10 năm, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng gần 5 lần
Công bố khoa học được xem là một trong những thước đo trình độ phát triển khoa học công nghệ và sức cạnh tranh của một quốc gia. Do đó, đầu tư cho KH&CN là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia. Trong 10 năm qua, số lượng các công bố quốc tế thuộc Scopus của Việt Nam đã tăng gần 5 lần, từ 1.764 bài công bố vào năm 2009, lên đến 8.234 bài năm 2018.
(Nguồn: Cơ sở dữ liệu Scopus, truy cập ngày 7/1/2019)
Trong khối ASEAN, Malaysia là nước có dân số đứng thứ 5 trong khu vực với gần 31 triệu dân (vào đầu năm 2019), nhưng đạt số công bố khoa học thuộc Scopus nhiều nhất, với số lượng bài xuất bản trong danh mục của Scopus bình quân hàng năm cao nhất ASEAN – xấp xỉ 24.700 bài/năm. Các con số này của Singapore, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Phillipines lần lượt là khoảng 19.000, 12.850, 9.450, 4.220 và 2.300 bài/năm; các nước còn lại của ASEAN chỉ đạt bình quân 200-300 bài/năm.
Việt Nam trong giai đoạn vừa qua ngày càng quan tâm nhiều hơn tới hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Số lượng và chất lượng các nghiên cứu và công bố không ngừng gia tăng. Thống kê trên Cơ sở dữ liệu của Scopus chỉ ra số lượng các công trình công bố quốc tế của Việt Nam tăng không ngừng qua các năm. Tốc độ tăng khá ổn định, trong đó cao nhất vào năm 2016 (40,97%). Trong khi đó, Indonesia được ghi nhận là nước có tốc độ tăng công bố quốc tế Scopus cao nhất trong khối ASEAN.
Tốc độ tăng công bố Scopus của Việt Nam 2009-2018. (Nguồn: Cơ sở dữ liệu Scopus, truy cập ngày 7/1/2019)
Công bố của các nhà khoa học Việt Nam trên Scopus thuộc tất cả các lĩnh vực, trong đó, tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học kĩ thuật. Trong năm 2018, các lĩnh vực có số lượng nghiên cứu được đăng tạp chí thuộc Scopus đạt từ một nghìn bài trở lên bao gồm: khoa học nông nghiệp, toán học, khoa học vật liệu, vật lí và thiên văn học, khoa học máy tính và kĩ thuật. Các lĩnh vực khác như nha khoa, y tế, khoa học thần kinh, điều dưỡng, thú y, tâm lí học, nghệ thuật và nhân văn có số lượng các bài nghiên cứu thuộc Scopus còn hạn chế, đều dưới 100 bài.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát huy khả năng sáng tạo và giúp các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên tạo ra những sản phẩm KH&CN có giá trị, hiện nay các trường đại học ở Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích và đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Các trường đại học tổ chức các hoạt động nghiên cứu cấp cơ sở, hỗ trợ giảng viên và sinh viên tham gia, cùng với đó là các chính sách khuyến khích ngày càng mạnh.
Video đang HOT
Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) chi thưởng hơn 30 triệu đồng cho mỗi bài báo của giảng viên hoặc sinh viên được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus; kết quả là không chỉ tỷ lệ bài báo quốc tế/tiến sĩ của trường tăng đáng kể, mà gần đây, có sinh viên vừa tốt nghiệp đã có đến 6 bài báo quốc tế.
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM công bố trao thưởng đến 200 triệu đồng cho bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus.
Trường Đại học Ngoại thương có chính sách thưởng 30 triệu đồng/bài báo ISI, và 20 triệu đồng/bài báo Scopus. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) ưu tiên thực hiện chính sách cấp kinh phí công bố bài quốc tế có chỉ số ISI (trong trường hợp các tạp chí quốc tế có yêu cầu nộp lệ phí): mức hỗ trợ đối với bài báo thuộc ISI là 15 triệu đồng và 450 giờ NCKH, bài có ISSN quốc tế là 10 triệu đồng và 300 giờ NCKH.
