100 nghị sĩ Cộng hòa có thể tham gia ‘lật kèo’ bầu cử
Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger bày tỏ lo ngại có tới 100 đảng viên Cộng hòa sẽ thách thức kết quả kiểm phiếu của đại cử tri tại phiên họp quốc hội ngày 6/1.
“Hy vọng tôi sai”, Kinzinger hôm 30/12 nói khi đưa ra dự đoán. Ông cho rằng nếu các thành viên trong đảng tiếp tục thách thức kết quả bầu cử, đó sẽ là hành động “gây thiệt hại to lớn và phá hoại nền dân chủ”.
“Nó giống như sự việc ở Texas vậy. Họ biết rằng mọi chuyện chẳng đi đến đâu, nhưng việc ký tên vào đơn vẫn dễ dàng hơn nhiều so với việc thực sự bảo vệ nó”, Kinzinger nhận định.
Ông đề cập tới vụ kiện do Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton khởi xướng hồi đầu tháng này nhằm ngăn các đại cử tri ở 4 bang chiến trường bỏ phiếu cho Tổng thống đắc cử Joe Biden. Hơn 100 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã ký ủng hộ vụ kiện bất thành này.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Adam Kinzinger phát biểu tại Nhà Trắng hồi tháng 3/2019. Ảnh: AP.
Hạ nghị sĩ Kinzinger là một trong số ít đảng viên Cộng hòa liên tục chỉ trích những cáo buộc gian lận bầu cử của Tổng thống Trump. Ông cho rằng việc Tổng thống và đồng minh tiếp tục nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử là “trò lừa đảo”.
Video đang HOT
Trong khi đó Josh Hawley, từ bang Missouri, hôm 30/12 đã trở thành thượng nghị sĩ đầu tiên thông báo sẽ thách thức việc chứng nhận chiến thắng của Biden tại phiên họp quốc hội ngày 6/1.
Phó tổng thống Mike Pence kiêm Chủ tịch Thượng viện hôm 6/1 sẽ chủ trì phiên họp, xác nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn và tuyên bố người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay. Trump và các đồng minh đang lên kế hoạch “lật kèo” kết quả bầu cử bằng cách để các nghị sĩ Cộng hòa nộp văn bản kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri ở các bang chiến trường bị cáo buộc gian lận.
Các đồng minh của Trump tại quốc hội dự định nộp danh sách đại cử tri thay thế và đã đệ đơn kiện yêu cầu thẩm phán liên bang tuyên bố Phó tổng thống Pence là người duy nhất có quyền định đoạt phiếu đại cử tri, qua đó tuyên bố Trump là người chiến thắng. Tuy nhiên, mọi kịch bản “lật kèo” bầu cử đều được nhận định không có khả năng thành công.
Trước ngày 6/1, thay vì nhận thua, Trump cùng các đồng minh vẫn thực hiện nhiều kế hoạch nhằm đảo ngược kết quả bầu cử. Tổng thống Mỹ còn cảnh báo sẽ xảy ra cuộc biểu tình “rầm rộ” tại thủ đô Washington vào ngày xác nhận kết quả bầu cử.
Loạt chính khách Mỹ kêu gọi công nhận Biden thắng
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Shelby, Thống đốc Louisiana Edwards kêu gọi người Mỹ công nhận chiến thắng của Biden và đưa đất nước "sang trang".
"Đại cử tri đoàn đã họp vào đầu tuần này, đó là quy trình hiến định của chúng ta để xác định kết quả của cuộc bầu cử tổng thống. Các đại cử tri đã bầu 306 phiếu cho Joe Biden và 232 phiếu cho Donald Trump, giúp Biden trở thành Tổng thống đắc cử", thượng nghị sĩ Richard Shelby, thành viên đảng Cộng hòa, cho biết trong cuộc phỏng vấn hôm 16/12.
"Dù tôi ước kết quả sẽ khác, nhưng đã tới lúc chúng ta phải bước sang trang mới", ông nói thêm.
