10 sự kiện CNTT-TT nổi bật năm 2020
Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin vừa công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu 2020. Việt Nam ra chiến lược về chuyển đổi số quốc gia là sự kiện đứng đầu trong bảng danh sách này.
Top 10 sự kiện CNTT-TT là bầu chọn thường niên của CLB nhà báo CNTT. Đây là kết quả bình chọn của hơn 50 nhà báo là thành viên CLB, tới từ các tờ báo uy tín nhất tại Việt Nam.
10 sự kiện CNTT tiêu biểu năm 2020 do CLB Nhà báo CNTT Việt Nam bình chọn.
1/Việt Nam ra chiến lược về chuyển đổi số quốc gia
Tháng 6/2020, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng được phê duyệt. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Đây là một chiến lược nhiều chức năng, nhưng quan trọng nhất là ngoài việc tạo ra nguồn tăng trưởng của đất nước, nó còn giúp tăng năng suất lao động và làm thay đổi cơ cấu việc làm, tạo ra nhiều giá trị xã hội.
2/Cấp phép thử nghiệm thương mại 5G cho 3 nhà mạng lớn
Cuối năm 2020, 3 nhà mạng lớn tại Việt Nam gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone được cấp phép và triển khai thử nghiệm thương mại 5G tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM. Với tốc độ triển khai thực tế cao hơn khoảng 10 lần so với 4G hiện tại, 5G được kỳ vọng sẽ giải quyết các bài toán khó hơn về mạng dữ liệu, mang tới những trải nghiệm tốc độ mượt mà hơn. Tại Việt Nam, 5G được kỳ vọng sẽ mang đến những trải nghiệm vượt bậc cho người dùng di động, những thay đổi ấn tượng thực chất của các ngành kinh tế. Việc triển khai 5G sớm sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những nước tiên phong ứng dụng công nghệ di động mới nhất, đồng thời trở thành động lực quan trọng để phát triển, ứng dụng các công nghệ mới, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số.
3/Nhiều ứng dụng Make in Vietnam giúp phòng chống, hỗ trợ điều trị và truy vết Covid-19
Dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiềm chế và ngăn chặn hiệu quả virus lây lan. Các sản phẩm Công nghệ Make in Vietnam nhanh chóng được phát triển, kịp thời hỗ trợ ngành y tế. Nhiều ứng dụng công nghệ hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 như: Ứng dụng khai báo y tế cho người dân (NCOVI) do VNPT cùng các công ty công nghệ thông tin và truyền thông lớn ở Việt Nam nghiên cứu và phát triển; Ứng dụng Vietnam health declaration do Viettel Solutions xây dựng; Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone) do bốn doanh nghiệp công nghệ hợp tác phát triển: BKAV, Memozone, VNPT và MobiFone. Hàng loạt các giải pháp hữu ích như thiết bị đo thân nhiệt từ xa, tự động. Robot lau sàn, khử khuẩn nhanh chóng ra đời…. Thực sự là những tác động tích cực, chủ động của cộng đồng ICT Việt Nam chung tay cùng chính phủ và ngành y tế chặn đứng dịch bệnh.
4/Chính phủ ra Nghị định 91 chặn cuộc gọi rác, tin nhắn rác và email rác
Tình trạng tin rác phổ biến, đã tồn tại nhiều năm.
Nghị định số 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2020. Theo đó, những hành vi vi phạm liên quan tới thư điện tử, tin nhắn, gọi điện thoại cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ tùy theo hành vi, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng; mức phạt cao nhất có thể lên đến 100.000.000 đồng và buộc thu hồi số điện thoại do thực hiện hành vi vi phạm. Những hành vi vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ thư điện tử, tin nhắn, gọi điện thoại quảng cáo, dịch vụ nội dung qua tin nhắn tùy theo hành vi sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng; mức phạt cao nhất có thể lên đến 170.000.000 đồng. Nghị định 91 là hành động cụ thể của Chính phủ để xử lý dứt điểm vấn nạn cuộc gọi rác, tin nhắn rác đã tồn tại nhiều năm.