Trường Đại học Y dược TP.HCM cũng đã có chính sách khen thưởng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có bình duyệt: với nhóm 1 là 2 triệu đồng x chỉ số tác động (Impact Factor, IF) (làm tròn lên đến mức 0,5); nhóm 2 là 3 triệu đồng x chỉ số tác động (làm tròn lên đến mức 0,5)/số tác giả.
19/23 trường đại học công lập thí điểm tự chủ giai đoạn 2015-2017 có bước nhảy vọt về số lượng cũng như chất lượng các bài báo công bố quốc tế. Trong giai đoạn 2013-2016, số lượng các bài viết được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng lên nhiều nhất (số lượng năm 2016 gần gấp đôi so với năm 2014 – từ 848 bài tăng lên 1.651 bài). Số hợp đồng chuyển giao công nghệ tăng gần gấp 3 lần trong giai đoạn 2013-2015. Trong số các trường đại học ngoài công lập của cả nước, trường Đại học Nguyễn Tất Thành và trường Đại học Duy Tân là hai cơ sở dẫn đầu về đầu tư cho KH&CN và về số bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus.
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, số lượng các nghiên cứu quốc tế của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực. Các trường đại học, các viện nghiên cứu của Việt Nam cần có những chính sách cụ thể, hiệu quả hơn nữa để khuyến khích các học giả tham gia nhiều hơn vào nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong những lĩnh vực công bố còn khiêm tốn như y tế, nha khoa, thú y, khoa học quyết định, kinh tế và quản lý, nghiên cứu đa ngành, v.v… Việt Nam cũng cần thúc đẩy mô hình hợp tác liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp để tăng nguồn kinh phí cho nghiên cứu khoa học, đồng thời gia tăng khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Nguyễn Thu Thủy, Trần Tú Uyên
(Trường Đại học Ngoại thương)
Theo Dân trí
Toán học Việt Nam liệu có thực sự dẫn đầu ASEAN?
Theo các nhà toán học, tuy nhiều năm dẫn đầu các nước ASEAN về số lượng công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín nhưng chỉ số này không đủ giúp nền toán học nước nhà đạt đẳng cấp "dẫn đầu" khu vực.
Số lượng công bố quốc tế ngành toán Việt Nam liên tục dẫn đầu ASEAN từ 5 năm nay - ẢNH QUÝ HIÊN CHỤP LẠI TÀI LIỆU
Bất ngờ vì bước tiến bộ lớn
Như Thanh Niên đã đưa tin, theo báo cáo khảo sát của nhóm Trắc lượng khoa học Việt Nam Scientometrics for Vietnam (S4VN), toán học Việt Nam nhiều năm dẫn đầu các nước ASEAN về công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín. Thông tin này nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là từ những người thuộc giới học thuật.
Chia sẻ với Thanh Niên, nhiều nhà toán học cho rằng, đây là một tin vui và rất ý nghĩa với cộng đồng toán
"Để có được thành tích khoa học của một quốc gia, cần có sự nỗ lực của rất nhiều cá nhân, và ngược lại, những nỗ lực đó cần được ghi nhận. Toán học hay bất cứ khoa học nào không phải là cuộc chơi của một vài cá nhân xuất sắc, mà thực sự cần một cộng đồng. Cộng đồng đó có lớn, có mạnh có nhiều thành viên giỏi thì mới sản sinh ra các cá nhân xuất sắc. Mặt khác, thành tích chung của một cộng đồng sẽ được nâng lên nếu mỗi cá nhân có ý thức đóng góp cao".
GS Phùng Hồ Hải ( Viện trưởng Viện toán học - Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam)
học trong dịp đầu năm mới. GS Đinh Nho Hào, Viện toán học - Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nói: "Cá nhân tôi thấy đây là một tin vui và cảm thấy bất ngờ, vì chưa bao giờ tôi nghĩ rằng số công bố Web of Science của Việt Nam lại cao hơn của Singapore!".
Các nhà toán học người Việt hiện đang làm việc tại các trường đại học danh tiếng của thế giới cũng cho biết, họ thật sự bất ngờ trước tin vui này.
