2 thái độ với 5G
Khi Trung Quốc vừa xây xong trạm 5G cao nhất thế giới, ở châu Âu, làn sóng đốt trạm 5G lên đỉnh điểm vì tin đồn thất thiệt.
Mặc cho đại dịch bùng phát, Trung Quốc vẫn không ngừng đẩy nhanh cuộc cách mạng 5G cả trên phương diện xây dựng hạ tầng, sản xuất thiết bị đầu cuối lẫn các chương trình đào tạo, phổ cập kiến thức cho người dân. Tính đến tháng 4, đã có hơn 300.000 trạm sóng 5G mới được xây dựng tại Trung Quốc, dự kiến số này sẽ tăng lên khoảng 660.000 trạm trong tương lai. Báo cáo của Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc cho thấy, từ tháng 1 đến tháng 4, có hơn 30 triệu smartphone 5G đã được bán ra, 65 mẫu di động 5G được giới thiệu, chiếm 47,4% số lượng smartphone trên thị trường nước này.
Các nhà mạng lớn ở Trung Quốc cũng từng bước thử nghiệm về gói cước, sim, số… Họ cũng tận dụng Covid-19, khi người dân buộc phải ở nhà và có thời gian theo dõi các chương trình truyền hình, để phô diễn sức mạnh của 5G. Một tháng trước, trạm 5G cao nhất thế giới được Trung Quốc xây dựng trên đỉnh Everest. Nhà mạng này cũng lắp đặt máy quay để livestream 24/7 khung cảnh trên đỉnh núi bằng sóng 5G để phục vụ người dân ngắm cảnh tại nhà.
Những nhà sản xuất smartphone hàng đầu của Trung Quốc cũng xem 5G là chuẩn mực phải có trên cả di động cao cấp lẫn giá rẻ. Huawei, Xiaomi, Oppo, Realme còn chuẩn bị cho sự bùng nổ các thiết bị IoT khi tuyên bố sẽ tham gia vào lĩnh vực TV thông minh. Các hãng này đều nhìn thấy tiềm năng của 5G không chỉ dừng lại ở smartphone mà còn là cả hệ sinh thái công nghệ.
Zhao Ming, chủ tịch Honor khẳng định, quá trình dịch chuyển từ 4G sang 5G sẽ diễn ra dần dần nhưng bất kỳ hãng di động nào chậm chân trong cuộc đua sẽ phải trả giá. “Khi hệ thống hạ tầng hoàn thiện, 5G sẽ bước vào thời kỳ bùng nổ. Với sản lượng smartphone hiện nay, các thiết bị đầu cuối có khả năng không đáp ứng đủ nhu cầu nâng cấp của người dùng”, Zhao Ming nói.
Mặc cho ảnh hưởng của Covid-19, 5G vẫn được triển khai mạnh mẽ tại Trung Quốc.
Trái với bức tranh tươi sáng về tương lai 5G, ở Anh và nhiều quốc gia châu Âu mọi thứ đang diễn tiến theo chiều hướng ảm đạm. Dịch bệnh bùng phát khiến các nhà máy ở khắp nơi phải đóng cửa kéo theo nguồn cung về thiết bị không thể đáp ứng kịp tiến độ. Smartphone mới liên tục trễ hẹn khiến dự kiến phủ sóng 5G bị lỗi nhịp.
Thậm chí ở Anh, NewZeland, Hà Lan, Ireland… còn bùng lên làn sóng đốt trạm 5G vì tin giả cho rằng đây là tác nhân khiến Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Tính đến đầu tháng 5, đã có 77 trạm phát sóng 5G bị đốt. Các nhà mạng nước này đã liên tục lên tiếng đính chính, van nài người dân không đốt trạm phát sóng.
Những lệnh cấm của Nhà Trắng cũng khiến smartphone 5G của Huawei khó tiếp cận với người dùng ngoài Trung Quốc, trong đó có thị trường Mỹ. iPhone 12 của Apple được cho là sẽ hỗ trợ 5G cũng phải lùi ngày ra mắt do nguồn cung linh kiện bị ảnh hưởng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến doanh số của hãng, mà người dùng Mỹ và các quốc gia châu Âu, cũng sẽ khó lòng tiếp cận được 5G trên diện rộng trong năm nay.
