110.000 học sinh lớp 3 học an toàn giao thông
Năm học 2012-2013, chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” sẽ được mở rộng thực hiện tại các trường tiểu học ở 11 tỉnh, thành. Ước khoảng 110.000 học sinh thuộc khối 3 tham gia sự kiện này.
Cuộc thi nhằm mang lại cho trẻ nhỏ những kiến thức về an toàn giao thông, giúp học sinh tiểu học biết cách tự bảo vệ mình, tránh tai nạn khi đi trên đường. Từ đó, khi lớn lên, các em sẽ trở thành những công dân có ý thức khi tham gia giao thông.
Sau 13 buổi tập huấn giáo viên, 14 chương trình vui học mẫu, ban tổ chức đã triển khai hội thi chung kết “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” năm học 2012 – 2013, nhằm khuyến khích thầy cô giáo và các em học sinh tích cực hơn trong hoạt động dạy và học. Đây là lần thứ tư liên tiếp hội thi được thực hiện, thu hút gần 4.000 giáo viên và 110.000 em học sinh lớp 3 của 707 trường tiểu học tại 11 tỉnh, thành phố tham gia. Ngoài ra, các em học sinh lớp 3 trên toàn quốc cũng có thể tham gia cuộc thi trực tuyến trên website www.honda.com.vn.
Đối với cuộc thi dành cho giáo viên, chương trình đã chọn ra 106 bài xuất sắc để trao giải, đồng thời phát động cuộc thi soạn giáo án điện tử nhằm chọn ra 6 thầy cô xuất sắc nhất để tham dự cuộc thi chung kết giáo viên dạy giỏi. Với cuộc thi dành cho học sinh, trên cơ sở các bài thi viết gửi về, ban tổ chức đã tiến hành chấm điểm và chọn ra 400 em đạt giải khuyến khích và 15 em xuất sắc nhất tham dự vòng thi chung kết giao lưu tìm hiểu.
Video đang HOT
Hội thi chung kết giao lưu tìm hiểu dành cho giáo viên diễn ra ngày 6/3 tại trường tiểu học Bầu Sen, quận 5, TP HCM; dành cho học sinh và lễ trao giải ngày 7/3 tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP HCM, số 4 Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé.
Chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ” được bắt đầu tổ chức từ năm 2008 do công ty Honda Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Cục cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt thực hiện, dành cho các em học sinh lớp 3. Năm nay, với sự hợp tác thêm với các Cửa hàng bán xe và dịch vụ do Honda ủy nhiệm (HEAD), cuộc thi sẽ được mở rộng triển khai ở 11 tỉnh, thành, tăng gần gấp đôi so với những năm trước đó.
Theo VNE
Đà Nẵng khảo sát việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho HS tiểu học
Theo khảo sát của Sở GD-ĐT Đà Nẵng ở một số trường Tiểu học trên địa bàn thành phố cho thấy, những nội dung cần được tập trung nhiều hơn trong buổi học thứ hai như tổ chức cho HS sinh hoạt tập thể, ngoại khóa... chưa được thực hiện thường xuyên.
Theo chủ trương của Bộ GD- ĐT về việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh (HS) tiểu học, thì ở buổi học thứ hai, HS chủ yếu được học thêm các môn ngoại khóa, năng khiếu, sinh hoạt tập thể trên tinh thần "học mà chơi". Chủ trương của Bộ hướng tới mục tiêu giúp trẻ phát huy tính sáng tạo, nâng cao tinh thần tự học. Qua đó, trẻ được phát triển toàn diện hơn. Thế nhưng, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho HS tiểu học, qua khảo sát thực tế ở Đà Nẵng, hiện nay có thể nói là thực tế chưa đạt được các tiêu chí như chủ trương của Bộ.
Đáng lẽ, theo chủ trương của Bộ, ngoài buổi học chính khóa, buổi học còn lại, chủ yếu dành thời gian vào việc tổ chức cho HS học các môn tự chọn, năng khiếu năng như Ngoại ngữ, Tin học, Thể dục, Nhạc, Họa và sinh hoạt tập thể, ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống... Trên thực tế hiện nay, nhiều trường tại Đà Nẵng chưa thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, học các môn tự chọn, năng khiếu như trên.
Nhiều trường Tiểu học có tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chưa thường xuyên tổ chức cho HS sinh hoạt ngoại khóa, vui chơi tập thể như thế này.
