10 loại mỹ phẩm bà bầu nên tránh
Trước khi quan tâm tới sắc đẹp, chị em cần cân nhắc tới sức khỏe của em bé trong bụng.
Sau đây là 10 loại mỹ phẩm được các chuyên gia y tế liệt kê vào loại nguy hiểm với chị em đang mang thai. Nguyên nhân là các loại hóa chất này có thể hấp thụ qua da vào máu và ảnh hưởng đến thai nhi đang phát triển.
1. Sản phẩm có hương thơm
Các hóa chất được tìm thấy trong nước hoa có thể gây dị tật bảm sinh và ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của em bé. Vì thế ngay cả những sản phẩm dưỡng da, sữa tắm có quá nhiều hương thơm cũng cần hét sức cẩn trọng khi sử dụng.
2. Sản phẩm chứa parabens
Một số loại mỹ phẩm hiện đại có chứa parabens, tuy nhiên, nếu chị em đang mang bầu thì cần đọc kỹ các thành phần trên nhãn và tránh xa loại này. Vì chất parabens có nguy cơ ung thư cao và có thể gây hỏng thai.
3. Gôm xịt tóc
Nguyên nhân là các sản phẩm làm tóc có chứa hóa chất có hại như phthalates có thể gây dị tật bẩm sinh đường tiết niệu của thai nhi.
4. Sản phẩm chống lão hóa
Vì những sản phẩm chống nhăn da thường có nhiều viatmin A, một nguyên nhân gây dị tật bẩm sinh.
Video đang HOT
5. Retinol A
Công dụng của Retinoid rất tuyệt vời cho những ai bị mụn trứng cá hoặc các thiệt hại trên da. Tuy nhiên, nếu chị em đang có bầu thì nên đặc biệt tránh các loại kem này vì nó có thể gây ảnh hưởng tới thần kinh và ảnh hưởng tới tim.
6. Kem chứa axit salicylic (BHA hay beta hydroxy axit)
Thành phần này thường có trong kem trị mụn trứng cá, tẩy tế bào chết và chống lão hóa. Các thành phần này được chứng minh là có khả năng gây biến chứng cho trẻ em trong bụng mẹ, vì thế rất nguy hiểm.
7. Sơn móng tay
Vì hầu hết sơn móng tay hiện đại đều chứa dibutyl phathalate, một nguyên nhân gây tổn thương cơ quan sinh dục của trẻ sơ sinh, đặc biệt là bé trai. Phathalate cũng được tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc da có nhiều hương thơm, lăn nách, gôm xịt tóc và nước hoa.
8. Kem trị mụn trứng cá
Hai thành phần được sử dụng nhiều trong kem này là benzoyl peroxide và hydrocortisone đều có thể gây dị tật cho thai nhi. Dù một số chị em thường có xu hướng nổi mụn trong thời gian mang bầu, nhưng tốt nhất hãy hỏi ý kiến của bác sĩ về loại thuốc trị mụn thích hợp dành cho phụ nữ có thai.
9. Son môi
Hầu hết các loại son môi đều chứa chì, một nguyên nhân có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi và não bộ. Vì thế, hãy lựa chọn những sản phẩm an toàn để đảm bảo cho sức khỏe của chính chị em cũng như thiên thần trong bụng.
10. Kem dưỡng chứa 1,4 dioxane
Thành phần này có thể gây ra ung thư và ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Nó có trong những sản phẩm làm sạch, sản phẩm chăm sóc tóc và kem dưỡng ẩm. Một số sản phẩm từ tự nhiên hay hữu cơ cũng có thể chứa loại này.
Theo phunutoday
Mỹ phẩm - "người tình hai mặt" của phái đẹp
Có những nghiên cứu chỉ ra rằng các hợp chất hóa học khi uống vào không gây ra vấn đề gì cho sức khỏe, nhưng nếu bôi lên da sẽ ngược lại.