5/Thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị Make in Vietnam
Ngày 17/1/2020, Viettel đã thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị do chính Viettel sản xuất. Mạng di động 5G chính thức được kết nối thử nghiệm tại Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 10/5/2019, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một cuộc gọi 5G được thực hiện bằng thiết bị mạng do chính Việt Nam tự sản xuất, bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Với sự kiện này, Việt Nam vào nhóm nước dẫn đầu thế giới trong việc triển khai mạng 5G trên các thiết bị do doanh nghiệp trong nước tự sản xuất.
Trước Viettel, trên toàn thế giới chỉ có 5 công ty sản xuất thành công các thiết bị mạng 5G, là Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Viettel đã trở thành công ty thứ 6 trên thế giới sản xuất thành công thiết bị 5G. Đáng chú ý, chỉ có duy nhất nhà mạng của Việt Nam vừa là nhà khai thác viễn thông, vừa có khả năng tự sản xuất các thiết bị mạng.
6/Bùng nổ học online trên truyền hình và các nền tảng học trực tuyến
Sự bùng phát của dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình thức học tập và làm việc. Nhiều quốc gia đã phải áp dụng các hình thức giãn cách xã hội.
Tại Việt Nam, khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, nhiều trường học đã phải đóng cửa để đề phòng sự lây lan của virus. Tuy nhiên, để không làm cho việc học tập của học sinh và sinh viên bị gián đoạn, nhiều hình thức học tập từ xa đã được áp dụng, bao gồm việc dạy và học trên truyền hình cũng như trên các nền tảng trực tuyến.
Nhiều chương trình dạy và học trên truyền hình đã được thực hiện để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên, đặc biệt với các học sinh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp. Bên cạnh đó, các ứng dụng dạy học trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams, Google Classroom… cũng đã được nhiều nhà trường sử dụng để giáo viên có thể truyền đạt kiến thức và tương tác trực tiếp với các học sinh, như một buổi học thực sự trên lớp.
Chính nhờ những giải pháp học trực tuyến và qua truyền hình đã giúp cho năm học 2019-2020 vẫn kết thúc đúng thời điểm, đảm bảo cho kỳ thi quốc gia cuối cấp vẫn được diễn ra đúng như kế hoạch ban đầu, bất chấp sự ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến các trường học phải đóng cửa trong nhiều tháng.
7/ Lần đầu tiên tổ chức giải thưởng Make in Vietnam, vinh danh các doanh nghiệp công nghệ số
Tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức diễn ra tại Hà Nội ngày 23-12-2020, lần đầu tiên Bộ TT-TT tiến hành trao giải thưởng sản phẩm số Make in Viet Nam. Đây là Giải thưởng mang tầm quốc gia, lần đầu tiên được tổ chức để tôn vinh các sản phẩm công nghệ số do người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam. Đây là những sản phẩm có đóng góp trong việc giải các bài toán Việt Nam, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia nhằm góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển. Đây cũng là nơi tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, có giá trị thực tế, góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số tại Việt Nam. Giải thưởng cũng sẽ giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tới đông đảo người dân và doanh nghiệp
8/Lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến
Phiên họp toàn thể lần thứ 27 của Ủy ban Pháp luật theo hình thức trực tuyến. Ảnh: quochoi.vn
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV (khai mạc vào ngày 20-5-2020), được chia thành 2 đợt và lần đầu tiên thực hiện họp trực tuyến. Cụ thể, đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 điểm cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tại các phiên họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng. Về biểu quyết, các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên iPad để biểu quyết. Kết quả biểu quyết sẽ được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng.
Đây được xem là một kỳ họp đặc biệt trong lịch sử Quốc hội Việt Nam hơn 70 năm qua. Xuất phát từ thực tế, do tác động của dịch Covid-19 đã làm thay đổi nhiều vấn đề của đời sống, kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế, trong đó có liên quan đến hoạt động họp của các nghị viện. Và thời điểm đó, trên thế giới có hơn 20 nghị viện tiến hành họp trực tuyến, trong đó có Việt Nam.
