‘20 năm nữa, TP HCM có thể lụt như Bangkok’
Sau thời gian nghiên cứu ngập lụt ở Bangkok (Thái Lan), PGS. TS Hồ Long Phi khẳng định, vài chục năm nữa TP HCM có khả năng xảy ra một trận lụt với thiệt hại tương tự như Bangkok.
Chiều 4/4, tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện chương trình giảm ngập nước ở thành phố giai đoạn 2011-2015, PGS. TS Hồ Long Phi, Phó ban điều phối chương trình chống ngập TP HCM cho biết, sau một thời gian nghiên cứu ngập lụt ở Bangkok (Thái Lan) đã rút ra được bài học và xây dựng đề án hành động giải quyết ngập lụt ở TP HCM.
Nước lũ bao phủ cả khu vực rộng lớn phía bắc thủ đô Bangkok (Thái Lan). Màu đỏ của những mái nhà và màu xanh cây cối nổi lên giữa phông nền nước lũ. Ảnh: Kyodo.
Theo ông Phi, bài học lớn nhất từ ngập lụt ở Bangkok là không nên tin tuyệt đối vào năng lực bảo vệ của các công trình chống ngập. Các giải pháp thích nghi, giảm nhẹ thiệt hại và sẵn sàng ứng phó luôn cần được dự trù.
Vị phó giáo sư cho rằng, thay vì ỷ lại hoàn toàn vào sự bảo vệ của các công trình đê bao chống ngập, TP HCM nên phát triển theo hình thức ECO2 (vừa phát triển kinh tế vừa phát triển sinh thái). Đồng thời, thay vì lấn chiếm không gian dành cho nước ở các vùng trũng thấp, một hành lang thoát lũ khẩn cấp cần được dự trù để đề phòng trường hợp các dòng sông không còn đủ năng lực thoát nước trong điều kiện mưa lũ đặc biệt lớn.
Bài học thứ hai mà TP HCM nên nghiên cứu từ trận lụt ở Bangkok là việc quản lý tài nguyên nước. Theo ông Phi, các hồ chứa thường được thiết kế và vận hành thiên về cấp nước tưới hay phát điện mà thiếu quan tâm đến điều tiết lũ. “Vì thế, TP HCM cần thiết lập quy trình vận hành hồ chứa đa mục tiêu để tăng cường khả năng điều tiết lũ”, ông Phi đề nghị.
Một bài học nữa cũng cần phải được tính đến là công tác dự báo và quản lý thông tin đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiệt hại do ngập. Thông tin sớm và có xác suất đúng cao sẽ hỗ trợ cho công tác điều hành. Ông Phi đưa ra dẫn chứng, Phó giám đốc Sở Khí tượng Thái Lan đã trình chính phủ kế hoạch trang bị hệ thống ra đa dự báo mưa trị giá 130 triệu USD. Tuy nhiên, hệ thống này đã không được trang bị kịp thời. “Nếu có kịp thời sẽ giúp cho Chính phủ Thái Lan có đủ thông tin hơn trong việc ra quyết định”, ông Phi cho biết.
Từ phân tích những điểm tương đồng khá rõ nét giữa Bangkok và TP HCM về nguyên nhân ngập lụt như do ảnh hưởng của lũ thượng nguồn, mưa lớn, mực nước triều cường cao, nhiều vùng có địa hình thấp trũng, bị lún và so sánh các yếu tố rủi ro ngập lụt, hệ thống chống ngập… ông Hồ Long Phi đưa ra nhận định, nếu thành phố cứ giữ nguyên định hướng phát triển như hiện nay là chủ yếu dựa vào các công trình chống ngập thì 20 năm nữa, TP HCM có khả năng sẽ xảy ra một trận ngập lụt với thiệt hại tương tự như Bangkok năm 2011.
Theo ông, điều nguy hiểm nhất hiện nay đối với TP HCM không phải là thủy triều hay nước biển dâng mà là những trận bão lớn xảy ra trên lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai vào cuối mùa mưa, trùng với mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long. Lúc đó, các hồ chứa thượng nguồn hầu như đã đầy nước. Vì thế phải tính tới những giải pháp giảm thiểu thiệt hại.
Video đang HOT
Phó ban điều hành chương trình chống ngập đề nghị TP HCM cần hành động ngay từ bây giờ để chống ngập lụt. Bốn hành động mà ông Phi đưa ra gồm soạn thảo và ban hành quy chế về không gian dành cho nước, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và quy trình ứng phó, thiết lập quy trình vận hành hồ chứa nước đa mục tiêu, ưu tiên đầu tư cho công trình thoát nước nội thành.