Ví dụ như các hợp chất của dẫn xuất parabens (butylmethyl và propylparabens), có trong 90% mỹ phẩm với mục đích ngăn ngừa sản phẩm bị biến chất, khi đưa lên da có thể gây thương tổn cho tuyến nội tiết khiến cho cơ chế tiết chất hóc môn của phụ nữ bị đảo ngược.
Ngày nay, người đẹp không phải chỉ vì lụa mà còn nhờ cả... phấn son, khiến cho sản xuất mỹ phẩm đã và đang trở thành một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận bởi không một người phụ nữ nào trên trái đất này lại có thể kìm lòng mình trước sự cám dỗ đến mê hồn của những mặt hàng có công năng làm cho họ đẹp hơn, trẻ hơn và hấp dẫn hơn... trước phái mày râu. Tuy vậy, sử dụng mỹ phẩm sao cho "cái đẹp không làm chết cái nết" là cả một nghệ thuật mà yêu cầu đầu tiên và cương quyết là phải an toàn tuyệt đối cho sức khỏe người sử dụng.
Công nghiệp sản xuất mỹ phẩm (CNSXMP) hiện nay tung ra thị trường hàng vạn sản phẩm thừa sức thỏa mãn mọi nhu cầu của phái đẹp từ sạch gàu, trắng răng, thơm tóc, đen mi... cho tới cải lão hoàn đồng lớp mô biểu bì trên khắp cơ thể khiến da trở thành mịn màng như "nhung, gấm".
Để tạo ra các sản phẩm trên, ngành CNSXMP đã sử dụng tới 33 nguyên tố hóa học đơn lẻ có trong bảng Tuần hoàn Hóa học Mendelep. Hiển nhiên, các nguyên tố hóa học trên khi đưa vào dây chuyền sản xuất như là nguyên liệu đầu ra đều được kiểm tra một cách ngặt nghèo nhất theo tiêu chuẩn an toàn sức khỏe của châu Âu hay của Mỹ vì thế chỉ giá thành nguyên liệu thôi cùng chiếm một tỷ lệ rất lớn trong tổng thể giá thành sản phẩm xuất xưởng. Tuy vậy, bất cứ sản phẩm tuyệt vời nhất của hãng mỹ phẩm nổi tiếng thế giới nào cũng đều gây ra các phản ứng phụ cho người tiêu dùng.
Một trong những lý do chính đó là 33 nguyên tố hóa học đơn lẻ khi trộn vào nhau có thể tạo ra hơn 551 hợp chất hóa học. Chúng là các muối vô cơ hoặc muối phức hợp giữa nguyên tố hữu cơ và vô cơ.
Cho tới nay, các phòng thí nghiệm hiện đại nhất của thế giới cũng chưa đủ "năng lực" để đánh giá thật chính xác tác dụng phụ của các hợp phức trên tới sức khỏe của người tiêu dùng. Vì rằng để đưa ra một kết luận cuối cùng thật chính xác không chỉ đòi hỏi phương pháp phân tích, thiết bị hiện đại mà còn cần cả thời gian từ vài tháng tới cả chục năm để biểu hiện lâm sàng hiện ra cụ thể.
Mỹ phẩm theo quan điểm của các nhà y học đó là dược phẩm và cũng là thực phẩm. Theo thống kê, trong cuộc đời của một cặp vợ chồng sống bên nhau cho tới tuổi 50, tuy phu quân không dùng son nhưng có thể đã nuốt vào bụng mình tới 2,5kg son từ môi vợ. Còn bản thân người vợ cũng tự đưa vào dạ dày mình một lượng son tới 5kg. Do những đặc thù trên, nên mỹ phẩm được xem là mặt hàng phải được cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm và dược phẩm đặt trong tầm ngắm đặc biệt.
Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng các hợp chất hóa học khi uống vào không gây ra vấn đề gì cho sức khỏe, nhưng nếu bôi lên da sẽ ngược lại. Ví dụ như các hợp chất của dẫn xuất parabens (butylmethyl và propylparabens), có trong 90% mỹ phẩm với mục đích ngăn ngừa sản phẩm bị biến chất, khi đưa lên da có thể gây thương tổn cho tuyến nội tiết khiến cho cơ chế tiết chất hóc môn của phụ nữ bị đảo ngược.
