214 giáo viên thất nghiệp: Huyện sai phải chịu trách nhiệm
Chỉ vì “sửa sai” mà chính quyền địa phương đẩy 214 giáo viên của huyện và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có thâm niên hàng chục năm công tác rơi vào cảnh thất nghiệp, phải cầu cứu.
Trong số giáo viên bị chấm dứt hợp đồng đợt này, có những người thâm niên công tác tới 12 năm. Bị mất việc, không thu nhập, họ lo lắng không biết sẽ làm gì và lý giải với gia đình, phụ huynh, học sinh ra sao. Cuộc sống của 214 gia đình cũng bị đảo lộn từ đó…
Từ giáo viên về làm thợ hồ
Thực hiện công văn số 4169/BNV-CCVC ngày 11/9/2015 của Bộ Nội vụ về việc chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên, nội dung: “Qua một số phương tiện thông tin truyền thông đã phản ánh việc 214 giáo viên của hai đơn vị thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã bị chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 30/9/2015, gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống và tâm lý của các giáo viên, phát hiện có những dấu hiệu tiêu cực để có suất dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn này”, Sở Nội vụ Hà Tĩnh đã có báo cáo, giải trình chi tiết tới Bộ Nội vụ.
Triển khai văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp đã tổ chức họp với UBND huyện Kỳ Anh và UBND thị xã Kỳ Anh hướng dẫn quy trình chấm dứt hợp đồng, thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong việc chấm dứt hợp đồng; giải quyết chế độ cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng.
Các giáo viên thất nghiệp trên đường đi cầu cứu. Ảnh: Tiền Phong.
Ngày 25/8/2015, UBND huyện Kỳ Anh đã tổ chức gặp 214 lao động hợp đồng các trường tiểu học, mầm non và trung học. Ngày 23/8, UBND thị xã Kỳ Anh cũng gặp 36 lao động hợp đồng tại các trường trung học cơ sở.
Video đang HOT
Nội dung các cuộc gặp là thông báo chủ trương của UBND tỉnh về chấm dứt hợp đồng, giải thích, tuyên truyền, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, quyền lợi người lao động khi kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, sau khi kết thúc hợp đồng, 214 giáo viên đã vô cùng bất ngờ và họ không đồng ý về việc sau nhiều năm giảng dạy, họ bỗng nhiên bị cắt hợp đồng chỉ với lý do… hết hạn.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung trú tại xóm Quang Trung, xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh – Hà Tinh) nói: “Với thâm niên 4-6 năm tham gia giảng dạy với đồng lương hợp đồng vốn ít ỏi, nay bỗng dưng cả hai người đều mất việc làm, hết nguồn thu nhập, kêu trời không thấu. Quả thật tôi vô cùng hoang mang, cái ăn qua ngày đang được ông bà nội ngoại góp vào người cho gạo, bên góp mắm. Hai đứa con nhỏ buộc chồng tôi phải chạy vạy đi làm thợ hồ thu 150 ngàn/ ngày lại ốm lên ốm xuống, chúng tôi rất căng thẳng và mất ăn mất ngủ cả tháng nay”.
Đại diện của 214 giáo viên đã ra Hà Nội gửi đơn thư kêu cứu lên các lãnh đạo ban ngành và lên các cơ quan báo chí truyền thông để bày tỏ nguyện vọng của mình.
“Đã 12 năm cống hiến rồi, biết chỉ là giáo viên hợp đồng vì nhà trường cho rằng hàng năm đều không có chỉ tiêu biên chế nên chúng tôi đành cam phận mà phấn đấu, nuôi hy vọng có ngày mình được tham gia thi tuyển công chức, viên chức tỉnh. Tuy nhiên, 12 năm qua cứ đến hẹn lại lên, hợp đồng là một cái quyết định cho chúng tôi xem là có được hợp đồng tiếp hay không mà không ký tiếp chúng tôi cũng không hay biết. Nay thì mất việc rồi, thất nghiệp lại trắng tay…”, cô giáo Nguyễn Thị Nga 37 tuổi, trú tại xã Kỳ Xuân (Kỳ Anh – Hà Tĩnh) mếu máo.
