10 sự kiện giáo dục – khuyến học nổi bật năm 2011
15 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam; phụ cấp thâm niên cho hơn 1 triệu nhà giáo từ 1/9/2011; Bộ GD-ĐT bác kiến nghị bỏ điểm sàn tuyển sinh ĐH…nằm trong số những sự kiện giáo dục nổi bật năm 2011 theo bình chọn của Dân trí.
15 năm thành lập Hội Khuyến học Việt Nam
Thành lập ngày 2/10/1996, trải qua 15 năm tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục, Hội Khuyến học Việt Nam đã có nhiều thành tích đáng kể. Trong 15 năm qua, các quỹ khuyến học trong toàn quốc đã xuất trên 10.000 tỷ đồng cho hơn 10 triệu suất học bổng và phần thưởng cho HS, SV, giáo viên. Hàng năm có tới trên 3 triệu HS, SV được nhận học bổng hoặc tiền thưởng từ các loại hình quỹ khuyến học.
Tại buổi lễ trọng thể lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam (02/10/1996 – 02/10/2011), lần đầu tiên Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng Giải thưởng Khuyến học Việt Nam tới các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thay mặt Hội Khuyến học Việt Nam tặng Giải thưởng Khuyến học Việt Nam tới các đồng chí nguyên lãnh đạo Hội và lãnh đạo Hội KHVN. (Ảnh: Hồng Hạnh)
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2011 vinh danh anh tài
Từ năm 2005, khởi nguồn là một cuộc thi trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông, đến nay, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt (NTĐV) đã phát hiện và tôn vinh nhiều tài năng không chỉ trong lĩnh vực CNTT-TT mà còn trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và Y dược.
Tối 20/11/2011, tại buổi lễ trao giải NTĐV năm thứ 7, Giải thưởng NTĐV đã tôn vinh những cá nhân và tập thể tài năng trong 3 lĩnh vực gồm CNTT, Khoa học tự nhiên và Y dược. Theo đó, Giải thưởng Khoa học Tự nhiên Việt Nam thuộc về 2 nhà vật lý hàng đầu Việt Nam là GS.TS Trần Đức Thiệp và GS.TS Nguyễn Văn Đỗ – Viện Vật lý, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam với công trình “Nghiên cứu cấu trúc hạt nhân và các phản ứng hạt nhân”. Hai Giải thưởng NT ĐV trong lĩnh vực Y dược được trao tới nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức với công trình “Nghiên cứu triển khai ghép gan, thận, tim lấy từ người cho chết não” và Hội đồng ghép tim Bệnh viện Trung ương Huế với công trình nghiên cứu “Triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não”.
Giải thưởng NT ĐV lĩnh vực CNTT được trao tới các hệ thống sản phẩm đã ứng dụng thực tế và hệ thống sản phẩm có tiềm năng ứng dụng. Giải thưởng cao nhất của NT ĐV 2011 là sản phẩm “Dịch vụ Thông tin và Tri thức du lịch ứng dụng cộng nghệ ngữ nghĩa – iCompanion” của nhóm tác giả SIG, đây là hệ thống thông tin đầu tiên ứng dụng công nghệ ngữ nghĩa trong lĩnh vực du lịch.
Nhóm tác giả SIG nhận giải Nhì Nhân tài đất Việt 2011 ở hệ thống sản phẩm có tiềm năng ứng dụng.
Phụ cấp thâm niên cho hơn 1 triệu nhà giáo từ 1/9/2011
Từ hôm 1/9/2011, vào đúng dịp khai giảng năm học 2011-2012, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP được thực thi. Khi được hưởng phụ cấp thâm niên, ước tính thu nhập của nhà giáo bình quân tăng khoảng 465.000 đồng/người/tháng.
Theo ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT, chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo tiếp tục cụ thể hóa, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước đối với ngành giáo dục. Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã góp phần động viên và giải quyết bớt một phần khó khăn, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần đối với đội ngũ nhà giáo.
Video đang HOT
Học sinh bơi qua sông đến trường
Giữa tháng 9/2011, qua phản ánh của nhiều giáo viên ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình về việc học sinh bản ông Tú, bản Ka Oóc phải bơi qua sông đến trường, PV Dân trí đã khẩn trương đến ghi nhận thực trạng này.