Một chất khác - Petrolatum - có chức năng giữ ẩm, làm mềm và tạo độ bóng cho da do tạo ra lớp màng mỏng trên bề mặt da, nhưng đồng thời cũng ngăn cản quá trình bài tiết của da như đổ mồ hôi, trao đổi không khí và vì thế gây ra sự đầu độc da và kìm hãm sự phát triển của tế bào. Talc (đá Tan) là thành phần chính được sử dụng trong các phấn thoa mặt, cấu trúc và kích thước phân tử của nó tương đồng với amiăng, thường dùng trong phấn trẻ em để thoa vùng bẹn. Tuy nhiên, talc lại có liên quan đến bệnh ung thư buồng trứng và được biết đến như một chất gây ung thư nếu hít phải. Ngoài ra, khi cho chất Triethanolamine (TEA) vào sản phẩm có thể gia tăng tốc độ và hiệu suất tẩy rửa chất nhờn trên da mặt, song "lưỡi dao" thứ hai của nó thật sự khủng khiếp vì TEA là chất gây dị ứng da và một loạt ung thư khác có liên quan về da.
Cơ thể con người nói chung và phụ nữ nói riêng là một bộ máy sinh học vô cùng phức tạp, nó chỉ vận hành một cách trơn tru khi tốc độ trao đổi chất giữa bên trong và bên ngoài cơ thể được đặt trong trạng thái cân bằng. Da không chỉ đảm nhận nhiệm vụ bài tiết, cân bằng nhiệt... mà còn là cơ quan hô hấp quan trọng. Tất cả những điều này nói lên rằng phải bảo vệ da như "bảo vệ con ngươi của mắt mình" vì vậy các hóa mỹ phẩm đưa lên da phải tuân thủ những quy tắc rất nghiêm ngặt và nhất thiết cần sự tư vấn của các chuyên gia.
Cơ địa của từng cá nhân là độc nhất, cho nên loại mỹ phẩm này có thể biến bạn "thành tiên" do "hiệu ứng đẹp" mà loại mỹ phẩm này tạo ra cho chính bạn. Nhưng dùng cho người khác, lại đầu độc làn da do thành phần mỹ phẩm không tương thích với chất thải của cơ thể nằm trên da và chúng kết hợp với nhau tạo thành độc tố gây bệnh về da.
Từ 33 nguyên tố hoá học ban đầu, ngành công nghệ mỹ phẩm đã tạo ra một sản phẩm có chứa tới 551 hợp thức hoá học, còn khi bôi lên da, lên tóc và phụ thuộc vào môi trường (miền có khí hậu ôn đới, nhiệt đới với độ ẩm và nhiệt độ không khí khác nhau cũng như cơ địa của từng khách hàng khác nhau) chúng phối hợp lại tạo ra một danh sách dài dằng dặc các hợp thức hoá học mới mà không có một phòng kiểm nghiệm nào thống kê và nghiên cứu kỹ lưỡng được.
Tuy vậy, người ta cũng đã cố gắng chỉ mặt vạch tên những hóa chất chứa tiềm năng gây ung thư cao. Đó là: Diethanolamine (DEA) - chất thể sữa hòa tan được tìm thấy trong hầu hết các loại dầu gội đầu - có liên quan đến nguyên nhân gây ra bệnh ung thư ở những động vật nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó, chất này còn gây ra sự phát triển kém ở não thai nhi; Chất PVP-VA/ Copolymer (chất đồng trùng hợp) dùng phủ lên tóc một lớp màng cứng và có thể gây ung thư, đồng thời là nguyên nhân của bệnh hen suyễn nếu hít phải; Chất Synthetic fragrances (hương nhân tạo) tạo ra mùi hương nhân tạo từ 600 hóa chất khác nhau có thể là nguyên nhân của bệnh mẫn cảm, gây kích ứng da và các chất khác như methyl; propyl; butyl và ethyl dùng trong mỹ phẩm để bảo quản sản phẩm. Thế nhưng chúng lại mang độc tố cao và là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm da. Ngoài ra, còn có urê imidazolindinyl và diazolidinyl là những chất bảo quản tổng hợp thường được tìm thấy trong dầu gội và xà bông tắm, chúng là những chất giải phóng formalin gây ra ung thư.
