10 đại học tại Anh tốt nhất để theo học ngành Khoa học máy tính
Theo lời khuyên của các chuyên gia, sinh viên khi lựa chọn trường ngoài quan tâm đến thứ hạng trường, nên chú trọng đến thứ hạng chuyên ngành bạn dự định theo đuổi bởi mỗi trường đại học có một thế mạnh đặc thù.
Dưới đây là gợi ý về 10 đại học đào tạo ngành Khoa học máy tính uy tín hàng đầu tại Vương quốc Anh. Danh sách 10 đại học này được đưa ra căn cứ theo dữ liệu mới nhất từ Complete University Guide 2020 (Vương quốc Anh), một xếp hạng các khoa học đại học căn cứ trên các dữ liệu về các triển vọng của sinh viên khi tốt nghiệp, tiêu chuẩn đầu vào, chất lượng nghiên cứu và sự hài lòng của sinh viên.
Đại học Warwick (Vương quốc Anh)
Đại học Cambridge
1. Đại học Cambridge: Đại học Cambridge có một cách tiếp cận sâu và rộng, giúp sinh viên phát triển các kỹ năng về công nghệ trong tương lai. Năm một bao gồm các chủ đề về nền tảng của khoa học máy tính và các chuyên đề Toán học. Năm ba cho phép sinh viên tìm hiểu chuyên ngành với nhiều lựa chọn.
Lợi thế lớn nhất: Ngành đào tạo này của trường nổi tiếng với các nghiên cứu tiên tiến và các chuyên ngành rộng lớn cho sinh viên lựa chọn.
2. Đại học Hoàng gia London (Imperial College London): Sinh viên ở đây nghiên cứu về Toán cùng với khoa học máy tính. Về bản chất, chương trình học bao gồm tất cả các nền tảng cần thiết của khoa học máy tính, với trọng tâm là phát triển phần mềm và Toán học. Năm thứ ba sinh viên tham gia vào một dự án cá nhân về Toán học hoặc Khoa học Máy tính.
Lợi thế: Trường có danh sách các mô-đun học phần lớn nhất, điều này có nghĩa là sinh viên có thể tìm kiếm và lựa chọn những lĩnh vực về khoa học máy tính mà mình đặc biệt quan tâm, kể cả những lĩnh vực ít phổ biến.
3. Đại học Oxford: Năm đầu tiên bao gồm các chủ đề cốt lõi như Toán học, Thiết kế và Phân tích thuật toán, Hệ thống kỹ thuật số, Xác suất và Đại số tuyến tính. Năm hai cho phép sinh viên chọn sáu lĩnh vực khác nhau với các tùy chọn như: Cơ sở dữ liệu, một loạt các chủ đề thiết kế máy tính cũng như các khóa học cốt lõi.
Lợi thế: Sinh viên có thể lựa chọn học hỏi thêm bằng cách thực hiện khóa học bốn năm.
4. Đại học St Andrews: Sinh viên năm thứ nhất học các khái niệm cơ bản về khoa học máy tính, một số ngôn ngữ lập trình và nguyên lý. Song song với đó, sinh viên được yêu cầu học thêm một môn học phi khoa học máy tính. Năm cuối cùng bao gồm hầu hết các nguyên tắc lý thuyết và thực tiễn như: Tương tác máy tính của con người, Video games, Cơ sở dữ liệu và Hệ điều hành.
Lợi thế: Tỷ lệ giáo viên, nhân viên/sinhviên cao, như vậy có nghĩa sinh viên sẽ nhận được rất nhiều sự giúp đỡ và hỗ trợ từ giảng viên.
Đại học Warwick
5. Đại học Warwick: Sinh viên được trang bị các kỹ năng về phần mềm, thuật toán và thiết kế hệ thống. Năm thứ hai bao gồm các lĩnh vực như mạng máy tính, lý thuyết và kỹ thuật phần mềm. Năm cuối cùng bao sinh viên thực hiện dự án cá nhân, áp dụng các kỹ năng được học vào một lĩnh vực lựa chọn.