Dân trí đã góp sức làm.
Tại buổi làm việc ngày 13/10/2011 giữa UBND tỉnh Quảng Bình và Hội Khuyến học tỉnh này, ông Nguyễn Hữu Hoài – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết tỉnh rất tán đồng với chủ trương xây dựng cầu treo vượt sông ở khu vực bản Ông Tú và Ka Oóc (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa).
Tính đến ngày 7/11/2011, bạn đọc Dân trí đã đóng góp được 921.648.400 đồng để xây cầu.
“Xì căng đan” chấm thi tốt nghiệp THPT ở ĐBSCL
Khi các địa phương đang lần lượng công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2011, một giáo viên đã phản ánh với báo chí về việc 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã “thỏa hiệp” để nâng điểm thi tốt nghiệp bằng việc “thảo luận Hướng dẫn chấm và biểu điểm các môn thi tự luận của Bộ GD-ĐT ở từng môn thi”, thống nhất hướng dẫn theo hướng giảm nhẹ yêu cầu của Bộ. Bộ GD-ĐT đã phải vào cuộc và khẳng định việc chấm thi với hướng dẫn đáp án riêng của 11 tỉnh ĐBSCL là sai. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh khi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ đã cận kề, Bộ không yêu cầu các địa phương này chấm lại và giữ nguyên kết quả thi.
Có thể nói đây là sự việc tiêu biểu cho thấy biện pháp chấm chéo nhằm đảm bảo khách quan, công bằng, trung thực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã bị “vô hiệu hóa”, dẫn đến việc Bộ GD-ĐT đang dự kiến chấm dứt việc tổ chức chấm chéo trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012.
Bộ GD-ĐT bác kiến nghị bỏ điểm sàn tuyển sinh
Trước tình hình kết quả điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay thấp hơn năm trước, ngày 3/8/2011, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị xem xét về điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay.
Sáng ngày 8/8/2011, Hội đồng điểm sàn Bộ GD-ĐT đã họp và thống nhất mức điểm sàn năm, mức điểm sàn này tương đương năm 2010. Như vậy, kiến nghị thay đổi điểm sàn của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã không lay chuyển được quan điểm giữ ổn định điểm sàn của lãnh đạo Bộ GD-ĐT.
Thí sinh dự thi đại học năm 2011 tại cụm thi Cần Thơ. Năm 2011, điểm sàn tuyển sinh tương đương năm 2010. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Nam Định nói không với tại chức, dân lập
Tại kỳ thi công chức năm 2011 của tỉnh Nam Định diễn ra hôm 16/10/2011, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết tỉnh Nam Định không chủ trương tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức. Chủ trương này của tỉnh Nam Định khiến dư luận lên tiếng phản đối mạnh mẽ. GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết quy định của UBND tỉnh Nam Định không đúng luật.
Tuy vậy, không phải vô cớ mà có những đơn vị tuyển dụng chê sinh viên ngoài công lập, tại chức. Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chính việc mở trường ĐH, CĐ ồ ạt, dẫn đến chất lượng thấp mà nhiều ý kiến phê phán như thiếu thầy dạy, đầu vào sinh viên thấp… dẫn đến dư luận sợ và không tin vào chất lượng đào tạo của các trường ngoài công lập.
Giáo viên mầm non “tố” khổ
Chế độ phụ cấp quá thấp, không phù hợp với mức sống hiện tại, đầu tháng 9/2011, hơn 60 GV mầm non tại xã Mậu Lâm và Thanh Tân (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) đã đồng loạt nghỉ việc để đề nghị các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa tăng chế độ phụ cấp và một số khoản khác. Ngay sau đó, UBND huyện Như Thanh, xã Mậu Lâm và Ban giám hiệu trường Mầm non Mậu Lâm đã có buổi làm việc trực tiếp để ghi nhận những kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của GV ngoài biên chế. Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã trực tiếp về xã Thanh Tân làm việc để nắm bắt tình hình.
Được biết, tính đến tháng 9/2011, trên toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn chục ngàn GV mầm non ngoài biên chế. Với chế độ phụ cấp thấp, những GV này gặp nhiều khó khăn, khó mà sống được với nghề.