Xu thế hiện nay của ngành công nghiệp mỹ phẩm là cố gắng thay thế các chất hoá học chiết từ dầu mỏ, khí tự nhiên, hóa chất công nghiệp... bằng các chất chiết từ cây cỏ tự nhiên, mỡ động vật và nguyên liệu từ trên rừng xuống tận đại dương. Những mỹ phẩm như thế không chỉ có tác dụng làm đẹp mà còn có khả năng chữa bệnh, giảm stress và có giá trị trị liệu làm tịnh tâm người dùng. Phương pháp này rất hữu dụng đối với sức khoẻ cho người tiêu dùng. Tuy vậy bài toán kinh doanh luôn luôn làm đau đầu các nhà sản xuất vì để nâng cao chất lượng sản phẩm không thể chỉ có giảm giá thành mà có khi còn là ngược lại...
Mỹ phẩm có một thị trường tiềm năng dành cho 1/2 nhân loại và những kẻ kinh doanh vô lương tâm sẵn sàng bán mình cho quỷ dữ để tung ra thị trường những sản phẩm rẻ tiền, màu mè hấp dẫn nhằm thu những khoản lợi nhuận kếch sù còn khách hàng sống chết kệ thây. Ví dụ, vừa qua tại Trung Quốc, người ta đã phát hiện ra trong 5 loại thuốc nhuộm tóc được sản xuất tại tỉnh Quảng Đông nổi tiếng trên thế giới bao gồm Revlon Color Silk, Ecosystem No 1 Hair Colorant, Sewame Eshine Colorants, Kangchen 3in1 và Ouwaiya đều có chứa chất lentine. Chất này chỉ được sử dụng phổ biến trong ngành nhuộm công nghiệp nhưng bị cấm sử dụng trong ngành mỹ phẩm vì chỉ hít phải lentine cũng đã có thể gây ra các bệnh về đường hô hấp còn để cho lentine ngấm qua da có thể ảnh hưởng tới thận và gan.
Các chuyên gia của các hãng mỹ phẩm hàng đầu thế giới đã nêu ra hai nguyên tắc vàng cho phái đẹp khi dùng mỹ phẩm: Thứ nhất, không dùng các sản phẩm không được nhà nước cấp phép cho lưu thông trên thị trường; Thứ hai, chỉ dùng mỹ phẩm hợp với cơ địa của mình nhằm không gây dị ứng cho cơ thể. Đó là chìa khóa để mỹ phẩm luôn luôn là "người tình tri kỷ" chỉ biết tôn vẻ đẹp cho chị em lên nhiều cung bậc và vì thế song hành cùng họ suốt đời.
Làm đẹp là một quyền hết sức đáng yêu của phái đẹp. Ở bất cứ thời đại nào, người đàn ông đều muốn người phụ nữ của mình đẹp hết mức có thể, cho dù phải nhờ vào phấn son, vì họ chính là một nửa của tất cả những gì mà đấng mày râu có được trong toàn bộ cuộc đời ở trần thế này. Do vậy, xin chị em hãy làm đẹp nữa, đẹp mãi để hình ảnh bên ngoài của mình cho dù năm tháng có trôi đi và được tính bằng "thế kỷ" cũng mãi tương xứng với tấm lòng son bên trong như thể "vừa tốt gỗ lại đẹp cả nước sơn".
Để làm được điều đó, xin đừng sợ "son" mà hãy hiểu kỹ về nó trước khi dùng sao cho không bị "son ăn mặt". Muốn thế, nhất thiết chỉ được dùng những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ minh bạch. Điều này là hết sức quan trọng vì khi có "vấn đề", căn cứ vào thành phần hóa học của sản phẩm đã được đăng ký, người ta có thể xử lý các sự cố trên một cách hiệu quả nhất và kinh tế nhất.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Bình
CAND