20/10: Không có hoa cho vùng bão lũ
Nước lũ trắng trời, nhà gãy đổ, trong cơn nguy biến, mẹ vẫn ôm con, dùng mạng sống của mình che chở cho con. Câu chuyện đầy nước mắt của bà mẹ thôn Hà Sơn ( Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình) nhanh chóng lan truyền trên cộng đồng mạng, khiến hàng ngàn người rơi nước mắt. Mẹ miền Trung, mẹ Việt Nam bao giờ cũng thế: Nhẫn nhịn, cam chịu nhưng chưa bao giờ đầu hàng số phận.
Hôm nay, ngày của các mẹ, các chị. Miền bão lũ, các mẹ không thể nào có hoa chúc mừng, ngoài nỗi đau và sự âm thầm gắng gỏi vượt lên …
Đường vào nhà chị Trần Thị Yên (thôn Thạch Bồ, Hòa Phong, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) băng qua con suối nhỏ đầy rác, đen ngòm. Mấy tấm ván bắc vội gập ghềnh trên từng bước người vào đưa tang chồng chị. Căn nhà giờ đây chỉ toàn phụ nữ, duy nhất một cậu bé mới học xong lớp 9.
Mẹ chồng chị Yên, bà Đặng Thị Đợi, bị ung thư giai đoạn cuối, vẫn phải cố đi lại bình thường. Bà khóc đứa con trai vừa thiệt mạng trong bão Nari: “Giá như tui chết để con được sống”.
Bà Phạm Thị Thông với ngôi nhà hoang tàn (ảnh lớn); Chị Bảy cố tìm những gì còn sót lại sau bão (ảnh nhỏ)
Nhà mất ruộng, chị Yên xay cá thuê, bánh răng cưa cuốn nát cánh tay, nằm nhà mấy tháng nay. Anh Nguyễn Quốc Linh, chồng chị, tiếc tấm mái tôn chái bếp, bão chưa tan đã trèo lên mái. Trượt chân, gãy cổ, chấn thương sọ não chết ngay tại chỗ. Con gái đầu mới 16, ngu ngơ như trẻ lên mười, bị một gã hiếp dâm, mới sinh con mấy tháng. Ngày chúng tôi đến, chị Yên mắt đỏ hoe, rưng rưng nhận chút tiền hỗ trợ, cứng cỏi hứa với mọi người, rằng em sẽ cố gắng phải sống để chèo lái gia đình. Rau dưa khoai sắn, rồi chúng nó cũng phải có cái ăn để mà lớn lên.
Xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) có vô số những hộ phụ nữ đơn thân, không chồng. Bởi làng biển này, qua từng năm, trai tráng, đàn ông lần lượt thí mạng giữa trùng khơi và bão lũ.
Chị Đặng Thị Tám, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Duy Hải, cho biết: “Toàn xã có 137 nhà của chị em phụ nữ đơn thân bị sập và tốc mái. Hoàn cảnh nhà nào cũng đáng thương và nghèo khó. Bão vào đúng tháng 10, cán bộ và dân đang gồng mình khắc phục hậu quả. Chị em miền biển vốn nghèo khó, nay càng cùng cực. Năm nay, chị em làm gì còn lễ lạt nữa. Tất cả đang tập trung lo khắc phục hậu quả của bão”.
Thôn Tây Sơn Đông có hơn 100 trường hợp đơn thân thì có 60 chị có nhà cửa tốc mái, nhà đổ sập. Trong đó, 11 chị chồng mất vì bão Chanchu từ hồi 2006, nhà cửa, ruộng vườn điêu tàn. Chị Nguyễn Thị Đỡ, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Tây Sơn Đông, ngậm ngùi: “Chị em đơn thân, góa chồng khổ sở lắm. Nhiều trường hợp bi đát, sau bão chỉ còn tay trắng. Muốn giúp sức cũng chẳng biết làm sao”.
Bản thân chị Đỡ cũng sớm chịu cảnh góa chồng. Năm 1989, chồng chị mất trong một chuyến đi biển, để lại mình chị với 2 đứa con thơ. Chị tần tảo nuôi các con ăn học. Sau bão Nari, nhà chị Đỡ bị tốc mái, chưa kịp dọn dẹp, chị phải xắn tay vào giúp đỡ chị em khó khăn hơn mình. Nhiều đoàn cứu trợ, cá nhân hảo tâm đến trao quà, chị Đỡ nhường phần cho chị em: “Nhà tôi tốc mái, mai mốt mua tôn về lợp lại là xong. Thương mấy chị em nghèo, nhà sập, xiêu vẹo giờ không có nơi ở”.
