21 năm dạy chữ trên giường
Không qua trường lớp, không nghiệp vụ sư phạm, bản thân là người bị liệt, vậy mà 21 năm qua, người thầy ấy đã dạy chữ cho hàng trăm em học trò nghèo, không ít em giờ đã thành đạt và đang theo học tại các trường đại học.
Nơi vùng quê nghèo xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) không ai là không biết biết danh tiếng thầy giáo Nguyễn Trung Nghĩa, ở thôn Quyết Thắng 1. Thầy Nghĩa chưa hề học qua trường lớp hay nghiệp vụ sư phạm nào, trong khi bản thân thầy là một người bị liệt hơn 30 năm. Thế nhưng, 21 năm qua, tại ngôi nhà nhỏ nơi xóm nghèo, thầy Nghĩa đã thầm lặng gieo từng con chữ cho hàng trăm học sinh (HS) nghèo.
Học sinh đến với thầy Nghĩa hầu hết là con các gia đình nghèo.
Người thầy không bằng cấp
Nằm cách thị trấn Thọ Xuân chừng 30 km về phía Tây, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm nơi xóm Quyết Thắng 1, xã Xuân Bái. Trong căn nhà nhỏ do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ xây dựng từ năm 2008, là một lớp học sắp tan giờ. Thấy người lạ vào lớp, như chuẩn bị từ trước, tất cả các em HS đều đứng dậy đồng thanh chào khách.
Trước mắt chúng tôi là một người thầy với khuôn mặt phúc hậu, làn da sạm đen đang nằm trên chiếc giường cũ kỹ giảng bài cho HS. Và đó cũng là hình ảnh thường thấy của thầy Nghĩa hơn 20 năm qua.
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, Nghĩa là đứa trẻ thông minh, khỏe mạnh. Rồi tai họa ấp đến bất ngờ, năm 1965, anh bị mắc bệnh thấp khớp teo cơ.
Dù bị bệnh tật hành hạ, nhưng với lòng ham học của mình, Nghĩa vẫn chăm chỉ đến trường đi học. Khi vừa học xong lớp 7/10, cũng là lúc bệnh của Nghĩa ngày một nặng hơn và rồi anh phải từ bỏ ước mơ tới trường của mình từ đấy.
Sau 15 năm điều trị căn bệnh quái ác, không những không khỏi mà nó còn khiến các cơ cứ teo lại, co rút hết chân tay làm Nghĩa mất khả năng đi lại.
Video đang HOT
21 năm qua, thầy Nghĩa nằm một chỗ trên giường dạy chữ cho học sinh nghèo.
Từ đó, thế giới không gian đối với anh chỉ là khoảng sáng của ô cửa sổ bên chiếc giường nhỏ. Mọi sinh hoạt hàng ngày càng trở nên khó khăn hơn, nhiều lúc anh thấy mình như bị rơi vào hố sâu của sự tuyệt vọng bởi số phận quá nghiệt ngã với anh. Nhưng với ý nghĩ “tàn nhưng không phế”, cùng với tình yêu cuộc sống mãnh liệt, anh đã sống những ngày tháng không hề vô nghĩa.
Bằng nghị lực của bản thân, bằng niềm khát khao cống hiến tri thức, năm 1990, anh mở lớp học đầu tiên và cũng từ đó hai từ “thầy Nghĩa” được người dân trong thôn gọi một cách trìu mến và kính trọng. Tuy bị liệt nửa người nhưng mọi sinh hoạt cá nhân như tắm rửa, giặt giũ thầy đều tự làm lấy.
Không những “tự phục vụ” cho bản thân thầy còn chăm sóc chu đáo một mẹ già ốm yếu nay đã ngoài 90 tuổi. Hàng xóm ai cũng khen thầy hiếu thuận với mẹ. Hôm nào thầy cũng dậy sớm nấu cháo cho mẹ ăn, rồi cơm nước hai mẹ con đều do thầy nấu nướng. Mọi sinh hoạt của hai mẹ con đều diễn ra quanh chiếc giường nhưng khá gọn gàng, sạch sẽ.
