1,8 triệu phụ nữ TQ xuất hiện trong danh sách ’sẵn sàng sinh nở’
Nhà nghiên cứu Hà Lan phát hiện cơ sở dữ liệu mở ở Trung Quốc bao gồm thông tin cá nhân gần 1,8 triệu phụ nữ, được tập hợp thành một danh sách với mô tả là ‘Sẵn sàng sinh nở’.
Victor Gevers, chuyên gia mạng người Hà Lan tại nhóm phi lợi luận Quỹ GDI, cho biết ông phát hiện lỗ hổng bộ nhớ đệm (cache) dữ liệu khi đang lướt tìm cơ sở dữ liệu nguồn mở tại Trung Quốc.
Ông cho biết cơ sở dữ liệu bị rò rỉ được liệt kê cụ thể giới tính, học vấn, độ tuổi, tình trạng hôn nhân và một cột thông tin được đặt tiêu đề “Sẵn sàng Sinh nở”, theo Guardian.
“Người trẻ nhất trong nhóm dữ liệu này 15 tuổi. Phụ nữ trẻ nhất với phân loại ‘Sẵn sàng Sinh nở loại’:1 là 18 tuổi. Độ tuổi trung bình của nhóm này là 32, với độ tuổi cao nhất trong nhóm là 39, còn người cao tuổi nhất trong nhóm ‘Sẵn sàng Sinh nở’:0 là 95 tuổi”, Gevers đăng tải trên trang cá nhân trong cuối tuần qua.
Gevers cho biết danh sách mà mình phát hiện đã được tháo gỡ vào trưa 11/3.
Video đang HOT
Dữ liệu được Gevers phát hiện đã tạo nên những bàn tán trên mạng xã hội ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Lỗ hổng dữ liệu được phát hiện trong lúc chính phủ Trung Quốc thời gian qua nhiều lần bày tỏ quan ngại về tỷ lệ sinh con tại nước này đang giảm dần. Nhiều nhóm bảo vệ quyền lợi phụ nữ lo ngại các cơ quan chính phủ có thể dùng một số biện pháp vi phạm quyền riêng tư của người dân để thúc đẩy phụ nữ lập gia đinh và sinh con.
Một số người đọc bảng dữ liệu được Gevers đăng tải cho rằng khái niệm “Sẵn sàng Sinh nở” có thể chỉ là bản dịch không sát nghĩa của một tiêu đề gốc bằng tiếng Hoa. Một số khác cho rằng dữ liệu bị rò rỉ có thể thuộc một ứng dụng hẹn hò, bản thống kê của chính phủ hoặc một tổ chức hay công ty tại Trung Quốc.
Gevers cho biết ông và các đồng nghiệp đang thử liên lạc với một số cá nhân có tài khoản mạng xã hội trong danh sách. Việc này nhằm xác thực liệu những người nằm trong danh sách có ý thức họ bị thu thập thông tin hay không.
Trong quá trình nghiên cứu, Gevers còn tìm thấy gói dữ liệu của một công ty giám sát mạng, thu thập thông tin của gần 2,5 triệu người đang sống ở Tân Cương. Ông cho biết vẫn đang lấy mẫu và tìm cách xác thực dữ liệu
Theo Zing
Rò rỉ 364 triệu hồ sơ cho thấy quy mô giám sát người dân ở Trung Quốc
Đợt rò rỉ khoảng 364 triệu hồ sơ online trong cơ sở dữ liệu Trung Quốc một lần nữa cho thấy rõ quy mô và phạm vi của hệ thống giám sát hàng loạt của Bắc Kinh.
"Quán net" ở Trung Quốc - Ảnh: AFP
Hãng tin AFP cho biết các tệp tin thể hiện rất nhiều thông tin được liên kết với nhiều tài khoản trực tuyến. Trong số này có vị trí GPS, đợt chuyển tập tin và nhật ký trò chuyện, theo cơ sở dữ liệu do Victor Gevers, nhà nghiên cứu bảo mật tại hãng phi lợi nhuận Hà Lan GDI Foundation, phát hiện.