“Còn gì nữa đâu. Ba mẹ con giờ biết sống sao đây”, chị Nguyễn Thị Bảy (thôn Tây Sơn Đông) khóc lặng bên đống đổ nát của căn nhà. Ba ngày sau cơn bão, chị Bảy chỉ kịp dựng lên căn chòi nhỏ trên nền nhà để làm nơi trú mưa nắng cho 3 mẹ con.
Cả xã biết rõ hoàn cảnh mẹ con chị Bảy. Chồng mất cách đây gần 10 năm, chị bán vé số, lượm ve chai nuôi 2 con gái với hi vọng đời con sẽ không khốn khó như mình. Người con gái đầu của chị học đến lớp 10 rồi cũng phải dở dang, đi làm ôsin cho một gia đình ở Đà Nẵng. Đêm bão vào, chị Bảy nằm trong buồng gió rít từng cơn hung dữ.
Từng mảng tôn bị cuốn phăng, căn nhà lung lay rồi ngã sập. Tháo chạy qua nhà hàng xóm, chị Bảy thoát chết trong tích tắc, nhưng căn nhà đã không còn. Bão tan, hai đứa con gái về với mẹ, quặn lòng trước cảnh nhà cửa tan hoang.
Chị Nguyễn Thị Thanh Minh – Phó Chủ tịch Hội LHPN Đà Nẵng trao tiền từ thiện cho gia đình chị Trần Thị Yên. Ảnh: Nguyễn Thành
Mỹ Hương, con gái út của chị Bảy (thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), đang là sinh viên của một trường Cao đẳng ở Đà Nẵng, đau xót nói: “Nghe tin nhà sập, em nghỉ học về với mẹ. Giờ em chẳng còn ruột gan nào mà học nữa”. Chị Bảy vỗ về: “Con không được bỏ học, mẹ và chị sẽ làm mọi việc để con được đến trường. Không thì khổ lắm con ơi”. Cả ba mẹ con chị Bảy cùng ôm nhau khóc.
Căn nhà chị Nguyễn Thị Cúc gần đó, không còn mái, chỉ trơ bộ khung. Chị Cúc thuộc diện phụ nữ nghèo đơn thân, nuôi 3 con. Đứa con gái đầu bị thần kinh suốt ngày ốm đau, quanh năm nằm viện.
Hai đứa sau phải nghỉ học sớm, đứa lớn đi ở, đứa nhỏ làm công nhân phụ giúp mẹ nuôi chị. Chị Cúc bị thoát vị đĩa đệm mấy năm nay, không làm được việc nặng, nhà cửa tan hoang cũng chưa thu dọn được. Chị đang mỏi mắt chờ đứa con trai út làm thuê ở Sài Gòn có đủ tiền về với mẹ để dựng lại nhà.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Chiến (62 tuổi), ở thôn Thuận Trì, có chồng mất vì bệnh tật chưa chẵn năm. Nghèo, giờ lại càng khó. Nhà cửa tốc sạch mái, nứt toác chờ đổ sập. Hùng, cậu con trai đang là sinh viên năm cuối Đại học Đà Nẵng lặn lội về thăm mẹ. Nhìn cảnh tượng tan hoang, bàn thờ và di ảnh của cha cũng tan hoang, cậu lặng đi.
Chị Nguyễn Thị Xí già hơn nhiều so với tuổi 48. Chồng chị bỏ mạng trong bão Chanchu, để lại cho chị hai đứa con trai và căn nhà xập xệ. Giống như nhiều chị em phụ nữ khác trong xã có chồng con bỏ mạng vì bão Chanchu, chị gồng mình để đứng lên, hai bàn tay trắng làm đủ việc.
Đứa con trai đầu của chị nghỉ học đi làm thuê nuôi mẹ và em. Sau bão Nari, nhà tốc mái, tài sản trống trơn, mình chị Xí xoay xở nhưng không biết xoay đâu bởi chị đã trắng tay, dân làng xung quanh cũng xơ xác. Chị Xí gắng nhặt nhạnh những tấm tôn vương vãi để nhờ hàng xóm lợp lại nhà.
