15% người bệnh đái tháo đường bị trầm cảm
Một nghiên cứu của các bác sĩ tại TP.HCM cho thấy có gần 15% bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú bị trầm cảm.
Tình trạng này xảy ra nhiều ở nữ giới, dễ gây biến chứng thậm chí tử vong.
Thông tin trên được Thạc sĩ, bác sĩ Châu Hoàng Sinh, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Lê Văn Việt (TP.HCM) chia sẻ tại Hội nghị khoa học kỹ thuật lần thứ nhất năm 2023 vào sáng 27/10.
Theo bác sĩ Sinh, nghiên cứu được tiến hành trên 330 bệnh nhân đái tháo đường điều trị ngoại trú trong thời gian 3 tháng. Kết quả cho thấy có 14,8% người bệnh trong đó bị trầm cảm (mức độ từ trung bình đến nặng).
Phân tích cụ thể hơn, có 28,4% bệnh nhân đái tháo đường trong nghiên cứu bị trầm cảm nhẹ; 10,6% bị trầm cảm trung bình; 3,6% bị trầm cảm mức độ trung bình nặng; 0,6% trầm cảm nặng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ trầm cảm ở bệnh nhân nữ bị đái tháo đường cao hơn 3 lần so với người bệnh là nam giới. Tỷ lệ trầm cảm tăng cao ở nhóm bệnh nhân ít thử đường huyết, không tập thể dục, không ăn kiêng và thường xuyên quên uống thuốc.
Bác sĩ Sinh cho biết những yếu tố liên quan đến trầm cảm trên bệnh nhân đái tháo đường gồm giới tính, tình trạng hôn nhân, học vấn và bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Video đang HOT
Bệnh nhân khám và nhận thuốc tại Bệnh viện Lê Văn Việt ngày 27/10. Ảnh: GL.
Trầm cảm và đái tháo đường xảy ra đồng thời sẽ làm xấu hơn tình trạng bệnh nền, dẫn đến tăng gánh nặng kinh tế xã hội, giảm tuân thủ điều trị, giảm chức năng và chất lượng cuộc sống, tăng chi phí điều trị, tăng tỷ lệ biến chứng và tỷ lệ tử vong ở người bệnh.
Do đó, cần chú ý phát hiện sớm trầm cảm để chăm sóc và điều trị bệnh nhân đái tháo đường một cách toàn diện. Bác sĩ nhấn mạnh đái tháo đường là một trong các nguyên nhân tử vong hàng đầu, còn trầm cảm là nguyên nhân hàng thứ tư gây ra gánh nặng bệnh tật của toàn thế giới.
Theo nhiều nghiên cứu khác trên thế giới, tỷ lệ trầm cảm ở người bệnh đái tháo đường dao động từ 6,1% đến 23%, tỷ lệ thay đổi theo từng quốc gia với điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau.
Đái tháo đường là bệnh không lây nhiễm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quan tâm hàng đầu trong chiến lược chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Việt Nam tuy không thuộc nhóm 10 nước có tỷ lệ mắc đái tháo đường cao nhưng lại là quốc gia có tốc độ phát triển bệnh nhanh.
Theo Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành tại nước ta là khoảng 7,3%, tương đương gần 5 triệu người. Tuy nhiên, chỉ một nửa người mắc bệnh được chẩn đoán; một nửa người được chẩn đoán đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Đã có Trung tâm cấp cứu cho người bị trầm cảm ở Tp. Hồ Chí Minh
"Cấp cứu trầm cảm" là hoạt động mới của ngành Y tế TP.HCM nhằm kịp thời tiếp cận người bệnh để chăm sóc và điều trị chuyên khoa kịp thời những trường hợp có biểu hiện trầm cảm thể nặng.
Ngày 22/7, Sở Y tế TP.HCM cho biết đơn vị này sẽ triển khai thử nghiệm "cấp cứu trầm cảm" ngoại viện do Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đảm trách.
"Cấp cứu trầm cảm" ngoại viện là một hoạt động mới được triển khai xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, đặc biệt là giai đoạn sau COVID-19. Đối với người bị trầm cảm, đặc biệt là thể nặng thì việc tìm đến cái chết gần như là kết cục có thể đoán trước được. Do đó, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tự sát và kịp thời gọi đội cấp cứu đến hỗ trợ trở thành một hoạt động thiết thực cần được triển khai.
Trước đó, với chương trình chăm sóc sức khỏe người bệnh tâm thần dựa vào cộng đồng, TP.HCM đã xây dựng được mạng lưới chăm sóc, quản lý từ bệnh viện chuyên khoa đầu ngành đến trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Các bệnh viện chuyên tiếp nhận và điều trị cho người bệnh có triệu chứng tâm thần gồm Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, 4 bệnh viện đa khoa, 3 bệnh viện chuyên khoa nhi với khoảng 90 bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần.