Tin giả về 5G liên quan đến Covid-19 ở các nước châu Âu khiến nhiều trụ phát sóng bị đốt
Ở Việt Nam, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Á, công cuộc phổ cập 5G không diễn ra mạnh mẽ nhưng cũng không đến mức quá ảm đạm. Dịch bệnh bùng phát khiến cuộc chuyển đổi bị chậm lại. Tuy nhiên, các nhà mạng vẫn tiếp tục triển khai lộ trình phổ sóng trên diện rộng. Tại Việt Nam, ba nhà mạng lớn là Viettel, Mobifone, VNPT đều đã thử nghiệm thành công mạng 5G và đặt mục tiêu thương mại hoá trong tháng 6.
Mạng 5G được dự kiến tạo ra 13.200 tỷ USD trong hoạt động bán hàng trên toàn cầu vào năm 2035. Trong đó, ngành sản xuấtdự kiến đạt doanh thu bán hàng khổng lồ, với 4.600 tỷ USD doanh thu có sự hỗ trợ của 5G. Ngành công nghệ thông tin cũng sẽ “thu về” gần 1.570 tỷ USD, bán lẻ gần 1.200 tỷ đồng…
Hiện 7 quốc gia lớn của thế giới đang “chạy đua” đầu tư vào 5G, chiếm khoảng 79% tổng số đầu tư liên quan tới 5G trên toàn thế giới. Đến năm 2035, Trung Quốc sẽ có thêm 11 triệu việc làm, doanh thu 1.130 tỷ USD từ 5G; Mỹ sẽ đạt doanh thu 786 tỷ USD và tạo ra hơn 2,8 triệu việc làm mới từ 5G; Nhật Bản cũng sẽ đạt 406 tỷ USD và tạo ra 2,3 triệu việc làm mới…
Hiện có 30 quốc gia trên thế giới công bố triển khai 5G. Nếu theo đúng lộ trình, Việt Nam, Trung Quốc sẽ là một trong những quốc gia thương mại hoá 5G sớm nhất thế giới.
Đằng sau làn sóng chống mạng 5G trên toàn cầu và phá hoại trạm gốc 5G ở Anh
Kể từ tuần trước, tại nhiều nơi ở Anh đã xảy ra các vụ phá hoại các tháp phát tín hiệu, trong đó có nhiều trạm gốc 5G. Theo The Guardian ngày 7/4, có ít nhất 20 trạm gốc 5G đã bị phá hỏng.
Chống mạng 5G đã trở thành một trào lưu trên thế giới (Ảnh: Getty).
Mặc dù các cơ quan và chuyên gia ra sức bác bỏ những tin đồn liên quan đến mạng 5G, nhưng trên các nền tảng mạng xã hội, những tin đồn này có xu thế được tìm kiếm và tin theo càng nhiều hơn.
Tờ The Independent của Anh ngày 8/4 đã đưa tin hàng chục ngàn người đang lên kế hoạch phản đối mạng 5G trên mạng xã hội. Những người này tự nhận là những "truthers" (người biết sự thật).
Có cả một kế hoạch chống mạng 5G của hàng ngàn người - theo The Independent
Một nhóm chống mạng 5G lên tới hơn 10.000 người trên Facebook đang lập một kế hoạch phản đối. Họ dự định tiến hành hoạt động phản kháng vào ngày 13/4, kêu gọi toàn thế giới tiến hành cái gọi là "Cuộc nổi dậy Lễ Phục sinh".
Theo thông báo của nhóm và từ các bài phát biểu của các thành viên, lý do của họ để phản đối mạng 5G dựa trên nhiều tin đồn và thuyết âm mưu như "mạng 5G dẫn COVID-19" và "bức xạ 5G gây ung thư".
Các nhà tổ chức hoạt động phản đối đề xuất "tắt các thiết bị kết nối mạng" vào ngày 13/4. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 rất nghiêm trọng, họ vẫn khuyến khích các thành viên chế ra các biểu ngữ, điều này không loại trừ khả năng tiến hành các cuộc tụ tập.
Hàng chục tháp phát tín hiệu ở Anh bị đốt phá bởi những người phản đối mạng 5G
"Chúng tôi muốn mọi người ở khắp mọi nơi nghe thấy cuộc biểu tình im lặng này". Các thành viên của nhóm này tuyên bố: "Hành tinh này đang trông cậy vào bạn".
