10 suất học bổng “Tình thương cho em” đến Tiền Giang
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nên 8 suất học bổng “ Tình thương cho em” sẽ được Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang chuyển xuống Công đoàn cơ sở để sớm trao tận tay các em.
Ngày 11-11, sau Đồng Tháp và Sóc Trăng, chương trình “Tình thương cho em” do Báo Người Lao Động khởi xướng và thực hiện đã đến tỉnh Tiền Giang để tổ chức trao 10 suất học bổng (mỗi suất 5 triệu đồng) cho 10 trẻ bị mồ côi cha, mẹ vì đại dịch Covid-19. Cùng đi với đoàn có lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang.
Nam sinh L.H.N. đang chăm chỉ học trực tuyến lớp 10
Trường hợp đầu tiên đoàn ghé thăm hỏi, động viên và trao học bổng là em L.H.N. (ngụ phường 10, TP Mỹ Tho), học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu.
N. có em gái năm nay học lớp 6. Cha mẹ N. đều là giáo viên dạy cấp 3. Trong thời gian em chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10 thì cha em là thầy L.T.L. bị phát hiện mắc Covid-19. Sau đó, cả nhà em đều bị dương tính và thực hiện cách ly, điều trị.
Hơn một tháng sau, 3 mẹ con N. hết bệnh trở về, còn người cha thì vĩnh viễn ra đi. Nén đau thương, N. thi đỗ vào lớp 10 với số điểm rất cao, 44 điểm.
N. nhận học bổng “Tình thương cho em” và cho biết sẽ nén nỗi đau để học tập thật tốt
Khi đoàn đến, N. đang học trực tuyến môn Toán. Xin phép cô giáo bộ môn, N. bước ra khỏi phòng rồi lễ phép chào mọi người. Cầm suất học bổng trên tay, N. cảm ơn chương trình “Tình thương cho em” và cho biết sẽ cố gắng học thật tốt để mong sau này thi đỗ vào Trường ĐH Kiến trúc TP HCM.
Em L.G.H. (SN 2017; ngụ huyện Châu Thành) là trường hợp thứ 2 đoàn ghé thăm. Cha H. mắc Covid-19 trong thời gian làm công nhân “3 tại chỗ” tại một doanh nghiệp ở Tiền Giang. Doanh nghiệp này xuất hiện ổ dịch khiến hàng trăm công nhân bị nhiễm bệnh. Trong hơn 10 người tử vong có cha bé H.
Bé H. và mẹ trong lúc nhận học bổng
H. đang sống với mẹ. Mẹ em mang thai ở tháng thứ 7 nhưng cho biết vài ngày nữa sẽ gửi H. về bên nội để đi làm công nhân kiếm tiền lo cho con.
Do dịch bệnh vẫn còn đang diễn biến phức tạp tại nơi ở của 8 em còn lại nên 8 suất học bổng chưa trao sẽ được Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang chuyển xuống Công đoàn cơ sở để trao tận tay các em.
Ông Hoàng Khắc Tinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao tỉnh Tiền Giang, đánh giá cao chương trình “Tình thương cho em” và cho biết thời gian qua Báo Người Lao Động phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện nhiều chương trình thiết thực liên quan đến an sinh xã hội cho đối tượng học sinh, bảo vệ chủ quyền biển đảo cho đối tượng ngư dân…
“Mong rằng thời gian tới, Báo Người Lao Động sẽ phát kiến thêm nhiều chương trình hay, ý nghĩa để kịp thời hướng tới cộng đồng như chương trình “Tình thương cho em” – ông Hoàng Khắc Tinh bày tỏ.
Đốm sáng trong ngôi nhà cũ
Nguyễn Thành Lợi lớn lên ở làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM), bạn vừa trở thành tân sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.
Cuộc sống của Lợi là hành trình của sự nỗ lực - Video: CÔNG TRIỆU - HUỲNH VY - TRINH TRÀ
Nỗi sợ của Lợi mỗi mùa mưa về là những tấm tôn đã mục gỉ - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Cha của Lợi không may qua đời khi bạn mới học lớp 7. Mẹ bạn vốn hay đau ốm, nay gồng gánh một mình nuôi hai con nhỏ nên gia đình càng lúc càng khổ. Nghèo, mẹ gửi Lợi lại cho ông bà nội rồi dọn về Bến Tre sống bằng nghề nhặt ve chai. Bà không thể đưa Lợi theo cùng vì quê nghèo điều kiện học sẽ không được tốt như ở TP.
Nhiều năm sống một mình
Khi Lợi học tới lớp 10 thì cũng là lúc ông nội đổ bạo bệnh và mất. Bà nội vì bệnh tai biến nên được đưa về quê nghỉ dưỡng. Từ đó, Lợi bắt đầu cuộc sống một mình. Căn nhà bạn sống nằm lọt thỏm giữa ruộng vườn, ẩm thấp và cũ kỹ. Chỗ duy nhất trong nhà không bị dột khi mưa là gian bàn thờ của tổ tiên, ông bà.
"Cố lên". Đó là dòng chữ trên tấm ván để ở thành giường do Lợi khắc lên, trong một lần cậu tự trấn an mình. Đêm đó trời đổ mưa gió. Vì nền nhà thấp hơn mặt đường gần 2m nên bao nhiêu bùn đất, rác rến cứ thế theo dòng nước mưa ào ạt chảy đổ vào nhà. Gió lớn nổi lên cuốn phăng vài miếng mái ngói ở nhà trước, tấm tôn lớn ở nhà dưới bay đi. Trong đêm khuya, Lợi soi đèn lục đục đi tìm đinh búa, đội mưa một mình lợp lại mái.