Bố của cô giáo Nga là một cựu chiến binh chống Mỹ, chồng cô giáo Nga là một quân nhân phục viên nhưng hàng chục năm tham gia giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi cho ngành giáo dục mà cô Nga chỉ nhận được một câu trả lời là trường không có chỉ tiêu dành cho việc thi tuyển biên chế công chức, viên chức nên phải cam phận làm giáo viên hợp đồng mà không được tham gia bảo hiểm và hoặc phụ cấp đứng lớp.
Huyện đã sai nên phải sửa
Ngày 19/10, ông Trần Huy Liệu, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh
trao đổi với PV về việc Hà Tĩnh chấm dứt hợp đồng với 214 giáo viên sau rất nhiều năm công tác (từ 4-12 năm các giáo viên công tác giảng dạy) có đúng với quy định của Bộ Nội vụ? Việc tái diễn ký hợp đồng nhiều lần với đối tượng hợp đồng không tham gia bảo hiểm xã hội đã đúng Luật Lao động hiện hành?
Ông Trần Huy Liệu cho biết: “Huyện làm sai thì huyện phải chịu trách nhiệm, chúng tôi đã nhiều lần thanh tra cách đây vài năm, phát hiện sai và đã yêu cầu địa phương sửa sai. Tuy nhiên, tại thời điểm đó họ không làm, đối với 214 trường hợp giáo viên bị chấm dứt hợp đồng chỉ là việc phải làm vì cái sai trước đó”.
Một giáo viên năng động, một đảng viên gương mẫu, nhận hàng chục giải thưởng mỗi năm về cho trường, cho lớp từ cấp huyện tới cấp tỉnh nhưng cũng bị rơi vào cảnh mất việc khi năng lực dư thừa, cô Nguyễn Thị Nhã Phương (Kỳ Tiến – Kỳ Anh) nghẹn ngào: “Thay vì chỉ mới ký hợp đồng được 1-2 năm mà chấm dứt hợp đồng thì chúng tôi không bỡ ngỡ, không hoang mang như giờ. Chúng tôi thực sự yêu nghề và muốn cống hiến nên dù chỉ hợp đồng nhận đồng lương tối thiểu theo bằng cấp, không dám đòi hỏi bảo hiểm y tế, không tiền đứng lớp… mà vẫn nuôi hy vọng mà nay bỗng dưng thất nghiệp thì quá khắt khe, quá tàn nhẫn với chúng tôi”.
Theo Việt Hương/Tiền Phong
Sẽ làm rõ thông tin Hà Nội và Hà Tĩnh cắt hợp đồng hàng loạt giáo viên
Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ sáng nay (18/10), Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định: Bộ đã thành lập tổ công tác để về trực tiếp Hà Tĩnh, Hà Nội kiểm tra thông tin báo chí nêu. Sau khi có kết quả kiểm tra, Bộ Nội vụ sẽ đưa ra kết luận cuối cùng.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn, từ năm 2003 khi tách khu vực hành chính và khu vực sự nghiệp thì hình thành hệ thống công chức, viên chức. Đối với viên chức thực hiện tuyển dụng và ký hợp đồng làm việc. Ký hợp đồng làm việc trong viên chức có nghĩa là thỏa thuận giữa quyền và nghĩa vụ giữa người sử dụng lao động và người lao động. Có hai hình thức: hợp đồng có thời hạn và hợp đồng không có thời hạn. Đây là quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trao đổi với báo chí xung quanh vụ việc hàng trăm giáo viên ở Hà Tĩnh, Hà Nội bị cắt hợp đồng
Đến năm 2008 thì Chính phủ ban hành Luật Công chức và năm 2010 ban hành Luật Viên chức thì quy định những người được tuyển dụng trong các đơn vị sự nghiệp công lập được gọi là viên chức trừ một vài vị trí chủ chốt mà pháp luật quy định là công chức, nghĩa là đều thực hiện theo cơ chế ký hợp đồng làm việc.
