208 giáo viên ở Đắk Lắk sẽ mất việc?
Theo Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, nếu không có vị trí tuyển dụng thì ít nhất 208 giáo viên dôi dư ở huyện Krông Pắk sẽ bị chấm dứt hợp đồng
Hàng trăm giáo viên hoang mang đứng trước nguy cơ mất việc
Ngày 13-3, ông Miêng Klơng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk, cho biết vừa tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Nội vụ về việc giải quyết tình trạng dôi dư gần 600 giáo viên tại huyện Krông Pắk.
Theo ông Miêng Klơng, việc tạm dừng chấm dứt hợp đồng với 208 giáo viên (trong tổng số 578 giáo viên hợp đồng – PV) là cần thiết, nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương. Về lâu dài, để giải quyết ổn thỏa tình trạng dôi dư giáo viên, huyện cần rà soát, phân loại lại toàn bộ hợp đồng đã ký trước đây và đề ra những phương án xử lý.
Về hướng giải quyết cụ thể, ông Miêng Klơng nói đối với 208 giáo viên nói trên, nếu sắp tới đây không có vị trí tuyển dụng thì nhất thiết phải chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, cần phải có cách làm phù hợp nhằm ổn định tinh thần cho các giáo viên; đề xuất tỉnh cho cơ chế về tài chính nhằm hỗ trợ các giáo viên này giảm bớt khó khăn sau khi mất việc làm.
Về việc thi tuyển viên chức giáo dục của huyện Krông Pắk trong thời gian sắp tới, ông Miêng Klơng nói Sở Nội vụ đang tham mưu để UBND tỉnh Đắk Lắk trình Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế đặc thù. Theo đó, trong 370 giáo viên hợp đồng chuẩn bị tham gia thi tuyển, nếu giáo viên nào đáp ứng được về mặt chuyên môn nhưng các tiêu chí khác không đạt thì vẫn cho thi nhưng có cam kết bổ sung các tiêu chí sau. Đối với trường hợp có trình độ chuyên môn chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì xem xét cho thi tuyển. Ngoài ra, với 83 chỉ tiêu nhưng có tới 370 thí sinh (chưa kể thí sinh tự do) thì chắc chắn sẽ có nhiều giáo viên bị chấm dứt hợp đồng.
Video đang HOT
Phớt lờ kiến nghị của thanh tra
Liên quan đến vụ việc trên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Kết luận thanh tra số 60/KL-TTr ngày 31-7-2013 về việc chấp hành Luật Ngân sách nhà nước và thực hiện chính sách pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại UBND huyện Krông Pắk, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk xác định có sai phạm trong việc tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên và bổ nhiệm dư cán bộ quản lý trường học ở huyện này. Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk kiến nghị chủ tịch UBND huyện Krông Pắk chấm dứt hợp đồng đối với toàn bộ giáo viên vượt chỉ tiêu biên chế được giao; chỉ đạo các trường chấm dứt toàn bộ các trường hợp giáo viên đã ký hợp đồng ngắn hạn.
Mặc dù vậy, từ sau khi có kết luận thanh tra đến khi chuyển sang làm Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk (năm 2015), ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2015, vẫn tiếp tục ký thêm hàng trăm hợp đồng lao động với các giáo viên.
Trong năm 2015, sau khi ông Kỷ chuyển công tác, ông Y Suôn Byă lên làm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Lúc này số lượng giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk đã lên đến hơn 400 giáo viên. Thay vì tập trung xử lý, thực hiện theo tinh thần kiến nghị của Thanh tra tỉnh, ông Y Suôn Byă lại tiếp tục ký hợp đồng với khoảng 100 giáo viên khiến tình trạng dôi dư giáo viên càng thêm trầm trọng như hiện nay. Sau khi vụ việc vỡ lở, ông Y Suôn Byă nói không biết kết luận thanh tra năm 2013 của Thanh tra tỉnh (!?).
Trao đổi với phóng viên Báo Báo chiều 13-3, Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc điều tra, làm rõ thông tin một số giáo viên ở huyện Krông Pắk phản ánh phải “chạy chọt” từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mới được ký hợp đồng.
Theo NLĐ
Từ vụ 500 giáo viên ở Đắk Lắk: Làm rõ trách nhiệm của địa phương
Để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, các địa phương cần quan tâm hơn giao quyền tự chủ cho ngành giáo dục, sắp xếp biên chế, hợp đồng hợp lý.