Lợi thế: Sinh viên có thể tăng triển vọng việc làm bằng cách có thể được dành một năm làm việc trong ngành hoặc nghiên cứu ở nước ngoài.
6. Đại học Leeds: Chương trình đào tạo tập trung vào các nguyên tắc cơ bản của lập trình và các nguyên tắc toán học cơ bản của khoa học máy tính. Trong quá trình học tập, sinh viên có tùy chọn để chọn các mô-đun phù hợp với sở thích và kế hoạch nghề nghiệp của họ, chẳng hạn như điện toán đám mây hay phần cứng.
Video đang HOT
Lợi thế: Sinh viên ra trường được các nhà tuyển dụng tìm kiếm rất nhiều. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 94% sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng ở các vị trí chuyên nghiệp hoặc quản lý hoặc đang học cao hơn, tính ở thời điểm sáu tháng sau khi tốt nghiệp.
Đại học Glasgow
7. Đại học Glasgow: Chương trình đào tạo tập trung vào lập trình và được thiết kế để dạy về các nguyên tắc cơ bản của lập trình và hệ thống máy tính. Chương trình giảng dạy bao gồm một loạt các chủ đề như kỹ thuật phần mềm hướng đối tượng, cấu trúc dữ liệu, nền tảng thuật toán và phát triển ứng dụng web. Sinh viên được khuyến khích phát triển sự hiểu biết về các công nghệ hiện đại thông qua các dự án. Họ cũng có tùy chọn đi du học theo Chương trình Erasmus hoặc Chương trình trao đổi quốc tế.
Lợi thế: Sinh viên có điểm số đặc biệt có thể tùy chọn học chương trình nhanh cô đọng hơn, cho phép họ hoàn thành bằng Cử nhân hoặc Thạc sĩ sớm hơn một năm so với thông thường.
Đại học Durham
8. Đại học Durham: Các kỹ năng cốt lõi cơ bản được dạy trong năm một, bao gồm các thuật toán, hệ thống máy tính, Toán lập trình. Năm thứ hai bao gồm một loạt các kỹ năng,tập trung vào phần mềm và lý thuyết.
Lợi thế: Nếu lấy bằng Cử nhân khoa học máy tính, sinh viên có một năm để thực hành, có thể du học nước ngoài hoặc một vị trí trong ngành.
9. Đại học Bath: Chương trình đào tạo cung cấp một nền tảng vững chắc trong khoa học máy tính với lý thuyết và kinh nghiệm thực tế dồi dào. Sinh viên có quyền truy cập vào các cơ sở hàng đầu thế giới như phòng thí nghiệm chuyên dụng và cơ sở tính toán hiệu năng cao…Sinh viên sau khóa học bốn năm có thể làm tại các vị trí ở các công ty hàng đầu, được hỗ trợ bởi một bộ phận các chuyên gia.
Lợi thế: Trường cung cấp bằng cấp về khoa học máy tính bao gồm cả bằng danh dự về trí tuệ nhân tạo và bằng bốn năm với tùy chọn đi du học.
10. Đại học Edinburgh: Chương trình đào tạo được thiết kế kích thích trí tuệ cung cấp cho sinh viên cơ hội để hiểu, thiết kế và thực hiện các hệ thống máy tính. Trong năm thứ nhất và năm thứ hai, sinh viên sẽ học các nguyên tắc cơ bản của lập trình và tính toán cũng như các kỹ thuật cơ bản để quản lý dữ liệu và giải quyết các vấn đề bằng các chương trình máy tính. Trong năm thứ ba và năm cuối, sinh viên có thể đăng ký chuyên về một số lượng lớn các khoá học tùy chọn khóa học nâng cao như: robot, bảo mật máy tính và kiểm tra phần mềm.