Có một số lượng rất lớn các nhóm tương tự trên Facebook với chủ đề "Ngăn chặn 5G" với lý do phản đối cũng tương tự, trong đó có nhiều nhóm quy mô rất lớn. Một nhóm phản đối 5G ở Anh có hơn 58.000 thành viên, trong khi một nhóm chống mạng 5G khác ở Nam Phi có 41.000 thành viên.
Các nhóm lớn này đang lên kế hoạch tổ chức các hoạt động phản kháng. Một nhóm nhỏ khác có kế hoạch phản kháng vào ngày 25 tháng 4, nhưng hiện không rõ họ dự định hành động như thế nào.
Các nhóm biểu tình dịp Lễ Phục sinh kêu gọi hành động phi bạo lực, yêu cầu các thành viên không phá hoại các tháp phát tín hiệu. Lý do được nhóm chống 5G đưa ra là: "Các giới trong xã hội đều cần dịch vụ 3G và 4G từ các tháp phát tín hiệu này".
Những người phản đối mạng 5G kêu gọi nổi dậy dịp lễ Phục Sinh
Sự lan truyền của những lời lẽ có vẻ hoang đường này rõ ràng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thực. Một đoàn thể đại diện cho các nhà khai thác mạng di động của Anh cho biết dưới ảnh hưởng của các thuyết âm mưu, đã có các nhân viên viễn thông bị đe dọa.
Do mật độ việc xây dựng các trạm gốc 5G khá dày, hầu hết các trạm gốc đều được "ngụy trang". Vì lý do này, ngoài các hoạt động phản kháng khác nhau, cư dân mạng ở Anh, Hoa Kỳ và các quốc gia khác bắt đầu tìm kiếm các trạm gốc 5G ở xung quanh họ và chụp ảnh để đưa lên mạng. Hoạt động tìm kiếm trạm gốc này rất có khả năng dẫn đến nhiều hành vi phá hoại hơn.
Ông Stephen Bowis, một chuyên gia của Hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (HHS), mấy ngày trước đã tức giận bày tỏ: "Những lời lẽ về mạng 5G đó hoàn toàn là rác rưởi, vô nghĩa và là tin giả tồi tệ nhất".
Ít nhất có một đài phát thanh đã bị các nhà quản lý Anh xử phạt vì đã phát đi "những lời lẽ có hại". Văn phòng Truyền thông Anh (Ofcom) đã đưa ra một tuyên bố nói rằng, "Điều quan trọng là không lan truyền các thông tin sai lệch về dịch bệnh trên đài phát thanh và truyền hình".
Những người phản đối mạng 5G cho rằng nó giám sát khống chế toàn thế giới và gây ung thư
Nhưng những nỗ lực của chính phủ Anh đã có ảnh hưởng rất ít đến mạng Internet. Sự lan truyền của các thuyết âm mưu và những tiếng nói chống mạng 5G đã ngày càng mạnh lên, thậm chí nhiều người nổi tiếng đã bắt đầu truyền đi những lời lẽ sai lầm này.
Trên trang web kiến nghị change.org, số lượng người kiến nghị yêu cầu tháo dỡ các trạm gốc 5G đã tăng mạnh và đã nhận được sự ủng hộ của hàng chục ngàn cư dân mạng các nước. Thậm chí chính phủ Australia cũng đã nhận được Thư thỉnh nguyện chống lại việc xây dựng mạng 5G.
Những cá nhân và tổ chức chống mạng 5G đã trích dẫn một số luận cứ, nhưng những tư liệu này về cơ bản là các nghiên cứu không chuyên nghiệp bậc thứ hai hoặc thậm chí thứ ba, hoặc kiểu cắt gọt, xào xáo. Những "nghiên cứu" này gần như hoàn toàn phi khoa học hoặc cơ bản chưa được chứng thực.
Những người theo thuyết âm mưu cho rằng sóng 5G giúp lây truyền bệnh COVID-19 (Ảnh: Getty).
Hiện nay có nhiều loại tin đồn lưu hành trên các nền tảng mạng xã hội. Ngoài thuyết âm mưu chính cho rằng "mạng 5G sẽ dẫn đến bị bệnh COVID-19", còn có hai tin đồn khác cũng rất phổ biến là: "Bức xạ trạm gốc 5G gây hại cho khả năng miễn dịch của con người" và "Virus Corona mới được truyền qua sóng vô tuyến".
