10 cách phạt con sáng tạo dành cho phụ huynh thông minh
Nếu hai đứa trẻ thường xuyên cãi cọ, bạn hãy cho chúng chui vào một chiếc áo phông lớn, khiến chúng phải làm mọi việc cùng với nhau.
Tận dụng một chút óc sáng tạo, bạn có thể đặt ra những hình phạt có tính răn dạy nhưng không kém phần hài hước, tràn đầy tình yêu và thể hiện sự kiên nhẫn đối với con. Tác giả Lisa Whelchel gợi ý và tổng hợp một số ý tưởng của độc giả trên trang iMom để bạn áp dụng linh hoạt tùy hoàn cảnh và điều kiện.
1. Khi con la hét, khóc lóc mất kiểm soát, bạn hãy yêu cầu con đi vào phòng, không được phép ra ngoài và tiếp tục khóc trong 10 phút. Đó là khoảng thời gian rất dài đối với trẻ, và chúng sẽ không vui khi được bố mẹ bảo khóc đi.
Một cách khác để xử lý cơn cáu kỉnh là nói: “Việc con đang làm quá gây rối cho căn nhà này. Con có thể tiếp tục ở sân sau. Khi khóc xong, con được chào mừng trở lại”. Không có khán giả, cơn cáu kỉnh của trẻ cũng biến mất.
2. Nếu trẻ thường đóng sầm cửa khi tức giận, bạn có thể nói: “Rõ ràng là con không biết đóng cửa đúng cách rồi. Để học được việc này, con hãy đóng và mở cửa một cách bình tĩnh 100 lần nhé”.
Kỷ luật con cần khôn khéo. Ảnh: Kafedra
3. Nếu con thường làm bài tập về nhà cẩu thả, bạn hãy lấy vài trang giấy luyện viết chữ và hỏi: “Việc nào mất thời gian hơn: làm bài này cẩn thận trong 15 phút hay vội vàng trong 10 phút để phải làm lại cộng thêm viết một trang luyện chữ đẹp?”.
Video đang HOT
Tương tự, nếu trẻ lau nhà nhưng theo kiểu đối phó, bạn hãy yêu cầu con làm đi làm lại 3-4 lần vì lần đầu không đủ tốt.
4. Nếu con thường bày bừa ra khắp nhà, bạn có thể lấy một chiếc hộp, dán nhãn “ngày mưa” và đặt đồ chơi con không chịu dọn vào trong đó, chỉ ngày mưa con mới có quyền lấy ra chơi. Điều này còn giúp cho những món đồ cũ trở nên mới lạ hơn trong mắt trẻ.
Bạn cũng có thể chỉ đặt đồ chơi ở đâu đó ngoài tầm với nhưng trong tầm nhìn của trẻ trong một số ngày quy định trước. Hình phạt này giúp trẻ luôn nhớ về món đồ chơi bị cấm và tự điều chỉnh hành vi. Đơn giản hơn, bạn đặt đồ chơi vào tủ, yêu cầu con làm một việc vặt trong nhà mới được lấy ra.
5. Lần tới, khi trẻ “quên” cất máy chơi game, bạn hãy mang đi cất giùm nhưng không chỉ chỗ. Muốn biết máy ở đâu, con sẽ phải tự đi tìm. Việc này khiến trẻ cảm nhận được sự rắc rối và sẽ hình thành ý thức tự cất đồ.
6. Nếu con có nhiều biểu hiện quá khích, bạn hãy chọn một từ và bí mật quy ước là dùng để nhắc nhở con ngừng một hành động nào đó mà không làm con xấu hổ. Chẳng hạn, bất cứ khi nào con trai Tucker làm ồn quá mức khi chơi cùng nhóm bạn, Lisa Whelchel sẽ hét lên, “Này, Batman!”. Cậu bé sẽ biết cần phải bình tĩnh lại trước khi mẹ áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn.
7. Để con học cách tập trung hoàn thành một công việc, bạn có thể đặt hẹn giờ và nói: “Mẹ đang hẹn giờ. Mẹ muốn con dọn sạch phòng (hoặc xếp giày dép, ăn xong cơm) trong 15 phút. Nếu con không hoàn thành, hình phạt của con là…”.
8. Nếu hai đứa trẻ trong nhà thường xuyên cãi cọ, căng thẳng với nhau, bạn hãy cho cả hai chui vào một chiếc áo phông cỡ đại trong một khoảng thời gian nhất định. Khi muốn làm gì đó, chúng sẽ phải làm cùng nhau và học cách phối hợp ăn ý.
9. Một ông bố giao cho con trai việc dọn rác và phân chó ở sân sau mỗi sáng. Cậu bé không làm công việc này một cách tích cực, nên anh nghĩ ra giải pháp sáng tạo: Sau khi xong nhiệm vụ, cậu bé sẽ phải chạy trên sân bằng chân đất. Kể từ đó, bãi cỏ của gia đình họ luôn sạch sẽ.
10. Một bà mẹ có con rất lười đọc. Mỗi khi mắc lỗi, cô bé lớp hai bị mẹ bắt lên thư viện, chọn cuốn sách dày 100 trang trở lên và đọc. Đến cuối năm học, em trở thành người đọc sách nhiều nhất trong lớp và dần không còn ghét sách.