Theo Sở Y tế TP.HCM, với nền tảng sẵn có của mạng lưới các cơ sở y tế chăm sóc người bệnh tâm thần của TP.HCM, việc triển khai mạng lưới nhân viên y tế hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 cho người dân và thực hiện chuỗi hành động điều trị thích ứng các di chứng hậu COVID-19 là hoàn toàn khả thi.
Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã gặp gỡ và đặt vấn đề với các chuyên gia thuộc lĩnh vực chuyên khoa Tâm thần và Cấp cứu ngoài bệnh viện. Tất cả các chuyên gia đều có đồng quan điểm về sự cần thiết khi ngành y tế triển khai thêm hoạt động "cấp cứu trầm cảm". Hoạt động này sẽ do Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đảm trách.
Cụ thể như sau, khi phát hiện người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp, một thành viên trong một tập thể cùng làm việc chung, sinh hoạt chung có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng thì gọi ngay đến số 115 - số trực cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 hoặc số 19001267 - số điện thoại chăm sóc khách hàng của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM.
Sau khi tiếp nhận cuộc gọi, nhân viên y tế trực tổng đài sẽ hỏi một số câu hỏi sàng lọc và sẽ báo tin khẩn cấp đến đội cấp cứu 115. Nhận được tin, đội cấp cứu ngoại viện 115 sẽ tiếp cận hiện trường để thuyết phục và đưa người bệnh đến Bệnh viện tâm thần để được chăm sóc và điều trị. Khi tình trạng rối loạn tâm thần thuyên giảm, người bệnh sẽ được chuyển về địa phương chăm sóc ngoại trú thông qua mạng lưới chăm sóc rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, vì là hoạt động mới, định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất, nên Sở sẽ sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm. Ngành y tế thành phố sẽ triển khai chương trình nâng cao năng lực của các cơ sở y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh tâm thần, đảm bảo hỗ trợ tư vấn, chăm sóc và nâng đỡ tinh thần từ xa và mang nguyên lý "cấp cứu trầm cảm".
Cụ thể:
Thứ nhất: bao gồm thiết lập mạng lưới hệ thống "cấp cứu trầm cảm", hỗ trợ tâm thần khẩn cấp, đào tạo chuyên viên các đơn vị để có khả năng xử trí cấp cứu các vấn đề sức khỏe tâm thần, hỗ trợ khám sàng lọc, tư vấn từ xa giúp giải quyết ngay nhu cầu liên quan tâm lý - tâm thần của người bệnh, thông qua hệ thống kênh tổng đài và đường dây nóng.
Thứ hai: cập nhật kiến thức, đào tạo nguồn lực nhân viên y tế, cộng tác viên điều trị tâm lý tại tuyến cơ sở, nhận dạng các thách thức về sức khỏe tinh thần, kỹ năng cải thiện sức khỏe tinh thần của chính mình thông qua hoạt động tự chăm sóc và khả năng sàng lọc, cấp cứu và chuyển gửi các trường hợp người có vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Thứ ba: triển khai các giải pháp chăm sóc và nâng đỡ tinh thần bằng các biện pháp tư vấn dinh dưỡng, chế độ luyện tập và kết hợp các phương pháp y học hiện đại và cổ truyền.
Các phòng khám tâm thần thuộc các trung tâm y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức tiếp nhận, chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần đã điều trị ổn định từ các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần. Nguồn nhân lực tham gia tại các phòng khám tâm thần là các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa tâm thần, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa nội được đào tạo ngắn hạn (3 tháng) về chăm sóc người bệnh tâm thần.
Các trạm y tế phường, xã, thị trấn tham gia chăm sóc người bệnh tâm thần ổn định và trực tiếp thăm hỏi từng hộ gia đình, cấp phát thuốc cho một số trường hợp đặc biệt. Nhân sự phụ trách là các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng được tập huấn ngắn hạn (3 tháng) về chăm sóc người bệnh tâm thần.
Trà sữa - Nguy cơ gây nghiện và trầm cảm ở giới trẻ Những người trẻ thực chất không nhận ra rằng mình bị phụ thuộc nhiều như thế nào vào trà sữa. Nhưng trên thực tế đã có rất nhiều hệ lụy khi sử dụng trà sữa quá nhiều. Tại các quán trà sữa, đối tượng khách hàng hầu hết người trẻ, thậm chí các em nhỏ cũng có vẻ mê món đồ uống này....