Thanh Hóa hiện có 653 trường mầm non. (Ảnh: Duy Tuyên)
Giữa tháng 11 năm 2011, một tín hiệu mừng đã đến với các GV mầm non ngoài biên chế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khi HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển đổi 525 trường mầm non bán công sang công lập. Đồng thời có 8.053 GV mầm non ngoài biên chế sẽ được tuyển dụng vào viên chức sự nghiệp. Với việc chuyển đổi trường mầm non bán công sang công lập, các GV ngoài biên chế sẽ được tuyển dụng vào biên chế, sẽ có mức thu nhập cao hơn theo hệ số, cơ bản đáp ứng được nhu cầu cuộc sống và tạo niềm tin để GV yên tâm công tác.
Phê duyệt chương trình phát triển ngành Sư phạm
Ngày 14/12/2011, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận có quyết định Phê duyệt chương trình phát triển ngành Sư phạm (SP) và các trường SP từ năm 2011 đến năm 2020.
Theo đó, Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành SP và các trường SP từ năm 2011 đến năm 2020 nhằm nâng cao năng lực của cả hệ thống các trường SP, lực lượng chủ yếu đáp ứng nhiệm vụ: “xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng” như đã nêu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Thời gian thực hiện sẽ chia là hai giai đoạn từ 2011 – 2015 và giai đoạn từ 2016 – 2020. Tổ chức tổng kết thực hiện Chương trình vào cuối năm 2020.
Bài văn gây xúc động của cậu học trò nghèo Trường Ams
Trước đề văn nghị luận Nêu quan điểm của anh (chị) về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống”, em Nguyễn Trung Hiếu – học sinh lớp 11 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) đã lấy ngay câu chuyện thật đang phải trải qua của gia đình mình để nhìn nhận, phân tích vai trò của đồng tiền. Đầu tháng 11/2011, ngay sau khi được đăng trên báo điện tử Dân trí, bài văn “lạ” của cậu học trò nghèo Trường Ams đã gây một làn sóng xúc động trong cộng đồng và được đăng lại trên nhiều báo điện tử và trang thông tin điện tử khác.
Em Nguyễn Trung Hiếu – tác giả bài văn gây xúc động. (Ảnh: Hồng Hạnh)
Qua Dân trí, hàng ngàn độc giả đã chia sẻ đồng cảm với em Hiếu. Nhiều tổ chức và cá nhân đã xúc động trước hoàn cảnh của gia đình em Hiếu và gửi hỗ trợ tới em, trong đó có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Quỹ Khuyến học “Vòng tay đồng đội”… Trước những tình cảm của mọi người, em Hiếu nói: “Những lời động viên và sẻ chia của những tấm lòng hảo tâm em xin ghi nhận và là động lực để em cố gắng. Em nghĩ còn rất nhiều em nhỏ và bạn bè còn khó khăn, cần giúp đỡ hơn em và em muốn chia sẻ phần nào tới những hoàn cảnh đó”.
Được biết, trong suốt những năm học tiểu học và THCS, Hiếu luôn là học sinh giỏi. Thi vào cấp ba, Hiếu đã đỗ cả 2 trường: THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và THPT Chu Văn An. Không chỉ học giỏi, Hiếu còn rất tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện.
Nhóm PV Giáo dục
Theo dân trí
"Nói không" với sản phẩm Giáo dục Đại học, vì sao?
Vừa qua, Nam Định tiếp bước Đà Nẵng và Hải Dương "nói không" với bằng đại học tại chức và cả đại học dân lập (tư thục). Đây là điều "thuận lý" hay "nghịch lý" và vì sao như vậy?
Thái độ "nói không" của các tỉnh phía Bắc càng ngày càng mạnh mẽ; nên nếu có một tình nào đó ở phía Nam "nói không" với bằng đại học thì chắc phải là ba loại: bằng tại chức, bằng dân lập (tư thục) và bằng "Học viện mở".
Tuy nhiên đã đến lúc phải nói những sự thật đằng sau những quyết định gây tranh cãi của các địa phương nói trên.
