21 điểm có thể đỗ ngành kinh tế của nhiều trường đại học
Với số điểm 21 khối A, thí sinh có cơ hội trúng tuyển nhiều trường đại học công lập đào tạo các khối ngành kinh tế trong mùa xét tuyển năm nay.
- Bạn Trần Thị Bích Hạnh (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) hỏi: Em đạt 21 điểm khối A, có thể đăng ký vào những trường nào có khối ngành kinh tế ở miền Nam?
- Trả lời:
Căn cứ phổ điểm của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn các ngành khối kinh tế năm 2015 và chỉ tiêu xét tuyển 2016, nhiều chuyên gia tư vấn của các trường đại học khu vực phía Nam đánh giá, điểm trúng tuyển khối ngành này sẽ giảm nhẹ 1-2 điểm so với năm 2015.
Video đang HOT
Truy cập vào Zing.vn, bạn sẽ tra cứu được mức điểm chuẩn của các trường năm 2015 để tham khảo cho năm nay.
Với 21 điểm, ngoài ĐH Ngoại thương (cơ sở 2 TP HCM), ĐH Kinh tế TP HCM, một số ngành của ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP HCM), ĐH Ngân hàng…, thí sinh có thể đăng ký hầu hết các khối ngành kinh tế của các trường. Các bạn nên tham khảo mức điểm trúng tuyển năm ngoái trước khi quyết định.
Ví dụ, điểm chuẩn ngành Kinh tế Đối ngoại, ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP HCM), thường cao nhất trường. ĐH Ngân hàng TP HCM có ngành Tài chính Ngân hàng và Kiểm Toán; ĐH Giao thông Vận tải TP HCM có ngành Kinh tế vận tải, ĐH Giao thông Vận tải (cơ sở 2, TP HCM) có ngành Kinh tế Xây dựng; ĐH Tài chính Marketing có ngành Marketing, năm nay dự đoán có ngành Logistic, cũng sẽ thu hút khá đông thí sinh đăng ký.
Nếu thích học ngành Quản trị Kinh doanh, Marketing, Kế toán – Kiểm toán, Kinh tế công, Tài chính Ngân hàng…, thí sinh có thể đăng ký vào ĐH Tài chính Marketing TP HCM, một số ngành của ĐH Ngân hàng TP HCM (trừ ngành Tài chính Ngân hàng và Kinh doanh Quốc tế), các ngành khối Kinh tế của ĐH Công nghiệp TP HCM, ĐH Giao thông Vận tải TP HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ĐH Nông lâm TP HCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Sài Gòn.
Điểm chuẩn khối kinh tế của các trường này thường thấp hơn ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP HCM nhưng cao hơn các trường ngoài công lập.
Với các trường ngoài công lập, đạt điểm 20, cơ hội trúng tuyển vào các trường phía Nam rất lớn. Hầu hết các trường này có điểm chuẩn chỉ dao động hơn mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT từ 2-3 điểm, tuy nhiên theo học các trường ngoài công lập, mức học phí sẽ cao hơn.
Rất nhiều trường khối ngoài công lập đào tạo các khối ngành kinh tế như ĐH Công nghệ TP HCM, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Văn Lang, ĐH Hồng Bàng, ĐH Văn Hiến, ĐH Hoa Sen, ĐH Lạc Hồng…
TS Lê Tuấn Lộc, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP HCM) tư vấn cho thí sinh. Ảnh: Phước Tuần
Theo thầy Trần Thế Hoàng, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP HCM, điểm chuẩn năm 2015 của trường là 23,25 điểm (môn Toán từ 7 điểm trở lên). Năm nay, dự kiến điểm chuẩn sẽ giảm nhẹ.
TS Lê Tuấn Lộc, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Luật (ĐH Quốc gia TP HCM), tư vấn: Kỳ thi vừa qua, phổ điểm thấp hơn so với năm ngoái nên hy vọng điểm xét tuyển có thể thấp hơn. Phụ huynh và thí sinh nên căn cứ sở thích, số điểm đạt được và đối chiếu với điểm chuẩn năm ngoái để chọn ngành phù hợp.
Ông Lộc cho biết thêm, nhà trường tuyển sinh theo chương trình đào tạo, điểm chuẩn phân bố 28 chương trình trong năm ngoái dao động từ 22-25,5 điểm.
“Thí sinh có thể lựa chọn các ngành điểm chuẩn thấp, khi vào học vẫn có cơ hội học chương trình điểm đầu vào cao hơn trong trường và nhận hai bằng khi ra trường”, ông Lộc cho biết.
Theo Zing