10 lợi ích của việc kể chuyện cho trẻ
Nhờ nghe kể chuyện từ bé, trẻ ý thức được về nguồn gốc và văn hóa, phát triển khả năng hùng biện.
Bạn kể chuyện cho con bao lâu một lần? Với áp lực cuộc sống ngày nay, rất ít phụ huynh dành thời gian làm việc này. Nghiện công nghệ cũng là lý do khiến phụ huynh và trẻ xa cách.
Niềm vui đơn giản nằm trong lòng mẹ và nghe kể một câu chuyện từ cuốn sách hoặc từ trí nhớ dần biến mất trong thế giới hiện đại. Ký ức thời thơ ấu bây giờ là những lần ngủ quên khi đang xem một bộ phim hoạt hình yêu thích.
Trang Mom Junction đưa ra 10 lợi ích của việc kể chuyện trong việc phát triển tính cách của trẻ, đặc biệt là trẻ mẫu giáo.
1. Dạy trẻ về đạo đức
Trẻ con trên khắp thế giới thích nghe kể chuyện. Chúng muốn biết nhiều hơn về nhân vật yêu thích và thường bắt chước theo họ. Nếu câu chuyện đi kèm thông điệp ý nghĩa, bạn có thể khắc sâu vào đầu con từ sớm những phẩm chất tốt như lòng can đảm, sự thật thà, trí thông minh…
2. Ý thức về nguồn gốc và văn hóa
Những câu chuyện về tuổi thơ của bạn giúp con cảm thấy gần gũi hơn với truyền thống, văn hóa của dân tộc hoặc của gia đình. Trẻ có thể so sánh với hiện tại để biết sự khác nhau.
Kể chuyện trước giờ đi ngủ giúp mối quan hệ giữa bố mẹ và trẻ gần gũi hơn. Ảnh: Shutterstock
3. Giúp trẻ nói năng lưu loát hơn
Khi đọc to một câu chuyện, bạn đang để con làm quen với ngôn ngữ, học được những từ mới, cách diễn đạt hay. Nhờ nghe nhiều, trẻ cũng sẽ phát âm rõ ràng hơn.
4. Cải thiện kỹ năng nghe
Đa số trẻ chỉ tập trung trong thời gian ngắn, cảm thấy khó khăn khi phải theo dõi một câu chuyện dài. Do đó, trẻ có thể nói nhiều nhưng không dành thời gian nghe người khác nói.
Việc kể chuyện không chỉ giúp trẻ cải thiện khả năng chú ý mà còn khiến chúng thích lắng nghe để thấu hiểu.
Video đang HOT
5. Khuyến khích khả năng tưởng tượng và sáng tạo
Thay vì xem phim hoạt hình với hình ảnh, âm thanh sống động, trẻ có thể phát triển trí tưởng tượng về các nhân vật, địa điểm trong một câu chuyện. Suy nghĩ tự do cũng giúp trẻ sáng tạo hơn, không theo khuôn mẫu.
6. Công cụ để rèn luyện trí nhớ
Bằng cách sử dụng các ý tưởng thông minh, bạn có thể tận dụng việc kể chuyện để rèn trí nhớ cho trẻ. Mỗi lần đọc to một câu chuyện vào giờ đi ngủ, bạn hãy yêu cầu con kể lại sau vài ngày hoặc phát triển câu chuyện theo ý mình. Trẻ sẽ tập trung hơn khi thường xuyên được giao nhiệm vụ này.
7. Mở rộng phạm vi hiểu biết
Trẻ nhỏ chưa nhận thức về các nước hoặc các nền văn hóa trên thế giới. Bạn hãy lựa chọn những câu chuyện đơn giản nhưng đa dạng, về nhiều chủ đề hoặc nhiều quốc gia.
8. Việc học tập trở nên dễ dàng hơn
Nghe kể chuyện là một bước thang trên chặng đường học tập của trẻ. Nhiều học sinh có thói quen học vẹt, không thực sự hiểu nội dung. Khi kể chuyện trở thành hoạt động thường xuyên, trẻ sẽ thích thú với những gì mình đọc được.
Ngoài ra, nếu trẻ không thể tiếp thu môn lịch sử ở trường, bạn có thể biến thành chuyện kể để trẻ háo hức và tò mò hơn.
9. Giao tiếp tốt hơn
Đôi khi, trẻ ngần ngại đặt câu hỏi dù vô cùng tò mò. Nghe kể chuyện thường xuyên, được bố mẹ đặt nhiều câu hỏi, trẻ học được thói quen này. Không chỉ cải thiện giao tiếp hàng ngày, nhiều trẻ còn phát triển khả năng diễn thuyết, hùng biện.
10. Dễ đối mặt với tình huống khó khăn
Trẻ con thường ngây thơ và bối rối trước tình huống khó khăn. Những câu chuyện với rất nhiều nhân vật và nghịch cảnh trong đó giúp trẻ hình dung tốt hơn về những rắc rối. Phụ huynh nên kể cho con cả chuyện buồn lẫn chuyện vui nhiều như nhau, nhằm giúp con trang bị tốt hơn cho cuộc sống phức tạp.
