100 năm Trường Áo Tím – Gia Long – Minh Khai
Cuối tuần qua, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM tổ chức lễ hội kỷ niệm 100 ngày thành lập Trường “Áo Tím – Gia Long – Minh Khai” (1913 – 2013). Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đánh giá Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã đóng góp lớn trong việc đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước.
Nữ sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai – Ảnh: N.Tập
Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM cũng kỷ niệm 100 năm thành lập. Ban đầu là Trường Vẽ Gia Định do Pháp thành lập, sau đó mang nhiều tên khác nhau: Trang trí mỹ thuật (1917), Mỹ nghệ thực hành (1940), Trung học Trang trí mỹ thuật (1961), Trường quốc gia Trang trí mỹ thuật (1970)… Năm 1976, Trường quốc gia Trang trí mỹ thuật và Trường quốc gia cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn được hợp nhất thành Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM đến ngày nay.
Theo TNO
Dạy học bằng tiếng Anh: Trường than khó
Theo quy định của Sở GD-ĐT TP.HCM, bắt đầu từ học kì 2 năm học 2012- 2013, 10 trường THPT trong thành phố sẽ thực hiện theo dạy học môn Toán và Khoa học tự nhiên (KHTN) bằng tiếng Anh theo chương trình của ĐH Cambridge. Nhưng để thực hiện đúng lộ trình này là điều không dễ.
Không có giáo viên
Các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quí Đôn, THPT Bùi Thị Xuân, THPT Lương Thế Vinh, THPT Gia Định, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, THPT Hùng Vương, THPT Nguyễn Thượng Hiền, THPT Mạc Đĩnh Chi sẽ phải thực hiện việc dạy Toán và các môn KHTN bằng tiếng Anh theo chương trình của ĐH Cambridge vào đầu học kì 2 của năm học 2012-2013 này, tuy nhiên để thực hiện được cũng không ít vướng mắc.
Tuy nhiên, có một thực tế là trước khi phải dạy học theo chương trình của Cambridge, nhiều trường đã tiến hành thí điểm dạy học các môn KHTN bằng tiềng Anh theo các chương trình khác nhau nên việc chuyển đổi chương trình là điều không dễ.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tự biên soạn chương trình dạy Toán và các môn KHTN dựa vào SGK Việt Nam và có tham khảo một số chương trình của các nước khác. Năm học 2011-2012 tất cả các học sinh đều đạt tiêu chuẩn, dự kiến năm nay trường sẽ liên kết với NXB Giáo dục TP. HCM xuất bản sách dạy học.
HS học Toán bằng tiếng Anh tại trường THPT Lê Quý Đôn
Ban giám hiệu Trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng, hiện tại trường đã nhận được văn bản chỉ đạo của Sở, nhưng việc dạy và học các môn Toán và KHTN bằng tiếng Anh vẫn đang được trường tiến hành theo lộ trình cũ. Trường có 1 lớp 10 với 32 HS học tài liệu do GV phụ trách chương trình thiết kế, tài liệu sử dụng các tài nguyên dạy học phổ biến tại Mỹ và các nước tiên tiến trên thế giới.
Trong khi đó, cô Lê Thị Diễm Trang, hiệu phó Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh) cho biết, nhà trường đã tổ chức dạy các môn Toán và KHTN bằng tiếng Anh vào các chiều thứ 2, 4,6 và thứ 7. Tuy nhiên trường chỉ có 1 giáo viên cơ hữu, do vậy phải mời 4 giáo viên thỉnh giảng...
Mở ra để thu tiền?
Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, 10 trường tổ chức dạy khoa học bằng tiếng Anh sẽ sử dụng chương trình của ĐH Cambridge ủy nhiệm cho tổ chức EMG thực hiện tại Việt Nam. Các trường tham gia thí điểm có thể tiến hành theo hai phương thức hợp đồng với tổ chức EMG thực hiện toàn bộ chương trình hoặc sử dụng chương trình của ĐH Cambridge với lực lượng giáo viên sẵn có hoặc do trường tự hợp đồng, tài liệu dạy và học của ĐH Cambridge do tổ chức EMG cung cấp theo mức giá thỏa thuận.
Một vị phụ huynh bức xúc, tại sao phải lựa chọn chương trình Cambridge, khi mức học phí khoảng 150 USD/tháng tương đương mỗi giờ khoảng từ 170.000 đến 200.000 đồng /tiết chưa kể tiền sách vở và các khoản khác. Trong khi đó nếu chương trình của hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ, mức học phí khoảng 70.000 đồng/ tiết và đã được trung tâm này đầu tư cơ sở vật chất cho dạy học đầy đủ.
Về chất lượng, chưa thể đảm bảo được việc HS theo học chương trình Cambridge chỉ dừng lại ở việc tiếp cận.
Cô Dung dạy môn Toán bằng tiếng Anh tại Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết khó khăn nhất của việc dạy học bằng tiếng Anh là không thể hiểu ngay vấn đề. Vì không diễn đạt ngay như tiếng Việt nên giáo viên và học sinh cần phải suy nghĩ trước khi nói. Nếu nói dạy Toán hoàn toàn bằng tiếng Anh thì hơi quá, ở đây chỉ giúp học sinh được tiếp cận với các thuật ngữ, hiểu đúng đề, biết cách làm bài để sau này đi du học.
Cô Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu phó trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) cho biết khó khăn lớn nhất là đội ngũ giáo viên chưa được "cứng tay", các em HS cũng đăng kí ít hơn các chương trình khác vì dạy học môn Toán và KHTN vốn dĩ không hấp dẫn, khô khan. Trường đã thông báo từ đầu năm học, có khoảng 20 HS đăng ký, tuy nhiên đến nay số lượng giảm xuống còn hơn 10 HS.
Về việc sẽ giảng dạy theo chương trình của ĐH Cambridge, cô Vũ Thị Ngọc Dung cho rằng Trường Bùi Thị Xuân có thuận lợi hơn là bắt đầu thực hiện nên HS sẽ không phải đổi chương trình như các trường khác. Hiện trường chưa làm việc với phía đại diện Cambridge, do vậy không biết có thực hiện được ngay đầu học kì 2 này không vì hiện tại năm học đã đi được một nửa.
Theo Lê Huyền (Vietnamnet)
ĐH Mỹ thuật TP.HCM thi tuyển năng khiếu sau kỳ thi đại học đợt 2 Ông Nguyễn Trung Tính, Phó hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM, cho biết năm nay trường được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh riêng, nên thí sinh dự thi vào trường sẽ thi 2 môn năng khiếu theo ngành, riêng môn ngữ văn không thi mà xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3...