"Khi ký hợp đồng thì cơ quan có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền giao chỉ tiêu thì quyền tổ chức tuyển dụng và ký hợp đồng làm việc. Chính vì thế cơ quan có nhu cầu hoàn toàn có quyền được chấm dứt hợp đồng, đây là câu chuyện hết sức bình thường trong việc quản lý đội ngũ viên chức" - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Tuấn cũng cho rằng, khi thực hiện chấm dứt hợp đồng thì cần phải kiểm tra, xem xét một cách thận trọng để đảm bảo quyền lợi của đội ngũ giáo viên
"Đối với các vấn đề chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên của Hà Tĩnh và Hà Nội mà báo chí nêu, Bộ Nội vụ đã yêu cầu hai địa phương này có báo cáo. Vụ việc ở đây có rất nhiều điểm giống như câu chuyện ở Yên Phong - Bắc Ninh mà Bộ Nội vụ đã vào cuộc xử lý. Chính vì thế, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành kiểm tra đối với Hà Tĩnh và Hà Nội. Sau khi kiểm tra Bộ Nội vụ sẽ có kết luận cuối cùng về vụ việc" - Thứ trưởng Tuấn nói.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng khẳng định, Bộ Nội vụ đã thành lập tổ công tác để trực tiếp về Hà Tĩnh làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của địa phương để nghe báo cáo, thậm chí kiểm tra quy trình, thủ tục, các quá trình ký kết hợp đồng, phân cấp của địa phương nhằm làm rõ trách nhiệm. Nếu để tình trạng ký hợp đồng lao động lâu thì cần phải kiểm tra lý do vì sao? Việc giáo viên gắn bó nhiều năm với địa phương giờ chấm dứt hợp đồng lao động là vì nguyên nhân gì?... Tất cả những câu hỏi này sẽ được trả lời sau khi đoàn công tác của Bộ Nội vụ đi kiểm tra xong.
Trao đổi thêm với báo chí về vụ việc cắt hợp đồng hơn 200 giáo viên ở Hà Tĩnh, bà Lê Minh Hương - Vụ phó Vụ Công chức, Viên chức (Bộ Nội vụ) khẳng định: Nghị định 68/2000/NĐ-CP đã quy định thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Trong Nghị định này không có quy định này cho phép thực hiện ký hợp đồng giáo viên. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những địa phương làm sai quy định và Bộ Nội vụ đã có văn bản chấn chỉnh.
Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Luật Viên chức và Bộ Nội vụ đã có Thông tư 15 hướng dẫn thực hiện Luật này. Theo Luật thì nếu thiếu thì phải tổ chức tuyển dụng, nếu chưa tuyển dụng đã kí hợp đồng tuyển dụng là không đúng quy định. Trách nhiệm thuộc UBND huyện và Sở Nội vụ (đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh)
Theo nguồn thông tin riêng của Dân trí, trong tuần tới, Tổ công tác của Bộ Nội vụ sẽ làm việc với Hà Tĩnh về vụ việc cắt hợp đồng 214 giáo viên. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát diễn biến tiếp theo của vụ việc để sớm thông tin đến bạn đọc.
Nguyễn Hùng
Theo Dantri
Yoon Eun Hye sắp thất nghiệp vì scandal đạo váy Báo chí Hàn nhìn nhận người đẹp "Hoàng cung" ứng xử kém trong scandal đạo thiết kế thời trang, dẫn đến hậu quả có nguy cơ ngồi nhà. Tờ Donga cho biết, gần đây Yoon Eun Hye chỉ còn là người đại diện cho nhãn hiệu túi xách Nhật Bản Samantha Thavasa nhưng hợp đồng của cô sẽ sớm kết thúc. Nữ diễn...