Theo VNE
Từng bước giúp con thoát khỏi nỗi ám ảnh bị bắt nạt
Thay vì tự ý ra mặt vì xót con, bố mẹ nên hỏi con cách giải quyết để xây dựng sự tự tin ngay cả trong tình huống tồi tệ.
"Nhiều người nghĩ rằng phụ huynh đang làm quá lên để bảo vệ con. Nhưng khi tôi nói chuyện với những người 80 tuổi, họ nhớ rõ ai hành hạ mình thời đi học và cả tên của những đứa trẻ lớp một dám đứng lên bảo vệ họ khi đó. Đây là nỗi đau kéo dài suốt cuộc đời", Peggy Moss, tác giả người Canada chuyên đấu tranh cho trẻ bị bắt nạt nói trên Empowering Parents.
Không bậc làm cha làm mẹ nào muốn nghĩ về việc con bị bắt nạt khi đi học. Tuy nhiên, sự thật là hơn một nửa số trẻ có liên quan đến vấn nạn học đường này, từ thủ phạm, nạn nhân cho đến nhân chứng.
"Hãy lắng nghe con nói mà không tỏ ra giận dữ hay thất vọng. Đặt cảm xúc của bạn sang một bên, ngồi xuống và để con nói hết những ấm ức, sau đó thể hiện rằng bạn rất chú ý lắng nghe bằng cách nhắc lại câu chuyện con vừa kể", Sandra Hiller, quản lý khu vực London và đông nam nước Anh về dịch vụ gia đình đưa ra lời khuyên trên BullyingUK.
Câu hỏi hợp lý nên là "Con muốn mẹ giúp như thế nào?", hoặc "Điều gì sẽ làm con cảm thấy khá hơn trong tình huống này?", thay vì tự ý quyết định mọi việc ngay lập tức, khiến trẻ căng thẳng hơn và cảm giác bản thân không thể tự làm được việc gì.
Cùng với việc bị bắt nạt, nhiều trẻ sinh ra thói tự kỳ thị bản thân. Thực chất, những vết thương trên thân thể không thể đi mãi cùng năm tháng như những vết thương tinh thần. Trẻ cần được bố mẹ khẳng định "con không có lỗi gì cả", nhắc chúng biết rằng nhiều người nổi tiếng và thành công trên thế giới cũng từng bị bắt nạt.
Cách xử lý của bố mẹ khi con bị bắt nạt ảnh hưởng đến tính cách trẻ sau này. Ảnh: iStock
Là nạn nhân không đồng nghĩa với yếu đuối, kẻ bắt nạt cũng không phải là kẻ mạnh. Đây là điều trẻ chưa thể tự ý thức được và do đó ngày càng thiếu tự tin.
Đôi khi người ta nói những lời hằn học vì muốn nhìn thấy phản ứng nhất định từ người kia. Nếu con bạn không tỏ ra buồn bã vì những lời nói đó, những kẻ bắt nạt có nhiều khả năng dừng lại. Để xây dựng sự tự tin, ngôn ngữ cơ thể và tông giọng đóng vai trò lớn. Bạn có thể cùng con chơi trò nhập vai để thử các tình huống bắt nạt, hướng dẫn con điều chỉnh thái độ.
Ngoài ra, khi trẻ không tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài học tập, việc bị bắt nạt ở trường sẽ thống trị cuộc sống của chúng. Rob Parsons, diễn giả quốc tế về cuộc sống gia đình kiêm tác giả sách nuôi dạy con khuyên phụ huynh cho con tham gia một câu lạc bộ nào đó, tập kịch hoặc học võ tự vệ. Không chỉ giúp trẻ có cơ hội kết bạn mới, thời gian và tâm trí dành cho những hoạt động này làm giảm áp lực ở những môi trường khác.
Những điều cần tránh
Nếu bạn lập tức yêu cầu đến gặp hiệu trưởng, kẻ bắt nạt hoặc phụ huynh kẻ bắt nạt, trẻ sẽ tỏ ra vô cùng sợ hãi và tình hình có thể trở nên tệ hơn. "Đừng bảo con đánh lại bởi không giải quyết được vấn đề. Hơn nữa, với tâm lý của những đứa trẻ bị bắt nạt, phương án này càng làm tăng thêm sự căng thẳng", Sandra Hiller nói.
Một số phụ huynh gạt đi việc con bị bắt nạt, xem đó không phải chuyện đáng bận tâm. Tuy nhiên, nếu con lấy hết can đảm để thổ lộ câu chuyện, bạn không nên nói "đó là một phần của trưởng thành". Bảo con bỏ qua chuyện đó đồng nghĩa khẳng định việc bắt nạt phải được dung thứ, chứ không cần thiết phải ngừng lại. Điều này dễ khiến con bị bắt nạt nhiều hơn trong tương lai.