Chị Trần Thị Lan, người mẹ ở thôn Hà Sơn (Quảng Trạch, Quảng Bình), gãy cổ, chấn thương sọ não vì ôm con trong cơn lũ, lấy mạng mình giành giật sự sống cho hai con Mai Văn Đông và Mai Thị Hồng Đào, đang nằm viện. May mắn thay, chị Lan vẫn sống, hai đứa con vẫn sống. Người mẹ vùng rốn lũ, người mẹ Việt Nam, trong khoảnh khắc sinh tử ấy, luôn giành thiệt thòi về mình.
Hôm nay, ngày 20/10, không có hoa tươi trong tâm bão, trên đỉnh lũ. Các mẹ, các chị đã là những bông hoa dại đắng đót giữa cuộc đời …
Leo lét thân già Cơn lũ quét qua, một mình trong căn nhà nằm hun hút trong ngõ, bà Phan Thị Lý, thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, Hà Tĩnh, chỉ biết cách duy nhất để tự cứu sống mình là leo lên mấy tấm gỗ treo ở chạn nhà. Thân già yếu ớt, các con công tác và lấy vợ gả chồng ở xa quê, may mắn bà Lý thoát chết khi rơi xuống biển nước. Bà với vào chiếc cột nhà rồi gắng gượng dậy bám víu leo lên chạn nhà. Cơn lũ kéo qua hơn một ngày, trên khuôn mặt bà Lý vẫn hằn in sự sợ hãi mỗi khi nhắc đến. “Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy nước lũ dữ đến vậy. Hơn 30 lũ kéo qua, căn nhà bà Lý bùn ngập gần đầu gối. Thân già một mình chăm bẵm được bao gà vịt thế là mất sạch hết rồi. Mấy ngày tới không biết xoay xở ăn uống, ngủ nghỉ ra sao vì tất cả bị cuốn trôi và ướt sạch hết”, bà Lý bật khóc. Từ hôm qua đến nay, bà Đặng Thị Liên, thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, bỏ ăn, ôm lấy chiếc cột lều khóc than vì nước lũ cướp mất 30 triệu đồng tiền mặt của gia đình. Bao năm tích góp, vay mượn thêm để làm cái nhà cho con cái lấy vợ gả chồng có chỗ ở. Nào ngờ dòng nước bạc bẽo kia đã cướp sạch công sức của ông bà. Chồng bà Liên kể, khi dòng nước đục ngầu ầm ầm đổ về, vợ chồng ông lo vớt vát đồ đạc vứt lên sàn nhà. Khi nhớ ra số tiền 30 triệu để ở góc giường thì đã muộn. Chiếc giường cũng chẳng còn. Hai ông bà chỉ biết ôm nhau khóc giữa đống đổ nát hoang tàn. Theo thống kê của Ban Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình, đến chiều tối 19/10, số người chết tại Quảng Bình do mưa bão, lũ lụt, lốc xoáy đã tăng lên 11 người, bị thương 53 người. Địa phương thiệt hại nặng nhất là huyện Quảng Trạch. Minh Thùy – Hoàng Nam
Theo Nam Cường – Nguyễn Thành
Rưng rức tình người nơi bão đi qua
Nhà đổ, tường sập... Chồng quên mình lấy thân che chở vợ, mẹ ôm con vào lòng, hàng xóm bất chấp nguy hiểm, tay trần cào cấu trong đống đổ nát cứu người. Những câu chuyện đầy ắp tình người ấy sẽ được kể mãi nơi cơn lốc xoáy quái ác đi qua ở hai xã Quảng Minh và Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).
Phó Chính ủy Biên phòng Quảng Bình Dương Ngọc Bội trao tận tay hộp sữa cho mẹ liệt sỹ (ảnh nhỏ). Cháu Trung tìm kiếm những gì còn sót lại trên đống đổ nát. Ảnh: Hoàng Nam.
Cha cháu chết vì che cho mẹ
Trên ngôi nhà đổ nát ở phía đầu làng Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), cháu Phan Ngọc Trung, học lớp 6 mặc nguyên bộ đồ tang đang lục tìm trong đống đổ nát. Hai mắt ngấn lệ, Trung cho biết, bố là Phan Xuân Sơn (49 tuổi) bị nhà sập đè chết trong đêm, mẹ bị thương nặng đang nằm viện. Nhà cháu ở trong làng, bố mẹ ra đây xây dựng quán bán hàng tạp hóa.
Phó Chính ủy Biên phòng Quảng Bình Dương Ngọc Bội trao tận tay hộp sữa cho mẹ liệt sỹ.
