10 sinh viên nhận giải thưởng Honda Y-E-S trị giá 30.000 USD
Những kỹ sư, nhà khoa học trẻ tương lai đến từ 7 trường đại học vừa nhân hoc bông 30.000 USD va 10 chiêc xe may.
Giải thưởng Honda Y-E-S (Young Engineer and Scientist) năm 2018 khởi động và nhận hồ sơ từ tháng 4. Với sự tham gia của nhiều sinh viên trên toàn quốc, trong 3 tháng, Văn phòng Quản lý giải thưởng đã nhận 103 hồ sơ của các thí sinh có thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật thuộc 10 trường đại học liên kết.
Sau 3 vòng thi, ngày 8/12 tại Hà Nội, giải thưởng đã trao cho 10 sinh viên xuất sắc thuộc 7 trường đại học gồm: Đại học Bách Khoa Hà Nội; Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP HCM; Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Giao thông Vận tải; Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP HCM; Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Khoa học – Đại học Huế.
Ban tổ chức và 10 gương mặt xuất sắc đạt giải thưởng Honda Y-E-S 2018.
10 sinh viên nhận 10 suất học bổng với tổng trị giá 30.000 USD và 10 xe máy Honda do Công ty Honda Việt Nam tài trợ. Sinh viên cũng có cơ hội nhận tiếp phần thưởng Honda Y-E-S Plus trị giá 10.000 USD nếu du học sau đại học tại Nhật hoặc 7.000 USD nếu được chấp nhận và tham gia thực tập tại các trường đại học, các viện hoặc phòng thí nghiệm tại Nhật Bản với thời gian từ 2,5 tháng tới một năm trong vòng 4 năm kể từ khi nhận giải thưởng.
Từ năm 2017, sau khi hoàn thành thời gian thực tập, nếu ứng viên tiếp tục trở lại Nhật học lên thạc sĩ, tiến sĩ sẽ được nhận thêm 3.000 USD hỗ trợ cho công tác học tập và nghiên cứu.
Cũng tại lễ trao giải, các thí sinh đã được đại diện các cơ quan hàng đầu về khoa học, công nghệ tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm để có thể phát triển xa hơn trên con đường nghiên cứu khoa học.
Đánh giá về chất lượng cuộc thi năm nay, Hội đồng tuyển sinh chia sẻ, tại vòng viết luận với đề tài về Trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh hiện nay, nhiều thí sinh đã đưa ra phân tích, dẫn chứng sát thực, cho thấy sự logic cũng như kiến thức sâu rộng của các em. Ở vòng phỏng vấn, các thí sinh cũng đã thể hiện tốt khả năng tư duy, lập luận cũng như kỹ năng thuyết trình, giao tiếp.
Ông Motofumi Nakajima – Trợ lý Giám đốc lĩnh vực hành chính tặng hoa cảm ơn đại diện 10 trường đại học liên kết.
Honda Y-E-S là giải thưởng do Quỹ Honda Foundation (Nhật Bản), Công ty Honda Việt Nam và Viện Chiến lược và Chính sách, Khoa học và Công nghệ (NISTPASS) – Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp triển khai từ năm 2006. Cuộc thi dành cho những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc và hoạt động xã hội tích cực của các trường đại học kỹ thuật và công nghệ trên toàn quốc.
Qua 13 năm đã có 130 thí sinh nhận Giải thưởng Honda Y-E-S và 40 thí sinh tiếp tục nhận phần thưởng Y-E-S Plus để theo học thạc sĩ hoặc thực tập tại Nhật Bản. Nhiều bạn hiện tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu hoặc công tác tại các viện, các trường đại học, các công ty lớn về khoa học, công nghệ cả trong nước và nước ngoài.
Video đang HOT
Ông Lê Hữu Phúc – Phó tổng giám đốc thứ nhất Công ty Honda Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Ông Lê Hữu Phúc – Phó tổng giám đốc thứ nhất Công ty Honda Việt Nam chia sẻ, thông qua giải thưởng Honda Y-E-S đã có rất nhiều ý tưởng sáng tạo và thiết thực nhằm xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Bên cạnh đó, với những hỗ trợ mà giải thưởng đem lại, đơn vị hy vọng thế hệ kỹ sư và nhà khoa học tương lai của Việt Nam được tiếp thêm động lực để theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, đóng góp cho sự phát triển bền vững nước nhà.
Thế Đan
Theo VNE
Tâm sự nhói lòng của chàng trai chạy thận, cựu SV trường ĐH Bách khoa Hà Nội
23 tuổi, cái tuổi mà sinh viên có nhiều ước mơ, hoài bão phía trước còn chưa kịp thực hiện mà đã bị mắc bệnh hiểm nghèo. Đó là năm 2013, tôi đang là sinh viên năm cuối trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Tôi là Ngô Văn Vinh, sinh năm 1992, Quê ở Bắc Giang, một vùng quê nghèo làm nông là chính.
Tai họa ập đến
Hồi đó, là đợt thực tập công nghiệp tại KCN Sài Đồng, Long Biên nơi mà tôi vẫn cùng các bạn, hàng ngày, đạp xe đạp từ trường qua cầu Vĩnh Tuy. Ở năm cuối, tôi nghĩ là thực tập xong kỳ sau làm đồ án và ra trường. Nào ngờ tai họa ập đến với tôi.
Một ngày trong người thấy mệt mỏi, đi khám tại trạm xá Bách Khoa, sau khi xét nghiệm, Bác sỹ kết luận tôi bị cao huyết áp và chuẩn đoán tôi bị suy thận. Suy thận là bệnh gì tôi cũng không biết nữa, và vẫn không tin là mình bị bệnh.
Vài tuần sau, khi cơ thể quá mệt mỏi tôi đi khám và được chuyển sang bệnh viện Thanh Nhàn. Ở đó, Bác sỹ cho biết là tôi bị suy thận độ 3. Vậy là, tôi phải dừng lại mọi thứ, kể cả nghỉ học, để chữa bệnh.
Nhà Vinh rất nghèo lại mắc căn bệnh hiểm nghèo
Trong đầu tôi vẫn cho rằng bệnh nhẹ điều trị xong là khỏi. Nhưng mọi thứ không như tôi nghĩ vì căn bệnh này nguy hiểm, khó chữa và tốn nhiều chi phí. Tôi lại cảm thấy thật buồn vì bố mẹ và gia đình đang đặt kỳ vọng vào tôi rất nhiều mà giờ bản thân lại bị bệnh như thế này.
Trong thời gian 2 tuần trong viện, Mẹ là người ra Hà Nội chăm sóc tôi. Khi đó, tôi chưa phải chạy thận. Sau khi ra viện, tôi quay trở lại học và kết thúc kỳ để chuẩn bị cho kỳ đồ án. Lúc đó dù rất mệt những tôi vẫn tự nhủ phải học cho xong. Nhưng bệnh ngày càng nặng và một lần nữa tôi được đưa vào bệnh viện điều trị.
Sau 3 tháng kể từ khi phát hiện bệnh, Bác sỹ yêu cầu tôi phải lọc máu cấp cứu 3 lần/tuần để bảo đảm sức khỏe. Cuối năm 2013, tôi đã phải bảo lưu các môn để chữa bệnh. Sau đợt lọc máu cấp cứu, đến khi lọc máu chu kỳ, thì tôi chuyển về quê để điều trị ngoại trú.
Hàng tuần 3 lần, tôi phải đi xe máy từ quê ra Hà Nội để điều trị, và sau khi chạy ca lại tự đi xe máy về quê. Khi đó, với tôi, mọi thứ như dừng hẳn lại, kể cả việc phải tạm dừng việc học để để điều trị vì cơ thể tôi vô cùng mệt mỏi không thể tiếp tục được nữa.
Trong lúc đó, bố Vinh cũng vừa mổ mắt, vừa mổ thận
Tôi và gia đình phải đối diện với sự đau đớn, vất vả và rủi ro bởi căn bệnh tôi đang mắc phải. Khi bị suy thận, nghĩa là chức năng thận đã suy kiệt, nên phải ăn kiêng để tránh chất độc và nước trong cơ thể. Tốt nhất là ăn theo chỉ dẫn của Bác sỹ, hạn chế uống nước nhiều để tránh phù và ứ đọng nước trong phổi gây khó thở, rất nguy hiểm.
Không được ăn hoa quả nhiều kali làm hại cho tim gây ngừng tim. Nên uống thuốc điều chỉnh huyết áp, nhịp tim hàng ngày, đi chạy đúng giờ đúng buổi, không được bỏ chạy thì mới có kết quả tốt được. Ngoài ra, luôn luôn nghĩ lạc quan, tích cực cũng là liệu pháp tốt. Tôi điều trị như vậy trong 2 năm tại bệnh viện Thanh Nhàn.
Sau đó, vì bản thân không muốn bỏ học, tôi quay lại trường xin học tiếp nhưng sức khỏe không cho phép vì thế tôi phải bảo lưu 1 lần nữa. Tôi đã trải qua hai năm đầy khó khăn. Trong 2 năm đó, tôi nhận được rất nhiều sự động viên, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần của tất cả người thân và bạn bè.
Mỗi ngày, tôi điều nhận được tin nhắn hỏi thăm từ mọi người, họ đến thăm, động viên và giúp đỡ tôi. Có nhiều lần bi quan tôi từng muốn buông bỏ, nhưng nghĩ về bố mẹ, gia đình và lòng tin của mọi người dành cho tôi thì tôi lại không lỡ làm vậy, tôi tự nhủ phải cố gắng vượt qua bệnh tật. Bản thân mong được quay trở lại trường để hoàn thành nốt chương trình học, rồi đi làm và thực hiện ước mơ của mình.
Luôn hi vọng vào cuộc sống tốt đẹp
Tôi cũng may mắn vì được học tại ĐH Bách Khoa Hà Nội nơi bạn bè và thầy cô giúp đỡ tôi rất nhiều, đặc biệt là Thầy Tuấn, ở Trung tâm Điện tử Y sinh, người Thầy đã đứng ra giúp tôi có động lực quay lại trường học tập. Hơn thế, Thầy còn giúp tôi được chuyển sang BV Bạch Mai, nơi điều kiện điều trị tốt hơn.
Được điều trị ở Khoa thận bệnh viện Bạch Mai, sức khỏe của tôi tốt hơn, ổn định hơn để có thể đi học và tiếp tục thực hiện ước mơ của mình. Hiện tại, tôi vẫn lọc máu chu kỳ tại BV Bạch Mai ca 4, buổi tối. Cuộc sống dù vất vả, khó khăn nhưng tôi vẫn luôn cố gắng. Chúng ta vẫn thường nghe câu "cuộc sống đúng là không giống với cuộc đời!".
Có thể tôi hay các bạn bị bệnh nhưng không có lý do gì có thể ngăn cản chúng ta tiến về phía trước theo đuổi ước mơ và đặt niềm tin và hi vọng thay đổi cuộc sống.
Đến nay tháng 10/2018 cũng là tròn 5 năm tôi bị bệnh , mọi khó khăn tôi đều đã vượt qua. Từ những khó khăn đó, tôi lại quyết tâm và hi vọng vào cuộc sống này hơn. Tôi nghĩ đơn giản lắm, bản thân còn trẻ, phía trước còn nhiều cơ hội.
Tay Vinh chằng chịt những vết kim. Có lẽ sẽ đi theo em suốt một thời gian dài.
Tôi vẫn luôn hy vọng vào cuộc sống này nên lúc nào tôi cũng quyết tâm , mạnh mẽ vượt qua bệnh tật để làm những công việc mình yêu thích. Mọi người nhìn vào tôi và hay nói rằng "khâm phục" tôi, nhưng với tôi mọi việc tôi làm ở hiện tại và tương lai chỉ là hướng đến 1 cuộc sống tốt đẹp hơn, cố gắng giữ gìn sức khỏe để có thể làm được nhiều việc tốt hơn cho cuộc sống.
Có nhiều người hay hỏi tôi tại sao vừa đi học vừa đi làm vừa điều trị bệnh tốt được, lý do chỉ là tôi yêu gia đình, yêu cuộc sống này, để đền đáp những ân tình, cả những niềm tin và hy vọng mà mọi người đã và đang dành cho tôi. "Bản thân còn trẻ, phía trước còn nhiều cơ hội, còn có thể thay đổi thì tại sao mình không cố gắng. Cứ cố gắng và đi về phía trước, không bao giờ bỏ cuộc và hãy vượt qua mọi khó khăn, nên đối diện với nó không nên trốn tránh. Mỗi người chúng ta chỉ được sống 1 lần trong đời, phải mạnh mẽ, quyết tâm để không hối hận về sau" là những điều tôi luôn tự nhủ với bản thân.
Tháng 10/2017, Vinh (áo trắng) đã bảo vệ tốt nghiệp tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội
Khi điều trị ở Bạch Mai, tôi đã quay trở lại trường đặt quyết tâm học nốt các môn còn lại, học tiếng Anh và làm Đồ án tốt nghiệp măc dù có lúc cơ thể mệt mỏi, suy yếu. Sau 18 tháng, tôi đã hoàn thành chương trình học tại trường và bảo vệ tốt nghiệp vào tháng 9/2017.
Tháng 12/2017, cầm tấm tấm bằng trên tay niềm hạnh phúc trong tôi không thể nói thành lời, đã bao lâu rồi tôi mới cảm thấy có một niềm vui thực sự. Lúc đó, tôi chỉ muốn chạy ngay về nhà khoe với Bố, Mẹ. Trước đó, tháng 10/2017 tôi đã ứng tuyển thành công vào FPT Fsoftware và bắt đầu đi làm ngay trong tháng 10. Đến nay, cũng tròn 1 năm gắn bó với công việc thiết kế chi tiết ô tô sử dụng CAD và CAE.
Vinh ứng tuyển thành công vào FPT Fsoftware
Hãy cố gắng từng ngày và luôn đặt niềm tin vào cuộc sống. Hôm nay, tôi viết ra vài dòng trải nghiệm về cuộc sống của tôi trong 5 năm biến cố đã qua. Tôi mong rằng, những bạn có cùng hoàn cảnh với tôi hãy luôn tin tưởng vào cuộc sống dù cho phía trước còn nhiều vất vả, khó khăn và rủi ro nhưng đừng bao giờ ngừng hy vọng và cố gắng. Hãy giữ gìn sức khỏe , dùng sức trẻ để có gắng ở hiện tại và tương lai phía trước. Hãy luôn cố gắng và đặt niềm tin vào cuộc sống các bạn nhé!.
Ngô Văn Vinh
Theo Dân trí
Tổ chức chính thức đầu tiên kết nối trí thức trẻ Việt Nam trên toàn thế giới ra đời Lần đầu tiên trí thức trẻ, các nhà khoa học trẻ Việt Nam trên toàn cầu có một tổ chức đoàn kết, có tiếng nói chung. Mạng lưới là kênh tham vấn cho Chính phủ, các cơ quan chức năng về các vấn đề cần thiết cho sự phát triển của đất nước; nghiên cứu khoa học; đào tạo theo yêu cầu; chuyển...