10 năm dạy Hán Nôm miễn phí
Thầy Lê Trung Kiên trao tặng chữ tại lễ tốt nghiệp khóa 3 Nhân Mỹ học đường.
Từ ngày Anh ngữ lên ngôi, Hán học thất thế, mực tàu, giấy bản, bút lông và những con chữ tượng hình tưởng chừng như đã rơi vào kí ức, chỉ còn có thể hoài niệm qua hình ảnh những trang sách ố màu. Thế nhưng, hơn 10 năm qua, có một con người bằng tài năng và tâm huyết đã miệt mài truyền dạy vốn kiến thức Hán Nôm cho mọi người nhằm giữ gìn văn hóa cổ truyền của cha ông. Đó là thầy Yên Sơn Lê Trung Kiên, người sáng lập và trực tiếp giảng dạy tại Nhân Mỹ học đường.
Người đam mê chữ thánh hiền
Chùa Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trầm mặc trong một chiều mưa đông lạnh giá. Trong gian nhà rộng rãi, hàng chục con người ngồi ngay ngắn, vừa chăm chú lắng nghe giảng vừa hí hoáy lên trang vở trắng những con chữ vuông vức như đúc từ khuôn ra. Trên bục cao, thầy Lê Trung Kiên đang khoan thai giảng cho học trò nghe về phép viết chữ Hán.
Trong 6 phép tạo chữ Hán (còn gọi là lục thư), thầy dừng lại lâu hơn cả ở phép “hình thanh”, vì đây là cách tạo tự có khả năng phái sinh ra lượng chữ Hán lớn nhất. Cứ mỗi một chữ viết ra, thầy đều dừng lại giảng giải rất sâu về các bộ thủ cấu tạo, cách viết, ý nghĩa và cách phân biệt. Thầy đem cả triện thư, lệ thư, khải thư, hành thư ra để minh họa cho học trò dễ hiểu. Lối giảng của thầy vừa dung dị, dễ hiểu vừa uyên bác mà cũng không kém phần hài hước, làm cho môn học Hán Nôm vốn khô cứng, mô phạm trở nên cuốn hút đầy thú vị. “Chữ tác rất dễ nhầm với chữ tộ, cần chú ý. Bộ vị bên trái của chữ tác là bộ nhân, còn chữ tộ là bộ kỳ. Nhớ có năm sát hạch ông đồ ở Văn Miếu, đề thi yêu cầu thí sinh viết bốn chữ “tác tộ bất thông” mà bao người trượt đấy, và như thế thì đúng là … tác tộ bất thông”, thầy Kiên cười xòa.
Video đang HOT
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học ở Ý Yên, Nam Định, thầy Kiên đã sớm được làm quen với chữ Hán Nôm. Từ thuở ấu thơ, cậu bé Kiên đã nhiều lần được thấy ông nội viết Hán tự lên thượng lương nhà mỗi khi trong làng có đám cất nóc, nhiều lần được nghe lỏm ông nội và các bậc tao nhân trong vùng bàn chuyện thơ văn. Thích thú với những con chữ vuông vức mà uyển chuyển, Kiên cầm bút nguệch ngoạc học viết theo sách Tam tự kinh. Tình yêu với Hán Nôm, với cổ học cũng được khởi lên từ đó.
Lên đại học, Kiên theo học ngành ngôn ngữ rồi Báo chí của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Theo học ngành nghề không liên quan nhưng Kiên vẫn âm thầm nỗ lực tự học để nâng cao hiểu biết Hán Nôm của mình. Kiên nhận thấy, Hán Nôm không chỉ là con chữ, đó còn là văn hóa, là lễ nghi, đạo đức, là hồn cốt mấy mươi thế kỉ của cha ông để lại. Học Hán Nôm, với Kiên, vì thế chính là để trở về với quá khứ, để nhập vào mạch nguồn văn hóa cổ và tạo đà cho cả hiện tại lẫn tương lai. “Hán Nôm là công cụ để hiểu về kí ức dân tộc, dù cho đó là thứ chữ ta vay mượn của bên ngoài. Muốn hiểu văn hóa Việt mà không biết Hán Nôm, không giỏi chữ Hán Nôm thì thật là còn nhiều khiếm khuyết”, thầy Kiên chia sẻ.