Mỗi năm TP HCM lại ngập nặng thêm. Ảnh: Kiên Cường.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cho biết, tuy có chuyển biến tích cực với 39/70 điểm ngập đã được xóa trong năm 2011 nhưng việc khống chế tái ngập, phát sinh điểm ngập mới vẫn còn là mặt yếu và chưa bền vững. Mục tiêu trong năm 2012, TP HCM sẽ xóa thêm 10 điểm ngập như ở đường Ung Văn Khiêm, Vũ Tùng (Bình Thạnh), Phan Anh (Tân Phú), An Dương Vương, Hậu Giang (quận 6), Lẵng Binh Thăng (quận 11), Quang Trung (Gò Vấp), quốc lộ 1A (quận 12), Gò Dưa (Thủ Đức) và đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9).
Trước tình hình đó, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín yêu cầu cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình chống ngập nước. Ông Tín cũng yêu cầu Trung tâm Điều hành chống ngập nước thành phố phải hoàn thành mục tiêu xóa 10 điểm ngập đã đề ra. Để dành không gian cho thoát nước, vị Phó chủ tịch cũng yêu cầu 24 quận huyện không được đào lấp kênh rạch mà không có hệ thống cống thay thế.
Những ngôi nhà trở thành 'hang' giữa Sài Gòn
Để tránh ngập, nhiều con đường được nâng lên cao cả mét khiến nước đổ vào nhà dân. Lại có chỗ không ngập nhưng đường vẫn được đôn cao khiến nhà trở thành "hang".
Đường Nguyễn Thị Thập, thuộc địa bàn quận 7, TP HCM vừa được nâng cấp mở rộng cách đây gần 1 năm. Trước đây, con đường này là điểm ngập rất nặng, sau mỗi cơn mưa lớn, nước cao đến cả bánh xe khiến các hộ dân gặp không ít khó khăn khi đi lại, sinh hoạt.
Hiện nay, đường mới đã cao ráo, khang trang hơn rất nhiều nhưng người dân lại lâm vào cảnh khổ khác khi nhà nào cũng thấp hơn mặt đường ít nhất là nửa mét. Sau những trận mưa, nước ào đổ vào khiến bà con thi nhau tát nước. Để đối phó, nhà nhà lại chạy đua nâng nền cho theo kịp với độ cao của đường.
Căn nhà số 65, đường Cao Văn Lầu, Phường 1, quận 6 lọt thỏm như một cái hang nên ban ngày mà bên trong vẫn tối. Chủ nhà phải xây 3 bậc thang và làm "cầu sắt" để dắt xe ra vào. Ảnh: Hữu Công.
Bác Ninh, nhà trên tuyến đường này cho biết mới đôn nền lên cả mét. "Đường mới làm cao quá, ngang cửa sổ, nếu không nâng nền thì nhà cứ như cái hang. Mỗi khi mưa to nước từ đường tràn hết vào, thậm chí có cả nước cống không kịp thoát", bác Ninh chia sẻ.
Còn chị Thiệp thì cho hay, nhà chị thường phải sống trong cảnh "ngập lụt, khổ đủ bề" mỗi khi trời trút nước nên buộc phải xây lại nhà. "Giờ nền nhà mới cao hơn đường một chút, hy vọng là đường sẽ... không nâng lên nữa!", chị Thiệp cho biết.
Cùng chung cảnh ngộ phải "chạy đua" với nền đường, anh Nguyễn Văn Xê, nhà ở phường Tam Phú, quận Thủ Đức cho hay, nhà anh mới xây chưa đến 2 năm, nhưng bây giờ nền nhà đã thấp hơn mặt đường nửa mét, anh đang lên kế hoạch xin phép nâng nền nhà lên.
"Hồi trước đường ngập đi lại cũng khổ, bây giờ cao ráo rồi nhưng nếu mình không nâng nền lên thì nhà ngập còn khổ hơn. Nhiều hộ không xây được nhà, cứ thế đắp nền lên nên trần thấp tẹt, có khi vào nhà đứng gần đụng chiếc quạt trần đang quay", anh Xê cho hay.
Nền đường cao ngang cửa sổ nhà dân trên đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức. Chủ nhà phải xây "bờ bao" che chắn vì sợ nước trên đường tràn vào nhà. Ảnh: Hữu Công.