1. Bao nhiêu phần trăm cán bộ lãnh đạo địa phương tốt nghiệp tại chức?
Hầu hết cán bộ chủ chốt cấp huyện và cấp tỉnh đều có hai bằng, một bằng chuyên môn và một bằng chính trị. Nếu không phải cả hai thì phần lớn bằng chính trị cũng là bằng tại chức. Không một tỉnh nào kể cả Nam Định dám công bố công khai hiện nay có bao nhiêu cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp đại học tại chức. Phải chăng toàn bộ đội ngũ cán bộ lãnh đạo các tỉnh đặc biệt là Nam Định đều tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy? Chỉ cần nhìn vào chỉ tiêu đào tạo tại chức mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phân cho các trường công lập sẽ thấy rằng có những trường số sinh viên tại chức chiếm tới 50% . Và một sự thật hiển nhiên là đa số các vị "tại chức" ấy hiện vẫn đang "tại chức'. Chẳng lẽ các vị tại chức ngày xưa uyên bác hơn các vị tại chức ngày nay? Có thể chức vụ các vị tại chức ngày xưa khá cao vì tôi đã từng dạy lớp ở Lạng Sơn có cả tỉnh ủy viên, hay lớp ở Nha Trang có cả Giám đốc sở nhưng mặt bằng kiến thức thì hầu như vẫn thế.
2. Tốt nghiệp hệ chính quy có chắc chắn khá hơn các hệ đào tạo khác Tôi không nhớ rõ năm nào, có lẽ vào năm 2005, 2006 khi còn "tại chức" tôi duyệt một hồ sơ đăng ký thi tuyển vào ngạch Giảng viên khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Cô kỹ sư Công nghệ Thông tin này tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội và hồ sơ chắc vần còn lưu ở phòng Tổ chức Cán bộ Đại học Nông nghiệp. Bảng điểm ghi là loại khá, còn bằng tốt nghiệp ghi là loại giỏi. Khi tôi đề nghị Phòng Tổ chức liên hệ làm rõ vấn đề thì Đại học Bách Khoa từ chối trả lời và cô ứng viên này không đến thi tuyển nữa. Điều làm cả khoa Công nghệ Thông tin và Phòng Tổ chức cán bộ Đại học Nông nghiệp ngạc nhiên là năm sau cô ứng viên đó lại nộp hồ sơ dự tuyển với bảng điểm đã được chữa một số môn để thành loại giỏi. Tuy nhiên khi thi về chuyên môn thì chỉ có duy nhất Trưởng khoa Công nghệ Thông tin (bạn của bố cô bé đó) cho 5 điểm còn toàn bộ Hội đồng cho điểm kém.
Có một loại hình đào tạo phổ cập hiện nay là cao học, loại hình này theo tôi được biết không có hệ tại chức đồng thời phần lớn các trường tư thục chưa được phép đào tạo cao học. Những người học dân lập và tại chức có thể "rửa bằng" bằng cách học cao học và vì vậy với tấm bằng thạc sĩ trong tay chưa một địa phương nào dám "nói không" với văn bằng này.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về thực chất của đào tạo cao học hiện nay, tôi xin nêu một ví dụ: với tư cách là lãnh đạo bộ môn Công nghệ phần mềm tôi được giao nhiệm vụ dạy môn Tin học ứng dụng cho học viên cao học ngành Cơ khí, Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Kết quả thi rất thấp. Một năm chờ đúng lúc tôi đi công tác vắng, Khoa Sau đại học báo cho sinh viên học môn Tin học. Vì không có thày nên khoa Sau đại học phải mời người khác dạy thay. Điều này tôi không hề biết cho đến khi đọc bảng thanh toán tiền dạy cuối năm, tôi vẫn được ghi tên là giảng viên dạy và tiền dạy vẫn trả cho tôi. Mặc dù tôi đã thông báo cho Khoa Sau đại học ai dạy thì gặp tôi nhận tiền nhưng không có ai đến gặp, có thể họ sợ tôi làm to chuyện hoặc họ đã nhận được thù lao xứng đáng rồi.
(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)
Nêu vài ví dụ để thấy rằng không phải cứ học tại chức, dân lập là dốt còn cứ học chính quy là khá là giỏi. Đặc biệt tấm bằng thạc sĩ "chính quy" ngày nay sau khi bảo vệ luận án không ít người vẫn không viết được câu "Chúc mừng ngày sinh nhật" bằng tiếng Anh.
3. Quy trình thi tuyển công chức có vấn đề
Tôi hoàn toàn đồng ý rằng đa số sinh viên học tại chức, dân lập và đại học mở đều có mặt bằng kiến thức yếu nhưng điều này không có nghĩa là tất cả đều dốt. Dù tốt nghiệp loại hình đào tạo nào thì điểm chuẩn vào trường cũng không thấp hơn điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, đồng thời tấm bằng mà họ có trong tay cũng đều phải "mua phôi" từ Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vậy thì tại sao lại không cho họ thi tuyển công chức?
Điều này theo tôi có hai cách giải thích
Một là các tỉnh nêu trên không thể (hoặc không dám) tổ chức một kỳ thi tuyển công chức minh bạch, công bằng cho mọi loại đối tượng. Không dám tạo một sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình đào tạo. Biết đâu trong số các ứng viên công lập ấy khối con ông cháu cha cần phải loại bớt các đối thủ tiềm năng? Một khi các tỉnh khẳng định được rằng kỳ thi tuyển công chức của tỉnh đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, đề thi có tác dụng phân hóa đối tượng rõ ràng và những người coi thi, chấm thi là hoàn toàn công tâm thì việc cho tất cả mọi đối tượng tham gia dự thi công chức chỉ làm tăng thêm uy tín của tỉnh, giúp tỉnh chọn được những người thực tài.
Nếu cả một tỉnh mà không tổ chức được một kỳ thi như vậy thì cần xem lại chỗ ngồi của các quan chức xem họ có ngồi nhầm chỗ không?
Ngày xưa cha ông ta tổ chức thi Hương, thi Hội, thi Đình để tuyển chọn người tài ra làm quan không hề có chuyện cấm các sĩ tử xuất thân từ trường làng hay trường quốc học. Chẳng lẽ việc chọn lựa hiền tài ngày nay lại không bằng thời phong kiến xa xưa? Chẳng lẽ cái sự "phú quý giật lùi" mà người ta hay đàm tiếu lại là sự thật?
Hai là có thể xem như đây là khúc dạo đầu của lời tuyên chiến của các "thượng đế" (tức là người sử dụng sản phầm của ngành Giáo dục và Đào tạo ) với các trường chất lượng thấp. Vì rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo không dám tuýt còi như Bộ Giao thông nên các tỉnh phải rung chuông hộ. Nếu như vậy tôi hy vọng rằng các tỉnh không cần rung chuông nữa mà hãy bình tĩnh chờ đợi thể nào Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ "đăng đàn", không sang năm thì vài năm tới. Nhưng tại sao lại là vài năm tới? Vì còn phải để cho các trường công lập tiêu hóa hết cái "nồi cơm" tại chức đầy ắp như lời phó thủ tưởng Nguyễn Thiện Nhân đã có lúc phát biểu.
Có người cho rằng ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện chiến lược "tọa sơn quan hổ đấu" nghĩa là cứ để cho các tỉnh "đập chết" các trường dân lập. Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải làm gì cả và đương nhiên sẽ không làm mất lòng người đã khai sinh ra các trường đó, không làm mất lòng các "Bô lão" hiện đứng đằng sau các trường tư thục và cũng không làm mất lòng các chiến hữu nghỉ hưu nay lại chính thức đi làm.
Không nói gì nhưng thực ra Bộ Giáo dục và Đào tạo có "nói" đấy- không nõi cũng là "cách nói" thượng sách mà !
Chính sách với các trường tư thục
Sự yếu kém của sinh viên tư thục không bắt nguồn từ bản thân sinh viên, cũng không phải lỗi của các thày cô giáo. Những người đứng ra mở trường gồm nhiều thành phần như quan chức chính phủ nghỉ hưu, nhà giáo và doanh nhân (nghe nói trong số này có cả người buôn phế liệu vốn chưa học hết cấp ba). Đáng tiếc rằng chính sách đối với loại hình này lại không được ban hành kịp thời dẫn tới sự nhập nhằng giữa nhà đầu tư và người điều hành quá trình đào tạo.