"Miếng ngói nặng nên rơi xuống là vỡ vụn phải bỏ đi, còn mái tôn bay tận sau vườn, đi tìm, kéo về nhưng vì mưa gió nên cũng che chắn tạm đợi mai tính tiếp", Lợi nhớ lại.
Một mình chật vật trong đêm khiến Lợi vừa tủi vừa sợ. Suốt đêm đó bạn không thể rời mắt khỏi mái nhà và khoảng đêm đen mịt mù. Lợi tâm sự, lúc đó Lợi chỉ ước có cha ở bên. "Càng nhớ cha bao nhiêu thì trời càng mưa gió bấy nhiêu. Lúc đó mình chỉ biết nép vào góc giường rồi cắn răng chịu đựng, phải cố gắng vượt qua thôi" - cậu lý giải về dòng chữ khắc trên tấm ván.
Nhặt lá mai, bưng trà sữa
Tiền mẹ gửi chỉ vừa đủ lo học phí. Còn mọi sinh hoạt Lợi tự xoay xở. Lợi tìm các quán trà sữa trong huyện xin một chân phục vụ. Bạn cũng là "mối quen" của các nhà hàng tiệc cưới, đội bưng bê tráp cưới. Đến gần tết, Lợi lân la khắp cả làng mai Bình Lợi để xin lặt lá mai. Mỗi giờ làm việc Lợi được trả chừng 20.000 đồng. "Mỗi tuần chăm chỉ cũng kiếm được hơn 200.000 đồng, cũng đủ ăn trong một tuần" - Lợi cười.
Mỗi lần được trả công, Lợi chia thành nhiều khoản rồi nhét vào các ngóc ngách khắp nhà. Khoản nhỏ cậu chi ra để mua gạo, mì gói và nước mắm là lương thực cho cả tháng. Khoản nữa cậu để dành cuối tháng trả tiền điện, nước. Phần ít còn lại cậu để phòng khi xe hư, đau ốm. Có lần hết tiền, trong nhà lại không còn gì để ăn, Lợi đã mượn bạn 20.000 đồng rồi ra chợ mua 2kg gạo rẻ nhất về ăn dần với muối. Chiếc bếp gas trong nhà đã hết gas nhưng Lợi không đủ tiền để đổi.
Cô Bùi Thị Huyền Trang, trợ lý thanh niên Trường THPT Năng khiếu thể dục thể thao huyện Bình Chánh, nói cuộc sống của Lợi là hành trình của sự nỗ lực. "Không những tôi mà rất nhiều giáo viên, học sinh trong trường đều rất mến phục Lợi về nghị lực vượt qua được những khó khăn, không phải ai cũng làm được", cô Trang chia sẻ.
Mẹ của Lợi người gầy yếu hì hục đẩy chiếc xe đạp chở đầy ve chai lên con dốc gần nhà. Đối diện với nụ cười của mẹ là dòng nước mắt lăn dài của Lợi. "Tôi nhận ra rằng mẹ đã cô độc, khổ cực hơn gấp vạn lần tôi, vậy mà có lúc tôi hờn trách ba mẹ không cho tôi đủ đầy", Lợi nói, không giấu được tiếng nấc.
Chỉ cần được nghỉ hè, nghỉ tết là Lợi lại về quê đi mua ve chai cùng mẹ. Lợi tâm sự chính nỗi nhọc nhằn mà cậu thấm hiểu từ những lần bươn chải theo chân mẹ đã thôi thúc bạn dồn quyết tâm vào học hành.
Ngày gọi điện báo tin đậu vào ngành kỹ thuật kiến trúc (ĐH Kiến trúc TP.HCM) với số điểm 22,5 (khối A.00), mẹ Lợi khóc. Lợi nói với mẹ rằng bạn sẽ tự tay thiết kế, sửa sang lại căn nhà của nội rồi đón mẹ và em lên ở cùng...
Chiếc áo mới
Hành trang của Lợi đến với giảng đường đại học gồm: ba bộ đồ đã bạc màu, chiếc máy tính cũ được anh họ cho mượn và một balô đã rách quai... Ngoài ra, bạn cũng lên cho mình một kế hoạch "săn" học bổng, kiếm việc làm.
Chiếc áo mới nhất của Lợi là áo đoàn thanh niên được mua cách đây gần hai năm. Lợi nói rằng để bản thân được như hôm nay cũng nhờ một phần vào các chương trình hoạt động Đoàn ở trường. "Từ khi đi sinh hoạt Đoàn, tham gia vào ban chấp hành Đoàn trường thì tôi mới học được sự tự tin, nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, đặc biệt là học được ý chí không bỏ cuộc", Lợi tâm sự.
Một trường tư thục ở TP.HCM không tăng học phí suốt 4 học kỳ Từ thời điểm bùng dịch năm trước, nhà trường đã không tăng học phí nhằm san sẻ khó khăn với phụ huynh, sinh viên. Trường ngoài công lập đầu tiên không tăng học phí trong nhiều học kỳ liên tục Thời điểm năm học mới bắt đầu cũng là lúc nhiều gia đình có con học đại học dành phần lớn quan tâm...