Hôm xảy ra lốc xoáy, Trung và chị gái ngủ ở nhà, còn bố mẹ ngủ ở quán. Trung và chị gái tỉnh giấc khi ngói vỡ rơi ào ào trên người. Hai chị em hoảng hốt không biết chuyện gì, dắt tay nhau chạy ra quán gọi bố mẹ về. Nhưng cái quán nhỏ nuôi sống gia đình của Trung lâu nay giờ chỉ còn là một đống gạch vụn ngổn ngang, im ắng đến đáng sợ. Hai chị em kêu gào bố, mẹ nhưng chẳng ai thưa.
Những người có nhà gần đó chạy đến, cùng hai chị em, những đôi tay trần bê từng mảng tường nhà nặng trĩu, cào cấu trong đống đổ nát tìm người. "Khi mọi người xúc đống gạch đá ra thì cháu thấy bố nằm đè người lên bảo vệ mẹ. Bố cháu chết là do gạch đá đập trúng phía sau đầu, còn mẹ cháu máu me đầy người", Trung kể lại.
Cháu Trung tìm kiếm những gì còn sót lại trên đống đổ nát.
Cũng chính những người làng tốt bụng khiêng thi thể bố Trung về và đưa mẹ đi viện. Nước lũ ào ào đổ về, thi thể bố nằm trên chiếc giường gãy cứ đu đưa theo từng đợt sóng chực trôi đi. Lại một lần nữa, người làng ôm thi thể bố, cõng Trung và chị gái chạy ra phía sau đồi đào vội huyệt mộ để chôn người quá cố.
"Mẹ cháu từ viện nhắn về, nói cháu ra đây tìm cuốn sổ nợ của khách hàng, may ra còn có ít tiền chữa trị, chứ giờ nhà không còn đồng nào" - Trung thút thít khóc, nói.
Đứng thẫn thờ giữa hai ngôi nhà cạnh nhau đổ sập hoàn toàn, chị Trần Thị Lài nói mình là con dâu của bà Trần Thị Thuận (80 tuổi). Bà Thuận bị nhà đè lên người, chấn thương sọ não, gãy chân, gãy xương sườn. Còn bên cạnh là nhà con trai út bà Thuận, anh Mai Văn Hợi. Con gái 10 tuổi của anh, cháu Mai Thị Mỹ Linh cũng bị chấn thương sọ não phải chuyển Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba - Đồng Hới cấp cứu.
Cả nhà bị nạn, vợ anh Thuận chỉ đủ sức lết ra khỏi đống đổ nát kêu cứu. Hàng xóm chạy đến, lôi hết người này ra đến người khác từ ngôi nhà đổ. Cây cối đổ rạp chắn ngang đường, người làng thay nhau cõng nạn nhân chạy về viện.
Vừa khóc, chị Lài vừa nói: "Bà được các bác sỹ nhanh chóng phẫu thuật nhưng vì tuổi già sức yếu nên đã mất sau hai ngày, giờ đang trên đường về quê. Còn con bé Linh, phẫu thuật não xong cứ lên cơn co giật, bác sỹ nói rất nguy hiểm".
Phía bên kia sông Rào Nan là thôn Hà Sơn, xã Quảng Sơn còn khó khăn gấp bội. Nước lũ cuồn cuộn chảy, những người bị thương nằm la liệt, thoi thóp chờ trời sáng mới có thể vượt sông. Ông Nguyễn Văn Lân, trưởng thôn Hà Sơn cho biết: Do sống cách biệt, nên lâu nay người làng luôn đùm bọc nhau trong hoạn nạn, nhưng lần này thì quá khốc liệt, cứu nhau không kịp.
Ông và những người thoát chết đôn đáo bì bõm trong nước khắp từ làng trên xóm dưới, đến rạng sáng mới lôi hết nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
"Tội nhất là ba mẹ con nhà con Lan. Khi mọi người tìm thấy, hắn ngất không biết chi vì bị gãy cổ, chấn thương sọ não nhưng vẫn ôm chặt hai đứa con nhỏ trong lòng. Cả ngôi nhà gỗ đè lên người, nước lũ bắt đầu xõa lên nền nhà" - ông Lân nói.
Màu áo xanh sưởi ấm vùng quê bạc trắng
Màu áo xanh tình nguyện sưởi ấm những vùng quê bạc trắng sau bão lũ. ảnh: hoàng nam.
