2 lỗ hổng lớn trong Kế hoạch chống IS của Obama
Cuộc không kích đối với phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria là khởi đầu cho chiến dịch “hiệu quả và lâu dài” nhằm tiêu diệt phần tử cực đoan.Thế nhưng, phiến quân vẫn tỏ ra không hề suy suyển.
Trong khi đó, quân nổi dậy được Mỹ hỗ trợ ở Syria còn phải chiến đấu để sinh tồn ở Aleppo và không thể hưởng lợi từ cuộc tấn công của Mỹ.
Thách thức chủ yếu của chiến dịch lâu này này là sự thiếu vắng một lực lượng trên bộ có thể tin cậy được.
Thời báo New York đưa tin: “Các nhà phân tích quân sự cho biết điểm yếu trong chiến dịch chống lại Nhà nước Hồi giáo vẫn là khả năng huấn luyện và trang bị cho quân đội Iraq và quân nổi dậy ở Syria. Cần phải mất một thời gian dài để xây dựng lực lượng ở cả hai nước để có thể đủ sức tấn công và giữ vững lãnh thổ khỏi tay phiến quân IS”.
Video đang HOT
Ông Obama và chính phủ Mỹ vẫn còn phải đau đầu với vấn đề IS.
Hơn nữa, vấn đề còn nằm ở các phe đối địch với Mỹ tại Trung Đông hiện tại. Do không có quân liên minh để chiếm lấy lãnh thổ từ Nhà nước Hồi giáo sau không kích, những phe đối lập với lợi ích của Mỹ hiện tại, bao gồm quân du kích dòng Shiite do Iran bảo trợ hay quân đội Syria, sẽ được hưởng lợi.
Chuyên gia chống khủng bố Clint Watts nói: “Bằng việc tấn công Nhà nước Hồi giáo, Mỹ đã gây ra hai việc. Đầu tiên, họ vô tình hỗ trợ không lực cho Iran, bởi IRGC (Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran) đã trở thành phòng tuyến cho chính phủ Iraq thân Shiite. Đồng thời, họ trở thành cứu tinh cho chế độ Assad ở Syria, vốn là đồng minh của Iran”.
“Nếu cố gắng tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo mà bỏ qua mối nguy hại của Nội chiến Syria, Mỹ đang làm lợi cho Iran khi nước này đã ngầm cản trở Mỹ trong vấn đề Iraq suốt một thập kỷ qua”.
Vấn đề thứ hai trong kế hoạch của Obama chính là Assad, trước đó nói rằng ông ta vui mừng với kết quả của chiến dịch đánh bom Syria cho đến giờ, mặc cho sự phản đối của người dân.
Assad (trái) được coi là kẽ hở lớn trong kế hoạch của Obama.
“Nếu như có giải pháp cụ thể nhằm vào chế độ độc tài cũng như nhóm phiến quân, thì toàn bộ người dân Syria sẽ đứng về phía chúng tôi và họ sẽ ủng hộ không kích”, đại tá Hassan Hamadi, một cựu sĩ quan quân đội Syria chiến đấu cho quân nổi dậy, cho biết.
Đại tá Hamadi còn nói thêm rằng nếu cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo (và các tổ chức khủng bố khác) bỏ qua mục tiêu trước mắt là chính phủ Assad, thì chiến dịch sẽ “thiếu đi cái gì đó rất quan trọng”.
Kế hoạch của Obama nhằm đạt kết quả là “đến khoảng năm sau, một đội quân Syria gồm 5.000 người được huấn luyện ở Ả Rập Xê-út và các nước khác sẽ sẵn sàng tham chiến”. Đội quân này có nhiệm vụ tấn công Nhà nước Hồi giáo, hiện có quân số ước tính vào khoảng 20.000 đến 32 ngàn quân.
Việc Obama có vẻ muốn hợp tác với Assad, người bị buộc tội tra tấn và đánh bom dân thường và quân cách mạng trên diện rộng, thay vì thúc đẩy quân nổi dậy được coi là một kẽ hở chết người trong kế hoạch diệt trừ IS của ông.
Khalid Saleh, phát ngôn viên của Liên minh Syria, nhóm đối lập chính trị trực tiếp với Assad, trả lời báo Washington Post rằng: “Chúng tôi luôn yêu cầu một chiến lược cụ thể, không chỉ để đối đầu với ISIS hiện tại, mà còn đối với vấn đề chính là chính quyền Assad”.
Phần lớn quân Syria nổi dậy đều đồng ý, nói rằng Assad đã lợi dụng sự xuất hiện của ISIS để đảm bảo chính phủ của mình tồn tại.
Ông Faysal Itani, một thành viên của Atlantic Council (một tổ chức nghiên cứu tình hình thế giới) phân tích trên Thời báo New York rằng giải pháp cho kế hoạch của Obama ở Syria là đẩy nhanh quá trình huấn luyện và trang bị vũ khí cho quân nổi dậy, đồng thời nhắm vào quân IS gần Aleppo. Nếu không, Mỹ sẽ mất đồng minh trên bộ có thể đánh bại IS và đạt mục tiêu chung.
Itani viết: “Nếu ta đẩy lùi được IS khỏi Aleppo và khiến chúng không có đường để sang Thổ Nhĩ Kỳ, quân kháng cự có thể phục hồi, tập trung và giành lại thế chủ động để tấn công chế độ Assad và IS. Nếu Hoa Kỳ tiếp tục để quân nổi dậy không có vũ khí, không có viện trợ và để mặc họ bị bao vây, một trận không kích Nhà nước Hồi giáo về lâu dài sẽ chỉ giúp chính quyền Assad mất đi đối thủ chính trị mà thôi.”
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…
Theo Infonet