9/Apple chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam
Cuối năm 2020, hãng Foxconn – chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất máy tính bảng (iPad) và máy tính xách tay (MacBook) từ Trung Quốc sang Việt Nam theo yêu cầu của Apple. Việc Foxconn có khả năng chuyển một số hoạt động lắp ráp iPad sang Việt Nam sẽ đánh dấu đây là lần đầu tiên iPad được lắp ráp bên ngoài Trung Quốc. Apple đã tăng cường năng lực sản xuất iPhone tại Ấn Độ và các công ty lắp ráp AirPod bổ sung một số dây chuyền lắp ráp tại Việt Nam, với khoản đầu tư mới 270 triệu USD vào Việt Nam. Hiện một số AirPod đã được sản xuất tại Việt Nam. Năm 2021, thế hệ thứ ba của AirPod dự kiến cũng sẽ được sản xuất tại Việt Nam.
10/Việt Nam đưa ra chương trình smartphone giá rẻ
Điện thoại Vinsmart do tập đoàn Vingroup sản xuất
Năm 2020, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ TT&TT chỉ đạo thực hiện các biện pháp thúc đẩy hạ tầng, sản xuất thiết bị viễn thông, hướng tới mục tiêu mỗi người dân có một điện thoại thông minh (smartphone), mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo Bộ TT&TT xác định rõ lộ trình phù hợp với phổ cập smartphone giá rẻ bảo đảm thuận lợi cho người dân dùng các dịch vụ số. Bộ TT&TT cho biết, việc phổ cập smartphone và mạng Internet đến từng người dân, từng hộ gia đình sẽ là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số và Chính phủ điện tử. Đồng thời, đẩy nhanh việc chuyển đổi sử dụng thiết bị đầu cuối từ 2G sang điện thoại thông minh 4G với mục tiêu sớm dừng công nghệ 2G để triển khai các công nghệ băng rộng di động thế hệ mới.
Các tập đoàn lớn của Việt Nam như Viettel hay Vingroup cũng đã tuyên bố tham gia chương trình phổ cập smartphone giá rẻ cho người dân. Viettel phối hợp cùng các nhà cung cấp Việt Nam có kế hoạch phân phối loạt smartphone 4G giá dưới 1,5 triệu đồng/máy và feature phone 4G có giá khoảng 400.000 đồng/máy.
Công bố Top 10 sự kiện nổi bật an toàn, an ninh mạng Việt Nam năm 2020
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT vừa công bố 10 sự kiện được cơ quan này nhận định là tiêu biểu, nổi bật của an toàn, an ninh mạng Việt Nam trong năm 2020.
Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của an toàn, an ninh mạng Việt Nam trong năm 2020 theo bình chọn, đánh giá của các chuyên gia Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT:
Bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh mạng cho các sự kiện quốc tế lớn Việt Nam đăng cai
Năm 2020 là một năm vô cùng đặc biệt với Việt Nam. Dù phải đối mặt với đại dịch Covid-19, chúng ta vẫn thể hiện được vai trò là chủ tịch ASEAN 2020 một cách thành công và liên tục có các sáng kiến mới đóng góp cho thế giới.
Đối mặt những khó khăn và thách thức chung đó, trong năm 2020 Việt Nam đã tổ chức thành công hàng loạt sự kiện trực tuyến lớn, quan trọng mang tầm vóc quốc tế và khu vực chưa có tiền lệ trong lịch sử như: Chuỗi hàng chục sự kiện năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37; Hội nghị thượng định lần thứ 41 của Hội đồng liên nghị viện ASEAN; ITU Digital World 2020.
Góp phần vào thành công chung đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, chuyên gia an toàn, an ninh mạng đến từ đơn vị nghiệp vụ các bộ: TT&TT, Công an, Quốc phòng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Việc bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh mạng cho các sự kiện một lần nữa thể hiện được trách nhiệm và vai trò, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
100% bộ, ngành, địa phương triển khai cơ bản Trung tâm SOC kết nối với NCSC
Việc tất cả bộ, ngành, địa phương đều đã triển khai cơ bản Trung tâm giám sát, điều hành an toàn an ninh mạng (SOC) và kết nối kỹ thuật với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC là một bước tiến mới trong công tác bảo đảm an toàn thông tin tại các cơ quan, đơn vị, khi hoàn thành việc triển khai mô hình 4 lớp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Triển khai Trung tâm SOC giúp cho các bộ, ngành và địa phương có thể chủ động trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Đến nay, đã có hơn 10 doanh nghiệp Việt Nam cung cấp sản phẩm/dịch vụ SOC.