Buổi học ngoài chương trình chính khóa nếu đúng như chủ trương của Bộ, sẽ giúp giáo viên (GV) có điều kiện gần gũi HS, biết năng lực của từng em để giúp các em phát triển đúng hướng như bồi dưỡng năng khiếu cho các em có năng lực ở các môn năng khiếu; hay phụ đạo, củng cố, ôn tập kiến thức thêm cho HS còn yếu, kém trong các môn học chính khóa.
Phần khác, HS tiểu học được dạy học 2 buổi/ngày, được học tập và vui chơi trong ngày ngay tại trường, giảm "gánh nặng" cho phụ huynh trong việc đưa đón, chăm lo cho con trẻ học hành, vui chơi. Điều này rất thiết thực trong điều kiện áp lực công việc, mưu sinh của các phụ huynh cũng nhiều như việc nhà như hiện nay, nhất là ở đô thị.
Có thể nói, nếu đúng như mục tiêu đề ra thì chủ trương dạy học 2 buổi/ngày là đúng, cần cho các em HS tiểu học đang ở độ tuổi quan trọng hình thành nền tảng tri thức và cả nhân cách; cũng như làm đẹp lòng phụ huynh, giúp phụ huynh yên tâm cho trẻ học và chơi ở trường cả ngày. Thế nhưng, trong thực tế, việc triển khai chương trình dạy 2 buổi/ngày hiện nay vẫn còn nhiều bất cập.
Theo khảo sát của Sở GD-ĐT Đà Nẵng ở một số trường Tiểu học trên địa bàn thành phố cho thấy, việc tổ chức dạy buổi học thứ hai ở trường vẫn còn chủ yếu là để củng cố kiến thức, tập trung bồi dưỡng hai môn Toán và Tiếng Việt, hoặc tổ chức dạy các tiết học mà ở buổi học thứ nhất, HS học chưa xong do thời khóa biểu buổi học thứ nhất thiếu thời lượng để hoàn tất chương trình...
Trong khi đó, những nội dung cần được tập trung nhiều hơn trong buổi học thứ hai như tổ chức cho HS sinh hoạt tập thể, ngoại khóa, giảng dạy các bộ môn năng khiếu thì lại chưa được thực hiện thường xuyên. Nhiều trường trên địa bàn TP. chưa hoặc có thì cũng thỉnh thoảng mới tổ chức các hoạt động giao lưu, hội thi đố vui để học, thi năng khiếu... các diễn đàn ngoại khóa cho HS có cơ hội được thể hiện kiến thức, năng khiếu, nguyện vọng...
Một trong những nguyên nhân tồn tại là trong thực tế vẫn còn một số GV chưa thực sự kỳ công đầu tư cho giáo án, chưa có nhiều sáng tạo, chưa mặn mà với việc đổi mới phương pháp giảng dạy để giúp HS cảm thấy việc học tập ở trường hấp dẫn, thú vị hơn. Việc thiếu GV có trình độ chuyên môn đúng và dạy được các môn tự chọn, năng khiếu ở bậc Tiểu học cũng thêm khó khăn cho việc triển khai tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở các trường Tiểu học. Những tồn tại này được ghi nhận là không riêng gì ở Đà Nẵng, mà là khó khăn chung trong việc triển khai dạy 2 buổi/ngày cho HS Tiểu học.
Để triển khai tốt hơn việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho HS Tiểu học, hướng tới đúng mục tiêu của Bộ, thì như ông Nguyễn Trường - Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Đà Nẵng đề xuất trong một buổi họp về chuyên đề này của ngành thì ngoài việc tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ GV, phát huy hơn nữa năng lực của đội ngũ quản lý, là những điều kiện cần; thì phải có thêm điều kiện đủ nữa là đầu tư kinh phí, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đảm bảo cho việc dạy và học 2 buổi/ngày ở bậc Tiểu học.
Khánh Hiền
Theo dân trí
Độc đáo thư viện đặt sách trong... gùi Những chiếc gùi xinh xắn treo dưới mỗi gốc cây trong sân trường, bên ngoài mỗi chiếc gùi được trang trí đẹp mắt với dòng chữ "Hãy đọc sách các em nhé!", bên trong là nhiều lại sách, truyện phù hợp với lứa tuổi của học sinh tiểu học. Đó là những thư viện được thiết kế lộ thiên ngay trong sân trường...