Thùy Linh
Theo Vnexpress
Con nói dối cô giáo, bắt nạt bạn thân, mẹ áp dụng hình thức phạt con "bá đạo" nhưng hiệu quả bất ngờ
Sau khi biết con mắc nhiều lỗi ở trường, người mẹ này đã nghĩ ra cách phạt con khá đặc biệt nhưng mang lại hiệu quả trong việc răn dạy con biết cách cư xử đúng đắn hơn.
Có con ở độ tuổi đến trường là vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu, từ việc chọn trường cho con, kèm cặp con học hàng ngày cho đến việc kịp thời phát hiện hành động chưa đúng, đưa ra các hình thức xử lý để dạy bảo con mỗi khi con mắc lỗi. Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, và trong việc giải quyết các vấn đề của con, cha mẹ cần có cách ứng phó khéo léo, thông minh để vừa có thể khiến bé nhận ra lỗi của bản thân lại vừa giúp bé cải thiện tình hình, tiến bộ hơn trong học tập cũng như ứng xử.
Phạt trẻ là cả một nghệ thuật ứng xử đòi hỏi cha mẹ sự khéo léo và tinh tế (Ảnh minh họa)
Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ có rất nhiều hình thức trách phạt khác nhau. Thế nhưng, cách làm của bà mẹ đến từ Canada này lại có vẻ hơi khác một chút. Chị Amanda Mitchell có con gái là bé Hannah năm nay lên 9 tuổi và đang dần bước vào giai đoạn khá ương bướng. Chị cho biết " Một hôm tôi nhận được cuộc điện thoại từ cô giáo chủ nhiệm của con. Cô nói rằng con bé cả tuần vừa rồi hành xử rất tệ. Hai ngày liên tục bé Hannah bị cô giáo phát hiện đi lang thang trong hội trường nhà ăn thay vì ở trong lớp như lời cô dặn. Hannah còn cố tình chọc ghẹo, bắt nạt chính cô bé bạn thân của mình. Đỉnh điểm hơn là con còn dám nói dối với các thầy cô khác về cô giáo chủ nhiệm lớp."
Ngay lập tức, bà mẹ này đã thực hiện hình phạt với con gái bằng cách thu dọn tất cả đồ đạc trong phòng của con, từ tivi, điện thoại, máy tính, đồ chơi. Mọi thứ trong phòng dường như biến mất chỉ trong nháy mắt, Mitchell chỉ để lại duy nhất chiếc giường và 1 bộ quần áo có in chữ "Chống bắt nạt bạn" cho con gái. Mitchell đề nghị con phải mặc bộ đồ đó trong vòng 1 tuần liền để tỏ rõ thái độ phản đối hành vi bắt nạt bạn của con. Ngoài ra, mỗi ngày bé Hannah còn phải chép phạt 50 lần các cụm từ: "Con sẽ không nói dối - Con sẽ không bắt nạt các bạn - Con sẽ có trách nhiệm hơn với hành động của mình".
Căn phòng trống trơn của con gái sau khi bị mẹ phạt tịch thu mọi đồ dùng.
Sau khi chia sẻ bài viết của mình về cách phạt con, rất nhiều người đã bày tỏ quan điểm ủng hộ và cho rằng đó là cách dạy con khôn ngoan và thông minh. Nhưng cũng không ít người nhận xét rằng cách phạt con của Mitchell có phần cực đoan khi tước đi toàn bộ đồ dùng trong phòng của con, bắt con mặc nguyên 1 bộ đồ trong cả tuần liền như vậy.
Mitchell chia sẻ: " Tôi chưa từng chia sẻ những vấn đề nhạy cảm như thế này trên mạng xã hội bao giờ. Nhưng lần này tôi quá bức xúc và mong muốn kịp thời ngăn chặn các hành vi xấu của con nên tôi đã nghĩ ra cách phạt này. Tôi thường giặt bộ đồ đó cho con vào buổi tối sau khi con đã đi ngủ và tất nhiên không để Hannah biết việc này. Tôi không nghĩ đây là hình phạt quá ghê gớm hay nặng nề với con cái. Nếu bây giờ tôi không phạt bé thì sau này con sẽ phạm những tội còn nghiêm trọng hơn, lúc đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm?".
Phạt con có rất nhiều cách, nhưng phạt làm sao để con hiểu ra lỗi của mình và sửa đổi theo hướng tích cực mới là điều quan trọng (Ảnh minh họa)
Sau khi bị mẹ phạt, bé Hannah đã nhận ra lỗi của mình và vô cùng hối hận về những hành vi không tốt đó. Chị Mitchell cũng đã giảm nhẹ hình phạt đối với con. Thay vì chép phạt 50 lần thì bé chỉ phải viết 25 lần, bé có bốn chiếc áo thay vì một chiếc để mặc thay đổi trong tuần.
Nguồn: Dailymail
Theo Helino
Bận rộn đến mấy cha mẹ thông thái vẫn luôn duy trì cùng con 10 thói quen dưới đây Phụ huynh thông minh vẫn duy trì được sự kết nối với con đều đặn, ngay cả khi con đã bước vào tuổi teen, nhờ họ duy trì những thói quen dưới đây một cách thường xuyên. Rất nhiều cha mẹ phàn nàn rằng càng lớn lên càng thấy con đang dần xa cách mình. Không ít người còn buồn phiền vì có...