100% HS tiểu học Lập Thạch (Vĩnh Phúc) được học 2 buổi/ngày
Dạy học 2 buổi/ngày trở thành yêu cầu bắt buộc đối với GD Tiểu học khi triển khai thực hiện CT GDPT mới. Chính vì vậy, theo ông Đỗ Đức Quang – Trường phòng GD&ĐT Lập Thạch, Vĩnh Phúc, ngay từ đầu năm học, phòng GD&ĐT luôn sát sao trong việc triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày.
Phòng đã có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục TH trong đó có hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.
HS trường TH Xuân Hòa – Lập Thạch – Vinh Phúc trong tiết học ATGT
Ông Đỗ Đức Quang cho biết: Hiện nay 100% học sinh TH trên địa bàn huyện đều tham gia học 2 buổi/ngày. Về phía các nhà trường đã tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục đối với loại hình dạy học 2 buổi/ngày: Kết hợp hài hòa giữa việc củng cố kiến thức, kỹ năng cốt lõi theo chuẩn ngay tại trường và dạy học giáo dục toàn diện, phân hóa. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh đạt chuẩn về kiến thức kĩ năng cao hơn, nhiều HS có năng khiếu ở tất cả các môn, các lĩnh vực được quan tâm tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện.
Năm học 2019- 2020, Phòng GD&ĐT Lập Thạch tiếp tục chỉ đạo các trường học rà soát, đầu tư xây dựng, bổ sung, sửa chữa, nâng cấp CSVC, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học; chủ động báo cáo với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt những khó khăn cần sự chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết kịp thời để đảm bảo điều kiện dạy học 2 buổi/ngày
Mặt khác, tiếp tục tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp đầu tư tăng cường CSVC, thiết bị dạy học, kinh phí cho việc thực hiện CT GDPT mới, trong đó ưu tiên mục tiêu đảm bảo CSVC cho việc dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học, Phòng GD&ĐT sẽ thực hiện rà soát đội ngũ GV trong toàn ngành, xác định nhu cầu GV theo lộ trình đổi mới Chương trình, SGK phổ thông mới, có biện pháp giải quyết số GV thừa, thiếu từng môn học. Đồng thời, lựa chọn chuẩn bị đội ngũ GV dạy các chương trình đầu cấp để có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn (trực tiếp và trực tuyến) cho 100% GV được phân công dạy theo Chương trình, SGK phổ thông mới theo lộ trình của Bộ GD&ĐT.
Phòng GD&ĐT cũng thực hiện đánh giá CBQL theo chuẩn hiệu trưởng và đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp; xây dựng giải pháp bồi dưỡng CBQL, GV đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình, SGK phổ thông mới.
Video đang HOT
Có thể thấy, dạy học 2 buổi/ ngày là một trong những nỗ lực quan trọng của các địa phương trong năm học vừa qua để chuẩn bị triển khai CT GDPT mới. Hiện nay tỷ lệ HS TH học 2 buổi/ngày toàn quốc đạt gần 80%. Nhiều địa phương có tỉ lệ 100% HS học 2 buổi/ngày như Nam Định; Bắc Ninh; Thái Bình; Hải Dương; Vĩnh Phúc.
Đức Trí
Theo GDTĐ
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới: Nhiều nỗi lo dạy học 2 buổi/ngày
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, một trong những thay đổi cơ bản ở bậc tiểu học là thực hiện bắt buộc dạy và học 2 buổi/ngày. Thực tế về trường lớp, đội ngũ giáo viên... liệu có đáp ứng được yêu cầu này?
Học sinh Trường tiểu học Thăng Long (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) - ẢNH: NGỌC THẮNG
Toàn quốc chưa đủ mỗi lớp 1 phòng học
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết tỷ lệ học sinh (HS) tiểu học học 2 buổi/ngày toàn quốc hiện gần 80%. Nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ 100% HS học 2 buổi/ngày như: Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam. Những tỉnh có tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày thấp là Tuyên Quang (40,3%), Bình Thuận (41,9%), Cà Mau (48,7%), Trà Vinh (48,3%), An Giang (48,3%), Đồng Nai (30%), Hưng Yên (40%)...
Toàn quốc hiện có 15.525 trường, trung bình 1,39 trường tiểu học/xã phường. Tỷ lệ phòng học của tiểu học trung bình chung cả nước là 0,89 (miền núi phía bắc 0,9; Tây nguyên 0,85; Tây Nam bộ 0,7). Như vậy, vẫn chưa đảm bảo mỗi lớp có một phòng học riêng, trong khi đó để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì điều kiện tối thiểu là tỷ lệ phòng học phải đạt 1,0 (1 lớp/phòng học).