Lớp học nơi cửa Phật
Thầy Lê Trung Kiên là người có duyên với Phật môn. Ngày còn đi học, thầy đã ở nhờ trong chùa, xem đến mòn các bức hoành phi, câu đối, cổ văn lưu trữ trong chùa. Qua việc nghiên cứu các di văn Hán Nôm còn sót lại và kinh điển Phật giáo tại ngôi các ngôi cổ tự trong suốt gần 10 năm tá túc nơi cửa Phật, thầy Kiên ý thức được giá trị của Hán Nôm trong đời sống văn hóa xã hội. Và cửa Phật một lần nữa cũng chính là nơi thầy mở lớp dạy Hán Nôm miễn phí của mình.
Năm 2005, thầy Kiên bắt đầu mở lớp. Lớp học ban đầu được đặt tại chùa Nhân Mỹ (quận Nam Từ Liêm) vì thế mọi người thường cho rằng cái tên Nhân Mỹ học đường bắt nguồn từ tên địa danh này. Song, nếu chỉ có thế thì mới thấy được vỏ mà chưa biết được sự sâu sắc đầy ý vị bên trong. Thầy Kiên giải thích rằng, cái tên Nhân Mỹ học đường lấy ý từ câu nói của Khổng Tử “Lý nhân vi mỹ” có nghĩa là nơi có đức nhân thì tốt đẹp. Nhân Mỹ học đường, vì vậy không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là nơi truyền bá cái hay, cái đẹp về văn hóa, nhất là lối ứng xử xưa phù hợp với cuộc sống hôm nay.
Trong kí ức của thầy Kiên, những ngày đầu mở lớp là những chuỗi dài khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua. Ngày ấy, Hán Nôm gần như rơi vào bĩ cực, có khi lớp học của thầy chỉ có vài môn sinh. Nhiều hôm, học trò chán nản không muốn đến lớp, thầy lại phải nhắn tin, gọi điện giục đi học. Nhìn cái cảnh một thầy, một trò cặm cụi trong gian chùa nhỏ, lúi húi ghi ghi chép chép, người thở dài, người lắc đầu ngao ngán. Nhưng cũng có người trân trọng vì nhìn thấy nhiệt huyết bừng bừng trong người thầy nhỏ bé hằng tuần vẫn lên lớp đều đặn kia. Thế rồi, truyền tai nhau, người nọ mách người kia, lớp học dần dần đông lên trong niềm vui của thầy trò.
Từ một lớp học, Nhân Mỹ học đường phát triển ra ba cơ sở đặt tại ba ngôi chùa khác nhau: Chùa Nhân Mỹ, chùa Mễ Trì Thượng và chùa Tứ Kỳ (Hoàng Mai). Đội ngũ giảng viên của trường cũng được mở rộng, quy tụ được nhiều cây Hán học xuất sắc như TS Phạm Văn Anh, TS Tô Lan, TS Trần Trọng Dương, TS Nguyễn Đại Cồ Việt, Ths Nguyễn Đức Bá cùng nhiều nhà thư pháp nổi tiếng như Xuân Như Vũ Thanh Tùng, Tiểu Hạng Nguyễn Trung Hoàng Long, Nam Long Nguyễn Quang Duy, Bách Lĩnh Đặng Anh Việt, Tiếu Chi Nguyễn Hữu Sử, Mặc Sinh Lê Huy Hoàng…
Hiện nay, Nhân Mỹ học đường đào tạo 2 bộ môn: Hán Nôm và thư pháp với 3 chương trình đào tạo cho các đối tượng khác nhau. Chương trình học chữ Hán và thư pháp 4 năm cho người chưa biết chữ Hán; chương trình học thư pháp và các chuyên đề chữ Hán 2 năm cho người đã viết thạo; chương trình học 6 tháng (từ 2016 sẽ được tăng lên 1 năm) dành cho người muốn luyện thư pháp bút cứng. Về Hán Nôm, bên cạnh việc học khối lượng kiến thức kinh điển qua kinh sách của tam giáo (Nho, Phật, Lão), học viên còn được trang bị các kiến thức về các dạng thức Hán Nôm ứng dụng, như các loại văn bản hành chính trong các triều đại lịch sử (chiếu, biểu, hịch, sắc, công văn…), các loại văn bản ứng dụng văn hóa tâm linh (hoành phi, câu đối, gia phả, thần phả, bài vị, phan phướn, khoa cúng, sớ điệp…).