Sáu bước khiến kẻ bắt nạt không muốn lại gần. Video: Howcast
Đối phó với cảm xúc
Bạn có thể cảm thấy tức giận, đau đớn, tội lỗi, bất lực hay sợ hãi. Những ký ức khi còn là một đứa trẻ giúp bạn đồng cảm với con và có khả năng tìm ra giải pháp, nhưng cũng có thể cản trở cách nghĩ của bạn.
"Hãy chuẩn bị tâm lý để thừa nhận rằng bạn không biết gì và nhờ giúp đỡ qua Internet, gọi điện thoại đường dây nóng, hỏi nhà trường hoặc tìm sách để nghiên cứu", Lyndall Horton-James, nhà tư vấn giáo dục chống bắt nạt nói.
Bà cho biết thêm, truyền đạt với con về bắt nạt học đường chỉ một lần là không đủ. Nghiên cứu cho thấy khoảng 40% trẻ từng được bố mẹ nói chuyện về bắt nạt không thể nhớ những lời đã được nghe.
Cùng nhau học tập trong một môi trường là cơ hội lý tưởng để trẻ nói với nhau về chuyện bị bắt nạt. Do đó, bạn đừng buồn nếu con muốn tâm sự với bạn bè hay người lớn nào khác ở trường, câu lạc bộ về vấn đề của chúng. Ngược lại, bạn cũng có thể thảo luận một cách kín đáo với bạn của mình, nhưng tốt nhất là người bạn đó không có con học cùng trường với con bạn.
Nhận sự hỗ trợ từ nhà trường
Tất cả trường học được yêu cầu có chính sách chống bắt nạt. Một số trường hướng dẫn trẻ kỹ năng lắng nghe hoặc hòa giải tích cực để bạn bè có thể hỗ trợ nhau khi bị bắt nạt. Các trường trung học ở Anh, Mỹ có người cố vấn giúp xử lý vấn đề này, chủ yếu là giải tỏa tâm lý cho học sinh.
Lyndall Horton-James khuyên bố mẹ nên chuẩn bị kỹ trước khi tiếp cận trường học về vấn đề con bị bắt nạt. Bạn cần liệt kê tất cả sự thật: chuyện gì đã xảy ra, xảy ra khi nào, những ai liên quan, những ai chứng kiến, con bạn đã làm gì để dẫn đến việc bị bắt nạt, dù đó chỉ là một lần hay nhiều lần.
Bạn đừng đến trường đột ngột, không báo trước. Mục đích chính là cùng hợp tác với trường và hãy làm rõ bạn đang tìm kiếm sự giúp đỡ.
Đổ lỗi cho trường là điều tối kỵ, bởi giáo viên thường là những người cuối cùng biết chuyện gì đang diễn ra. Những đứa trẻ đi bắt nạt đủ thông minh để không hành động trước mặt giáo viên. Trong khi đó, trình tự chia sẻ của người bị bắt nạt là "bạn bè đầu tiên, rồi đến bố mẹ, sau cùng mới là nhà trường".
Thái độ kiên nhẫn vô cùng quan trọng bởi trường cần thời gian để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, bạn phải giữ liên lạc với họ và sắp xếp một cuộc gặp mặt tiếp theo để nắm được tiến trình.
Trường hợp mọi nỗ lực không đạt kết quả
Khi việc bị bắt nạt kéo dài, phụ huynh nên viết nhật ký, ghi lại chi tiết mọi sự cố càng sớm càng tốt sau khi xảy ra, kèm thông tin ngày tháng, người chứng kiến, con bị tác động như thế nào, con kể lại với ai... Những cuộc gặp gỡ để giải quyết với nhà trường cũng cần được chi chép lại.
Nếu con bị thương, bố mẹ nên chụp ảnh vết thương, đồng thời đưa con đi gặp bác sĩ. Với vụ tấn công nghiêm trọng, bạn cần báo cảnh sát.
Trường có nhiều lựa chọn để đối phó với nạn bắt nạt, bao gồm kỷ luật cảnh cáo, gặp mặt phụ huynh kẻ bắt nạt, đình chỉ hoặc đuổi học. Nếu không hài lòng với phản ứng của trường, bạn có thể phản ánh lên các cơ quan chức năng. Khi con tỏ ra quá sợ hãi, bạn cần trò chuyện nhẹ nhàng hoặc nhờ bác sĩ tâm lý can thiệp.
Việc bỏ cuộc trong trường hợp này không được khuyến khích. Hơn nữa, trừ khi bạn đang giáo dục tại nhà, việc cho con nghỉ học đột ngột là không hợp pháp.
Theo VNE
10 dấu hiệu trẻ bị bắt nạt ở trường Thường xuyên mất đồ hay nhịn đi vệ sinh tới khi về nhà là dấu hiệu cho thấy trẻ có thể là nạn nhân của bắt nạt học đường. Khi bị bắt nạt, trẻ bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần. Trong nhiều trường hợp, trẻ chọn cách giấu người lớn vì lo sợ trả thù. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia...