14 trường học tại Lâm Đồng tham gia ‘Thư viện thân thiện’
Chọn sách phù hợp lứa tuổi và thiết kế thư viện thân thiện giúp học sinh nuôi dưỡng văn hoá đọc.
Trên tạp chí Thư viện Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Minh Nguyệt – Đại học Văn hoá Hà Nội chia sẻ: “Có thể coi thư viện trường tiểu học như một trung tâm giáo dục văn hoá đọc cho các em học sinh”.
Một hoạt động mà 14 trường tiểu học công lập tại Lâm Đồng đang tham gia nhằm khuyến khích văn hóa đọc là dự án Thư viện thân thiện. Tỉnh tiếp nhận hơn 51.000 cuốn sách do ABBank tài trợ, bổ sung những đầu sách hay dành cho lứa tuổi tiểu học.
Xây dựng văn hóa đọc từ lứa tuổi tiểu học rất quan trọng. Ảnh: Room To Read.
Ngoài việc chọn sách, cách sắp xếp của thư viện và không gian đọc cũng là một yếu tố quan trọng. Nhằm giúp các em dễ dàng chọn sách phù hợp lứa tuổi, các thư viện trường đã thay đổi cách phân chia đầu sách bằng màu sắc dưới sự tư vấn của tổ chức Room To Read. Các kệ màu đỏ chứa đựng những cuốn sách dành cho học sinh lớp một, xanh cho lớp hai, vàng cho lớp ba…
Không gian thư viện cũng được thiết kế sáng tạo, bổ sung thêm góc viết hoặc vẽ để khuyến khích học sinh chia sẻ lại những câu chuyện hoặc kiến thức đã đọc từ sách. Nhiều trường cũng đã đẩy văn hoá đọc bằng cách tận dụng mọi không gian để làm góc đọc sách như hành lang, góc cầu thang.
Phân biệt bằng màu sắc bao giờ cũng đơn giản và tạo sự hứng thú hơn cho các em. Ảnh: Room To Read
Video đang HOT
Ngoài ra, để giúp học sinh hiểu những câu chuyện đã đọc, các thầy cô sẽ có nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức các buổi đọc sách chung, kể lại câu chuyện vừa đọc hoặc nghe được, trao đổi về những nhân vật, chi tiết mà các em yêu thích, thử tài viết hoặc vẽ hoặc làm thơ về những câu chuyện liên quan…
Trường Tiểu học Nam Thiên (Đà Lạt) vừa qua còn tổ chức Ngày đọc sách dành cho học sinh trước khi vào hè. Nhà trường đã tạo ra nhiều góc đọc sách thú vị, mời cả phụ huynh đến để đọc sách cùng con. “Nhiều người thừa nhận, do cuộc sống bận rộn nên đã ít dành thời gian cho con, đặc biệt là việc đọc sách cùng con. Qua Ngày đọc sách, phụ huynh đã có khoảng thời gian để cùng con lựa chọn những cuốn sách bổ ích”, thầy Trần Đức Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Dành thời gian đọc sách cùng con trẻ là một hoạt động nên được ưu tiên. Ảnh: Room To Read
Cũng theo thầy Trần Đức Lợi, việc nuôi dưỡng văn hóa đọc trong không gian trường học rất quan trọng vì nó là cơ sở để phát triển phẩm chất cho các em khi còn ở lứa tuổi tiểu học. Tổ chức nhiều hoạt động đọc chung, chia sẻ kiến thức từ sách với bạn bè và thầy cô sẽ giúp các em nuôi dưỡng tình yêu với sách, ý thức được việc trân trọng và giữ gìn thói quen đọc sách.
Thế Đan
Theo VNE
Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng góp phần phát triển văn hóa đọc
Hơn 10 năm qua, hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đã phát triển về nhiều mặt, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển văn hóa đọc, tạo không gian giúp cho người dân học tập suốt đời.
Đông đảo bạn đọc đến thư viện cộng đồng thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)
Ngày 30/5, tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, nhằm đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị định 02/2009/NĐ-CP ngày 6/1/2009 của Chính phủ, quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.
Ngày 6/1/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2009/NĐ-CP quy định về tổ chức hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Kể từ đó đến nay đã hơn 10 năm, hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng ở Việt Nam đã phát triển về nhiều mặt, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển văn hóa đọc, tạo không gian giúp cho người dân học tập suốt đời.
Chính phủ đã quan tâm tạo điều kiện để phát triển mạng lưới thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và thư viện cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu đọc, cung cấp thông tin của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.
Theo báo cáo, hiện nay, cả nước có 102 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; trong đó, có 71 thư viện tư nhân hoạt động như thư viện công cộng, 13 thư viện tư nhân chuyên ngành, 18 thư viện tư nhân hoạt động với hình thức thư viện do các gia đình, dòng họ thực hiện. Số người sử dụng thường xuyên tại thư viện tư nhân lên đến 536.284 bạn đọc (trung bình 6.094 bạn đọc/thư viện/năm).
Các tham luận tại Hội nghị đã tập trung đánh giá thực trạng hoạt động của các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng ở các địa phương và thư viện cơ sở trên toàn quốc; nhận dạng những thuận lợi, khó khăn và đề ra các giải pháp nâng cao hoạt động của thư viện tư nhân, thư viện cơ sở trong hỗ trợ việc học và tự học của người dân, góp phần phát triển văn hóa đọc ở địa phương. Các đại biểu giới thiệu nhiều mô hình thư viện tư nhân, thư viện cơ sở có thành tích xuất sắc trong hoạt động phục vụ người dân ở các địa phương.
Đánh giá hoạt động của các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà cho biết các thư viện tư nhân, thư viện cơ sở đã trở thành một thiết chế văn hóa quen thuộc với người dân tại nhiều địa phương, góp phần không nhỏ vào việc triển khai thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo.
Một số thư viện tư nhân và thư viện cơ sở không chỉ đơn thuần phục vụ đọc sách báo, mà còn trang bị cho người đọc, đặc biệt là trẻ em nhỏ kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, thân ái, biết yêu thương chia sẻ... Nhiều thư viện cơ sở đã trở thành "cánh tay nối dài" của chính quyền xã, phổ biến kịp thời đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân.
Phương thức hoạt động của thư viện tư nhân và thư viện cơ sở không ngừng được đổi mới. Số lượng các thư viện áp dụng công nghệ thông tin tăng cao, người dân có điều kiện tiếp cận với máy tính và Internet tại thư viện. Gần 20% số thư viện xã đã được trang bị máy tính, tỷ lệ này tuy chưa cao, nhưng đã phát triển vượt bậc so với năm 2009.
Các em học sinh vùng cao Sơn La được tiếp cận với nhiều loại sách báo bổ ích thông qua xe thư viện lưu động. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
Tuy vậy, quá trình thực hiện Nghị định 02/2009/NĐ-CP quy định về tổ chức hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng còn bộc lộ một số khó khăn. Cơ sở vật chất chưa được đầu tư đúng mức, nguồn kinh phí hoạt động còn eo hẹp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn nhiều hạn chế. Một số địa phương còn chưa tạo điều kiện cho thư viện tư nhân làm thủ tục đăng ký, triển khai các hoạt động phục vụ... nên chưa thực sự hấp dẫn và thu hút được đông đảo người dân.
Nhiều thư viện tư nhân có vốn tài liệu rất quý, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đơn vị trong và ngoài địa phương, hoạt động hiệu quả và có hiệu ứng mạnh, lan tỏa trong cộng đồng nhưng lại không duy trì được lâu vì không có người kế cận. Vì thế, khi chủ nhân thư viện ốm, tuổi cao... thư viện phải đóng cửa.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định, Nghị định 02/2009/NĐ-CP có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thư viện Việt Nam nói chung và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng nói riêng. Các thư viện tư nhân, thư viện cơ sở đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển văn hoá đọc và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục xác định việc tăng cường các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng đạo đức, tư tưởng và nhân cách con người Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định liên quan đến thư viện tư nhân, thư viện cơ sở trong dự thảo Luật Thư viện, các nội dung quy định trong dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thư viện.
Phương Lan
Theo TTXVN/Vietnamplus
Đưa sách gần hơn với học sinh Cùng với mô hình thư viện xanh ngay tại sân trường nhằm thu hút HS đọc sách một cách thuận tiện, thân thiện, từ khoảng 7 năm trở lại đây, trường THCS Kim Đồng (Q Hải Châu, TP Đà Nẵng) duy trì Ngày tặng sách, quyên góp SGK, sách truyện trong phụ huynh và HS. Nguồn sách này, một phần nhà trường dùng...