS được sử dụng rất nhiều trên hệ thống định vị xe hơi và lĩnh vực viễn thông, quân sự
Ảnh hưởng lớn đến kinh tế
Sau khi thu thập thông tin từ hơn 200 chuyên gia, các nhà nghiên cứu tiết lộ GPS được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, giao hàng đến các giàn khoan ngoài biển.
Trong giai đoạn từ năm 1984 khi GPS lần đầu được áp dụng thương mại đến 2017, lợi ích kinh tế mà GPS tạo ra là khoảng 1,4 nghìn tỷ USD.
Việc GPS ngừng hoạt động trong một tháng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế mỗi ngày là một tỷ USD (ước tính), riêng giai đoạn mùa vụ (tháng 4 và tháng 5) là 1,5 tỷ USD.
Lợi ích kinh tế mà GPS mang đến là rất lớn.
Nghiên cứu cho thấy những lợi ích kinh tế của GPS phần lớn dành cho lĩnh vực viễn thông với 685,9 tỷ USD được tạo ra. Công nghệ viễn thông (cải thiện hiệu quả, giảm chi phí, lợi ích vì môi trường...) là lĩnh vực đứng thứ 2 với 325 tỷ USD. Dịch vụ định vị trên smartphone đứng thứ 3 với 215 tỷ USD.
Nhiều hệ thống quan trọng ngừng hoạt động
Mỗi vệ tinh GPS mang các đồng hồ nguyên tử duy trì thời gian theo chuẩn GMT (Greenwich). Thời gian chính xác đóng vai trò quan trọng để các hệ thống hoạt động trơn tru, từ lưới điện đến các giao dịch tài chính. Ngay cả các dịch vụ Internet mà bạn đang sử dụng cũng phụ thuộc vào thời gian đồng hồ GPS để định tuyến dữ liệu.
Theo Gizchina, mọi thứ vẫn không bị ảnh hưởng nhiều sau 2 ngày tắt GPS, nhưng sau đó hệ thống mạng không dây sẽ gặp sự cố nghiêm trọng, khả năng hoạt động sau 30 ngày là 0-60%.
Không chỉ những chuyến bay bị ảnh hưởng, quân đội sẽ mất quyền kiểm soát máy bay không người lái đang theo dõi thiên nhiên và phần tử khủng bố. Hệ thống dự báo thời tiết sẽ ngừng hoạt động, trong khi truyền hình và đài phát hành không thể truyền tín hiệu.
Về cơ bản, GPS một khi không hoạt động sẽ ảnh hưởng lớn đến các hệ thống đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
Hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc có số vệ tinh nhiều hơn GPS (Mỹ), Galileo (châu Âu) và GLONASS (Nga).
Vào tháng 1/2016 khi Không quân Mỹ cho ngừng một vệ tinh GPS, thời gian sai lệch trên vệ tinh đó đã được thiết lập cho những vệ tinh còn hoạt động khác. Sự chênh lệch chỉ là 13 micro-giây (13 phần triệu giây), nhưng đã khiến nhiều cơ quan gặp hỗn loạn trong suốt 12 giờ.
Theo Geoawesomeness, báo cáo từ một số khu vực của Mỹ, Canada cho thấy cơ quan cảnh sát, cứu hỏa và thiết bị vô tuyến đã ngừng hoạt động. Đài phát thanh của BBC thậm chí phải ngừng phát sóng trong suốt 2 ngày.
"GPS ra đời vào thời điểm quan trọng của ngành viễn thông, đóng vai trò lớn trong quá trình số hóa cơ sở hạ tầng viễn thông và sự ra đời của mạng không dây".
"Công nghệ không dây đang phát triển, với sự phụ thuộc vào độ chính xác cao nên cần có định vị GPS. Nhiều xu hướng công nghệ như xe tự lái, Internet vạn vật (IoT) sẽ giúp công nghệ không dây đạt đến những giới hạn mới trong tương lai", nghiên cứu cho biết.
Để giảm phụ thuộc vào GPS, một số quốc gia, khu vực đã phát triển hệ thống GPS của riêng mình như Nga (GLONASS), Trung Quốc (Bắc Đẩu) và châu Âu (Galileo), hoạt động trên phạm vi toàn cầu. Trong khi đó, Nhật Bản và Ấn Độ cũng phát triển hệ thống định vị sử dụng trong phạm vi quốc gia.
Top 10 ý tưởng khoa học 'điên rồ' đã được hiện thực hóa Tơ nhện khỏe hơn thép, phun da để tái tạo vùng bỏng nặng, áo khoác tàng hình... nằm trong số rất nhiều ý tưởng lúc đầu được cho là chỉ có trong phim viễn tưởng, nhưng nay đã xuất hiện. 1. Tơ khỏe hơn thép Loại tơ được tạo ra bởi con tằm biến đổi gene được xem là một phát minh ấn...