GS Lê Tự Quốc Thắng, Học viện Công nghệ Georgia (1 trong 5 trường mạnh nhất nước Mỹ về các ngành kỹ thuật), cho biết dù vẫn thường xuyên có mối liên hệ và cộng tác với cộng đồng toán học trong nước, nhưng ông cũng không ngờ giới toán học nước nhà lại đạt được bước tiến bộ lớn như thế.
GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện toán học - Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, cho rằng để đạt được tiến bộ vượt bậc của toán học nước nhà hiện nay thì vai trò của quỹ Nafosted và của Chương trình trọng điểm phát triển toán học 2010 - 2020 là cốt yếu.
GS Ngô Bảo Châu cũng bình luận: "Những con số này có thể làm minh chứng cho sự khởi sắc của toán học Việt Nam trong 10 năm gần đây, lấy mốc là sự kiện Việt Nam đăng cai IMO năm 2007 và khởi động chương trình trọng điểm quốc gia về phát triển toán học 2010 - 2020 theo gợi ý của ông Nguyễn Thiện Nhân khi đó là Phó thủ tướng".
Vẫn thiếu những đỉnh cao
Nhưng theo GS Phùng Hồ Hải, bảng xếp hạng vừa rồi của nhóm S4VN là dựa trên số lượng công bố trong khi số lượng công bố lại không phải là tất cả, mà chỉ là một chỉ dấu trong nền toán học. Vì thế, mặc dù số công bố ISI ngành toán của Việt Nam hơn Singapore, nhưng không thể chỉ căn cứ vào đó để nói rằng nền toán học của chúng ta hơn họ.
Bởi, nếu phân tích sâu hơn các chỉ số, chẳng hạn xét số lượng những bài báo công bố ở các tạp chí Q1 (là các tạp chí chiếm vị trí cao nhất trong danh mục các tạp chí quốc tế uy tín - phóng viên) thì chưa chắc mình đã hơn Singapore, và nếu xét số lượng những bài được đăng trên tạp chí đỉnh cao thì chắc chắn ta thua bạn.
GS Đinh Nho Hào thì khuyến cáo, ngoài thông tin đáng khích lệ mà nhóm S4VN công bố, giới toán học nước nhà cần quan tâm để cải thiện một số vấn đề có tính cốt lõi để đánh giá sự phát triển của một nền khoa học. Chẳng hạn như Việt Nam chưa có các công bố xuất sắc và chưa được thế giới công nhận là "có đẳng cấp" vì chưa có nhà toán học Việt Nam nào được mời làm các báo cáo mời ở các hội nghị quan trọng. Ngoài ra, ta cũng chưa có được một trường phái nào trong toán học.
Còn GS Lê Tự Quốc Thắng cho biết, sau khi đọc bài trên Thanh Niên, ông đã tiếp tục tìm hiểu sâu hơn chất lượng công bố của các nhà toán học Việt Nam năm 2017, thì nhận thấy: Việt Nam không có bài nào trong 10 tạp chí toán học có thứ hạng cao nhất, còn Singapore có 1 bài; Việt Nam có 23 bài trong các tạp chí hạng A* của Hội Toán học Úc, Singapore có 56 bài; Việt Nam có khoảng vài ba bài trong các tạp chí "đỉnh cao nhất" (được đăng ở Adv in Math), trong khi Singapore khoảng chục bài trên các tạp chí như vậy, gồm 1 bài trong Ann Sci ENS, 6 bài ở Adv in Math, 2 bài ở SIAM J On Discrete Math, 1 bài ở Amer J Math.
Tuy nhiên, GS Lê Tự Quốc Thắng cho rằng, vẫn có thể hy vọng vào tương lai của nền toán học Việt Nam. "Tôi thấy lớp trẻ ở Việt Nam nhiều người làm toán giỏi, có triển vọng", GS Thắng nói.
Theo thanhnien
Toán học Việt Nam dẫn đầu ASEAN về số lượng công bố trên tạp chí uy tín Toán học Việt Nam nhiều năm dẫn đầu các nước ASEAN về công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín là thông tin vừa được đưa ra bởi nhóm S4VN trên trang của nhóm sáng nay, 1.1. Toán học Việt Nam liên tục dẫn đầu ASEAN từ năm 2014 đến nay - ẢNH QUÝ HIÊN CHỤP LẠI TÀI LIỆU Toán...