Cảm phục tấm lòng của một người thầy
Mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày với thầy Nghĩa đã là một khó khăn, nhưng với công việc của một người thầy đứng trên bục giảng lại là một thử thách không nhỏ.Thầy Nghĩa tâm sự: “Mình nằm một chỗ trên giường nên công việc giảng dạy cho các cháu gặp nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là lúc viết lên bảng, tôi phải nhờ các cháu khênh bảng để ra đầu giường, tôi viết xong lại phải nhờ các cháu treo lên hay lúc bài cho các cháu tập viết… “.
Hình ảnh thầy Nghĩa đã khắc sâu vào tâm trí biết bao thế hệ học trò nơi vùng quê nghèo.
Lớp học thầy Nghĩa không giống với bất kỳ một lớp học nào bởi trình độ của các em HS không giống nhau, thầy dạy hai môn Văn – Toán với các em từ mẫu giáo đến lớp 5. Cánh tay trái duy nhất trên cơ thể còn cử động lúc cầm phấn viết bảng lúc lại cầm những bàn tay nhỏ nắn nót từng nét bút đầu đời cho các học trò nghèo, lúc lại làm những công việc vặt trong gia đình nuôi bản thân và mẹ già.
Chương trình giáo dục cải cách và đổi mới liên tục nên thầy vừa dạy vừa phải mượn sách vở của các em học trước về nghiên cứu. Hầu hết các em HS đến với thầy chủ yếu là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ở xa nên thầy không thu học phí, nhiều gia đình ở xa như huyện Thường Xuân còn gửi luôn ở nhà thầy, nhờ thầy dạy dỗ.
Đến nay, đã có hơn 300 HS được thầy Nghĩa dạy chữ, nhiều lớp HS giờ đây đã trưởng thành và đang theo học tại các trường đại học danh tiếng như: ĐH Y Thái Bình; Học viện Tài chính, ĐHBách khoa Hà Nội và nhiều em học xong trở về quê hương công tác.
Không chỉ dạy học, hàng ngày dù nằm một chỗ nhưng thầy vẫn tận tụy chăm sóc mẹ già 90 tuổi.
Bác Nguyễn Văn Quang, một người dân địa phương tự hào và không giấu được xúc động khi nói về thầy Nguyễn Trung Nghĩa: “Người dân chúng tôi ai cũng cảm phục tấm lòng cao cả của thầy Nghĩa cả. Nếu không có thầy chắc nhiều con em HS gia đình nghèo trong xã không có điều kiện đến trường mất. Hoàn cảnh thầy đúng là rõ khổ, bản thân tàn tật, lại còn phải nuôi cả mẹ già nữa. Người dân chúng tôi thương thầy lắm nhưng cũng không giúp được gì nhiều cho thầy. Chúng tôi chỉ cầu mong cho thầy có sức khỏe để giúp đỡ các cháu HS nghèo của địa phương”.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin được gửi tới thầy lời chúc sức khỏe để tiếp tục “đưa con đò chở chữ” đến với các học trò nghèo!
Theo DT
Thủ khoa 8X lương thấp hơn thầy giữ trẻ
Tốt nghiệp thủ khoa đầu ra ĐH Mỏ Địa Chất, hiện đang là giảng viên của trường, Ngọc Dũng đã có những chia sẻ về lựa chọn "nghề giáo nghèo" và nỗi niềm chuyện đưa nhận phong bì ngày 20-11.
Chàng trai đất Hà thành với chiều cao như một người mẫu (1m83) và nụ cười hiền khô này hiện là giảng viên khoa Địa chất, ĐH Mỏ Địa chất HN. Ngọc Dũng tốt nghiệp thủ khoa của trường với điểm trung bình chung học tập là 8,58đ.
Là dân tự nhiên nhưng chàng trai trẻ cũng có tâm hồn rất thơ khi thích thả bộ trên những con phố Phan Đình Phùng, Hồ Tây hay Hoàng Diệu mỗi khi lòng chợt thấy trống vắng. Hàng tuần, dù bận thế nào người Hà Thành ấy đều thu xếp thời gian để một mình lang thang, cà-phê phố cổ.
Chỉ cần có đam mê
Ra trường, có nhiều lựa chọn, những cơ hội kiếm tiền rộng mở nhưng bạn chọn ở lại khoa. Lương chưa đến 2 triệu đồng/tháng, cộng cả tiền làm thêm thì xấp xỉ 5 triệu đồng, mức thu nhập như bạn vẫn thường nói vui: "Đến bà trông giữ trẻ còn cao hơn lương tháng của giảng viên như mình. Tháng tháng, mình vẫn phải có "lương của gia đình" phụ giúp".
Lí do để bạn lựa chọn làm giảng viên, theo Ngọc Dũng: "Các bạn thủ khoa ra ngoài làm có thể lương cả ngàn USD/tháng. Làm trong Nhà nước, cái được lớn nhất của mình là có cơ hội học tập, nghiên cứu".
Niềm đam mê khoa học cũng đã được Ngọc Dũng càng được tiếp thêm "lửa" trước chia sẻ ý nghĩa của GS Ngô Bảo Châu khi anh tới chúc mừng các tân thủ khoa đầu ra tại Văn Miếu rằng: "Hãy sống sao cho đúng điều mình muốn".
Một lý do quan trọng nữa lãnh đạo (trưởng khoa) mình là người cầu tiền, công bằng và cởi mở. Điều đó thật tuyệt vời. Nhiều cơ quan khác để có được điều này (môi trường cởi mở) là rất khó, nếu không nói là kìm kẹp những người trẻ như SV mới ra trường".
Nói như vậy nhưng như Ngọc Dũng: "Đừng bao giờ nói những người đặc biệt là thủ khoa như mình không quan tâm tới tiền lương. Điều đó còn thể hiện sự trả công xứng đáng cho những gì anh đóng góp". Với bản thân, vì xác định được con đường theo nghiên cứu khoa học nên chàng giảng viên trẻ không hối tiếc khi chọn nghề giáo.
Thời gian SV, Ngọc Dũng tận dụng tối đa khi tham gia nghiên cứu khoa học từ năm đầu để được cọ sát, tiếp cận kinh nghiệm công việc, công nghệ mới. Chàng sinh viên Hà Thành còn xây dựng những mục tiêu ngắn và dài hạn, quyết tâm đạt được nó.
Còn nhiều lắm những nhà giáo tâm huyết
Tâm sự về ngày nhà giáo và câu chuyện "phong bì", Ngọc Dũng cho rằng: "Phụ huynh đưa phong bì cũng là không tôn trọng nhà giáo. Mình tin rằng còn nhiều lắm những người không cần, không mong đợi ngày này hay dịp nào đó chỉ để nhận phong bì của người học hay phụ huynh đâu".
"Mình chia sẻ chuyện nghề giáo hiện còn nhiều khó khăn, mình cũng là ví dụ, cũng phải xoay đủ cách để sống đấy. Những khi thực sự có tâm huyết thì anh sẽ hiểu và hành động cho xứng với nghề cao quý trong những nghề cao quý mà xã hội đã tặng cho".
Với suy nghĩ của một người trẻ, Ngọc Dũng cho rằng: "Sẽ không còn chuyện đó (đưa-nhận phong bì) nếu lương đủ cho chúng ta nuôi sống gia đình. Cơ chế tăng cấp bậc, tiền theo thâm niên như bây giờ cũng cần bỏ đi để trả theo hiệu quả công việc".
Tâm sự về ngành giáo dục nước nhà, chàng giảng viên trẻ cũng không khỏi ưu tư: "Giáo dục VN cứ đổi thay từng ngày, tư duy theo nhiệm kỳ. Mà như một vị nào đã từng nói: đừng biến con em chúng ta thành những con chuột bạch để thí nhiệm cách làm của anh".
Một lời nhắn nhủ của chàng giảng viên trẻ nhân ngày 20-11: "Mong mọi người có thái độ và động cơ đúng khi đi học".
Theo BĐVN
"Cô tiên" ở làng phong 23 năm qua, cô giáo Siu HJel miệt mài với hành trình gieo chữ ở trường học tình thương làng Buk Blui - một ngôi làng của bệnh nhân phong bị kỳ thị, tách biệt giữa xã Ia Ka, huyện Chư Păh (Gia Lai)... Không cầm lòng trước cảnh những đứa trẻ nơi đây được cha mẹ dẫn đi học nhưng không ai...