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị góp ý cho dự thảo hướng dẫn tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo ông Tài, các địa phương cần tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án để đủ phòng học theo lộ trình thực hiện sách giáo khoa (SGK) ở cấp tiểu học.
Để đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, Bộ GD-ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025. Theo đó, sẽ xây dựng lại và xây mới nhiều trường lớp học, phòng học chức năng... để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Cần thêm hàng chục ngàn phòng học
Theo Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 đã được Chính phủ ban hành, giai đoạn 2017 - 2020, đối với tiểu học, đầu tư xây dựng 5.900 phòng học kiên cố thay thế các phòng học tạm thời. Xây dựng bổ sung 6.000 phòng học, 7.770 phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, thiết bị giáo dục, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập), 3.420 phòng thư viện... Mua sắm bổ sung 39.070 bộ thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2, có 258.620 bộ bàn ghế 2 chỗ ngồi, 13.910 bộ máy tính và 1.980 bộ thiết bị phòng học ngoại ngữ.
Hàng chục ngàn giáo viên chưa yên tâm công tác
Về đội ngũ giáo viên (GV) để đáp ứng nhu cầu dạy học 2 buổi/ngày, ông Tài cho biết tỷ lệ GV toàn quốc là 1,42, cơ bản đủ để thực hiện. Tuy nhiên, số GV đang thực hiện chế độ hợp đồng lao động khá nhiều (toàn quốc có 383.771 GV tiểu học, trong đó biên chế chính thức 324.856, còn lại 58.915 thực hiện chế độ hợp đồng). Số GV chưa được xét tuyển biên chế chính thức không yên tâm công tác.
Theo ông Tài, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ về đề xuất định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện chương trình mới, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ thực hiện và Bộ Nội vụ đã có công văn yêu cầu UBND các tỉnh, TP rà soát bổ sung biên chế sự nghiệp cho ngành giáo dục và y tế để có phương án giao bổ sung trong thời gian tới. Kết quả rà soát cho thấy, các địa phương hiện có tỷ lệ GV thấp cần tiến hành lên phương án tuyển dụng để đảm bảo thực hiện dạy học 2 buổi/ngày có thể kể đến Sơn La, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Hà Giang, Tuyên Quang, Hưng Yên...
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn tiếng Anh và tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc (từ lớp 3) thay vì môn học tự chọn như hiện nay. Trong khi đó, số lượng GV hợp đồng ở tiểu học hiện nay tập trung rất nhiều ở 2 môn học này. Do vậy, Bộ GD-ĐT cũng xác định các địa phương cần đặc biệt ưu tiên tuyển dụng GV tin học và tiếng Anh để thực hiện chương trình mới.
Mặc dù vậy, ông Tài khẳng định: "Do tiếng Anh và tin học chỉ bắt buộc từ lớp 3, đến năm học 2022 - 2023 mới bắt đầu triển khai chương trình mới ở lớp này nên chúng tôi tin các địa phương sẽ có đủ thời gian chuẩn bị cho đội ngũ và cơ sở vật chất. Hơn nữa, theo chương trình hiện hành, môn tin học và tiếng Anh là môn tự chọn nên các địa phương chưa có căn cứ để tuyển GV. Khi 2 môn này trở thành môn học bắt buộc sẽ là căn cứ pháp lý để các địa phương tiến hành tuyển dụng GV theo vị trí việc làm đảm bảo thực hiện chương trình mới".
Áp lực lớn cho nhiều địa phương
Tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 với sự tham gia của đại diện 31 sở GD-ĐT tỉnh thành khu vực phía nam diễn ra tuần qua, nhiều đại diện cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay để triển khai chương trình là điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ GV.
Bà Huỳnh Thị Kim Trang, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay năm học 2018 - 2019, do TP tăng thêm 42.613 HS tiểu học vì vậy tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày giảm khoảng 3% so với năm học trước đó. Tăng dân số cơ học tạo áp lực lớn về cơ sở vật chất nên khó thực hiện việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đặc biệt ở một số quận, huyện có tỷ lệ dân nhập cư cao như Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, 12...
Bích Thanh
Theo Thanh niên
Vĩnh Phúc: Trường Tiểu học Hương Canh B đạt Chuẩn Quốc gia mức độ 2 Với 15 năm xây dựng và trưởng thành (năm 2004 - 2019) các thế hệ thầy và trò trường Tiểu học Hương Canh B, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc luôn thi đua "Dạy tốt - Học tốt". Ghi nhận sự nỗ lực cố gắng đó của nhà trường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định công nhận trường Tiểu học Hương Canh...