Lợi thế: Đại học Edinburgh có liên kết mạnh mẽ với các tên tuổi lơn trong ngành, có thể kể tới các nhà tài trợ bao gồm Google, JP Morgan và Microsoft.
HOA LÊ
TheoThe Telegraph/nhandan
10 đại học Anh có tỷ lệ trúng tuyển thấp nhất
Trang Uscollegeinternational liệt kê 10 đại học có tỷ lệ trúng tuyển thấp nhất nước Anh, dựa vào dữ liệu năm học 2018-2019.
1. Đại học St. Andrews
Tỷ lệ trúng tuyển: 8,3%
Tọa lạc tại St Andrew, Scotland, Đại học St. Andrews (hay Viện Đại học St. Andrews) được thành lập năm 1413, là trường công lập lâu đời thứ ba ở Vương quốc Anh sau Oxford và Cambridge. Suốt sáu thế kỷ qua, trường đã liên tục phát triển thành tổ chức giáo dục thuộc hàng đầu thế giới với số sinh viên đến từ hơn 145 quốc gia. Chính sách nhập học của trường đảm bảo số lượng sinh viên quốc tế luôn chiếm 45% tổng số sinh viên nhà trường.
Tuy nhiên, việc gia nhập Đại học St. Andrews là cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt đối với cả sinh viên trong nước và quốc tế. Để có cơ hội được chọn cao hơn, ứng viên phải đạt từ 240 điểm UCAS trở lên.
2. Đại học Cambridge
Tỷ lệ trúng tuyển: 11%
Được thành lập vào năm 1209, Cambridge là trường đại học lâu đời thứ hai ở Vương quốc Anh, lâu đời thứ tư trên thế giới. Cambridge và Oxford là hai trường đại học có nhiều điểm chung và được gọi là Oxbridge. Ứng viên chỉ được đăng ký một trong hai trường Oxford hoặc Cambridge mà không được phép đăng ký cả hai. Bên cạnh điểm thi UCAS, thí sinh phải thực hiện bài kiểm tra đầu vào do trường thiết kế và phỏng vấn với giáo sư.
3. Đại học London
Tỷ lệ trúng tuyển: 11%
Thành lập năm 1826, Đại học London là trường đầu tiên tại London và là trường đại học đầu tiên ở Anh tuyển sinh viên đa tôn giáo. Gần 200 năm phát triển, trường cam kết mọi sinh viên được phát triển tốt nhất về mặt học thuật, xã hội và tài năng. Đại học London có hơn 135 tổ chức và câu lạc bộ khuyến khích sinh viên thể hiện bản thân.
Đại học London yêu cầu ứng viên người Anh phải đạt điểm A-level trong khoảng AAA - ABB hoặc kết quả GCSE tương đương. Với ứng viên quốc tế, kết quả học tập trung học phải tương đương với điểm số trên.
4. Đại học Kinh tế London (LSE)
Tỷ lệ trúng tuyển: 12,25%
Đại học Kinh tế London được thành lập năm 1985 và hiện có hơn 11.000 sinh viên đến từ khắp nơi. Tỷ lệ sinh viên quốc tế tại LSE khoảng 70%. Trường nổi tiếng với chuyên ngành liên quan đến Khoa học xã hội và nghiên cứu pháp lý.
Năm 2018, trường nhận 6.725 đơn ứng tuyển và chỉ 790 ứng viên trúng tuyển. Đại học Kinh tế London yêu cầu điểm UCAS từ 224 đến 239. Ngoài ra, ứng viên phải trả 70 euro khi nộp đơn đăng ký thông qua nền tảng ứng dụng của nhà trường.
5. Đại học Edinburgh
Tỷ lệ trúng tuyển: 12,28%
Là một trong những ngôi trường lâu đời nhất Scotland, Đại học Edinburgh hiện có hơn 36.000 sinh viên, trong đó, sinh viên quốc tế chiếm 30%. Xếp thứ năm trên bảng xếp hạng, Edinburgh yêu cầu điểm UCAS ít nhất là 224.