Thượng nghị sĩ Richard Shelby tại thủ đô Washington hôm 2/7. Ảnh: AFP.
John Bel Edwards, thống đốc Louisiana, cùng ngày cũng kêu gọi mọi người nhanh chóng công nhận Biden là Tổng thống đắc cử, bất chấp các đảng viên Cộng hòa trong phái đoàn quốc hội bang phản đối điều này.
"Tôi là một luật sư. Tôi biết tòa án của chúng ta tồn tại để giải quyết các tranh chấp, nhưng tranh chấp cần phải có thật", Thống đốc Edwards, một đảng viên Dân chủ, nói, cho rằng nếu có bằng chứng thực sự về gian lận bầu cử quy mô lớn, Trump và các đồng minh đã phải trưng được chúng ra. "Nhưng sự thật là họ đã không đưa được bất kỳ bằng chứng nào", ông cho hay.
Edwards nói thêm ông lấy làm tiếc khi Tổng chưởng lý bang Jeff Landry, thành viên đảng Cộng hòa, ủng hộ vụ kiện của Texas nhằm đảo ngược chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Dù tránh chỉ trích trực tiếp Tổng thống Trump, Thống đốc Edwards lưu ý rằng nhiều tòa án bang và liên bang khắp cả nước đã bác các vụ kiện về gian lận bầu cử.
Thống đốc Louisiana John Bel Edwards tại thành phố New Orleans hồi tháng 6/2018. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, trong khi Thống đốc Edwards kêu gọi mọi người nên chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử, các thành viên đảng Cộng hòa trong phái đoàn quốc hội Louisiana vẫn không thừa nhận chiến thắng của Biden.
Ngay cả khi đại cử tri đoàn hôm 14/12 đã bỏ phiếu xác nhận Biden là Tổng thống đắc cử, nhóm đảng viên Cộng hòa này vẫn không thay đổi quan điểm. Phát ngôn viên của Thượng nghị sĩ Mỹ John Kennedy tuyên bố ông vẫn "tiếp tục theo dõi các quy trình pháp lý và hiến pháp".
Hạ nghị sĩ Clay Higgins thậm chí còn công kích chiến thắng của Biden. "Joe Biden có thể nhậm chức vào ngày 20/1. Theo quan điểm của tôi, đó sẽ là lễ nhậm chức không công bằng, là kết quả của cuộc bầu cử bị dàn xếp. Đó chính là ngày u ám cho phe Cộng hòa chúng ta", Higgins nói.
Văn phòng của các hạ nghị sĩ Cộng hòa Steve Scalise, Mike Johnson, Ralph Abraham và Garret Graves hiện không trả lời về việc liệu họ có chấp nhận kết quả bầu cử và lễ nhậm chức sắp tới của Biden hay không.
Trước đó, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnel đã chúc mừng Biden đắc cử, đồng thời yêu cầu các thượng nghị sĩ Cộng hòa không tham gia vào nỗ lực nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.
"Nền dân chủ được vận hành tốt nhất khi người thua cuộc thừa nhận thất bại, nhẹ nhàng rời đi và cùng phối hợp để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ", Thống đốc Edwards nói.
Ngày 6/1, Phó tổng thống Mỹ và cũng là Chủ tịch Thượng viện Mike Pence sẽ chủ trì phiên họp quốc hội toàn thể để chứng nhận phiếu đại cử tri của từng bang, theo thứ tự bảng chữ cái. Đây là bước cuối cùng trong quá trình kiểm phiếu đại cử tri và cũng gần như khép lại tranh cãi về cuộc bầu cử.
Nghị sĩ đắc cử Mỹ qua đời vì Covid-19 Luke Letlow, đảng viên Cộng hòa, qua đời ở tuổi 41 do biến chứng Covid-19 hôm 29/12, chỉ vài ngày trước khi nhậm chức nghị sĩ đại diện bang Louisiana. Một người bạn của gia đình nghị sĩ đắc cử Letlow xác nhận ông đã qua đời trong phòng chăm sóc tích cực tại một bệnh viện ở thành phố Shreveport, bang Louisiana....