Bộ dữ liệu có phần lộn xộn. Một số đoạn hội thoại đơn giản chỉ là câu nói đùa giữa thanh thiếu niên, như kiểu một nhận xét về kích cỡ quần áo hay cân nặng của ai đó. "Họ biết chính xác ai, khi nào, ở đâu và cái gì", Gevers cho hay, giải thích rằng hàng ngàn hồ sơ được chuyển đến nhiều cơ sở dữ liệu khác nhau để cơ quan thực thi pháp luật địa phương xem xét.
Tài liệu mua sắm của chính phủ và hồ sơ cơ sở dữ liệu được Gevers chia sẻ cho thấy dữ liệu được liên kết với "hệ thống quản lý quán cà phê internet" do Headbond.com, hãng công nghệ có trụ sở ở phía đông tỉnh Sơn Đông, phát triển.
Năm 2017, văn phòng an ninh công cộng ở một thành phố phía đông tỉnh Giang Tô, nơi có ít nhất một quán cà phê internet có tên trong cơ sở dữ liệu, ký hợp đồng về hệ thống giám sát hoạt động trực tuyến tại các quán cà phê internet với HeadBond. Trên trang web, công ty gọi hệ thống quản lý quán cà phê internet của mình là "giải pháp tốt nhất" để xác định người dùng trực tuyến cho cảnh sát.
Thập niên qua, chính phủ Trung Quốc mạnh tay với các "quán net" dạng này, đặc biệt là những địa điểm ngầm phục vụ trẻ vị thành niên với lý do lo ngại tình trạng nghiện game và tội phạm. Luật pháp Trung Quốc yêu cầu các "quán net" ghi lại danh tính và hoạt động trực tuyến "có liên quan" của người dùng, cung cấp chúng cho cơ quan an ninh công theo yêu cầu. Điều này mở ra thị trường các hệ thống giám sát như của HeadBond.
"Điều này cũng giải thích vì sao rò rỉ dữ liệu liên quan đến thông tin cá nhân phổ biến hơn ở Trung Quốc. Bắc Kinh yêu cầu hầu hết dịch vụ mạng phải đăng ký người dùng của họ bằng tên thật. Điều này có nghĩa là mọi nhà khai thác điện thoại di động, cà phê internet, trang mạng xã hội và nhiều loại hình khác bị yêu cầu về mặt pháp lý là phải có cơ sở dữ liệu chứa đầy thông tin cá nhân. Tất cả cơ sở dữ liệu này đều dễ bị tấn công và rò rỉ", Lokman Tsui, chuyên gia về chính sách internet tại Đại học Hồng Kông Trung Quốc cho hay.
Việc thu thập dữ liệu người dùng rộng rãi cũng mở rộng ra ngoài mục đích đã nêu là kiểm soát trẻ vị thành niên lướt web hoặc chơi game. Thông báo mua sắm công của chính phủ thành phố ở phía đông bắc tỉnh Cát Lâm phác thảo thông số kỹ thuật về "hệ thống quản lý quán cà phê internet" khác cho cảnh sát địa phương, với nhiều yêu cầu rõ ràng về các tính năng hỗ trợ truy vấn, phân tích nội dung trên QQ - ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Trung Quốc.
"Thật sốc với lượng dữ liệu cá nhân được thu thập trên người dân Trung Quốc", Bob Diachenko, nhà nghiên cứu bảo mật báo cáo về các đợt lộ dữ liệu ở Mỹ và châu Âu trong vài năm qua, cho hay. Ông Diachenko còn ngạc nhiên hơn khi thấy lượng thông tin bổ sung được liên kết với dữ liệu đăng nhập của người dùng, chẳng hạn như địa chỉ IP, tên và thậm chí thông tin về thành viên gia đình họ.
Tháng trước, Gevers từng tìm thấy cơ sở dữ liệu có thể truy cập công khai chứa thông tin cá nhân như dân tộc, và dữ liệu theo dõi GPS của 2,6 triệu người ở Tân Cương. Hiện truy cập vào cơ sở dữ liệu này đã bị đóng.
Theo Thanh Niên
Hơn 300 triệu tin nhắn riêng tư của người Trung Quốc bị tiết lộ công khai trên internet Từ cơ sở dữ liệu bị rò rỉ này, bất kỳ ai truy cập được nó đều có thể tìm kiếm và xác định nhân dạng cá nhân của bất kỳ công dân Trung Quốc nào. Theo nhà nghiên cứu bảo mật Victor Gevers, người làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận GDI, hơn 300 triệu tin nhắn riêng tư của người...