Chiến dịch rà quét, xử lý mã độc lần đầu được triển khai trên toàn bộ không gian mạng Việt Nam
Chiến dịch rà quét và xử lý mã độc toàn quốc năm 2020 do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đồng hành cùng các doanh nghiệp trong Liên minh phòng chống mã độc và xử lý tấn công mạng và doanh nghiệp quốc tế triển khai.
Được triển khai thông qua website https://khonggianmang.vn/chiendich2020 trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 12/2020, Chiến dịch được thực hiện đồng bộ tại tất cả các tỉnh, thành phố từ cấp địa phương đến trung ương.
Không những nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dùng Internet Việt Nam, Chiến dịch đã đạt được mục tiêu đề ra là giảm 50% tỉ lệ lây nhiễm mã độc, giảm 50% địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet.
Cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 06 và cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2020
Trong năm 2020 đã có nhiều cuộc thi về an toàn an ninh mạng quy mô quốc gia và thế giới được tổ chức, nổi bật là cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 06 và cuộc thi Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2020.
Vòng chung khảo cuộc thi "Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2020" có sự góp mặt của 10 đội Việt Nam và 6 đội đến từ các nước ASEAN khác.
Các cuộc thi này đã góp phần thúc đẩy, phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đồng thời quảng bá, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Hầu hết các cuộc thi này đều được Bộ TT&TT bảo trợ, Cục An toàn thông tin, Trung tâm NCSC đồng hành.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên công bố danh mục yêu cầu về chỉ tiêu kỹ thuật cho thiết bị đầu cuối, trạm gốc và chất lượng dịch vụ mạng 5G
Sự phổ cập công nghệ 5G sẽ tạo thêm những đột phá sâu rộng về quy mô và tốc độ của thông tin. Việt Nam đang tăng tốc triển khai thương mại hóa mạng di động 5G. Bộ TT&TT đã xác định, yếu tố cần thiết nhất khi triển khai 5G là an toàn, an ninh mạng.
Theo danh mục yêu cầu đã được Bộ TT&TT ban hành, trạm gốc 5G tại Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu phòng chống backdoor.
Vì thế, hành lang pháp lý về an toàn thông tin cho mạng 5G đã được thiết lập, cụ thể là: Quyết định 1529 ngày 8/9/2020 của Bộ TT&TT ban hành bộ chỉ tiêu kỹ thuật cho thiết bị đầu cuối, trạm gốc và chất lượng dịch vụ mạng 5G; Quyết định 1569 ngày 16/9/2020 của Bộ TT&TT ban hành Danh mục yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin cho trạm gốc 5G (5G gNodeB).
Hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Make in Việt Nam đã chiếm hơn 90% các chủng loại sản phẩm
Năng lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng của đất nước được dựa trên một nền tảng hết sức quan trọng là các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong hệ sinh thái an toàn thông tin do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Make in Vietnam trong ngành an toàn, an ninh mạng thể hiện rõ nhất qua việc sáng tạo, sản xuất và nội địa hóa hệ sinh thái của ngành này.
Theo thống kê, nếu vào năm 2015 tỉ lệ sản phẩm an toàn an ninh mạng nội địa mới chỉ đạt 5%. Đến năm 2019, tỉ lệ này tăng lên 55%. Một dấu mốc rất lớn của lĩnh vực an toàn, an ninh mạng nước ta năm 2020 là Việt Nam đã làm chủ hơn 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước và người dân Việt Nam.
Mục tiêu phát triển kép được đặt ra là làm chủ công nghệ, giải pháp, sản phẩm an toàn, an ninh mạng trong nước, từ đó vươn ra thị trường toàn cầu.