6. Đại học Warwick
Tỷ lệ trúng tuyển: 13,14%
Tọa lạc tại thành phố Coventry, Đại học Warwick được thành lập năm 1965 và là một trong những đại học trẻ nhất Vương quốc Anh. Trường nằm trong dự án mở rộng giáo dục đại học của chính phủ Anh nên có tốc độ phát triển nhanh hơn các trường khác. Năm 2017, Đại học Warwick có tỷ lệ việc làm sau đại học cao thứ hai trong khu vực.
Niên khoá 2018-2022, trường nhận 23.000 đơn đăng ký, nhưng chỉ 3.000 sinh viên trong số đó trúng tuyển. Mọi ứng viên phải đáp ứng điểm UCAS trong khoảng 208-223.
Đại học Warwick. Ảnh: Đại học Warwick.
7. Imperial College London
Tỷ lệ trúng tuyển: 14,3%
Imperial College London được thành lập năm 1907 bởi hiến chương hoàng gia và hiện có hơn 18.000 sinh viên với 9.500 người trong số họ theo học các chương trình đại học. Giống như hầu hết đại học trong danh sách, Imperial College London có cơ chế sinh viên rất đa dạng với khoảng 60% sinh viên quốc tế đến từ 140 quốc gia. Trường có thế mạnh trong các ngành: Biến đổi khí hậu, Năng lượng công nghệ, Sức khoẻ toàn cầu...
Năm 2018, trường nhận được hơn 8.500 đơn đăng ký, nhưng chỉ chấp nhận 1.260 sinh, chiếm tỷ lệ 14,3%. Ứng viên được yêu cầu đạt điểm UCAS từ 224 trở lên.
8. Đại học Oxford
Tỷ lệ trúng tuyển: 17%
Đại học Oxford là ngôi trường lâu đời nhất Vương quốc Anh và cũng là môi trường giáo dục hàng đầu của nước này. Ứng viên cần lưu ý không được phép nộp hồ sơ dự tuyển đại học vào cả Oxford và Cambridge cùng một năm, chỉ được phép nộp vào một trong hai trường.
Năm 2018, Đại học Oxford có hơn 47.000 ứng viên dự tuyển hệ đại học nhưng chỉ có 8.800 ứng viên được nhận. Bên cạnh điểm thi, ứng viên phải thực hiện bài kiểm tra đầu vào do trường thiết kế và phỏng vấn với giáo sư giống như ở Đại học Cambridge.
9. Đại học Durham
Tỷ lệ trúng tuyển: 17,68%
Đại học Durham là một trong những trường khó vào nhất do tiêu chuẩn học tập rất cao. Dựa trên số liệu thống kê năm 2018, trường nhận khoảng 19.500 đơn, nhưng chỉ có 3.400 ứng viên trúng tuyển. Ngoài ra, mọi ứng viên nộp đơn đều phải có điểm UCAS trên 224.
10. Đại học Strathclyde
Tỷ lệ trúng tuyển: 20,3%
Đứng vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng là Đại học Strathclyde, thành lập năm 1796. Strathclyde là viện đào tạo công nghệ đầu tiên tại Anh và có số lượng sinh viên lớn thứ ba tại Scotland. Ứng viên nộp đơn phải có điểm UCAS trên 224.
Tú Anh
Theo Uscollegeinternational/VNE
Học viên VUS nhận chứng chỉ Anh ngữ quốc tế Cambridge Vừa qua, Anh văn Hội Việt Mỹ (VUS) đã trao chứng chỉ quốc tế cho 1.982 học viên của trung tâm. Tại buổi lễ, đại diện của VUS và Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge (Cambridge Assessment English) đã trao chứng chỉ Cambridge Starters cho 863 học viên, trao chứng chỉ Movers cho 424 học viên, chứng chỉ Flyers cho...