Cũng theo anh Xê, cơ quan chức năng nên cho người dân biết chuẩn chung về việc nâng đường, hoặc phải có hướng dẫn cụ thể chứ nay làm đường nâng nền, lần tới lại nâng cấp mở rộng, đường lại nâng cao hơn khiến người dân rơi vào thế bị động. Có nhà mới nâng được một năm, năm sau đường nâng cấp, mở rộng lại tiếp tục rơi vào cảnh nhà thấp hơn đường. Khổ nhất là những hộ dân vừa xây xong thì được tin làm đường.
Các hộ dân sống trên đường đường Cao Văn Lầu, Phạm Văn Chí, Lê Văn Luông... quận 6 cũng trong tình trạng tương tự. Sau khi làm đường xong, nhà bỗng chốc trở thành... "hang", cửa mở toang vẫn tối mù, nước tràn lênh láng mỗi khi trời đổ mưa.
Đặc biệt, tại những khu vực chưa bao giờ bị ngập dù mưa to hoặc triều cường nhưng cốt nền đường vẫn cứ thế được đôn rất cao.
"Ở khu vực này không hề ngập nước, nhưng không biết sao người ta làm nền đường cao thế. Giờ nền nhà tôi thấp hơn gần 1m. Những nhà khác đã vội vàng nâng nền nhà, sửa đường hết rồi nhưng tôi chưa đủ kinh phí nên phải chịu cảnh sống trong hang tạm thời rồi mới tính tiếp", chị Tý, chủ tiệm net trên đường Cao Văn Lầu, phường 1, quận 6 bức xúc.
Một căn nhà ở phường Tam Phú, quận Thủ Đức, phải làm nhiều bậc thềm để chạy xe vào vì đường quá cao. Ảnh: Hữu Công.
Ở những hộ trong hẻm, sau mỗi cơn mưa, nước từ mặt đường lại tràn vào. Hàng trăm hộ dân "bỗng dưng" phải chịu cảnh ngập do nâng mặt đường lên quá cao như các hộ dân ở các hẻm quanh tuyến đường Nguyễn Thị Thập, Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Lê Văn Luông, Phạm Văn Chí (quận 6)...
"Đường quá cao, nước sẽ tràn xuống hẻm, nếu nhà không được nâng lên thì tất nhiên sẽ bị ngập", anh Cường một người dân sống trong hẻm trên đường Lê Văn Luông, quận 6 cho biết.
Theo ghi nhận của VnExpress, hiện nay tuyến đường Kha Vạn Cân trên địa bàn quận Thủ Đức cũng đang được nâng cấp mở rộng, dù mới rải đá, lắp đặt cống nước và hố ga nhưng nhiều hố ga đã cao 30-40 cm. Như vậy khi làm đường xong, chắc chắn sẽ cao hơn nhà dân ít nhất cũng nửa mét...
Một vị đại diện Khu quản lý giao thông đô thị số 1, sở GTVT TP HCM cho biết, do thành phố chưa có cốt nền chung nên ngành giao thông nâng đường theo cốt thiết kế trong quy chuẩn quốc gia. Cũng vì chưa có cốt chung nên việc nâng hẻm ở các quận, huyện mỗi nơi làm một kiểu. Đối với đường thuộc các dự án, Sở GTVT duyệt hồ sơ dựa vào đỉnh triều. Hiện nay, cốt đường thuộc các dự án này được duyệt có cao độ 1,57 m.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập thành phố, nếu nói việc nâng đường để chống ngập là chưa chính xác. Việc thoát ngập là do hệ thống cống bên dưới mặt đường có đảm bảo đủ tiết diện, thông thoáng cho việc tiêu thoát nước chứ mặt đường thì không có ý nghĩa gì trong việc chống ngập cả, trừ khi các tuyến đường đó ven sông, kênh rạch khi được nâng lên thì nó có ý nghĩa là bờ bao chống triều cường.
"Nâng cao các tuyến đường ven kênh rạch, tuyến đường thấp, trũng là cần thiết vì sẽ ngăn được nước triều gây ngập, còn nâng đường trong nội thị thì không mang ý nghĩa như vậy", ông Công cho hay.
Theo VNEXpress
Cuối 2011, TP.HCM hết ngập nước, kẹt xe? Ngập nước làm chao đảo cuộc sống người dân Các công trình trọng điểm chống ngập, kẹt xe... trong đó có công trình "rùa bò"... kỷ lục như cầu vượt Gò Dưa dự kiến quý 3 năm 2011 sẽ hoàn thành. Lúc đó, TPHCM có thực sự "khống chế" được vấn đề nhức nhối: kẹt - ngập? Ngập nước, kẹt xe... đang là...