Đã là nhà đầu tư thì mục đích tối thượng là lợi nhuận, hy vọng có trường tư thục không vì lợi nhuận quả thật là ngây thơ mà người ta cứ cố tin là có. Để tăng lợi nhuận thì phải giảm giá thành đầu vào (trả lương cán bộ, giáo viên thấp, mua sắm thiết bị cũ, tránh đầu tư những hạng mục lớn...) đồng thời phải giảm chi phí vận hành quá trình đào tạo (cắt xén chương trình, bớt kinh phí nghiên cứu khoa học...). Hậu quả tất yếu là chất lượng sinh viên ra trường không cao.
Có một sự thật nguy hiểm là ở một số trường nhà đầu tư trực tiếp làm lãnh đạo (Hiệu trưởng, Hiệu phó), việc điều hành quá trình đào tạo thực chất do các Trưởng Khoa, Trưởng Phòng đảm nhận. Những người này là người làm thuê hưởng lương và có thể bị các ông chủ cho nghỉ việc bất kỳ lúc nào. Ngược lại những người này cũng sẵn sàng bỏ việc nếu các đề xuất, kiến nghị không được đáp ứng. Hậu quả tất yếu của cơ chế này là các trương tư thục không có một đội ngũ cán bộ chuyên môn tâm huyết, gắn bó với trường.
Việc bỏ vốn và thu lãi của nhà đầu tư là hiển nhiên mà xã hội phải thừa nhận. Điều đáng nói là Nhà nước không có chế tài để bắt buộc nhà đầu tư (kể cả những kẻ láu cá nhất) phải chú ý đến tính đặc thù của kinh doanh Giáo dục. Phải tách bạch nhà đầu tư và nhà giáo, không thể có chuyện người chưa học hết cấp ba ngồi nêu ý kiến về định hướng đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường đại học. Theo tôi luật giáo dục đại học cần quy định rõ nhà đầu tư được phép làm gì và không được làm gì. Sự phân bổ kinh phí phải được quy định chi tiết để bắt buộc các trường tư thục dành nhiều hơn cho đào tạo và nghiên cứu.
Suy cho cùng luật nào cũng có chỗ để lách, để tránh hậu họa cho đời sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị sẵn thật nhiều "hom" cho những kẻ thích lách và không nên quên đặt một cái ở đường Đại Cồ Việt.
TS. Dương Xuân Thanh
Đại học Chu Văn An
LTS Dân trí-Ý kiến của nhiều người cũng như sự đánh giá nói chung của dư luận đều cho rằng nếu so sánh với đại học chính quy thì hê tại chức và đại học dân lập thường yếu kém hơn. Nhưng đó là nói chung, còn "chân lý bao giờ cũng cụ thể", cho nên muốn đánh giá chính xác thì phải xem xét cụ thể là trường nào và vói sinh viên nào? Vì vậy, trong chính sách tuyển dụng cán bộ, viên chức không nên "vơ đũa cả năm" mà loại bỏ ngay từ đầu những ứng viên thuộc các hệ đào tạo không chính quy và công lập.
Hơn nữa, chính sách này của một số địa phương không nói lên sự nghiêm minh trong tuyển dụng cán bộ, viên chức, mà chỉ cho thấy những địa phương đó không muốn hoặc đủ năng lực tổ chức một cuộc tuyển dụng công khai, minh bạch và công bằng dựa trên những tiêu chí khách quan cùng với quy trình tiến hành nghiêm túc chặt chẽ, để tuyển chọn đúng người đáp ứng đúng yêu cầu công việc, không phân biệt người đó thuộc loại hình đào tạo nào.
Theo DT
"Chê" SV dân lập: Nam Định không thực hiện đúng Luật GD Nam Định đã đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước Không thực hiện theo đúng tinh thần của Luật giáo dục Bộ Tư pháp cần nghiên cứu xem văn bản UBND tỉnh Nam Định ra đã đúng luật... Đó là nhiều ý kiến của lãnh đạo các trường ĐH ngoài công lập về sự kiện UBND tỉnh Nam Định vừa thông...