ảnh minh họa
Mặc dù UBND tỉnh Đắk Lắk đã có quyết định tạm dừng quyết định của UBND huyện Krông Pắk khi cho giáo viên đang công tác tại huyện chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt thế nhưng sự việc không chỉ gây ảnh hưởng lớn tới giáo viên trên địa bàn mà còn gây tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ nhà giáo cả nước.
Điều đáng nói vụ việc cho hàng loạt giáo viên tạm dừng chấm dứt hợp đồng lao động đã từng xảy ra ở một số địa phương khác. Vậy vì sao vụ việc này lại xảy ra, giải pháp nào để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên... phóng viên VOV đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam về nội dung này.
Hơn 500 giáo viên tuyển thừa trong giai đoạn 2011-2016 ở huyện Krông Pách, Đắk Lắk sẽ bị cho thôi việc sau kỳ thi tuyển viên chức vào cuối tháng 3/2018 (Ảnh: Tuấn Long)
PV: Thưa bà, trước vụ việc UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk có quyết định cho hơn 500 giáo viên đang công tác tạm dừng chấm dứt hợp đồng lao động hàng loạt, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có ý kiến về việc này như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp: Ngày 10/3 từ báo cáo của Sở và Công đoàn giáo dục tỉnh, chúng tôi nắm được thông tin về việc huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk ra quyết định tạm dừng hợp đồng lao động hơn 500 giáo viên. Công đoàn Giáo dục Việt Nam có ngay văn bản gửi về địa phương và đề nghị Sở Giáo dục Đào tạo, Liên đoàn lao động và công đoàn giáo dục tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương có giải pháp kịp thời để cho số giáo viên vẫn có việc làm.
Quan điểm cố gắng bố trí sắp xếp cho các thầy cô làm việc ở địa bàn khác trong tỉnh, để đảm bảo cho tối đa số giáo viên này. Nếu không bố trí được, số giáo viên mất việc được hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ học nghề hoặc làm việc khác.
PV: Giáo viên bị tạm dùng chấm dứt hợp đồng xảy ra ở tỉnh Đắk Lắk không phải là lần đầu tiên, trước đó có một số tỉnh như Thanh Hóa, Thái Bình, Đắc Nông... cũng xảy ra trường hợp tương tự. Vậy vì sao lại có sự việc này thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp: Theo Luật tổ chức hoạt động Ủy ban nhân dân thì việc quản lý sử dụng biên chế, công chức viên chức ở mỗi địa phương là do UBND huyện chịu trách nhiệm. Ngành giáo dục hầu như đứng ngoài trong việc tuyển dụng giáo viên nên có hiện tượng là hợp đồng lao động hàng loạt và cuối cùng chấm dứt lao động hàng loạt, cũng không riêng gì ở Đắk Lắk mà ở một số địa phương khác. Việc này khi xảy ra cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư tình cảm, tâm huyết của đội ngũ nhà giáo ở địa phương đó cũng như là nhà giáo cả nước.
PV: Vậy để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, Công đoàn Giáo dục Việt Nam có kiến nghị gì thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bích Hợp: Chúng tôi đề nghị các địa phương cần làm rõ trách nhiệm đối với việc tuyển dụng giáo viên, để giao quyền tự chủ, giao quyền quản lý giáo dục đối với địa phương đó. Việc hợp đồng giáo viên hay tuyển dụng cũng như là sắp xếp, bố trí đội ngũ đảm bảo hơn, sát với thực tiễn hơn.
Chúng tôi cũng kiến nghị đối với các địa phương cũng cần giao quyền tự chủ hơn cho ngành giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đã có những thông tư, những đánh giá thực trạng và có những khuyến cáo.
Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương quan tâm hơn để ngành giáo dục chủ động hơn trong việc sắp xếp biên chế của chính ngành mình, còn lại những chế độ nhà giáo, việc hợp đồng lao động thì cũng phải đảm bảo đúng quy định, đúng luật.
Nếu như địa phương nào có những vi phạm về hợp đồng lao động của giáo viên thì chúng tôi cũng kiến nghị phải giải quyết và xác định rõ trách nhiệm xử lý. Chúng tôi mong muốn rằng, tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các địa phương khác nói chung phải xác định rõ khi hợp đồng lao động đối với các thầy cô thì phải căn cứ vào nhu cầu thực tế
PV: Xin cảm ơn bà!
Theo VOV
Bộ GDvàĐT đề nghị bảo vệ quyền lợi 500 giáo viên ở Đắk Lắk Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, Cục sẽ có văn bản đề nghị cơ quan chức năng có phương án xử lý vụ 500 giáo viên có nguy cơ mất việc ở Đắk Lắk theo đúng quy định và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà giáo. Hàng...