15 năm Tư vấn mùa thi: Nhiều phương thức hỗ trợ học phí
Hơn 1.500 học sinh lớp 12 của TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk có mặt tại buổi Tư vấn mùa thi, do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 23.2, đã đặt rất nhiều câu hỏi về học phí, học bổng và các chế độ ưu đãi dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Học sinh TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tham gia chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra hôm qua – Ảnh: Nguyễn Tập
Không đủ tiền đóng học phí, làm sao ?
Ngay đầu chương trình, học sinh Trương Thùy Mỹ Duyên, lớp 12A3 Trường THPT Hồng Đức, tâm tư: “Em có một người chị đang theo học tại một trường ĐH nhưng hết học kỳ 1 thì phải bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí. Bởi lúc đầu chị không biết trường phải đóng học phí mỗi năm bao nhiêu để xem đủ khả năng trả hay không. Vậy em mong các thầy cô cho biết mức học phí hiện tại của các trường ĐH và mỗi năm học phí có tăng hay không?”. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết: “Tại các trường công lập, mức học phí dao động từ 4 đến 8 triệu/năm. Đối với các trường tư thục hay dân lập, học phí dao động từ 8 triệu đến 30 triệu, tùy theo mỗi ngành. Mức này thường giữ nguyên suốt khóa học”.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Giám đốc cơ sở 5 Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết thêm: “Với những trường đào tạo theo tín chỉ, mức học phí phụ thuộc vào số lượng tín chỉ mà các em đăng ký. Trường có liên kết với một số ngân hàng hỗ trợ sinh viên vay tiền đóng học phí để đảm bảo không có sinh viên nghèo nào phải nghỉ học. Bên cạnh đó, mỗi năm trường dành ra 2,5 tỉ đồng để trao học bổng cho các em có lực học khá, giỏi”.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin thêm ngoài học bổng khuyến khích học tập trích từ nguồn thu của mỗi trường, nhiều trường ĐH, CĐ còn có nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp dành cho sinh viên giỏi hoặc sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Không chỉ quan tâm tới học phí, nhiều học sinh còn lo lắng phải đóng thêm những khoản thu khác ngoài học phí. Thạc sĩ Ngô Thị Hồng Đào, trưởng cơ sở Trường ĐH Công nghiệp tại Quảng Ngãi, thông tin: “Ngoài học phí, thì khi nhập học các em phải đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể (không bắt buộc), khám sức khỏe. Trong năm học cuối, khi làm chuyên đề tốt nghiệp thì sinh viên phải tự mua thiết bị làm đồ án, tài liệu…”. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Thể, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng giáo dục Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho hay khi sinh viên đi thực tập ở các tỉnh xa sẽ phải đóng một khoản nhỏ để phụ trường trong việc di chuyển và ăn ở.
Lo học sư phạm không có việc làm
Video đang HOT
Nguyễn Thu Hương, học sinh Trường THPT Chu Văn An, mong ước trở thành cô giáo. Tuy nhiên, Hương tâm sự: “Em muốn học ngành sư phạm để trở về quê hương dạy nhưng hiện nay một số anh chị học ngành này ra trường tìm việc khá khó khăn. Mong các thầy cô tư vấn cho em”. Bà Lê Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cung cấp thông tin: “Hiện nay nhu cầu nguồn nhân lực viên chức giáo viên trong tỉnh có phần giảm đi. Năm 2012 chỉ tuyển gần 200 chỉ tiêu trên hơn 1.000 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Năm 2014, trong 2 đợt xét tuyển giáo viên chỉ cần gần 150 chỉ tiêu nhưng có đến gần 600 hồ sơ dự tuyển. Nhu cầu tuyển dụng đang giảm rất nhiều. Tuy nhiên nếu các em yêu thích ngành sư phạm thì vẫn có thể có sự lựa chọn sau khi cân nhắc kỹ”.
Tại khu vực Tây nguyên, ĐH Tây nguyên hiện đang đào tạo 10 ngành sư phạm. Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: “Năm 2013, Bộ yêu cầu giảm chỉ tiêu các ngành sư phạm, nên trường chỉ tuyển 60 chỉ tiêu mỗi ngành. Năm nay, Bộ tiếp tục giảm nữa, nên số lượng chỉ còn 55 chỉ tiêu mỗi ngành. Tuy nhiên, nếu có ước mơ làm giáo viên, thì các em cứ đăng ký. Quan trọng là trong quá trình học phải nỗ lực rất nhiều để nếu ra trường có được tấm bằng giỏi thì các em sẽ được ưu tiên tuyển dụng nhiều hơn”.
Hôm nay (24.2), chương trình tiếp tục chuỗi tư vấn lớp ở các trường THPT tỉnh Đắk Lắk.
Theo TNO
15 năm Tư vấn mùa thi: Giải đáp những thắc mắc cụ thể
Trong hai ngày 20 và 21.2, chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức đã đến với gần 2.000 học sinh của H.Di Linh và TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Học sinh Trường THPT Tây Sơn nhận CD trắc nghiệm tại chương trình Tư vấn mùa thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Các chuyên gia tư vấn đã đến tận lớp học của các trường THPT Di Linh, Trần Phú, Tây Sơn, Hermann Gmeiner, Bùi Thị Xuân và Langbiang để giải đáp thắc mắc, cập nhật những thông tin mới và quan trọng nhất của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
Học phí theo tín chỉ là gì ?
Trần Thị Lan Anh, học sinh lớp 12B10 Trường THPT Tây Sơn, thắc mắc: "Em nghe nói các trường đào tạo theo tín chỉ, vậy học phí có khác gì so với trước đây không? Một học kỳ phải đóng bao nhiêu?". Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, giải thích: "Trước đây đa số các trường đào tạo theo niên chế thì học phí sẽ tính cố định theo học kỳ. Hiện nay hầu hết đào tạo theo tín chỉ thì học phí mỗi học kỳ phụ thuộc vào số lượng tín chỉ mà các em đăng ký học". Tiến sĩ Trần Mạnh Thành lưu ý thêm, ngay đầu năm học, thí sinh phải biết được chương trình học gồm bao nhiêu tín chỉ để sắp xếp số lượng phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế gia đình.
Tại Trường THPT Di Linh, H.Di Linh, vì nhiều học sinh thuộc gia đình khó khăn, nên cả phụ huynh và thí sinh đều quan tâm tới học phí của các trường ĐH-CĐ. Thạc sĩ Nguyễn Trọng Thể, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết các trường ĐH công lập mỗi năm học phí từ 5 - 6 triệu đồng. Trường ngoài công lập có mức học phí riêng, trên 10 triệu đồng trở lên tùy ngành học.
Theo ông Lê Quang Ổn, Hiệu trưởng Trường THPT Di Linh, năm 2013, sau khi đoàn tư vấn của Báo Thanh Niên đến trường, học sinh đã biết chọn nghề chính xác, phù hợp bản thân hơn. Ngoài ra, học sinh rất cần biết mức học phí phải đóng suốt 4 năm học để xem có khả năng theo học trường nào. "Có nhiều em Trường THPT Di Linh học ĐH rất giỏi nhưng chỉ vì không đủ tiền học mà chỉ học được 1, 2 học kỳ phải bỏ giữa chừng. Điều đó rất tội cho các em", ông Ổn cho hay.
Đơn vị duy nhấtđến với học sinh nhiều tỉnh Tây Nguyên
Sáng nay (22.2), Đài phát thanh truyền hình Lâm Đồng sẽ phát sóng trực tiếp chương trình Tư vấn mùa thi tại Trường THPT Đức Trọng (H.Đức Trọng). Gần 2.000 học sinh lớp 12 trong huyện sẽ tham gia trực tiếp. Phụ huynh và học sinh có thể đặt câu hỏi qua đường dây nóng: 0633.648881 - 0633.648882 để được các chuyên gia tư vấn, giải đáp.
Từ ngày 23.2 đến 2.3, chương trình tiếp tục tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, Báo Thanh Niên là đơn vị duy nhất tổ chức được chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh rộng khắp các tỉnh Tây nguyên (trừ Đắk Nông). Với hơn 100.000 thí sinh dự thi ĐH, CĐ hằng năm, việc nhiều trường ĐH, CĐ ở TP.HCM cùng tham gia đoàn tư vấn có ý nghĩa rất quan trọng và hết sức cần thiết. Việc thay đổi một số quy định tuyển sinh, một số trường ĐH, CĐ tổ chức tuyển sinh riêng, điều chỉnh ưu tiên liên quan đến khu vực 1 và đối tượng 1... là những thông tin mà thí sinh đang quan tâm và sẽ được các chuyên gia giải đáp cặn kẽ.
Điểm sàn và điểm chuẩn
Liên quan đến điểm sàn và điểm trúng tuyển, Lê Thị Thu Hà, học sinh Trường THPT Hermann Gmeiner, hỏi: "Em thấy Bộ có điểm sàn, rồi có trường cũng công bố điểm sàn của riêng mình, rồi lại điểm chuẩn? Như vậy, điểm sàn và điểm chuẩn khác nhau như thế nào?". Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, giải thích: "Điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định, là mức điểm tối thiểu để các trường căn cứ vào đó xây dựng điểm chuẩn. Còn điểm chuẩn là điểm mà mỗi trường quy định riêng, căn cứ vào chỉ tiêu, số lượng thí sinh dự thi và chất lượng điểm của thí sinh thi vào trường". Thạc sĩ Vũ cho biết thêm có trường lấy điểm trúng tuyển chung cho tất cả các ngành, có trường lấy điểm theo nhóm ngành, sau 3, 4 học kỳ mới phân ngành. Cũng có trường quy định điểm chuẩn riêng của mỗi ngành là khác nhau.
Một số học sinh Trường THPT Hermann Gmeiner thắc mắc nếu học lực trung bình, không đạt cả điểm sàn ĐH thì có cơ hội xét tuyển vào những trường CĐ nào? Ông Nguyễn Đức Lịch, đại diện Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex, tư vấn: "Hiện nay có rất nhiều trường CĐ đào tạo đa ngành đa nghề chỉ lấy điểm chuẩn, điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung bằng mức điểm sàn CĐ của Bộ, nghĩa là thấp hơn mức điểm sàn ĐH. Cơ hội vào CĐ luôn rộng mở với thí sinh có học lực trung bình khá".
Tặng CD Luyện thi trắc nghiệm
Bạn đọc cắt phiếu này mang đến tòa soạn Báo Thanh Niên hoặc các điểm diễn ra chương trình Tư vấn mùa thi 2014 theo lịch trình.
- Tòa soạn tại TP.HCM: 248 Cống Quỳnh, Q.1 (TP.HCM).
- Tuần này chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại Tây nguyên: Lâm Đồng: Trường THPT Đức Trọng (H.Đức Trọng) từ 8 - 10 giờ ngày 22.2; Đắk Lắk: Trường THPT Hồng Đức (số 3 Lê Hồng Phong, TP.Buôn Ma Thuột ) từ 14 -16 giờ ngày 23.2; Gia Lai: Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh (60 Hai Bà Trưng, P.Tây Sơn, TP.Pleiku) từ 14 giờ 30 - 16 giờ 30 ngày 1.3; Kon Tum: Trung tâm văn hóa thể thao thanh thiếu nhi tỉnh (QL24, P.Duy Tân), từ 14 giờ 30 -16 giờ 30 ngày 2.3.
Đài phát thanh truyền hình Lâm Đồng trực tiếp chương trình từ 8 - 10 giờ hôm nay
Số điện thoại nóng: 0633.648881 - 0633.648882
Theo TNO
Học lực trung bình khá vẫn có cơ hội vào khối ngành kỹ thuật - công nghệ Buổi truyền hình trực tuyến trong chuỗi chương trình tư vấn tuyển sinh với chủ đề "Chọn ngành nghề phù hợp" do báo Thanh Niên tổ chức vào chiều 18.2 với nội dung những lưu ý thi khối ngành kỹ thuật và công nghệ đã giải đáp nhiều thắc mắc và cung cấp những thông tin bổ ích cho các học sinh và...