Về thư pháp, ngoài việc học khải thư đối với chương trình đào tạo 6 tháng (bút cứng) và 2 năm (bút lông), thì với khóa học 4 năm, học viên sẽ được học cả thư pháp bút cứng (bút sắt) và thư pháp bút lông, gồm tất cả các thể chữ: Triện thư, lệ thư, khải thư, hành thư, thảo thư. Ngoài học chữ trên lớp, học viên cũng được tham gia các buổi dã ngoại đến các đền chùa, để khảo tả di tích, tìm hiểu lịch sử, văn hóa và di văn Hán Nôm tại các di tích đó. Triển lãm thư pháp Hàn Mặc là triển lãm thường niên của Nhân Mỹ học đường, tập hợp tác phẩm của tất cả học viên các khóa học thuộc các cơ sở của Nhân Mỹ học đường.
Mỗi năm, Nhân Mỹ học đường chỉ tuyển sinh 1 – 2 lần, mỗi lần khoảng 150 học viên. Là lớp học mở ra với mục đích truyền bá, Nhân Mỹ học đường không đặt tiêu chí tuyển học viên, nghĩa bất cứ ai cũng có thể theo học. Bởi vậy, lớp học đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi: Công nhân, sinh viên, trí thức, người về hưu, công chức nhà nước, thậm chí cả PGS.TS, viện trưởng, vụ trưởng cũng theo học tại đây. Người học vì công việc, người học vì sở thích, người học vì… ham học nhưng tựu trung người ta gặp nhau ở đây là vì đam mê cổ học, vì mong muốn được đắm mình vào mạch nguồn văn hóa của cha ông. Vì thế, học viên tương kính lẫn nhau, sư đồ tương kính lẫn nhau, lớp học tràn đầy tinh thần kính ái.
Đến nay, trải qua 10 năm phát triển, Nhân Mỹ học đường đã tổ chức 9 khóa học, đào tạo cho hơn 1.000 người, chưa kể số học sinh của các thầy ở Đại học Hà Nội và Học viện Phật giáo Việt Nam. Đa số học viên tốt nghiệp đều đạt được trình độ Hán Nôm cơ bản, người xuất sắc thì trở thành những ông đồ, nhà thư pháp. Thầy Kiên còn khoe dịp viết thư pháp xuân Ất Mùi tại Văn Miếu, không tính những giảng sư Nhân Mỹ học đường được mời viết chữ, riêng về học trò đã có 10 người vượt qua vòng sát hạch để tham gia hội chữ, trong khi có hàng chục “ông đồ” thi rớt.
Thầy Lê Trung Kiên đang hướng dẫn học trò viết chữ Hán.
Mong muốn mở rộng
Những giảng sư của Nhân Mỹ học đường đều là những người có công tác riêng. Như thầy Kiên đang công tác tại Ban Tôn giáo Chính phủ, TS Phạm Văn Ánh làm việc tại Viện Văn học, TS Nguyễn Đại Cồ Việt là giảng viên Đại học Ngoại ngữ. ThS. Nguyễn Đức Bá công tác tại Ban Quản lý Di tích Đền Hai Bà Trưng; Ths Lê Huy Hoàng là giảng viên Đại học Sư phạm Xuân Hòa…. Công việc bận rộn nhưng các thầy vẫn cố gắng xếp lịch để có thể đứng lớp và nhiệt tình giảng dạy. Đủ thấy cái tâm của những con người nặng lòng với văn hóa cổ.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, thầy Kiên mong muốn được mở rộng hơn lớp học của mình và tổ chức thêm được nhiều hoạt động gắn với cộng đồng, như tư vấn trùng tu di văn Hán Nôm tại các di tích, phiên dịch kinh sách Hán Nôm cổ, tổ chức triển lãm, tặng chữ… nhằm tạo thêm cơ hội cho các học viên được học tập và trải nghiệm. “Những năm gần đây, Hán Nôm đã được hồi phục, lượng người theo học cũng tăng lên đáng kể, tôi hy vọng xã hội sẽ quan tâm hơn đến di sản văn hóa của cha ông và có những hành động thiết thực để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đó trong đời sống xã hội. Nhân Mỹ học đường sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa việc hoằng truyền các giá trị văn hóa truyền thống dựa trên cứ liệu ngữ văn Hán Nôm phục vụ việc xây dựng và phát triển nền văn hóa truyền thống của dân tộc”, thầy Kiên chia sẻ.
Theo laodong.com.vn