Luận thuyết đầu tiên là những tin đồn về bức xạ trạm gốc thường được nói đến, đây cũng là quan điểm chính của những người phản đối mạng 5G. Trên thực tế, mặc dù tần số 5G cao hơn 4G, nhưng năng lượng vẫn không đủ ảnh hưởng đến cơ thể con người, chứ đừng nói đến việc phá hủy các tế bào. Trên thực tế, những tin đồn về bức xạ trạm gốc 4G phổ biến trước đây cũng giống như thế. Hai loại tin đồn này không có sự khác biệt cơ bản về bản chất.
Thuyết thứ hai thoạt nghe không thể tin được. Thuyết này xuất phát từ một luận văn vào năm 2011. Nội dung của nó là vi khuẩn có thể tạo ra tín hiệu điện từ để liên lạc với nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân gây COVID-19 không phải do vi khuẩn gây ra và những nơi không có mạng 5G cũng vẫn có dịch bệnh. Việc phổ biến luận điểm này thực sự khó hiểu.
Gần 50 ngàn người đã ký tên phản đối mạng 5G trên trang thỉnh nguyện change.org
Ngoài những lời lẽ này, còn có các thuyết âm mưu khác như "COVID-19 là cái cớ để chính phủ che đậy các bệnh do mạng 5G" và "Trung Quốc có ý đồ theo dõi khống chế thế giới" cũng rất phổ biến.
Nhưng cũng có nhiều cư dân mạng đã chống lại các thuyết âm mưu và tin đồn. Họ đã chế giễu những lời lẽ vô căn cứ chống lại mạng 5G. Nhiều cư dân mạng cũng thực hiện phổ biến khoa học. Họ mô tả chi tiết tần số của các loại sóng điện từ khác nhau, giải thích nguyên lý của các trạm gốc 5G và nhấn mạnh thực tế rằng 5G thực sự vô hại.
Một cư dân mạng phản đối thuyết âm mưu đã để lại lời nhắn: "Những người ủng hộ thuyết mạng 5G gây COVID-19 cũng ngu ngốc như những người cho rằng Trái Đất phẳng".
Hành vi không lý trí phá hủy các trạm gốc cũng bị chỉ trích. Thực tế, trạm gốc bị phá hủy ở Birmingham vào ngày 2/4 không hề hỗ trợ mạng 5G. Các cư dân mạng hiểu biết chỉ ra rằng loại hành vi này sẽ chỉ cản trở cuộc sống bình thường và các phản ứng khẩn cấp.
Bốn nhà khai thác mạng viễn thông lớn ở Vương quốc Anh cũng đưa ra một tuyên bố chung chỉ trích thuyết âm mưu là "không có bất cứ cơ sở thực tế nào" và các kỹ sư thậm chí còn bị đe dọa cản trở công việc của họ. Tuyên bố cũng khuyến khích công chúng tích cực ngăn chặn và tố cáo hành vi phá hoại.
Có ý kiến cho rằng các hành động đốt phá tháp phát tín hiệu ở Anh có liên quan đến nguồn gốc Trung Quốc của các thiết bị 5G này
Để hạn chế các hoạt động phản kháng và phá hoại, Facebook đã cho biết họ sẽ xóa những tuyên bố "có thể gây nguy hại cho thế giới thực" và sẽ kiểm tra tính xác thực của các tuyên bố liên quan khác.
Trang web YouTube cũng bày tỏ các video liên kết 5G với bệnh COVID-19 sẽ bị gỡ xuống vì chúng "trích dẫn những nội dung y tế chưa được xác nhận".
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng các hành vi phá hoại các trạm gốc mạng 5G ở Anh có liên quan đến Trung Quốc, nơi được nhiều người cho là khởi nguồn của dịch bệnh COVID-19 bởi các thiết bị mạng này cũng là sản phẩm do Trung Quốc chế tạo.
Thu Thủy
Tin giả 'trạm 5G phát tán Covid-19' có từ đâu Thông tin "trạm 5G có thể phát tán Covid-19" lan truyền trên mạng xã hội, được một số nghệ sĩ chia sẻ, nhưng các nhà khoa học đã bác bỏ. Những ngày qua, có ít nhất bảy trạm phát sóng tại Anh, trong đó có cả những trạm không dùng cho mạng di động tốc độ cao 5G, đã bị phá hoại và...