10 giáo viên Quảng Trị sang Lào dạy học
10 giáo viên 22-29 tuổi sang tỉnh Savannakhet (Lào) dạy tiếng Việt, âm nhạc trong năm học 2019-2020, theo thỏa thuận với Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị.
Trong đó, tám giáo viên đã dạy vào năm học trước tại ba trường gồm mầm non Lạc Hồng, tiểu học Thống Nhất và trường THCS Hữu nghị Lào – Việt; hai giáo viên lần đầu dạy tại Lào.
Các giáo viên sẽ giảng dạy tiếng Việt, âm nhạc cho con em người Việt và một phần nhỏ học sinh Lào tại tỉnh Savannakhet. Lương và thu nhập khác của giáo viên do Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet chi trả.
Từng ba năm giảng dạy ở Lào nhưng vẫn tình nguyện thêm một năm nữa, cô Trần Thị Thanh Huyền (26 tuổi) cho biết thương học trò và quý tình cảm của phụ huynh nên không thể từ chối lời mời sang giảng dạy.
Cô Đậu Thị Lệ Hải dạy học tại Lào. Ảnh: Hoàng Táo
Giáo viên Quảng Trị sang Lào dạy học thực hiện theo thỏa thuận giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị với Hội người Việt Nam tại tỉnh Savannakhet, được sự đồng ý của tỉnh Quảng Trị. Vào dịp hè hàng năm, Sở thông báo về các huyện thị tuyển giáo viên tình nguyện dạy học tại Lào, môn dạy chủ yếu là tiếng Việt hai cấp tiểu học và THCS, ngoài ra có âm nhạc, thể dục.
Video đang HOT
Tiêu chí tuyển chọn giáo viên là trẻ, nhiệt huyết, giao tiếp tốt, chưa vào biên chế ngành, ưu tiên tốt nghiệp loại giỏi. Sau ba năm dạy tình nguyện tại Lào, giáo viên được xét tuyển đặc cách vào biên chế ngành giáo dục tỉnh. Sau 10 năm, khoảng 50 lượt giáo viên tham gia giảng dạy ở Savannakhet.
Ông Trần Sái, Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại tỉnh Savanakhet thông tin, tỉnh có khoảng 750 hộ dân gốc Việt, với 4.000 nhân khẩu. Đa số qua Lào từ bốn đến năm đời trước, 75% đã mang quốc tịch Lào nên con cái của họ cũng khó khăn trong học tập và giao tiếp bằng tiếng Việt. Với mong muốn con em được học tiếng Việt do chính giáo viên Việt dạy để giữ gìn gốc gác, Hội đã thành lập năm cơ sở giáo dục tại Savannakhet, từ cấp mẫu giáo đến phổ thông.
Hoàng Táo
Theo VNE
Tập huấn dạy tiếng Việt cho giáo viên kiều bào: đổi mới về giáo trình, nội dung
Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt lần thứ 6 do Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức vừa kết thúc đã đem lại cho những giáo viên kiều bào nguồn kiến thức và cảm hứng mới mẻ, tiếp sức họ trên hành trình gìn giữ ngôn ngữ, văn hóa quê hương.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị phát biểu tại lễ bế mạc. Ảnh: Hoài Hà/Đảng Cộng sản
Phát biểu tại lễ bế mạc tập huấn, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị nhận xét: khóa tập huấn lần thứ 6 đã kết thúc thành công với sự tham gia nhiệt tình của các giảng viên và học viên. Đặc biệt, năm 2019, chương trình tập huấn đã có nhiều đổi mới về giáo trình, nội dung, đáp ứng tình hình giảng dạy thực tế ở từng địa bàn, nhằm đem lại kết quả tốt, hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, khóa tập huấn lần thứ 6 cũng ghi dấu với số giảng viên đông nhất từ trước đến nay, là những nhà sư phạm uy tín, giàu kinh nghiệm trong giảng dạy ngôn ngữ và tiếng Việt của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Quốc gia Hà Nội.
Khóa học đã tiếp sức cho 80 giáo viên, tình nguyện viên kiều bào. Ảnh: A.B/Thế giới và Việt Nam
Không chỉ gói gọn trong những giờ lên lớp, khóa tập huấn còn bồi đắp tình yêu, sự hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa quê hương cho giáo viên kiều bào qua những chuyến tham quan danh thắng, di tích lịch sử ý nghĩa như Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu thắng cảnh Tràng An, cố đô Hoa Lư...
Chất lượng của chương trình được nâng cao qua mỗi năm đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho cộng đồng người Việt xa Tổ quốc.
Thay mặt cho tập thể học viên, cô giáo Nguyễn Phương Dung (kiều bào Belarus) xúc động phát biểu: "Trong mỗi người Việt Nam, dù ở trong hay ngoài nước, bản sắc văn hóa dân tộc luôn được xem là tài sản đáng tự hào, luôn cần được giữ gìn và phát huy. Trong đó, Tiếng Việt chính là sợ dây kết nối lời yêu thương của những người có chung tiếng nói, chung dòng máu Việt, giúp gắn kết trái tim Việt Nam với quê hương, Tổ quốc mình. Những kiến thức thu được từ khóa học và những trải nghiệm từ các hoạt động thực tế tại quê hương chính là động lực để các giáo viên kiều bào tiếp tục công việc giảng dạy tiếng Việt ở nước sở tại", cô Dung chia sẻ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thanh Nghị (phải) cùng các học viên nhận chứng chỉ. Ảnh: Hoài Hà/Đảng Cộng Sản
Một học viên khác, thầy giáo Mai Hải Lâm (Ba Lan) vô cùng tâm đắc với khóa học, bởi bên cạnh những giờ lên lớp, học viên còn được trải nghiệm trong môi trường giảng dạy thực tế, với hoạt động dự giờ, trao đổi kinh nghiệm dạy tiếng Việt tại Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt - Trường Đại học KHXH&NV và Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Với những kiến thức, kỹ năng quý báu được trang bị từ khóa học, các học viên đã bày tỏ nguyện vọng chương trình sẽ được duy trì thường xuyên để tiếp sức cho đông đảo các giáo viên kiều bào.
Trước đề xuất này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị khẳng định, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đạo tạo tổ chức chương trình hàng năm vào trung tuần tháng 8, cũng như nghiên cứu về việc mở các khóa ngắn ngày ở ngay nước sở tại của kiều bào.
Ông Lương Thanh Nghị cũng bày tỏ hy vọng, những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy từ khóa học sẽ là động lực để các thầy cô vượt qua khó khăn, bền bỉ với sự nghiệp "gieo chữ" cho các thế hệ kế tiếp, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp".
Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt lần thứ 6 thu hút 80 học viên đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, là giáo viên không chuyên và các tình nguyện viên (biết nói, đọc và viết thành thạo tiếng Việt), đang hoặc có kế hoạch dạy học cho kiều bào. Khóa học được dẫn dắt trực tiếp bởi 05 giảng viên giàu kinh nghiệm của Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, trường Đại học KHXH&NV.
Theo thoidai
Hơn 100 lưu học sinh Lào được trao chứng chỉ tiếng Việt Đây cũng là khóa học đầu tiên, các lưu học sinh Lào được học theo chương trình mới theo khung đánh giá năng lực ngoại ngữ 4/6 bậc. Chiều 8/8, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An tổ chức Lễ bế giảng khóa đào tạo tiếng Việt cơ sở cho học viên nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, năm học 2018...