Những ngôi làng xác xơ bạc trắng nước lũ, bạc trắng bùn đất ở hai xã Quảng Minh và Quảng Sơn dường như ấm hơn, tươi mới hơn khi màu áo lính, màu áo tình nguyện trải khắp làng trên, xóm dưới. Họ có mặt từ rất sớm, ngay sau khi cơn lốc xoáy càn qua, cùng với người dân khắc phục hậu quả.
Đại tá Dương Ngọc Bội, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết: Nhận được tin báo, Biên phòng Quảng Bình quyết định cử 30 cán bộ chiến sỹ, do ông chỉ huy lên đường ngay trong đêm tối. Kinh nghiệm phòng chống thiên tai gần một đời binh nghiệp, ông quyết định mang theo mì tôm, lương khô, nước uống...
Nước lũ ào ào, cây cối đổ trên cả hai tuyến hành quân đường thủy và đường bộ, không ngăn nổi quyết tâm của những chiến sỹ Biên phòng - họ đã có mặt sớm nhất nơi vùng lốc xoáy đi qua.
Phong lương khô, gói mì tôm, chai nước uống của bộ đội Biên phòng đã giúp người dân cầm hơi sau một đêm quăng quật với gió, nước. Một chiếc xuồng cao tốc túc trực hai bên bờ sông đón người dân qua lại trong dòng nước xiết.
Những đống đổ nát gọn gàng hơn, những mái nhà dần kín lại nhờ bàn tay những người lính Biên phòng.
"Gần hết một đời binh nghiệp, đã qua không biết bao nhiêu thiên tai, địch họa nhưng tôi chưa lần nào chứng kiến cảnh khốc liệt như ở đây. Người dân kiệt quệ sau cơn bão số 10, nay lại gặp lốc xoáy thì đúng là bế tắc thực sự. Nhà sập xuống, nước lũ vào cuốn trôi sạch, hầu hết những gia đình ở đây giờ không còn gì" - ông Bội nói.
Phủ trên những mái nhà trống hoác là bóng áo xanh tình nguyện của đoàn viên. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, anh Nguyễn Văn Thái cho biết: Gần cả tháng nay kể từ cơn bão số 10, lãnh đạo Tỉnh Đoàn không mấy khi có mặt ở trụ sở, mà cùng với đoàn viên lặn lội về những vùng thiệt hại nặng để giúp dân khắc phục hậu quả.
Cứu dân trong đêm
Mặc cho dòng nước đỏ ngầu cứ cuồn cuộn đổ về trong đêm tối, những cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng Hà Tĩnh vượt sông đến cứu giúp bà con nhân dân.
Sáng 17/10, PV Tiền Phong có mặt tại thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, địa bàn bị thiệt hại nặng nề sau trận lũ quét kinh hoàng vào sáng 16/10. Sau một đêm thức trắng giúp người dân thu dọn lại đồ đạc, dựng tạm nhà cửa, trên khuôn mặt các chiến sỹ trẻ biên phòng thuộc Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo hiện sự mệt mỏi nhưng không một ai than vãn.
Họ luôn nở nụ cười hiền hậu xắn tay vào công việc của người dân. Tại nhà anh Đặng Văn Huy, 6 chiến sỹ biên phòng cùng 10 đoàn viên thanh niên đang hò nhau kéo dựng chiếc cột nhà bị nước lũ cuốn trôi hơn chục mét. Thiếu tá Nguyễn Văn Giáp, Đồn phó Đồn Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo cho biết, nhận tin lũ quét kéo về tại xã Sơn Kim 2, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh huy động gần 200 cán bộ, chiến sỹ xuống ngay hiện trường.
"Người dân xót của cứ lao ra dòng nước xoáy cố vớt vát ít đồ đạc. Anh em chiến sỹ cũng lội vào dòng nước vừa giúp dân vừa thuyết phục họ lên bờ phòng trường hợp xấu xảy ra", thiếu tá Giáp cho biết. Nói xong, thiếu tá Giáp xắn tay vào cùng đồng nghiệp tiếp tục thu dọn đồ đạc cho vợ chồng anh Huy.
Hơn 21 giờ, ngày 16/10, lực lượng biên phòng nhận được tin báo có ông Phan Trọng Chương, 81 tuổi, ở xóm 14 Thành Uyên, Sơn Bằng, vừa đi mổ ruột ở bệnh viện về bị nước lũ cô lập, trong nhà còn có một người giúp việc.
Khi lãnh đạo Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đang căng mình đưa ra các phương án tiếp cận người bị nạn thì điện thoại của một cán bộ lại nhận thêm hung tin, có hai người đàn ông tên Thái Văn Bằng và Thái Văn Trung, trú tại xã Sơn Bằng, đi trên chiếc thuyền nhỏ vượt sông tránh lũ bị lật thuyền.
Hiện cả hai đang bám vào cây tre nhiều giờ đồng hồ và có nguy cơ bị lũ cuốn trôi. Trong đêm tối, 10 cán bộ chiến sỹ Hải đội 2, cùng 2 chiến sỹ công an huyện Hương Sơn với ca nô cứu nạn lập tức lên đường để ứng cứu.
Mặc dù ban đêm, nước xoáy, cộng với cây cối, hàng rào, đường điện cản trở nhưng lực lượng cứu hộ đã khắc phục khó khăn quyết tâm cứu người. Đến 23 giờ các chiến sĩ đã cứu được anh Thái Văn Bằng và Thái Văn Trung. Tiếp tục hành trình đến 1 giờ sáng ngày 17/10, các chiến sĩ tiếp cận được nhà ông Phan Trọng Chương, tháo dỡ ngói đưa ông và người giúp việc lên bờ an toàn.
Trong 3 ngày lũ lụt vừa qua, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh điều động trên 400 cán bộ chiến sỹ, 6 phương tiện để ứng cứu ở các vùng bị ngập lụt và bị cô lập ở các huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, cứu hàng trăm người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tình nguyện vùng lũ
Nhận tin dữ của cơ sở báo về người dân xã Sơn Kim 2 bị lũ quét, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh, anh Nguyễn Xuân Hùng cùng bốn cán bộ lao mình vượt đi trong mưa lũ. Sau hơn 3 giờ đã có mặt tại thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2.
"Mình phải lên tận nơi để chỉ đạo anh em giúp bà con ổn định sớm cuộc sống. Trong ngày 16/10, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh huy động gần 100 thanh niên tình nguyện để giúp người dân xã Sơn Kim 2", Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh cho biết. Bước đầu, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh hỗ trợ nóng người dân thôn Làng Chè hơn 20 triệu đồng.
Lực lượng bộ đội biên phòng, thanh niên tình nguyện giúp trường mầm non xã Sơn Kim 2 dọn dẹp sau lũ.
Tại trường mầm non xã Sơn Kim 2, gần chục thanh niên tình nguyện và các chiến sỹ Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đánh vật với đống bùn nhão nhoét. Anh Hoàng Văn Thắng, cán bộ của Làng thanh niên lập nghiệp Tây Sơn từ hôm qua tới nay cứ chạy hết nhà này đến nhà kia giúp người dân dọn dẹp đồ đạc.
"Sáng nay, sau cuộc họp nhanh, Bí thư Tỉnh Đoàn chỉ đạo phải giúp các trường học khắc phục sớm để cho học sinh đến lớp. Gần 10 đoàn viên thanh niên và các chiến sỹ biên phòng ăn vội mỳ tôm sống quần mình trong đống bùn nhão nhoét", anh Thắng cho biết.
Trao đổi với PV Tiền Phong Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh cho biết, hiện đã huy động hơn 600 đoàn viên thanh niên lên các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê và Đức Thọ để giúp bà con dọn dẹp sớm ổn định cuộc sống.
"Tỉnh Đoàn đã đưa đến tận tay người dân vùng lũ 700 thùng mỳ tôm, lương khô, hàng trăm thùng nước suối, 134 triệu đồng tiền mặt, 3 ô tô tải quần áo, sách vở. Chủ nhật tuần này, Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh sẽ cứu trợ người dân 1.400 thùng sữa, trị giá trên 700 triệu đồng và 1.000 thùng cháo yến, trị giá 200 triệu đồng", anh Nguyễn Xuân Hùng cho biết.
Theo Hoàng Nam - Minh Thùy
Quảng Bình: Tang thương sau cơn lốc xoáy Cơn lốc xoáy xảy ra lúc nửa đêm 16/10, đã quần nát 5 thôn của hai xã Quảng Minh và Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình). Cơn lốc xoáy quái ác đã làm chết 2 người, bị thương nặng 36 người, 73 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng nghìn mái nhà tốc mái. Sau siêu bão số 10 chưa kịp khắc...