Chương trình diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng DF Cyber Defense 2020
Sự kiện Banking Tech 2020 do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và IEC Group tổ chức. Điểm nhấn của sự kiện là Chưong trinh diên tập thưc chiên DF Cyber Defense có sư tham gia của 30 doanh nghiệp, tổ chức tiêu biểu trong linh vưc tài chinh - ngân hàng, bảo hiểm, chưng khoan.
Diễn tập DF Cyber Defence 2020 nhằm tăng cường nang lưc tô chưc ưng pho cho các đơn vị trong linh vưc tai chinh, ngan hang.
Kết quả chương trình diễn tập, dẫn đầu là Techcombank, xếp thứ hai và thứ ba lần lượt là Vietcombank và Cong ty cổ phần chưng khoan VPS, giải Khuyến khích đã được trao cho 2 ngân hàng VIB và Mbbank.
Chưong trinh diên tập thưc chiên DF Cyber Defense sẽ là hoạt đọng được tổ chức thường niên trong linh vưc tài chinh, ngân hàng.
Các biện pháp quyết liệt của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã mang lại hiệu quả
Nghị định 91/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã được Chính phủ ban hành ngày 14/8/2020. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc đẩy lùi nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Triển khai Nghị định 91 của Chính phủ, nhiều giải pháp đã được thực thi trong đó có việc xử lý các thuê bao tiến hành cuộc gọi rác.
Triển khai Nghị định này, nhiều giải pháp đã được thực thi. Trong đó, nhà mạng triển khai hệ thống chặn, lọc tin rác; xử lý các thuê bao tiến hành cuộc gọi rác; ngăn chặn, phát hiện những cuộc gọi giả mạo. Người dân có thể phản ánh qua hệ thống tiếp nhận phản ánh tin rác, cuộc gọi rác thông qua đầu số 5656 do Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT xây dựng.
Có thể thấy, các biện pháp quyết liệt trong năm 2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã mang lại hiệu quả và biến chuyển rõ rệt.
Lợi dụng xu hướng làm việc từ xa mùa dịch Covid-19, các phương thức, thủ đoạn và quy mô lừa đảo trực tuyến tăng cao
Theo những chuyên gia NCSC, các hình thức lừa đảo trực tuyến là một hình thức tấn công mạng phổ biến và lâu đời. Tuy nhiên, trong năm 2020, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện chủ trương giãn cách xã hội để phòng, chống dịch của Chính phủ, hầu hết mọi hoạt động sinh hoạt của người dân đều được thực hiện qua không gian mạng, hoạt động lừa đảo qua hình thức này ngày càng gia tăng, nhất là thủ đoạn đối tượng sử dụng mạng viễn thông, mạng xã hội để lừa đảo.
Hàng loạt phần mềm, sản phẩm phổ biến đã bị khai thác lỗ hổng để tấn công APT
Năm 2020 khi thế giới đang đối phó với một loại virus mang tên Covid-19, trên không gian mạng các nhóm tin tặc trên khắp thế giới cũng hoạt động rất tích cực.
Hàng loạt sản phẩm, phần mềm, ứng dụng phổ biến được công bố các điểm yếu và lỗ hổng bảo mật nguy hiểm. Các nhóm tin tặc khác nhau đã lợi dụng những lỗ hổng bảo mật này để tiến hành nhiều chiến dịch tấn công mạng quy mô khác nhau. Trong đó, Việt Nam không là ngoại lệ khi phát hiện và ngăn chặn hàng loạt chiến dịch tấn công có chủ đích lớn.
Giải thưởng "Make in Vietnam" vinh danh 14 sản phẩm công nghệ số tiêu biểu Gồm 5 hạng mục trong lĩnh vực CNTT, Giải thưởng "sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam" do Bộ TT&TT tổ chức đã tìm ra chủ nhân của 14 giải thưởng được trao và vinh danh sáng 23/12. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải Nhất hạng mục Nền tảng số xuất sắc cho Base.vn. Sáng nay (23/12), trong khuôn khổ...